Thủ tướng Đức Merkel ghé quán ăn Việt Nam

Ngày 15/9/2009, công du trên tàu tốc hành Rheingold express để vận động cho liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) trong tổng tuyển cử 27/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Leipzig (băng Saxony). Trên phố đi bộ trung tâm thành phố, bà đã ghé thăm quán ăn Việt Soup&Nem.

Trên phố đi bộ Nikolaistr, đến gần Soup&Nem với đông đúc thực khách ngồi trước quán, bà Angela Merkel dừng lại hỏi gì đó những người tháp tùng. Sau khi nghe họ nói, mặc dù thời gian rất gấp, bà Angela Merkel đã vào tận quầy chế biến và bán đồ ăn, bắt tay thăm hỏi hai nhân viên người Việt đang bán hàng.

Cuộc thăm viếng không báo trước diễn ra rất nhanh, nhưng đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm từ khi tái thống nhất nước Đức, một thủ tướng đã ghé thăm cơ sở kinh doanh của người Việt. Điều đó làm chị Bùi Thị Hạnh và anh Phạm Quang Tùng (những người được thủ tướng bắt tay chào hỏi) quá bất ngờ. Họ cảm động và lúng túng trước sự chứng kiến của đám đông vệ sĩ, nhân viên tháp tùng, phóng viên nhiều hãng thông tin Đức và quốc tế.

Chị Hạnh kể: “Thật bất ngờ khi thủ tướng Đức ghé thăm và bắt tay chúng tôi. Cả dãy phố này bao nhiêu cửa hang hiện đại mà bà lại ghé thăm Bistro Việt Nam. Vì vậy khi bà thân mật chào và hỏi: “Chắc quán ăn đông khách chứ?”, rồi: “Tạm biệt và chúc một ngày mới tốt lành!”, chúng tôi bối rối đến độ không nói thêm được gì ngoài những lời: Cảm ơn, vâng, thưa bà”. Bà Merkel trước khi bước ra còn quay nhìn bảng hiệu đặt ngay trên quầy, quảng cáo hình ảnh hai món ăn đặc biệt chỉ chào bán trong ngày, viết bằng chữ Việt không dấu: “Ga cam (gà cam), pho xao hai san thap cam (phở xào hải sản thập cẩm). Xong bà mới quay lui, kéo theo cả đoàn tháp tùng ào ào theo sau để kịp giờ tàu khởi hành lúc 19g01.

Đội ngũ nhân viên chừng 10 người lúc này mới kịp dừng mọi việc bước hết ra, nhìn tạm biệt, tiếc là tất cả không kịp bắt tay Thủ tướng. Ngày hôm sau, cảnh bà Merkel thăm Soup&Nem được đưa lên YouTupe (http://www.youtube.com/watch?v=HTHmrIJPr4).

Chủ nhân Soup&Nem là một người Việt tên Nguyễn Sĩ Phương.

Quán Việt

Bistro Soup&Nem ra đời năm 2004.

Cái tên ghép chữ Anh – soup (ngầm hiểu từ chữ phở) với từ thuần Việt là nem (chả giò), hai món ăn của người Việt Nam mà nhiều bạn bè Đông Đức biết và ưa chuộng.

Tìm hiểu cái tên lạ này, tôi được chủ quán cho biết khi lấy tên quán nếu ghi rõ là “Phở và Nem” thì không thích hợp vì bảng hiệu ở Đức không bỏ dấu như tiếng Việt. “Nem” thì không cần dấu mà “phở” thì cần dấu, nếu bỏ dấu đi như người Đức dễ bị hiểu nhầm. Nơi mở quán là đường đi bộ trung tâm, nhiều khách du lịch hiểu tiếng Anh, nên chủ quán đã lấy chữ Anh “soup” ghép với chữ “nem” ra tên quán.

Tất nhiên, với một quán ăn rộng hơn sáu dãy bàn ngoài phố, Soup&Nem được đầu tư số tiền không nhỏ, đặc biệt là tiền thuê địa điểm.

Quan sát Soup&Nem, tôi nhận ra một mô hình: món Việt, ăn nhanh với chất lượng cao, chuẩn hoá công nghệ chế biến, công thức món ăn và thực đơn tương thích.

Leipzig là thành phố công nghiệp lớn đông dân nhất nhì ở Đông Đức. Trong cơn suy thoái toàn cầu, cũng như ở các thành phố khác, nhiều tiệm ăn người Việt đã phải đóng cửa; thậm chí nhiều nhà hàng trước kia đầu tư tới hàng trăm ngàn euro nay nhượng lại với giá rẻ mạt mà chẳng ai dám nhận, đành chịu phá sản.

Để kinh doanh ăn uống theo phương châm trên, Soup&Nem được thiêế kế vừa giữ được tính Việt vừa hiện đại như các quán ăn người Âu quanh đó. Về thực đơn, Soup&Nem nghiên cứu thị trường để chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị châu Âu. Quan sát món mì của người Ấn, Sri Lanka, Soup&Nem cải biến phở xào, nhuận sắc thêm ít càri, vừa làm mầu sắc thêm đẹp và cũng hợp vị cay được nhiều người Đức ưa thích. Những món ăn truyền thống của dân Việt như nem, cơm chiên và cơm các loại cũng được Soup&Nem gia giảm mặn nhạt cho tương thích với khẩu vị dân bản địa.

Tuân thủ quy định nghiêm ngặt của ngành ăn uống Đức, quán ăn nhanh này chú trọng từ khâu chọn thực phâẩ tươi cho tới khâu chế biến và vệ sinh quán. Mọi thứ từ bếp nấu, bàn ăn, cốc, thìa, chén bát và đồng phục nhân viên, cả nhà vệ sinh đều sạch tinh, đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu – đó là cảm nhận của tôi khi ghé thăm tiệm tháng 7-2009.

Trong quán, trên những bức tường là rất nhiều ảnh chụp, tranh vẽ hiện đại về con người và đất nước Việt Nam. Thực khách có thể nhận ra ngay đây là một quán ăn của người Việt với những món ăn Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu Việt

Tiếng lành đồn xa, ở vị trí đắc địa quán thu hút dần khách và năm 2008 được mở rộng them. Nhờ vậy các bàn của quán trong các ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật đầy kín thực khách. Đặc biệt là sáu dãy ghế bên ngoài trên con đường đi bộ, và mùa hè khi dân du lịch tứ xứ đổ về, chả mấy lúc thừa chỗ.

Có lẽ chính những đặc điểm nổi bật của một quán ăn nhanh Việt Nam trên khu phố đông người nhất Leipzig như vậy đã làm lãnh đạo thành phố biết đến và và Thủ tướng Angela Merkel có chuyến viếng thăm nói trên. Tháp tùng bà Merkel trong chuyến đi bộ này có thủ hiến bang Saxony Stanislaw Tillich và chánh văn phòng thủ tướng lien bang Thomas de Maiziere cùng nhiều quan chức địa phương khác.

Tại Đức hiện nay số người Việt di trú hợp pháp khoảng 5 vạn, trong đó kinh doanh ăn uống như mở imbiss, bistro, restaurant (imbiss là quán ăn nhanh không có chỗ ngồi và không phải bố trí nhà vệ sinh. Bistro là quán ăn nhanh nhưng có chỗ ngồi ăn cho thực khách và có nhà vệ sinh); là nghề quan trọng thứ hai sau buôn bán quần áo. Song đại đa số chủ quán, do tâm lý mặc cảm và cam chịu trước uy tín lâu năm của thương hiệu quán Trung Hoa, đã trang trí quán ăn của họ toàn gam màu đỏ, vàng, hình rồng hay tượng Di Lặc, hệt như quán ăn Trung Hoa. Thậm chí có nhiều quán toàn người Việt hành nghề và nấu nhiều món ăn Việt vẫn lấy tên là China – imbiss hay China-restaurant. Vài người Việt ở Đức trong 20 năm qua đã rất thành đạt trong ngành kinh doanh dịch vụ này, có người nắm giữ hơn 20 quán ăn, cũng không thoát ra khỏi ngoại lệ trên để khẳng định một thương hiệu thuần Việt. Đấy là một điều đáng buồn.

Phương châm và sự tạo dựng quán ăn mô hình Soup&Nem là một dạng thức đáng khích lệ. Nó không chỉ giúp việc kinh doanh xây dựng một uy tín thương hiệu của hàng Việt trong quá trình hoà nhập tại nước ngoài mà còn có tác dụng ít nhiều nâng cao uy tín người Việt ở Đức, quảng bá một phần văn hoá ẩm thực Việt Nam trên xứ người. 

Mạng Đức đánh giá kinh doanh nhận xét về Soup&Nem: (www.Iwb.de)

Với sự thoả mãn quá mong đợi của thực khách, những món ăn ở đây được chọn lựa hợp khẩu vị châu Âu với thực phẩm tươi ngon được chế biến bằng công nghệ mới. Có thể trông thấy tất cả thành phần thực phẩm: thịt, rau, củ quả đã sơ chế sẵn, dự trữ riêng rẽ trong các ngăn lạnh bày biện trước mắt qua tủ kính và tự quyết định chọn cho mình món ăn nào để quán chế biến. Những thực khách chưa thường xuyên thưởng thức món ăn Việt Nam có thể chiêm ngưỡng món ăn hiện rõ trên màn hình chiếu sáng, rộng lớn kéo dài phía trên để chọn cho mình món ăn hấp dẫn nhất. Ưa thích nhất đối với hầu hết thực khách là món nem và phở các loại chế biến đúng chất đặc sản Việt Nam khó có thể tìm thấy ở các nhà hàng khác. Phòng ăn được thiết kế lịch sự, nhã nhặn, khang trang, dễ chịu, cách điệu mang dáng dấp Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên