Đón giao thừa lúc 6h chiều ở thủ đô Berlin

VOV.VN - Do lệch múi giờ, hàng vạn Việt kiều ở thủ đô Berlin, Đức cùng đón
giao thừa với đồng bào trong nước vào lúc 6h chiều.

Hơn 20 năm sống ở Đức, những ngày giáp Tết, chị Phạm Quỳnh Nga, Phó Tổng biên tập tờ Thời báo dành cho cộng đồng người Việt ở  Đức, lại tất bật như con thoi. Người phụ nữ đảm đang gốc Hà Đông (Hà Nội) này vừa phải đi…"săn tin" vừa nhận "trọng trách" gói bánh chưng phục vụ kiều bào.

Năm nay, từ ngày 21 tháng Chạp chị đã đến chùa Phổ Đà (ngôi chùa dành cho cộng đồng người Việt ở thủ đô Berlin) để cùng các Phật tử và sư thầy trụ trì Thích Pháp Nhẫn gói bánh chưng chay. Với tài gói “10 chiếc như 10”, trong những ngày qua, chị đã gói được hàng ngàn chiếc bánh chưng. Số bánh này đã kịp chuyển đến các gia đình kiều bào để cúng ông Công, ông Táo và cúng Giao thừa.

Chị Phạm Quỳnh Nga gói bánh chưng trong chùa Phổ Đà

Cùng bà con Phật tử mấy ngày liền miệt mài ngồi gói bánh từ sáng sớm đến tối khuya trực luộc bánh, đến đêm về lại thức lo "phận sự" viết bài, đăng ảnh, nhưng chị Quỳnh Nga không thấy mệt mà ngược lại luôn thấy vui, hào hứng. Chị đã viết những vần thơ mộc mạc để chia sẻ trên facebook của mình:

6 thầy trò đang trực bánh trong chùa

Ngoài kia âm 5 độ, tuyết và mưa

Hơi bánh thơm gợi tình quê ấm áp

Sưởi lòng người xa xứ... giữa trời Âu”.

Vào khoảnh khắc giao thừa ở Việt Nam (tức 18h giờ Berlin), người phụ nữ đơn thân này cùng con gái duy nhất của mình đón giao thừa trong chùa Phổ Đà với hàng trăm kiều bào đến đây. Sau nghi lễ giao thừa, nhà chùa còn tổ chức một chương trình văn nghệ đặc biệt với các tiết mục ca múa nhạc truyền thống của Việt Nam do chính các kiều bào cùng các cháu học sinh lớp tiếng Việt của trường Sao Mai trình diễn.

“Năm kia, tôi được về Việt Nam ăn tết với mẹ già đã hơn 90 tuổi. Năm nay, dù không về được, nhưng, ở bên bà con trong chùa tôi thấy mình như được sưởi ấm. Khi gói bánh chưng cùng các Phật tử, mọi người vừa làm vừa kể chuyện gia đình, chuyện quê hương…ai cũng thấy nhớ nhà, nhớ cha mẹ và những người thân ở Việt Nam...”, chị Quỳnh Nga tâm sự.

Sang Đức từ năm 1996, vợ chồng chị Nguyễn Phương Mai và anh Phạm Việt Cường (làm việc cho một công ty địa chính ở Berlin) đã có hàng chục cái Tết ở xứ người. Mấy ngày nay, anh chị vẫn đi làm nên không có nhiều thời gian để đi sắm Tết. Tuy nhiên, anh chị cũng đã tranh thủ dọn dẹp, trang trí nhà cửa và gói bánh chưng.

Anh Cường, chị Mai chuẩn bị bàn thờ để cúng giao thừa

“Tết năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi đều gói bánh chưng để cho 2 con biết phong tục của người Việt mình. Con gái út (19 tuổi) nhiều năm được bố mẹ dạy bây giờ gói bánh rất thành thạo. Không những thế, cháu còn giúp mẹ làm bếp, đồ xôi, luộc gà, nấu các món ăn Việt Nam và bày mâm ngũ quả. Hai cháu nhà tôi (con trai lớn 22 tuổi) sống ở Đức từ bé nhưng đều rất thích ăn bánh chưng và các món ăn Việt Nam...”, anh Việt Cường kể.

18 năm đón Tết ở Đức, anh chị vẫn duy trì đầy đủ các phong tục giống như khi còn ở Việt Nam như cúng tất niên, cúng giao thừa, xông đất, lì xì cho các con, thăm hỏi, chúc Tết người thân, bạn bè... đang sống ở Berlin. Anh Cường còn cố gắng kiếm được cả cây quất, cành đào để trưng trong phòng khách.

Anh Cường, chị Mai và con gái út Lưu Ly

“Những ngày Tết nghe những bài hát như ‘Xuân xuân ơi xuân đã về...’, thấy buồn và nhớ quê hương vô cùng. Dù cả nhà quây quần đầm ấm nhưng vẫn cứ thấy thiêu thiếu vì không có không khí như ở Việt Nam. Hai vợ chồng tôi thường xin nghỉ mùng 1-2 Tết đi lễ chùa Việt Nam ở đây. Tết năm nay may là rơi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần nên chúng tôi dự định sẽ mời cả bạn bè người Đức đến chơi và thưởng thức các món ăn Việt cũng như giới thiệu cho họ biết về phong tục Tết của người Việt mình”, chị Phương Mai tâm sự.

Cũng như gia đình anh Việt Cường – chị Phương Mai, trong ngày 30/1 (tức 30 Tết của Việt Nam), chị Lê Hoàng Mai (nhân viên văn phòng vé Biển Đông ở thủ đô Berlin) vẫn phải đi làm. Sau khi xong việc, chị tất tả về nhà cùng chồng – anh Đào Quang Vinh – và 2 con gái chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa.

Chị Hoàng Mai kể, ngày còn ở Hà Nội, chị vốn không phải là người khéo tay nhưng hơn 10 năm sống ở Đức, chị đã trở thành một người giỏi nữ công gia chánh, bởi “không tự làm thì không mua ở đâu được”. Hầu hết các món ăn đặc trưng ngày Tết và đặc trưng của Hà Nội chị đều làm được và nấu rất ngon.

Chị Mai, anh Vinh cùng 2 con gái

Từ ngày 27-28 Tết vừa qua, cả nhà chị Hoàng Mai đã quây quần gói bánh chưng, không chỉ cho gia đình mà chị còn gói giúp một số bạn bè người Việt thân thiết. Gạo nếp, đỗ xanh thì được người thân, bạn bè gửi từ Việt Nam sang cho; lá dong, lạt thì mua ngoài “chợ Đồng Xuân” (Trung tâm thương mại Đồng Xuân ở thủ đô Berlin). Chỉ có điều khác ở Việt Nam là phải luộc bánh bằng bếp gas.

Chị Hoàng Mai cho biết: “Hai con gái nhà mình, cháu lớn 9 tuổi, cháu bé 7 tuổi được vợ chồng mình dạy cho nên các cháu cũng biết bày mâm ngũ quả hay thắp hương, chắp tay vái lạy trước bàn thờ tổ tiên. Đón Tết giữa xứ người không thể bằng ở trong nước nhưng vợ chồng mình vẫn cố gắng duy trì và dạy bảo để các con hiểu truyền thống của dân tộc. Nếu không, lớn lên các cháu sẽ mất gốc ngay...”

Chị Mai, anh Vinh hướng dẫn con gái lớn bày mâm ngũ quả

Sau thời khắc giao thừa, vợ chồng chị và 2 con lại gọi điện về Việt Nam để chúc Tết bố mẹ (bố đẻ của chị Mai là Anh hùng Lê Mã Lương – PV) và họ hàng nội ngoại, bạn bè... “Giây phút ấy mình thấy nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ Tết Hà Nội vô cùng và chỉ ước được sống trong không khí ấy ngay trong chớp mắt...”, chị Hoàng Mai chia sẻ.

Tết Giáp Ngọ này, phần lớn trong số 125.000 kiều bào Việt Nam ở Đức không có điều kiện về quê đón Tết nhưng họ cũng như chị Nga, gia đình anh Việt Cường – chị Phương Mai, gia đình anh Quang Vinh – chị Hoàng Mai vẫn giữ phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam. Cái Tết nơi xa xứ dù không nhộn nhịp, tưng bừng nhưng vẫn thiêng liêng, ấm áp bởi được hòa vào niềm vui chung của đất trời quê hương cách xa hàng vạn cây số./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên