Mỹ có thể biến Iran thành đống đổ nát

Mỹ đang ráo riết triển khai 2 tàu sân bay, các nhóm tàu chiến, một số tàu ngầm và thủy quân lục chiến bổ sung đến khu vực vùng Vịnh Ba Tư mang theo ít nhất 430 tên lửa Tomahawk.

Theo hãng tin CNN, Lầu Năm Góc tuyên bố "kế hoạch B" nhằm vào Iran “sẽ thành công” giữa lúc hàng trăm quả tên lửa Tomahawk đang được triển khai gần Iran. Động thái này là minh chứng cho tuyên bố của Washington là sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào đối với chương trình hạt nhân mà theo phương Tây là “vì mục đích quân sự” của Iran.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta đã xác nhận thông tin này: “Chúng tôi đang chuẩn bị tất cả các giải pháp cần thiết nhằm đối phó với Iran nếu nước này không từ bỏ tham vọng hạt nhân”. Ông Panetta nhấn mạnh: “Tôi cho là không có gì phải bàn cãi nếu thực hiện kế hoạch đó, chắc chắn nó sẽ thành công”.

Tên lửa Tomahawk có trọng lượng 1.300 kg được bắn đi từ tàu ngầm HMS Astute (Ảnh: Internet)
Song song với tuyên bố của Lầu Năm Góc, hiện Mỹ đang ráo riết triển khai 2 tàu sân bay, các nhóm tàu chiến, một số tàu ngầm và thủy quân lục chiến bổ sung đến khu vực vùng Vịnh mang theo ít nhất 430 tên lửa Tomahawk. Cả Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đều nói rằng đây là hoạt động mang tính “thường kỳ” của quân đội nước này.

Hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời các chuyên gia bình luận, số tên lửa này có thể thổi bay cả hệ thống phòng thủ tên lửa của Iran và biến các sân bay quân sự của Tehran thành cát bụi.

Với sự hiện diện về mặt quân sự dầy đặc trong khu vực như vậy, Washington cho biết vòng đàm phán đầu tiên giữa Iran với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cùng với Đức (nhóm P5+1) về chương trình hạt nhân mang lại cảm giác 'tích cực'. Tuy nhiên, việc giữ nguyên hay giỡ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Iran vẫn đang được tranh cãi tại Nhà Trắng. 

Trên thực tế, vấn đề tìm được tiếng nói chung giữa các bên là điều không hề đơn giản. Theo giới phân tích, hiện Mỹ vẫn đang khó khăn trong việc tìm cách xử lý mối quan hệ với đồng minh thân cận Israel.

Một mặt, Washington yêu cầu Iran chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân và ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này. Mặt khác, Mỹ vẫn phải tìm cách kiềm chế Israel khi nước này liên tục có các động thái đe dọa tấn công Iran. Tel Aviv cho rằng Tehran là "mối đe dọa hiện hữu" của Israel và các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran chỉ “tốn thời gian”.

Về phần mình, Iran vẫn khăng khăng phủ nhận các lời cáo buộc và nói rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên