Giữ gìn tiếng mẹ đẻ trên đất Thái

Gần 8 năm qua, anh Phan Quốc Lợi, Việt kiều ở Thái Lan đã tình nguyện dạy tiếng Việt miễn phí cho con em cộng đồng người Việt Nam và cả học sinh người Thái ở tỉnh Noọng Khai, đông bắc Thái Lan.

“Còn một trò tôi cũng vẫn dạy”

Bằng giọng nói trầm ấm, dễ nghe, anh Lợi kể cho chúng tôi nguyên do đưa anh đến với nghiệp dạy học. Năm 2002, nhận thấy tình trạng tiếng Việt đang mai một dần trong cộng đồng người Việt ở Noọng Khai, nhiều con em Việt kiều chỉ nói tiếng Thái mà quên dần tiếng nói của ông cha, anh Lợi thực sự lo lắng và nghĩ mình phải làm cách nào đó để giúp các em không quên cội nguồn, quên tiếng nói của ông cha. Anh quyết định mở lớp dạy tiếng Việt tại nhà và động viên con em trong cộng đồng theo học.

Những ngày đầu dạy học đầy khó khăn khi xuất phát điểm là con số không, không giáo trình, không kinh phí, không qua trường lớp đào tạo sư phạm, kỹ năng giảng dạy. Bản thân anh Lợi được sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, học tiếng Việt cũng từ cha mẹ, gia đình truyền cho, anh chỉ có duy nhất một tấm lòng trăn trở cho sự tồn tại của tiếng Việt, văn hoá Việt trong cộng đồng và một trái tim muốn truyền cho các em tình yêu tiếng Việt. Anh Lợi đã tự mày mò biên soạn giáo trình, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm, thấy cách dạy này chưa tốt, chưa hiệu quả thì lại tìm tòi, đổi cách khác để các em hứng thú, yêu thích việc học hơn. Bằng hình thức sinh động, khi hát, khi kể chuyện, đọc thơ… lớp của thầy Lợi đã thu hút các em theo học ngày một đông.

Nhà anh trở thành trường lớp, anh làm một thầy giáo tận tuỵ, không lấy thù lao, nhiều lúc còn bỏ tiền túi để mua đồ dùng học tập, mua quà làm phần thưởng khuyến khích các em, tất cả chỉ với một mong muốn các em theo học thật chăm chỉ, không bỏ dở giữa chừng. Vậy mà lại có người muốn ngăn cản. Vì không hiểu, nhiều gia đình học sinh đã không cho con đến lớp. Buổi đầu đông vui là thế, háo hức là thế mà cứ vơi vắng dần. Anh Lợi buồn vô cùng, nhưng rồi không chịu bó tay, có thêm gia đình động viên và nhất là tình yêu tiếng Việt đã giúp anh trụ vững. Anh thuyết phục mọi người: “Còn một trò tôi cũng vẫn dạy, tôi sẽ dạy mãi, tôi sẽ dạy không lấy tiền”. Cảm động trước quyết tâm của  anh, lớp học đã dần đông trở lại.

Đến nay, bà con trong cộng đồng đều rất tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ anh trong công việc giảng dạy. Mọi người đều gọi anh với tất cả lòng thương mến và kính trọng “người thầy giáo của nhân dân”.

“Thầy đã làm thay đổi bộ mặt trường tôi”

Lớp học tại nhà của thầy Lợi duy trì đến năm 2006 thì thầy Hiệu trưởng trường Pathumthep Witthayakarn đến gặp và mời anh về dạy tiếng Việt tại trường.

Pathumthep Witthayakarn là một trong những trường trung học lớn của tỉnh Noọng Khai và Thái Lan với hơn 3500 học sinh từ  lớp 7 đến lớp 12 và có rất nhiều con em kiều bào Việt theo học. Tuy không được trả lương nhưng đổi lại nhà trường bố trí phòng ốc để thầy Lợi mở lớp và xây dựng một phòng văn hóa Việt. Thầy Lợi rất phấn khởi vì anh có điều kiện tiếp tục công việc truyền bá tiếng Việt trong một môi trường sư phạm quy củ. Anh làm mọi việc để học sinh của mình có môi trường học tập tốt nhất, không nề hà từ việc quét dọn để trường lớp sạch sẽ, tự tay sửa chữa bàn ghế bị hỏng đến sưu tầm tài liệu tiếng Việt, các hiện vật phục vụ cho công tác giảng dạy và trưng bày Phòng văn hóa Việt…

Nói về Phòng văn hóa trong trường, thầy giáo Lợi không giấu nổi tự hào. Anh cho biết rất nhiều sinh viên, giáo viên, đại biểu từ các trường có dạy tiếng Việt trong toàn Thái Lan đến tham quan đều đánh giá đây là một trong những phòng văn hóa đẹp nhất, từ những hiện vật trưng bày, tượng Bác Hồ, Quốc kỳ Việt Nam, những hình ảnh của quê hương do chính anh sưu tầm hay do bà con đóng góp, gửi mang từ trong nước sang đều được sắp xếp, trưng bày trang trọng, tạo một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Từ buổi đầu chỉ có 30 em theo học, đến nay học sinh các lớp tiếng Việt của thầy Lợi đã lên tới 170, không chỉ con em người Việt mà cả học sinh người Thái đăng ký học rất đông. Một tuần thầy Lợi kín lớp với 27 tiết học, mang theo cả lòng nhiệt huyết, tình yêu quê hương đất nước vào trong bài giảng của mình.

Khiêm tốn và giản dị, anh Lợi luôn nói chưa bao giờ dám nhận mình là thầy giáo, vì anh chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nào. Nguyên là một thợ điện ô tô bậc cao, tay nghề giỏi, xưởng sửa chữa của anh trước đây được tín nhiệm, lúc nào cũng đông khách, nên khi nghe anh thông báo sẽ đóng xưởng để theo đuổi công việc dạy học nhiều người ngỡ ngàng và tỏ ra tiếc nuối.

Gần 8 năm qua, dù dạy học tại nhà hay ở trường, thầy giáo Lợi luôn tận tụy hết lòng vì học sinh. Những băn khoăn của ông Hiệu trưởng trường trung học trong buổi đầu gặp anh: Thầy Lợi là người thế nào, có thể làm gì cho nhà trường mà bao người đề nghị ông phải đến gặp đã có câu trả lời. “Hai năm qua, thầy đã làm thay đổi bộ mặt trường tôi”.

Cuối năm 2009 vừa qua (11/2009), khi Bộ giáo dục Thái Lan về kiểm tra đã hỏi thầy giáo Lợi nghĩ thế nào khi đưa tiếng Việt vào dạy ở trường, thầy Lợi bày tỏ: “Tôi là người Việt, trước chưa có quốc tịch Thái, tôi không có điều kiện được học hành lên cao hơn. Nay tôi đã có quốc tịch Thái, tôi có nguyện vọng giúp các em học sinh bây giờ được học nhiều hơn, có trình độ văn hóa giỏi hơn. Tôi nghĩ làm gì cũng vậy, nếu hiểu được ngôn ngữ thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn; tôi cũng muốn làm sao để người Thái hiểu người Việt nhiều hơn và mối quan hệ Thái - Việt ngày càng được thắt chặt”.

Tôi tự hào là người Việt Nam

Trở về Việt Nam cùng đoàn kiều bào dự lễ Giỗ Tổ Hùng vương lần này, anh Lợi không giấu được những xúc cảm và niềm phấn khởi. Anh tâm sự, anh luôn thấy vinh dự và tự hào vì mình là người Việt. Dù sống xa Tổ quốc nhưng lúc nào anh và bà con trong cộng đồng cũng hướng về đất nước, vui mừng trước những đổi thay đang diễn ra nhanh chóng trên quê hương. Về dự Quốc giỗ chính là dịp để anh hiểu rõ hơn cội nguồn của mình, về tình nghĩa đồng bào để khi trở về Thái Lan, anh sẽ truyền vào những bài giảng tới đây những cảm nhận sâu sắc hơn về nét văn hóa độc đáo của dân tộc, về truyền thống uống nước nhớ nguồn, về những đổi thay của đất nước cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước dành cho kiều bào ở nước ngoài…

Mong muốn và trăn trở hiện nay của anh là làm thế nào đào tạo được thế hệ trẻ kiều bào tiếp nối, phát triển việc dạy và duy trì tiếng Việt trong cộng đồng và có đủ kinh phí tổ chức đoàn học sinh của trường về Việt Nam tham quan, học tiếng Việt ngay trên quê nhà. Tận mắt chứng kiến những đổi thay trên quê hương, lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của các em chắc chắn sẽ tăng lên nhiều - thầy giáo Lợi khẳng định như vậy khi chia tay chúng tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên