Xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng tối thiểu 10%

Một số mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may vẫn sẽ giữ được thị trường, giầy dép chắc chắn vẫn giữ được đà tăng trên 11% và đồ gỗ nội thất cũng vẫn có nhiều triển vọng.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ - ông Ngô Văn Thoan cho biết, với điều kiện hiện nay và năng lực xuất khẩu của Việt Nam, năm 2010 xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng tối thiểu 10% so với năm nay.

Ông Thoan cho biết trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trao đổi thương mại Việt - Mỹ trong năm nay vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt xấp xỉ 10,3 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 2,3%, nhưng đây là mức giảm thấp nhất trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ, kể cả những nước có thế mạnh về xuất khẩu như Canada, Đức và Nhật Bản.

Xét về thứ bậc các nước xuất khẩu vào Mỹ, năm 2008 Việt Nam đứng thứ 30, nhưng năm 2009 Việt Nam có thể đứng thứ 25 hoặc 26.

Về tổng thể, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ không bằng năm 2008, chủ yếu do giá cả giảm, nhưng thị phần của Việt Nam được cải thiện với từng nhóm hàng.

Ông Thoan cảnh báo rằng giá cả chưa thể khôi phục ngay và việc Mỹ áp dụng một số chính sách mang tính chất bảo hộ, đưa ra những quy định như những rào cản kỹ thuật là những trở ngại chung với tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Nhóm hàng đầu tiên cần lưu ý là cá tra và cá basa, vốn đã bị Mỹ khởi kiện và đưa vào danh mục bị áp thuế chống bán phá giá. Để giúp các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và có những hoạt động nhằm làm rõ quan điểm này của phía Mỹ. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản và thực phẩm khác cũng có thể sẽ gặp khó khăn do phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn và phải cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường Mỹ.

Tham tán Thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về việc Mỹ áp dụng luật nông trang và các quy định về xuất xứ hàng hóa và an toàn nhập khẩu, theo đó phải chứng minh nguồn gốc nguyên liệu và chứng chỉ, đồng thời phải có hệ thống kiểm tra chất lượng đáp ứng được yêu cầu của Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên