“Biển Đông dậy sóng” – khúc ca yêu nước của một kiều bào xa xứ

VOV.VN -Bài hát là lời tỏ bày tình yêu với quê hương Việt Nam của kiều bào xa xứ, đồng thời tỏ thái độ bất bình trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

“Dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản, cho dù có ở chân trời nào thì trái tim tôi và trái tim của những người con Việt, luôn hoà cùng nhịp đập với trái tim của Tổ Quốc thân yêu. Để tôi và những người con Việt xa xứ luôn tự hào là người Việt Nam”, đó là lời chia sẻ của Phạm Khánh Nam - Tổng biên tập (TBT) Tạp chí Hương Việt, trong cuộc trò chuyện về cảm hứng của anh khi sáng tác bài hát: “Biển Đông dậy sóng”.

Anh cho biết, bài hát là lời tỏ bày tình yêu với quê hương Việt Nam thân thương và cũng tỏ rõ thái độ bất bình trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cảm hứng sáng tác vô tận từ tình yêu quê hương

Là một người con miền Trung theo gia đình trải nghiệm trên vùng đất mới tại miền Nam nước Đức từ khi mới 10 tuổi, nhưng tình yêu quê hương, ký ức tuổi thơ và truyền thống gia đình luôn nhắc Phạm Khánh Nam nhớ về Việt Nam. Vì nơi đó, là nơi chôn nhau, cắt rốn của tổ tiên - đó là lời mà cha mẹ nói với Khánh Nam vào ngày đầu tiên khi cậu đặt chân lên vùng đất mới để trải nghiệm cuộc sống.

Tác giả ca khúc "Biển Đông dậy sóng" Phạm Khánh Nam

 “Biển Đông dậy sóng” là ca khúc được viết bắt nguồn từ tình yêu quê hương, Tổ quốc... Bởi theo anh, chỉ có xa quê mới thấu hiểu được nỗi nhớ quê thế nào, cho dù cuộc sống tại vùng đất mới có đầy đủ tiện nghi và hiện đại đến đâu đi nữa, trong tim anh vẫn luôn nhớ, luôn mong mỏi về quê hương, xứ sở.

Tình yêu, nỗi nhớ quê hương da diết, nhưng nỗi bất bình của những người con xa xứ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng mãnh liệt không kém. Vì vậy, sau khi viết xong lời ca khúc: “Biển Đông dậy sóng”, ngay trong đêm, Khánh Nam liền gọi điện về Việt Nam chia sẻ với Như Thuấn, một người bạn là nhạc sĩ và nhờ người bạn hoà âm, phối khí cho bài hát.

Sau khi nghe Khánh Nam chia sẻ, nhạc sĩ Như Thuấn thấy rất trân trọng tình cảm của bạn mình và của cộng đồng kiều bào, nên mặc dù rất bận rộn với nhiều dự án và chuẩn bị cho cuộc thi tốt nghiệp năm tới, nhưng anh đã đồng hành cùng Khánh Nam.

Sự gắn kết của những người con đất Việt

Bài hát được ca sĩ Phúc Tiệp thể hiện. Hiện nay, Phúc Tiệp là giảng viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, giải nhì Sao Mai 2007, giải nhì cuộc thi oppera nhạc kịch toàn quốc... Anh cũng là một người luôn nhiệt tình trong các buổi diễn đi hát từ thiện để gây quỹ ủng hộ cho bà con vùng sâu, xa, bệnh hiểm nghèo...

Được sự ủng hộ hết mình của ca sĩ Phúc Tiệp và người bạn nhạc sĩ.... Ba ngày sau, đúng vào ngày diễn ra cuộc tuần hành của cộng đồng kiều bào tại CHLB Đức tổ chức lần thứ hai, “ Biển Đông dậy sóng” đã xuống đường hoà cùng đông đảo cộng đồng bà con kiều bào, lên tiếng phản đối Trung Quốc.

Tuy được sáng tác trong một thời gian ngắn, chỉ vỏn vẹn có ba ngày, từ khi sáng tác đến hoà âm phối khí.... nhưng có thể nói, “ Biển đông dậy sóng” đã thể hiện tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương của tất cả những người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng...

Và tôi sẽ còn nhớ mãi, lời chia sẻ của Khánh Nam khi trả lời câu hỏi: Anh có vui không trước sự thành công của bài hát?... Khánh Nam đã nói: “Tất nhiên là vui rồi, nhưng đấy là cái vui nhỏ bé. Nếu không có sự chung tay, chung sức đồng lòng và gắn kết tình dân tộc, thì không có việc gì thành công cả. Theo tôi, tiếng vỗ của một bàn tay không tạo lên được âm thanh vang vọng của cả một làn sóng... 

Vậy nên, khi quyết tâm viết một ca khúc để bày tỏ tâm tư của những người con xa xứ luôn hướng về quê hương đất mẹ thân yêu, tôi đã dành hết tình cảm, tất cả tư tưởng và suy nghĩ  vào lời của “Biển Đông dậy sóng””./.

Phạm Khánh Nam được cộng đồng kiều bào tại CHLB Đức biết đến như một điển hình cho giới trẻ đang học tập, làm việc và sinh sống tại Đức. Anh còn được biết đến trong vai trò là TBT Tạp chí Hương Việt, một tờ báo tiếng Việt online rất có uy tín tại CHLB Đức. Nội dung tờ báo là cây cầu nối Văn hoá giữa hai quốc gia Việt - Đức, luôn cập nhật và đăng tải một cách nhanh nhất, chính xác và kịp thời nhất về các vấn đề về thời sự, văn hoá xã hội của hai quốc gia.

Hơn hai mươi năm sống, học tập và trải nghiệm trên đất khách. Phạm Khánh Nam vẫn nói chất giọng miền Trung trầm, ấm. Anh cho biết, đấy cũng là một nét khác biệt, để nhắc mình luôn nhớ mình là người Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên