Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình về đề xuất tích hợp 7 giấy phép thành 1

VOV.VN - Theo ông Trần Hồng Hà, việc tích hợp giấy phép sẽ giúp giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hạn chế bất cập lâu nay và cũng là để rõ việc, rõ trách nhiệm.

Thảo luận về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 4/9, rất nhiều ý kiến đề cập đến phương án tích hợp 1 loại giấy phép, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Hầu hết các ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, song cũng có đại biểu băn khoăn, nhất là việc tích hợp cả giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi.

Báo cáo giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, với mục tiêu hướng đến một bộ luật mang tính tổng thể, thống nhất về môi trường, Bộ đã nghiên cứu để đưa các quy định đang rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật.

“Để bảo đảm mục tiêu trên, dự thảo Luật đã phân định nhiệm vụ của các cơ quan dựa trên nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện” và “những việc liên quan đến nhiều cơ quan cùng thực hiện thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; thẩm quyền của cơ quan phối hợp; cơ chế phối hợp” – ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Thuỷ lợi 2017, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM và trước khi vận hành chính thức, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan.

Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có: Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép xả khí thải công nghiệp. Còn lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi có: Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước), Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi).

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tiễn cấp giấy phép, giấy xác nhận về bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Đó là nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép nêu trên là giống nhau (đều yêu cầu về công trình xử lý, quy trình vận hành và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường). Do đó, riêng 1 đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu 2 thủ tục hành chính có nội dung tương đồng. Thực tế đã xảy ra trường hợp yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất tại các giấy phép này, làm doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện, chấp hành nội dung của giấy phép.

Bên cạnh đó, công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước. Việc quy định có nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay (cơ quan quản lý TN-MT và cơ quan quản lý công trình thủy lợi) sẽ không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, không rõ trách nhiệm của các cơ quan; không bảo đảm nguyên tắc phân định thẩm quyền xuyên suốt của các cơ quan trong dự thảo Luật như đã nêu.

Ngoài ra, thực tế hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 1 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT quản lý).

Ông Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, theo quy định, các loại giấy phép, giấy xác nhận này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, việc phân cấp cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành NN-PTNT đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, cơ sở xả thải với quy mô không lớn, thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ môi trường của UBND cấp huyện nhưng lại phải xin cấp giấy phép xả thải ở Bộ NN-PTNT.

“Nếu tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính này này tại các cơ quan nêu trên sẽ khó thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ”- ông Trần Hồng Hà nói và cho rằng việc quy định tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận về bảo vệ môi trường hiện hành với các loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng 1 giấy phép môi trường là hết sức cần thiết.

Cùng với việc quy định 1 loại giấy phép môi trường nêu trên, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì, cơ chế tham gia phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý về công trình thủy lợi. Theo đó, cơ quan quản lý công trình thủy lợi sẽ tham gia ngay từ đầu trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM để dự án triển khai, cho đến khi cấp giấy phép môi trường để dự án đi vào hoạt động.

Dự thảo Luật cũng quy định nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM cũng như nội dung giấy phép môi trường đối với các dự án này phải có đánh giá và biện pháp bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường đối với công trình thủy lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên