Mùa mít chín, rưng rưng nhớ quê hương

Hương thơm mùa mít chín cứ quấn quýt trong từng lùm cây, kẽ lá và theo gió lan tỏa đi khắp muôn phương.  

Hè về, náo nức trông đợi nhất là những ngày mít chín thơm lừng cả vườn.

Ở quê tôi, chẳng có nhà nào là không trồng mít. Nói cho đúng hơn, thực ra vườn nhà nào cũng trồng đủ các loại cây ăn quả để mùa nào thức nấy, đều có quà cho con trẻ ăn chơi. Bà nội tôi từng bảo, người nhà quê ngày xưa chẳng mấy khi phải tiêu đến tiền. Vì không trồng cây với mục đích đem trái đi buôn bán nên chẳng khu vườn nào chỉ trồng riêng một loại cây.

Ngược lại, cũng hiếm có loại cây ăn trái nào trồng đến 4 - 5 cây trong cùng một khu vườn. Đến mùa, hoa quả cũng chỉ để con cháu trong nhà ăn và biếu nhà hàng xóm nếu nhà mình vào vụ hoặc chín trước nhà bên cạnh. Mọi người biếu nhau, tặng nhau thứ quả thơm thảo của nhà mình như một lẽ thường tình đến mức chẳng ai nghĩ rằng phải rào cổng, làm tường bao vì sợ mất trộm hoa quả trong vườn như ngày nay!.

Mùi mít chín thơm ngon sẽ khiến người Việt ở xa quê càng thêm nhớ nhà

Hồi ấy, cứ chờ mít chín cây, thơm lừng mới đem hái xuống hoặc chờ "hắn” tự rụng. Nếu cô bé, cậu bé nào "khoan thổi vội ăn” lắm thì cứ trông quả nào mà lũ bướm lượn quanh nghĩa là có thể hái xuống, đem bỏ thùng gạo chỉ độ mươi tiếng là có thể ăn được. Cũng có một cách khác mà mấy chị em gái không thạo leo trèo như chúng tôi được ông nội bày cách cho là lấy cây sào tre chọc tìm trái chín…

Hồi nhỏ, trong cả chục đứa cháu trai gái sàn sàn tuổi nhau trong họ nhà tôi không bói ra được một đứa nào thích ăn mít mật. Thành ra, cứ hè về, cả lũ lại thi nhau lượn quanh hai cây mít dai ở góc vườn. Còn cây mít mật thì chỉ có ông nội là thỉnh thoảng ra xem. Trẻ thơ vô tâm, không nghĩ được rằng ông nội đâu phải không thích ăn mít dai mà chỉ là ông muốn để phần cho chúng tôi…

Mít quê, quả to cũng chỉ nhỉnh hơn trái dừa tí chút. Cây mít sai chi chít và độ tháng 7 nghỉ hè, mít đua nhau chín rộ. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mít để ăn. Ông nội sợ chúng tôi chưa dùng dao thạo nên chỉ phân đứa đi hái lá ngái, đứa đi lấy âu sắt đựng mít còn tự mình bổ. Những múi mít vàng ươm, tứa mật, thơm đến mức chúng tôi đứa nào cũng nuốt nước miếng ừng ực. Ông thành thạo bổ đôi, rồi bổ 4, bổ 8… thành các phần đều nhau và để chúng tôi tự lấy lá ngái lau dựa mít bám trên đó. Mỗi đứa một phần bóc ăn ngấu nghiến, không chừa đến cả phần xơ mít bởi gọi là xơ nhưng cái nào cũng vàng ươm, hấp dẫn. Và chiếc bát sắt cầm ra ban đầu, thường là thứ để chúng tôi gom… hạt mít sau khi ăn xong lại, đem rửa sạch để luộc hoặc vùi tro ăn bùi và thơm nức nở…

Ngày bà nội mất, ông nội đã yếu, bố mẹ tôi thuyết phục mãi mới đón được ông về thành phố ở với chúng tôi. Cứ vài tháng, bố tôi tranh thủ xin nghỉ được đôi ba ngày lại đưa ông nội về quê ở mấy hôm cho vơi bớt nỗi nhớ. Nếu là mùa hè, được nghỉ học, mấy chị em tôi cũng theo về quê. Chúng tôi đứa dìu ông, đứa dùng sào chọc chọc mấy trái mít trong vườn, cả cây mít mật và mít dai. Đến tận sau này, cô tôi mới nói rằng thực ra ngày xưa ông thích ăn mít mật là để dành mít dai cho các cháu. Bây giờ, khi chúng tôi đã lớn, không phải lúc nào cũng tề tựu đông đủ, háo hức chờ ông chia cho một góc quả mít như ngày thơ bé nên có khi mít chín rộ cả vườn mà chẳng có đứa cháu nào về hái. Mà răng ông lại yếu lắm rồi, chỉ có thể nhai chầm chậm từng múi mít mật…

Chẳng nhớ rõ tôi đã ăn múi mít mật đầu tiên khi nào. Chỉ biết rằng đến giờ cái thứ mít mềm và ngọt dịu ấy còn hấp dẫn tôi hơn cả những múi mít dai thơm lừng…

Lại một mùa mít chín. Tự dặn lòng phải sắp xếp về quê để thăm từng quả mít và chọn miếng mít mật thơm ngon nhất dâng lên ban thờ ông, người suốt đời chúng cháu kính yêu và mắc nợ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên