Lễ hội Quang Trung

Lễ hội Quang Trung được tổ chức vào ngày mồng 5 tết hàng năm ở 2 địa điểm: Tại gò Đống Đa (Hà Nội), chiến trường đẫm máu quân giặc năm xưa và tại làng Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Quang Trung – Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại ấp Tây Sơn, làng Kiên Mỹ, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã dựng cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo và kể tội Trương Phúc Loan trong lời hịch truyền đi khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa được các tầng lớp dân tộc Kinh, Thượng nhanh chóng hưởng ứng. Từ cuộc khởi nghĩa này, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ XVIII.

Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài, đã từng chỉ huy nghĩa quân đánh thắng quân xâm lược Xiêm ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tiêu diệt 5 vạn quân thủy bộ cùng 300 chiến thuyền năm 1785. Bốn năm sau (1789) tiếp đến một chiến công lừng lẫy khác, 20 vạn quân Thanh bị tiêu diệt trong trận Đống Đa. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng tướng sĩ, chiến bào nhuộm đen khói súng, tiến vào Thăng Long.

Vua Quang Trung còn là một nhà chính trị sáng suốt. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc, ông đưa ra nhiều chủ trương khoan sức dân, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá dân tộc. Nhưng tiếc thay, khi đất nước đang trên đà chuyển mình thì ông đột ngột từ trần, lúc đó ông mới 39 tuổi.

Lễ hội Quang Trung tại Bình Định - nơi bột phát đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Lễ hội Quang Trung hàng năm diễn ra ở 2 nơi: Tại gò Đống Đa (Hà Nội), chiến trường đẫm máu quân giặc năm xưa và tại làng Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nơi quê hương và cũng là nơi bột phát đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

I. Hội Đống Đa

Hàng năm, cứ vào mồng 5 Tết Nguyên đán, khi phố phường thủ đô chưa nhạt màu xác pháo, những cành đào xuân vẫn đâm lộc nở hồng, thì người Hà Nội sớm ấy, đều nô nức đổ về phía Tây Nam thành phố đến Gò Đống Đa (thuộc quận Đống Đa) dự hội. Đây là Lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Quang Trung – Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.

Cách đây hơn 2 thế kỷ, nơi đây đã là chiến trường đẫm máu quân thù. Đêm 4 rạng ngày 5 Tết Kỷ Dậu (29 – 20 tháng 1/1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị hạ. Tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, còn chủ soái Tôn Sĩ Nghị trong thành hốt hoảng chạy tháo thân, chuồn về nước không còn mảnh giáp. Gò Đống Đa thành di tích lịch sử vẻ vang, nơi 20 vạn quân Thanh đã bị tiêu diệt, xương của chúng vì vùi lấp thành 12 gò, đống quanh đây.

Chiều mồng 4 Tết, vị chủ tế cùng cụ từ đình Khương Thượng đã chuẩn bị các đồ thờ (kiệu, lọng, cờ, bát bửu…) cho lễ rước ngày mai. Sau đó, hai người cùng sang chùa Bộc thắp hương trước bàn thờ tượng vua Quang Trung; bức tượng được nhân dân gìn giữ và bảo vệ an toàn qua nhiều biến cố lịch sử.

Tinh mơ sáng mồng 5, cửa đình làng Khương Thượng rộng mở, khói hương thơm ngát toả lan. Lá cờ đại cao ngất trước đình chào mừng ngày hội lớn. Cờ ngũ hành cắm la liệt quanh sân đình. Sáng rõ mặt người, bô lão và các vị chức sắc trong làng đã tề tựu đông đủ. Chiêng trống báo hội dóng dả vang lên. Sau tuần hương, cuộc đại lễ bắt đầu bằng lễ tế thần. Hội lệ quy định dâng 6 tuần rượu. Cuối giờ Thìn (gần 12 giờ), mọi việc hoàn tất để chuẩn bị đám rước thần mừng chiến thắng.

Quá giờ Ngọ, đám rước khởi hành từ đình Khương Thượng đến gò Đống Đa. Cờ, biểu, tàn, tán, lọng, kiệu và quân gia đã sẵn sàng. Quân chấp kích đô tuý, quan viên người nào việc ấy, gọn gàng trong trang phục lễ hội, chờ lệnh. 3 hồi 9 tiếng trống âm vang báo hiệu. Dân làng đốt một bánh pháo tượng trưng cho lệnh ra quân.

Thật đúng là quang cảnh trống dong, cờ mở. Đám rước lên đường. Dẫn đầu là cờ tiết, cờ mao, biểu hiện uy đức thần linh. Tiếp theo là cờ ngũ hành, cờ tứ linh. Các chân cờ đều đội nón dấu, áo nâu, nẹp đỏ, thắt lưng bó que. Tiếp, hai thanh niên vác hai biển “tĩnh túc” và “hồi tị”, gìn giữ an ninh trật tự.

Sau cờ, biển, là trống cái do hai người khiêng. Hiệu trống, hiệu chiêng điểm nhịp từng tiếng một. Các chấp kích đi liền ngay vác bát bửu. Phường nhạc hoà cùng tiếng thanh la, trống bản, sênh tiền nghe thật vui tai. Rồi đến Long đình do 4 đô tuỳ khiêng, mùi trầm toả hương thoang thoảng. Hai bên Long đình có hai lọng vàng che.

Nối theo là hàng bô lão, chức sắc chậm rãi bước đi trong bộ lễ phục như một lực lượng hộ tống tạo nên quang cảnh trọn vẹn mang ý nghĩa lịch sử và thẩm mỹ, gây một ấn tượng sâu đậm về sự hoàn thiện trong thái độ ứng xử đối với người anh hùng xưa. Dân làng đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ con, đi theo đoàn rước suốt cuộc hành trình, hồn nhiên và sảng khoái.

Đám rước dài, trật tự, uy nghiêm, rực rỡ sắc màu, diễu hành chậm rãi mang tính hoành tráng của cuộc mừng đón chiến công. Nhưng rộn rã nhất là tốp đi sau cùng với “con rồng lửa” của thanh niên hai làng Khương Thượng và Đồng Quang bện bằng nùi rơm, mo nang và giấy bồi trang trí bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, vừa đi vừa múa theo nhịp sênh tiền. Một tốp thanh niên mặc võ phục đi quanh con rồng lửa, biểu diễn côn quyền như đã tái hiện hình ảnh cuộc chiến đấu đã qua.

Đám rước là vang bóng hào hùng của trận tấn công mùa xuân Kỷ Dậu của nghĩa quân Tây Sơn. Trong khi đó, ở chùa Đồng Quang đối diện với gò Đống Đa, qua trục đường Sơn Tây, cũng khói hương nghi ngút. Tín đồ tấp nập vào ra, tiếng mõ hoà với lời cầu kinh, cầu hồn cho anh linh các nghĩa quân. ở đây cũng làm lễ “cúng cháo thí” cho cô hồn quân chiến bại, như một hành động nhân nghĩa, đạo đức truyền thống của nhân dân.

Còn ở chùa Bộc lúc này cũng đầy người chen chúc dâng hương hoa, tưởng niệm và tôn vinh vua Quang Trung, trước bức tượng của Người.

Khi đám rước về đến khu trung tâm – Gò Đống Đa – thì một tràng pháo dài nổ dòn dã chào mừng. Dưới chân tượng đài Quang Trung, dàn quân nhạc tấu lễ. Đoàn đại biểu Trung ương và thành phố làm lễ dâng hương. Tiếp theo là lễ đọc văn kể lại sự tích của chiến công Kỷ Dậu (1789) ca ngợi thiên tài quân sự của anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Sau đó là những trò chơi và các cuộc biểu diễn nghệ thuật như múa rồng, múa lân, múa con đĩ đánh bồng; rồi tới các cuộc đua tài: đánh đu, đấu vật, chơi cờ, chọi gà… cho tới tối.

II. Hội Tây Sơn

Nếu như Đống Đa là nơi còn lưu lại nhiều dấu tích của một trận chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (hơn 20 vạn quân Thanh đã bị tiêu diệt), thì Tây Sơn chính là quê hương đã sinh ra người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài, tác giả của chiến công huy hoàng ấy.

Nếu Đống Đa là đỉnh cao chói lọi của một chiến công bất hủ làm cho quân cướp nước mỗi lần nhớ lại phải kinh hồn bạt vía, thì Tây Sơn chính là mảnh đất ươm mầm, là cái nôi phát sinh và nuôi dưỡng phong trào nông dân yêu nước cuối thế kỷ XVIII, để rồi cuối cùng phong trào ấy đã trở thành động lực quyết định của lịch sử trong sự nghiệp chiến thắng ngoại xâm, thống nhất đất nước lúc bấy giờ.

Khách hành hương đến Đống Đa để tưởng niệm, chiêm ngưỡng, lắng nghe tiếng vang vọng của lịch sử hào hùng về chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu của nghĩa quân, còn khách đến Tây Sơn là để chứng kiến tận mắt những chứng tích, những địa danh, những sự kiện lịch sử cùng tấm lòng của bao người anh hùng, hào kiệt của một vùng đất giàu truyền thống thượng võ và văn hiến.

Huyện Bình Khê, nay đổi tên thành huyện Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định, đông giáp huyện An Nhơn, tây giáp huyện Vĩnh Thạnh và huyện An Khê (tỉnh Gia Lai), bắc giáp huyện Phù Cát, nam giáp tỉnh Phú Yên. Du khách có thể đến đây bằng ô tô, hoặc tàu hỏa, theo quốc lộ 1, đến ngã ba Cầu Ghềnh thì rẽ theo quốc lộ 19 đi Gia Lai – Kon Tum, thêm 28 km đến thị trần Phú Phong, huyện lỵ Tây Sơn.

Con đường mang tên Đống Đa, nối quốc lộ 19 ở giữa thị trấn hướng về phía Bắc một đoạn đến cầu Kiên Mỹ; đây là chiếc cầu nhỏ xinh xắn nối đôi bờ sông Công, sẽ đưa khách đến nhà bảo tàng Quang Trung. Bảo tàng được xây từ năm 1977, không xa nền nhà cũ của gia đình anh em Nguyễn Huệ. Nơi đây hiện còn cây me đã hơn 200 tuổi, có chu vi ở gốc đến 4 m, một giếng nước gắn liền với tuổi ấu thơ của người anh hùng.

Gần nhà bảo tàng còn có điện thờ Tây Sơn (được xây từ năm 1960) quy mô nhỏ hơn, nhưng ấm cúng và trang nghiêm. Trước sân điện khá rộng có xây cửa Tam Quan, bên trong là nhà bia ghi công lao người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Phía sau nhà bia là tiền sảnh nối với trung tâm chính điện, gồm 3 gian: ở giữa thờ Quang Trung, 2 gian bên thờ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ.

Điện thờ được xây trên nền nhà cũ của đình làng Kiên Mỹ - một ngôi đình xưa nổi tiếng về mặt kiến trúc và điêu khắc. Điều này được ghi lại trong câu ca: “Hạc chợ Đình, cột đình Kiên Mỹ”. Nay, đình Kiên Mỹ chỉ còn là kỷ niệm của quá khứ, nhưng cây me cổ thụ vẫn sai quả, toả bóng mát che cả một góc vườn.

Tại làng Kiên Mỹ còn có di tích Bến Trầu – nơi tương truyền ngày xưa Nguyễn Nhạc thường đưa trầu từ phía thượng nguồn về bán ở vùng An Thái, An Nhơn… cho nên Nguyễn Nhạc còn có tên là “anh Hai Trầu”. Câu hát xưa còn in đậm trong ký ức nhân dân vùng này:

Cây me cũ, Bến Trầu xưa
Không nên tình nghĩa, cũng đón đưa cho trọn niềm

Ở thị trấn Phú Phong – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Tây Sơn – tên những người anh hùng, tướng sĩ thời Tây Sơn như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng được đặt cho những con đường đẹp nhất.

Về thăm mảnh đất Tây Sơn, du khách còn được xem được nghe kể những truyền thuyết, giai thoại, về cấp địa danh lịch sử như Bãi tập voi và Trường võ, nơi nữ tướng Bùi Thị Xuân, người đã từng chỉ huy đội tượng binh trong đoàn quân chủ lực của Tây Sơn làm nên đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; hòn Tam Phước (thuộc xã Bình Giang), nơi đặt những lò rèn bí mật rèn khí giới chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa; đồng Cô Hầu (xã Tú An, huyện An Khê), nơi Nguyễn Nhạc giao cho người vợ thứ, con gái của một tù trưởng Ba Na, quản lý việc sản xuất lương thực nuôi quân; hòn Yến, hòn Lãnh lương, tương truyền nơi Nguyễn Nhạc phát lương và khao thưởng quân sĩ; gò Dinh, gò Đá Đen, những bãi tập luyện của đội quân nông dân vào buổi đầu cuộc khởi nghĩa.

Đã hơn 200 năm trôi qua mà các cụ già nơi đây vẫn còn nhớ và say sưa kể lại cho con cháu những mẩu chuyện, những con người trong phong trào Tây Sơn.

Hàng năm, đến ngày 5 tháng giêng, cùng thời với lễ hội Đống Đa tưng bừng ở thủ đô Hà Nội, tại nhiều nơi ở tỉnh Bình Định như làng Kiên Mỹ, thành Hoàng Đế (tức thành Đồ Bàn xưa), nơi quân Tây Sơn đặt bản doanh thời kỳ đầu cuộc khởi nghĩa, thành phố Quy Nhơn… đều có tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến công oanh liệt của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhưng đông đảo và tưng bừng nhất vẫn là lễ hội tại làng Kiên Mỹ - quê hương và cũng là nơi dấy binh của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Ngay từ ngày mồng 3 và mồng 4 Tết, nơi đây đã rộn rịp trong không khí chuẩn bị cho ngày hội. Người ta chăng đèn, kết hoa, treo cờ, dựng cổng chào, quét dọn, sửa sang đường sá, điện thờ, dựng sân khấu, trại, cả mô hình miêu tả lại trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử trên bãi cát bên bờ sông Côn…

Từ chiều mồng 4, tại huyện lỵ Tây Sơn, khách từ các nơi xa cũng đã bắt đầu tề tựu về. Đến sáng mồng 5 thì những dòng người từ phía Quy Nhơn và các huyện đồng bằng ngược lên, từ phía An Khê, Pleiku đổ xuống với đủ loại các phương tiện. Người ta thấy có mặt đầy đủ các tầng lớp già, trẻ, gái trai ăn mặc đẹp đẽ về dự hội.

Có những đoàn đại biểu từ các tỉnh bạn như Quảng Nam – Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, có cả những đoàn khách từ Huế vào, từ Sài Gòn ra. Đặc biệt, các thầy cô nhiều trường học nhân dịp này, đưa học sinh của mình đến dự lễ như tham gia một buổi ngoại khoá về lịch sử sinh động nhất, nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc chính đáng cũng như lòng biết ơn đối với tiền nhân.

Vào những năm kỷ niệm chẵn, khách dự lễ còn gặp đoàn đại biểu của dân tộc Bana với trang phục ngày lễ độc đáo từ phía Tây Sơn thượng đạo về dự lễ, mang theo cả dàn cồng chiêng và những điệu múa thượng võ của họ.

Sau dây pháo nổ kéo dài đến 10 phút đồng hồ, tiếng trống đại vang lên giục giã báo hiệu buổi lễ khai mạc. Trong không khí trang nghiêm thơm ngát mùi trầm, hàng ngàn người đứng trước sân điện thờ và nhà bảo tàng cúi đầu tưởng niệm vua Quang Trung và những tướng lĩnh, những chiến hữu của Người. Sau khi vị chánh tế đọc bài văn tế ôn lại quá trình phát triển của phong trào Tây Sơn mà đỉnh cao là chiến thắng Đống Đa cùng những thành tựu về các mặt quân sự, kinh tế, văn hoá của triều đại Tây Sơn, các đoàn đại biểu bắt đầu dâng hương trước điện thờ. Cùng lúc đó, dàn nhạc võ 12 trống vang lên các khúc lệnh thúc quân và ca khúc cải hoàn.

Khách dự hội bắt đầu toả ra tham quan các di tích chung quanh, nhà bảo tàng Quang Trung, ôn lại một thời đại hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đến dự hội, du khách còn có dịp thưởng thức điệu múa trống võ Tây Sơn qua tài nghệ của một thiếu nữ tuổi vừa đôi tám, mặc áo chẽn đỏ, quần màu hồng nhạt, lưng thắt dải khăn xanh, hai tay cầm dùi lướt trên 12 mặt trống một cách điêu luyện. Từng tốp nam nữ thiếu niên và thanh niên biểu diễn song kiếm, côn, quyền, đại đao… Đây là lớp môn sinh của những lò võ nổi tiếng từ nhiều thế kỷ qua của một vùng đất giàu truyền thống thượng võ từng in dấu trong ký ức dân gian: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”.

Đất Tây Sơn cũng là cái nôi của nghệ thuật hát bội đặc sắc. Khách về đây dự hội cũng là dịp để thưởng thức những đêm biểu diễn tuồng, hát bài chòi, nhắm rượu Bàu Đá nổi tiếng với món thịt bò thưng cuốn với bánh tráng. Thịt bò thưng là món thịt bò rim khô với nước mắm ngon, đường, hạt tiêu và mè rang, đã có một thời là món “lương khô” của nghĩa quân Tây Sơn trên đường hành quân thần tốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên