Có thể học tập cộng đồng người Việt ở Slovakia

Ngày 22-23/3, kênh Truyền hình Nhà nước STV2 của Slovakia có phóng sự dài 25 phút về cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại nước này. Phóng sự cho rằng, các dân tộc thiểu số khác tại Slovakia có thể học tập cộng đồng người Việt tại đây.

Phóng sự đã điểm lại lịch sử hình thành của cộng đồng Việt Nam ở Slovakia. Từ thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã cử học sinh, cán bộ sang học tập tại các trường đại học và trường dạy nghề tại Slovakia. Sau khi Liên bang Tiệp Khắc sụp đổ năm 1989, một số người Việt Nam ở lại cư trú làm ăn sinh sống tại Slovakia đã hòa nhập với xã hội sở tại.

Ông Chervenka, phát ngôn viên Sở Ngoại kiều thành phố Bratislava, cho biết: “Tương tự các cộng đồng dân tộc khác, khi Slovakia chuyển đổi chế độ, người Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và chính quyền Slovakia ủng hộ những người Việt Nam tôn trọng pháp luật được ở lại làm ăn ở Slovakia”.

Cộng đồng người Việt tại Slovakia chào mừng Quốc khán 2/9.
Với bản chất “cần cù, chịu khó, kiên nhẫn và dễ hòa đồng” với các dân tộc khác tại Slovakia, cộng đồng người Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập vào xã hội sở tại và ngày càng phát triển. Cộng đồng sống có kỷ cương, đoàn kết, hợp tác với nhau, cùng chia sẻ những khó khăn vất vả, vẫn giữ bản sắc dân tộc Việt Nam và chấp hành tốt luật pháp của nước sở tại, cũng như hiểu rõ nghĩa vụ và quyền hạn của người dân sống tại Slovakia. Bà con sống bằng nhiều nghề như kinh doanh buôn bán quần áo, cửa hàng ăn, làm móng… Một số người Việt Nam đã thành lập các doanh nghiệp kinh doanh cá thể thành công và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của Slovakia.

Tuy bận rộn mưu sinh, cộng đồng người Việt Nam ở đây vẫn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo cho thế hệ trẻ như tổ chức lớp học tiếng Việt cho các cháu nhỏ thế hệ thứ 2-3, tổ chức các hoạt động cộng đồng như kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, văn nghệ đón tết đầu xuân, các hoạt động thể thao… Nhiều gia đình người Việt vẫn giữ nếp 3 thế hệ chung sống trong một nhà, nền nếp trên dưới, các cháu nhỏ đều học giỏi, thông thạo tiếng và văn hóa nước sở tại.

Bà Lubica Danekova, Hiệu trưởng Trường Odborarska số 2 đánh giá cao tinh thần của cộng đồng người Việt Nam trong việc giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc cho thế hệ sau và việc tổ chức lớp dạy ngôn ngữ cho người lớn tuổi và trẻ em mới đến Slovakia. Nhà trường cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia và cộng đồng người Việt tiếp tục hỗ trợ duy trì các lớp học này.

Phóng sự cho rằng các dân tộc thiểu số khác tại Slovakia có thể học tập dân tộc thiểu số Việt Nam tại Slovakia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên