Mỗi người mang theo một cái chuông

(VOV) -Mỗi người đi nước ngoài không thể thiếu tâm thế tự trọng-chất căn cơ của người Việt, tinh túy của mọi tính người.

Người ta bảo văn minh Việt Nam là nền văn minh lúa nước, người Việt sống dựa vào đồng ruộng cho nên tĩnh tại, hiền lành, giàu tình làng nghĩa xóm, không như người các nền văn minh du mục sống bằng săn bắt di chuyển thường xuyên, quen thói tàn bạo, nhác thấy con thú là lao theo diệt và xục luôn vào hang của nó.

Chuyện ấy có nhưng nhiều phần xưa rồi. Việt Nam ngày nay trên đường phát triển, hội nhập vẫn trân trọng những đức tính cổ truyền, vẫn coi trọng nghề nông; nông nghiệp và nông dân đã cứu nền kinh tế ta qua mấy cuộc khủng hoảng. Người Việt nay chưa giàu đã thích đi lắm, hai tiếng nước ngoài có sức hấp dẫn lạ kỳ, bất kể đi Tây đi Mỹ đi Australia đi Hàn hay tạt sang xóm giềng kề cận chẳng mấy khác ta, miễn là được đi bởi ba tiếng “đi nước ngoài” tự chúng sang trọng văn minh.

Không tính gần hai triệu người Việt cư trú ổn định từ lâu ở hải ngoại, phần đông hòa nhập vào xã hội đón khách, mỗi người mang trong mình hai nền văn minh: Lạc Hồng cùng bản địa, thậm chí nhiều người hơn thế, như trường hợp Giáo sư Trịnh Xuân Thuận mà nhà khoa học-sư ông Matthieu Ricard gọi là “hợp lưu ba nền văn hóa: Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ” (Lời nói đầu Cái vô hạn trong lòng bàn tay), số người trẻ tuổi ngày nay đi học, kiếm việc làm hay du ngoạn nước ngoài khá đông và chắc chắn sẽ ngày càng đông hơn.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: NLĐ)

Dễ hiểu thôi. Chừng nào nền giáo dục ta còn loay hoay tiến tới quay lui, thiếu cái “phong bì” thì con cái chậm thành học sinh xuất sắc, thì chán chê gia đình đành phải chọn con đường hy sinh đời bố củng cố đời con; chừng nào người nông dân âm thầm một nắng hai sương mà thu nhập cả năm không bằng bà hàng xóm bỏ làng ra phố chiếm một góc vỉa hè bán mớ rau quả ớt một mùa, thì chàng trai cô gái nào có sức khỏe chẳng cố bươn chải ra nước ngoài kiếm một việc làm gì đó cho dù biết trước sẽ rất vất vả - ngoại trừ số ít cô gái trẻ xinh vùng sâu vùng xa hăng hái ra đi do ngỡ mình số may kiếm được một đức ông chồng ngoại quốc, có mấy ai ngờ y già khằng, thô bạo, vũ phu mà chẳng giàu có bao nhiêu.

Chừng nào Tết đến người làm công ăn lương vẫn nhận được món tiền thưởng dù còm, cộng thêm chút ky cóp, thì vợ chồng cũng rán làm một tour ra nước ngoài, bù cho cả năm ngột ngạt sớm chiều chen lấn, ngộp thở với khói xăng để rồi sau đó ù ì sáu, bảy tiếng liền trong phòng bí rì mát hay ấm đều là của giả, hơn nữa đi cho biết đó biết đây và nhất là bằng chị bằng em. Chừng nào đồng lương viên chức trong nước chẳng đáng bao nhiêu mà lắm kẻ bất tài lại mau giàu sụ, thì những em học hành xuất sắc còn ai vội nghĩ tới chuyện về nước làm chi lúc này… Những cái đi mỗi người một cách ấy hoàn toàn không đáng trách mà ngược lại, đáng khen đáng mừng, cần khuyến khích, bởi tất yếu phải vậy, và nói cho hoa mỹ văn chương thời thượng một chút, nó phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập trong thời đại ngày nay.

Có điều nhiều người trong chúng ta ham đi, nhưng chẳng mấy ai chuẩn bị tâm thế cho sự đi. Các công ty dạy cấp tốc cho người đi lao động nước ngoài đôi ba tiếng bản địa nơi họ sẽ tới là cần, song việc cần hơn là trang bị cho họ tâm thế của sự đi thì làm qua quýt. Như vậy, làm sao mong giảm nhanh được số người sẽ bỏ hợp đồng trốn lủi làm chui, không mảnh giấy tùy thân, tự biến thành kẻ phạm pháp cho nhà đương cục truy lùng.

Thời xưa ra khỏi biên cương là chuyện vô cùng hi hữu, chỉ mấy vị vừa đại thần vừa danh gia mới được triều đình lựa chọn và phái đi sứ. Các cụ sứ thần một nhẽ, mà đến anh thư lại theo hầu phái bộ, ai cũng ý thức mình phải ráng sao làm tốt sứ mệnh vua giao - vua tức là nước là dân, cho nên ta hành xử sao cho không phụ ơn dân, khỏi mang tội với triều đình, không để ngoại bang coi thường mình thuộc giống man di. Vậy là tài, là đức của người đi đã đành, mà không thể thiếu tâm thế tự trọng - chất căn cơ của người Việt, tinh túy của mọi tính người. Tinh túy ấy là bản chất, nó không bị thải loại bởi thời gian, chỉ dày hơn lên nếu thích ứng được nhu cầu thời đại. Người hơn thú chỗ đó. Câu “mang chuông đi đấm nước ngoài” của ông cha ta từ đó mà ra.

Nhiều người đi nước ngoài nay quên không mang cái chuông, thiếu tâm thế, cho nên đi đâu đến đâu cũng cứ ngỡ như mình vẫn ở trong khối phố hay nẻo xóm làng quê, rác rưởi trong nhà ném đại ra đường, nước bẩn hắt tràn lối đi chung, đứng đâu cũng tè được, mặc kệ tấm biển hoành tráng xây dựng xóm thôn văn hóa sừng sửng vắt ngang cổng làng, hay sáng chiều tiếng chuông leng keng mời gọi của chị làm công ty vệ sinh. Đã thế, còn chép miệng, “đã ra nước ngoài, đến xứ này rồi, ai biết mình là ai mà giữ gìn cho mệt!”. Chúng ta thiếu sĩ diện, chúng ta không tự trọng.

Nếp sống thiếu văn minh của nhiều người Việt ngày nay trong hành xử được nói đến quá nhiều, bên vỉa hè, trên báo sách, tại nghị trường hùng biện; đã có bao nhiêu cuộc vận động, giáo dục tới mức nó cũ nhèm, vậy mà tín hiệu “đổi mới” hình như mong hoãi vẫn chưa thấy lóe.

Lớp cụ ông cụ bà cao niên, thời kháng chiến nhiều người có cái may được Đảng và Nhà nước cho đi học nước ngoài, tại các nước xã hội chủ nghĩa. Lớp tinh hoa ấy mang theo trong ba lô ra nước ngoài trọn vẹn chất nhà quê. Chẳng hề chi. Bởi bạn bè hồi đó ai cũng phục cũng thương dân tộc Việt Nam anh hùng, đất nước Việt Nam đang gánh chịu bao đau khổ rồi thể tất cho; làm cho những anh chị xuất thân gia đình “gia giáo” chẳng chút chân quê cũng đâm ra học đòi bè bạn và lấy nê thời chiến mà sinh hoạt tùm lum như tất cả mọi người.

Tuy nhiên, sự thật là sự thật. Chẳng bao lâu nhiều người sớm nhận ra và sẽ giễu cợt tính cách và nếp sống người Việt mình, qua các câu có vần đại loại như “ăn nhanh, đi chậm, nói lớn, hay cười…”, câu tiếp theo tả chân còn hiện thực hơn song hơi tục, không tiện dẫn ra. Mình tự giễu là mình tự răn.

Tôi có người bạn già, giáo sư tiến sĩ khoa học hẳn hoi, có lần kể: “Hồi đi làm nghiên cứu sinh, sao mình “vô tâm” thế, đến làm việc với giáo sư hướng dẫn, lần nào vào phòng thầy cũng quên không khép cửa. Cụ giáo lần nào cũng chỉ lẳng lặng đứng lên đóng cửa phòng rồi quay lại làm việc với trò. Đến nỗi một hôm, chắc là ngán quá, cụ hỏi nhẹ nhàng: “Hình như ở nước anh không có tục khép cửa?”. Mình nhớ đời từ bấy.  

Một chuyện nữa, vào thời khá gần gủi hơn mà có vẻ rất xa xưa, là thời chiến tranh bao cấp. Hồi ấy, người Việt rất tự trọng. Chẳng mấy ai vào cửa hàng mậu dịch bách hóa, chờ cô bán hàng lơ đãng để cầm nhầm một thứ gì. Vô cùng hy hữu. Ngày nay, mức sống mọi người khá hơn nhiều, vậy mà có vị ra nước ngoài, thậm chí cả bà giám đốc vào hàng hiệu, lại táy máy để đến nỗi bị bắt quả tang, làm hổ thẹn cả cộng đồng. Chúng ta vô tư bê nguyên nếp “văn hóa giao thông” của mình ra ngoại quốc. Chúng ta chẳng buồn để ý đâu là nơi công cộng, cứ thản nhiên lớn tiếng gọi nhau ý ới, nói cười cãi vã chuyện trò, vô tư hét qua điện thoại, như thể ngoài mình không còn có một ai, cho dù là lúc đang xem bảo tàng đông đảo hay đi dạo nơi vườn hoa tĩnh lặng. Chúng ta quên, thậm chí đánh mất nhiều nét đẹp cổ truyền, kể cả một số nét cái thời bao cấp lắm ẩm ương ấy.

Công bằng mà nói, thời ấy con người tự trọng hơn ngày nay. Chị công nhân sáng tinh mơ chạy ra quầy bán thịt xếp cái làn, người kế tiếp đến đặt chiếc dép hay viên gạch nhặt vội đằng sau, rồi vội vàng về cho con ăn để kịp đi vườn trẻ, những khách hàng đến muộn sẽ xếp sau cái làn, chiếc dép. Đấy là những vật vô tri, bẩn thỉu, song người ta tôn trọng bởi chúng đại diện cho con người, chúng thay mặt ai đó là bạn bè, hàng xóm hoặc đồng bào đồng loại với ta. Ngày nay, xin hãy đến sân vận động chiều hôm trước trận bóng đá quốc gia, hay nhà ga xe lửa những ngày giáp Tết mà nhìn…

Chuyện nếp sống văn minh, văn hóa giao tiếp, văn hóa giao thông, văn hóa kinh doanh… mênh mông trời biển - có việc gì trên đời này không dính đến văn hóa, văn minh! Nguyên nhân vô vàn, có chung có riêng. Tuy nhiên, riêng tôi nghĩ nguyên nhân chủ đạo bao trùm chi phối tất cả khi văn hóa xã hội xuống cấp là tại ông cán cùng người dân đều sút giảm tự trọng, lòng tham được thể trổi lên.

Những câu chuyện “vô cảm”, “hung bạo” mà báo đài đề cập đều đều, mà dư luận bức xúc, rõ ràng do tính ích kỷ, mình chỉ biết mình, rốt cuộc cũng là do con người thiếu tự trọng. Tại sao anh nông dân chữ nghĩa không nhiều kia lao xuống dòng lũ dữ cứu người đang chới với? Bởi anh tự trọng, bởi anh nghĩ tới người khác như nghĩ tới mình, bản năng anh còn đậm nét văn minh cổ truyền.

Cũng cần nói, giàu có không đồng nghĩa văn minh. Những người có tầm nhìn xa đều sớm thấy nhược điểm cố hữu của cộng đồng. Tôi từng được nghe một nhà lãnh đạo ta nay đã quá cố nói: “Tôi ra nước ngoài, nhiều lần nghe người ta khen dân tộc Việt Nam anh hùng, chưa từng nghe ai khen người Việt Nam văn minh cả”. Lại có lần đọc bài báo của bạn viết, hồi Singapore lần đầu đạt mức thu nhập bình quân đầu người GDP ngang ngửa các nước tốp đầu, không ít người nước ấy hể hả: đảo ta nay là nước phát triển rồi.

Cựu Thủ tướng Gog Chok Tong vội lên tiếng: “Nên nhớ Tổ tiên chúng ta nếu không là dân bản địa nếp sống giản đơn thì là những người nghèo khó từ nơi lang bạt tới làm ăn hay cu ly (coolies, chữ của ông) nhập cư làm lao động chân tay, nếp sống văn hóa của ông cha ta chưa dày, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều, cho đến khi thật định hình lối sống văn minh hiện đại, lúc ấy hẵng tự hào Singapore là nước phát triển”.

Tâm thế từng cá thể trước sự đi là cần nhưng chưa đủ. Xét trên bình diện cao hơn, rộng hơn, là đại sự quốc gia. Việt Nam là nước nghèo. Trên trường quốc tế, nghèo là hèn. Chẳng bao giờ có bình đẳng bình quyền đích thực giữa nước giàu và nước nghèo đâu, thời nào cũng thế cho dù ngôn từ ngoại giao luôn luôn bóng lộn. Tại sao dân nước nghèo nhập cảnh nước giàu, thủ tục khó khăn phiền hà đến vậy? Tại họ nghèo. Đơn giản vậy thôi.

Bản thân tôi, một kẻ được đồng sự cho thuộc loại đi nhiều, tôi có trải nghiệm. Khi còn làm việc, là viên chức Nhà nước, dù làm quan bé hay quan lớn vẫn là quan, ra nước ngoài không hộ chiếu đỏ thì hộ chiếu xanh sáng choé hai chữ công vụ. Thủ tục thuận tiện, bởi anh đi việc công. Ai leo lên cấp cao còn tiện hơn nữa, đến nước ngoài, có người chờ đón tại cầu thang tàu bay, mời lên xe chờ sẵn về luôn nơi nghỉ, thủ tục nhập cảnh có người làm, hành lý có người mang đến tận phòng. Đi nước ngoài cách ấy, việc chi mà ngại! Về già, làm phó thường dân, có lần gặp việc gia đình, tôi cùng đứa cháu xăm xăm làm một chuyến đi dân giã đến một nước từng lui tới bao phen, không dựa vào ngành du lịch để khỏi lệ thuộc các tua. Lần này thấm đòn. Kê khai đầy đủ mọi thứ, đích thân mang tấm thân già tới trình diện, chìa tấm vé máy bay khứ hồi (nhất thiết phải có hồi) cho cậu nhân viên sứ quán người nước ngoài xem, y hỏi card đâu? Chìa tấm thẻ tín dụng, y cao ngạo bồi tiếp trong này có bao nhiêu tiền? Vẫn phải bấm bụng trình thưa. Cho đến khi anh chàng gật đầu ô kê, ra hiệu cho cô thư ký mang vào ngài lãnh sự ký tên đóng dấu cấp visa. Tấm hộ chiếu trao trả có kèm mẩu giấy in sẵn, dặn sau khi về nước, nhất thiết phải mang hộ chiếu đến sứ quán lấy chứng thực ngay, nếu không lần sau sẽ không được cấp visa - nói thẳng tuột, ngắn gọn như…Tây.

Bực mình không nén được, tôi hỏi: “Đất nước anh hấp dẫn tới mức ai tới đó cũng sẽ không trở về?”. Cậu vẫn mặt lạnh như tiền: “Bổn phận của tôi là phải luôn luôn nghĩ vậy”.

Làm sao cho nước mình chưa giàu cũng phải khấm khá lên, không phải cậy nhờ người ta quá mức, nào viện trợ ODA, ODB nào nhân đạo NGO, ONG…, lúc ấy may ra cái sự đi mới có bình đẳng bình quyền thật sự trên trường quốc tế. Chuyện này dài dài nhưng không cho phép ai được vô tâm. “Thất phu hữu trách” là đây. Còn lúc này anh, chị và tôi, chúng ta ra nước ngoài, chúng ta được các nơi đón tươi cười chăm sóc tới số, vô cùng chu đáo, ấy là bởi người ta mong chúng mình sẽ hào hứng shopping cho thật nhiều nhiều vào, tiêu pha cho thật vung tay khác hẳn lúc ở nhà, và sau chuyến này còn những chuyến tới see you soon, để cho người ta thu gom ngoại tệ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ
Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ

(VOV) - Nhiều người xa quê lâu năm đang trăn trở làm sao để vừa hòa nhập tối đa mà vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ được nguồn gốc của mình?

Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ

Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ

(VOV) - Nhiều người xa quê lâu năm đang trăn trở làm sao để vừa hòa nhập tối đa mà vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ được nguồn gốc của mình?

Việt kiều Thái Lan đón tết Quý Tỵ 2013
Việt kiều Thái Lan đón tết Quý Tỵ 2013

(VOV) -Tối 25/1 gần 2.000 Việt kiều các tỉnh tại Thái Lan đã tập trung đón Tết tại tỉnh Udon Thani, cách Bangkok hơn 500 km về phía Đông Bắc.

Việt kiều Thái Lan đón tết Quý Tỵ 2013

Việt kiều Thái Lan đón tết Quý Tỵ 2013

(VOV) -Tối 25/1 gần 2.000 Việt kiều các tỉnh tại Thái Lan đã tập trung đón Tết tại tỉnh Udon Thani, cách Bangkok hơn 500 km về phía Đông Bắc.

Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris
Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris

(VOV) - Đa số các Việt kiều Pháp lúc đó là những thanh niên, họ sẵn sàng làm tất cả mọi việc khi đất nước cần.

Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris

Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris

(VOV) - Đa số các Việt kiều Pháp lúc đó là những thanh niên, họ sẵn sàng làm tất cả mọi việc khi đất nước cần.

13 năm đam mê tình nguyện của cô gái trẻ
13 năm đam mê tình nguyện của cô gái trẻ

(VOV) - Đến nay Ngô Thị Hồng Nhung đã có “thâm niên” 13 năm làm việc từ thiện giúp đỡ người dân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

13 năm đam mê tình nguyện của cô gái trẻ

13 năm đam mê tình nguyện của cô gái trẻ

(VOV) - Đến nay Ngô Thị Hồng Nhung đã có “thâm niên” 13 năm làm việc từ thiện giúp đỡ người dân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Thần đồng y khoa gốc Việt
Thần đồng y khoa gốc Việt

James Nguyễn trở thành thần đồng của ngành y khoa Mỹ với nhiều thành tích xuất chúng khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn học phổ thông.

Thần đồng y khoa gốc Việt

Thần đồng y khoa gốc Việt

James Nguyễn trở thành thần đồng của ngành y khoa Mỹ với nhiều thành tích xuất chúng khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn học phổ thông.

Nữ Việt kiều xây cầu, dựng trường
Nữ Việt kiều xây cầu, dựng trường

(VOV)-Một cuộc khởi động đầy tinh thần nhân văn từ những phụ nữ Việt kiều xa xứ gửi vào những cây cầu, ngôi trường dựng nên cho quê hương.

Nữ Việt kiều xây cầu, dựng trường

Nữ Việt kiều xây cầu, dựng trường

(VOV)-Một cuộc khởi động đầy tinh thần nhân văn từ những phụ nữ Việt kiều xa xứ gửi vào những cây cầu, ngôi trường dựng nên cho quê hương.

Hương phở Việt ở Canada
Hương phở Việt ở Canada

(VOV) -Hai món truyền thống của người Việt: phở và nem đã trở nên quen thuộc với người bản xứ. Phở Việt còn được gọi là "Vietnamese noodle".

Hương phở Việt ở Canada

Hương phở Việt ở Canada

(VOV) -Hai món truyền thống của người Việt: phở và nem đã trở nên quen thuộc với người bản xứ. Phở Việt còn được gọi là "Vietnamese noodle".

Trò chuyện với người Việt nổi tiếng ở Hungary
Trò chuyện với người Việt nổi tiếng ở Hungary

(VOV) - Ấn tượng đầu tiên về Bích Thiện: đó là một người phụ nữ vô cùng thân thiện có dung mạo trẻ hơn rất nhiều so với năm sinh của chị.

Trò chuyện với người Việt nổi tiếng ở Hungary

Trò chuyện với người Việt nổi tiếng ở Hungary

(VOV) - Ấn tượng đầu tiên về Bích Thiện: đó là một người phụ nữ vô cùng thân thiện có dung mạo trẻ hơn rất nhiều so với năm sinh của chị.