Mùa thu Hà Nội nhớ Trịnh Công Sơn

(VOV) - Mỗi độ thu về, trong trái tim mỗi người Việt lại thấy ngân lên những giai điệu đầy da diết và quyến luyến Hà Nội mùa thu...

Sau ngày 30/4/1975 chỉ hơn một tháng, chúng tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam cử vào công tác ở Đài Phát thanh Huế. Ngoài công việc hàng ngày, chúng tôi thường hẹn gặp với các văn nghệ sĩ. Văn thơ kịch có: Phan Kim Nguyên, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Quê…; nhạc có: Trần Hoàn, Trần Hữu Pháp, Trịnh Công Sơn… Ba cơ quan Đài Phát thanh, Sở Văn hóa và Hội Văn nghệ đều ở gần nhau trên đường Lê Lợi dọc sông Hương nên cũng thuận tiện khi gặp mặt.

Những lần gặp gỡ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay hỏi về Hà Nội, về những địa danh, những đặc điểm của Thủ đô. Nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa thường thay chúng tôi trả lời. Từ những lần trò chuyện gián tiếp ấy và sau này được ra thăm Thủ đô, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một bài hát thật hay về mùa thu Hà Nội.

 

Mùa thu Hà Nội (Ảnh: Xuân Chính)

Mùa thu! Dấu hiệu nào để ta nhận ra cái mùa đẹp nhất, lãng mạn nhất trong năm của Hà Nội? Một tinh mơ đã bắt đầu se se gió sau những ban mai oi ả. Một Hà Nội sáng chớm lạnh, dịu dàng trong yên tĩnh phố xá đầu ngày, khi chưa có nhiều người đi, chưa có nhiều xe chạy. Rồi hình ảnh những cây cơm nguội bên đường Thợ Nhuộm lá đã ngả vàng; Những mái ngói thâm nâu dọc Hàng Buồm, Hàng Quạt… Tất cả những hình ảnh ấy đã được Trịnh Công Sơn cảm nhận mà tạo nên cảm hứng như ông từng tâm sự nhiều lần khi còn sống.

Nội mùa thu

cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau.

Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội

Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ

Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.

 

Nghe bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội
Trình bày: Hồng Nhung

Với đoạn nhạc mở đầu, nhạc sĩ như thâu tóm cả ấn tượng của mình về Hà Nội bằng những hình ảnh vô cùng gần gũi thân quen trong kỷ niệm bao người theo cách của riêng mình.

Cũng là cây cơm nguội, cây bàng nhưng ông đặt kề nhau giữa màu vàng và màu đỏ thì chưa ai làm thế. Cũng là phố cổ, ngói xưa nhưng với ông là “mái ngói thâm nâu”. Cũng là cốm nhưng cốm xanh và cốm sữa. Cũng tay chân nhưng tay nhỏ và chân thơm...

Màu của lời và màu của nhạc như kết hợp gam trưởng và gam thứ đan xen, khiến nó vừa sáng trong vừa mềm mại, tạo nên vẻ đẹp sang trọng và thanh nhã như nét đẹp truyền thống của đất Kinh kỳ.

Không gian Hà Nội phố dồn nén bỗng được nhạc sĩ mở rộng về phía hồ Tây mênh mông bát ngát và đầy gợi cảm với “màu sương thương nhớ” cùng cánh chim sâm cầm “vỗ cánh mặt trời”.

Nghe bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội
Trình bày: Tuấn Ngọc
Hai câu nhạc trải ra và bay lên tưởng như quá khứ đang bay dần về tương lai đầy ánh sáng thơ mộng. Rồi ông lặng lẽ trở về với chính mình, với tình yêu Hà Nội mà ông chưa bao giờ hiểu hết. Đó chính là khát khao một tình yêu say đắm, một tiếc nuối không lời:

Nội mùa thu đi giữa mọi người

lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai

sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi

sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.

 

Nhớ mùa thu Hà Nội
Trình bày: Nghệ sĩ Saxophone Quyền Văn Minh

Câu nhạc kết bài như chùng xuống một giọng thứ sâu đằm và da diết: Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người... để nhớ mọi người.

Đã hơn 30 năm trôi qua, “Nhớ mùa thu Hà Nội” vẫn thao thức lòng người về một tình yêu tuyệt đẹp, như một đứa con đi xa luôn ấp ủ nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ.

Trong hàng trăm bài hát của mình viết về quê hương và tình yêu, “Nhớ mùa thu Hà Nội” mang một hơi thở riêng của người nhạc sĩ gần gũi với mọi người. Đây không chỉ là một tác phẩm hay của Trịnh Công Sơn mà còn là một bài hát hay của Hà Nội ngàn năm. Bởi mỗi độ thu về, trong trái tim mỗi người Việt lại thấy ngân lên những giai điệu đầy da diết và quyến luyến Nội mùa thu... Một bài hát mà người nghe nghe có cảm giác như được đưa vào cõi bồng bềnh, tạo nên những khát khao, những ao ước cho những ai chưa một lần đến Hà Nội; hoặc người đã từng đặt chân lên đất Thủ đô cũng muốn trở lại để được đứng dưới nắng mùa thu này có khác nắng thu xưa? và cũng thấy hết những khung cảnh đổi thay mà tận hưởng thêm cái lạ, cái hay của mùa thu Hà Nội.

Thấm thoắt đã 37 năm kể từ khi người từ nam ra,kẻ từ bắc vào trong tình bạn văn nghệ gặp nhau ở Huế sau ngày đất nước thống nhất.Sau những ngày ấy Trịnh Công Sơn đã có thêm nhiều bài hát nổi tiếng như: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Đời gọi em biết bao lần, Em còn nhớ hay em đã quên, Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường em ra biên giới (viết cho người lớn), Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng (viết  cho thiếu nhi)… nhưng với “Nhớ mùa thu Hà Nội” gợi cho tôi nhớ ông, học ở ông người nhạc sĩ tài hoa - có nhiều bản tình ca hay, biết làm thơ, biết hội họa luôn luôn khiêm tốn với phương châm “chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học” - sinh năm 1939, mất năm 2001 quê ở Thừa Thiên Huế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên