Những đứa con phương xa hành hương về đất Tổ

(VOV) - Hành hương về đất Tổ, dâng một nén nhang thành kính là niềm vui, sự vinh hạnh mà không phải ai cũng có được.

Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người có lý do riêng nhưng bà con kiều bào đều chung nỗi niềm sống tha hương xa Tổ quốc. Đau đáu với quê hương, trăn trở nỗi nhớ đất mẹ, bà con kiều bào luôn hướng về Tổ quốc với mong mỏi đất nước ngày càng cường thịnh. Hành hương về đất Tổ, dâng một nén nhang thành kính là niềm vui, sự vinh hạnh mà không phải ai cũng có được.

Vào những ngày lễ lớn hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) lại tổ chức cho bà con kiều bào tiêu biểu hồi hương thăm Tổ quốc. Nói như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Những chuyến hồi hương về thăm Tổ quốc, thăm người thân, thăm bạn bè của kiều bào ở nước ngoài đã khiến sợi dây tình cảm gắn kết giữa kiều bào và đồng bào ở trong nước ngày càng khăng khít, keo sơn. Từ đó, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được thể hiện mạnh mẽ.


Và trong dịp tháng 4 với nhiều ngày lễ lớn này, 65 kiều bào tiêu biểu từ gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, đại diện cho 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài lại có dịp hồi hương để hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của đồng bào ở trong nước. Không phấn khởi sao được khi UNESCO vừa công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không vui sao được khi cả nước đang hân hoan chuẩn bị kỷ niệm 38 năm đại thắng mùa xuân 1975, với chiến thắng lịch sử 30-4...

Nhiều kiều bào lần đầu tiên hồi hương, được đi thăm các danh thắng, di tích lịch sử, cách mạng, đã không nén nổi sự xúc động trước sự đổi thay nhanh chóng của đất mẹ. Về thăm Pắc Bó, thác Bản Giốc, dự lễ tưởng nhớ và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biên giới các tỉnh phía Bắc tại Nghĩa trang Thanh Sơn (Cao Bằng), nhiều người đã không cầm được những giọt nước mắt cảm động trước cảnh vật và con người quê hương sau nhiều năm gặp lại.
Dù còn mỏi mệt sau chuyến đi dài ngày từ Cao Bằng về, đa số kiều bào về nước đợt này vẫn háo hức về đất Tổ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Gần 12 giờ, đoàn hành hương mới về tới đền Mẫu thờ Âu Cơ tại huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Không ai bảo ai, mọi người đều lặng lẽ dâng hương đức mẫu Âu Cơ để tỏ lòng nhớ ơn người đã sinh thành ra dòng giống con Lạc cháu Hồng. Đại đa số bà con kiều bào đều cảm nhận về với đất Tổ là về với quê mẹ, với cội nguồn. "Ở Mỹ, tôi vẫn dạy con cháu mình phải luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên. Hôm nay tôi được về đây dâng hương cho đức mẫu Âu Cơ thật là vinh hạnh. Tôi vô cùng hãnh diện là người Việt Nam, là con cháu của cha rồng, mẹ tiên..." - bà Jeanne Huỳnh chia sẻ.

Trước khi vào dâng hương các Vua Hùng, đoàn hành hương không quên vào đền thờ Lạc Long Quân bái lễ. Rời đền thờ vị Tổ phụ của dân tộc, như được tiếp thêm sức khỏe, đoàn hành hương tiếp tục lên khu di tích Đền Hùng thâm nghiêm nằm trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ chân núi Hùng, leo 225 bậc thang để lên đền Hạ. Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trước cửa đền Hạ còn có cây thiên tuế, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô đã nói chuyện với chiến sĩ của Đại đoàn Quân tiên phong: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Đoàn hành hương tiếp tục leo thêm 168 bậc đá nữa để lên tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh dày lên vua cha. "Hôm nay về đây tôi mới tường tận các sự tích và truyền thuyết mà trước đó còn chưa rõ. Dân tộc ta không chỉ vẻ vang với truyền thống anh dũng kiên cường trong công cuộc dựng nước và giữ nước, mà còn sáng ngời các phẩm chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tôi thật tự hào vì mình là con Lạc cháu Hồng...” - ông Đặng Văn Dũng, Việt kiều Thái Lan chia sẻ.

Từ đền Trung, chúng tôi đi tiếp 102 bậc đá để lên đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế trời đất, thần núi và thần lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán Án Dương Vương sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng. Tại đây còn có lăng Vua Hùng thứ 6. Tương truyền, sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân bay lên trời, Vua Hùng đã hóa ở đây. Sau khi bái lễ các Vua Hùng, đoàn hành hương xuống đền Giếng ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung - con gái yêu của Vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

Xuống đến chân núi Hùng thì trời cũng chạng vạng tối, đoàn hành hương được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc tiếp đón trọng thị. Ông Mạc cảm ơn và hoan nghênh đoàn kiều bào đã về thăm đất Tổ và quyên góp 40 triệu đồng cho quỹ khuyến học của tỉnh, góp phần chăm sóc thế hệ tương lai, làm rạng ngời đất Tổ. Bí thư Mạc trân trọng mời đoàn ở lại dự Lễ khai hội đền Hùng và Lễ đón nhận bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước thịnh tình của người dân đất Tổ, ông Lê Văn Duyên (84 tuổi, Việt kiều Mỹ) xúc động: "Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi. Chúng tôi rất tự hào là người Việt Nam, là con Lạc cháu Hồng. Dù xa quê hương, nhưng tấm lòng những người con xa xứ chúng tôi luôn hướng về quê hương, Tổ quốc. Chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...”.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kiều bào về đất Tổ Hùng Vương
Kiều bào về đất Tổ Hùng Vương

(VOV) -60 kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đại diện cho hơn 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài đã về dâng hương tại đất Tổ.

Kiều bào về đất Tổ Hùng Vương

Kiều bào về đất Tổ Hùng Vương

(VOV) -60 kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đại diện cho hơn 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài đã về dâng hương tại đất Tổ.

Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5
Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

(VOV) -Đây là nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT

Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

Tăng cường ATGT dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

(VOV) -Đây là nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT

Những tấm lòng hướng về đất mẹ
Những tấm lòng hướng về đất mẹ

(VOV) - Chuyến hành hương về Giỗ tổ năm nay (từ ngày 7 - 12/4) tiếp tục để lại những ấn tượng sâu sắc đối với nhiều bà con kiều bào.

Những tấm lòng hướng về đất mẹ

Những tấm lòng hướng về đất mẹ

(VOV) - Chuyến hành hương về Giỗ tổ năm nay (từ ngày 7 - 12/4) tiếp tục để lại những ấn tượng sâu sắc đối với nhiều bà con kiều bào.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại các nước
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại các nước

(VOV) - Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng với tâm nguyện uống nước nhớ nguồn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới.  

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại các nước

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại các nước

(VOV) - Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng với tâm nguyện uống nước nhớ nguồn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới.  

Cả nước tưng bừng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Cả nước tưng bừng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương

(VOV) - Hôm nay (ngày 19/4-tức 10/3 âm lịch) trên cả nước tưng bừng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Cả nước tưng bừng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Cả nước tưng bừng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương

(VOV) - Hôm nay (ngày 19/4-tức 10/3 âm lịch) trên cả nước tưng bừng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương.