Rượu tự nấu tràn lan trên thị trường Đà Nẵng

VOV.VN - Uống rượu gạo đã trở thành thói quen đối với nhiều người dân ở vùng nông thôn và đô thị. Loại rượu này vừa rẻ, vừa dễ mua

Sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở các nơi, chính quyền và ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn. Hiện nay, việc quản lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu thủ công trái phép còn nhiều bất cập.

Uống rượu gạo đã trở thành thói quen đối với nhiều người dân ở vùng nông thôn và đô thị. Loại rượu này vừa rẻ, vừa dễ mua. Cứ chiều chiều ông P. cùng nhóm bạn chài ven biển phường Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng lại lai rai uống vài xị rượu gạo.

Các cơ sở nấu rượu không có giấy phép kinh doanh vẫn hoạt động trong khu dân cư.

Ông P. bộc bạch, uống rượu gạo mãi thành quen, dân lao động lấy tiền đâu uống rượu bia khác: “Những người lao động như chúng tôi ngồi những quán nhậu bình dân là chuyện thường ngày. Tôi nhậu chủ yếu là rượu gạo, rượu thuốc, ai cũng uống hết, nhãn mác thì không có, rượu được bỏ trong chai nước suối, chai lavie. Mình thấy thì uống thôi chứ cũng chẳng biết chất lượng ra sao. Nhiều khi uống xong sáng dậy thấy đầu đau, người nó mệt mỏi ghê lắm”.

Ở thành phố Đà Nẵng, rượu nấu thủ công, rượu ngâm thuốc không đóng chai, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trong các nhà hàng, quán nhậu, quầy hàng tạp hóa ven đường. Các cơ sở nấu rượu thủ công mọc lên ngày càng nhiều nằm len lỏi trong các khu dân cư rất khó kiểm soát. Việc phân cấp quản lý sản phẩm rượu như hiện nay cũng gây khó cho các ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Cụ thể, ngành Công thương được giao quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; nhưng rượu thuốc, men sản xuất rượu lại do ngành Y tế quản lý; riêng các hộ sản xuất rượu thủ công thuộc sự quản lý của các quận, huyện ….

Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng: hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công đều nhỏ lẻ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, tự nấu, tự tiêu thụ nên rất khó kiểm tra, xử phạt. Qua thực tế kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn, phát hiện sai phạm chủ yếu là rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa và giả nhãn mác.

Ông Nguyễn Như Hậu cho biết: “Do đặc thù sản xuất rượu thủ công tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong khu dân cư, quy mô nhỏ lẻ nên công tác kiểm tra kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Men sản xuất rượu cũng rất trôi nổi nên khó kiểm soát. Chúng tôi phối hợp với chính quyền các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức và ý thức hơn trong hoạt động sản xuất rượu để bảo đảm chất lượng rượu khi đưa ra thị trường lưu thông, đặc biệt làm thế nào đảm bảo được chất lượng an toàn thực phẩm”.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 5 cơ sở sản xuất rượu được cấp giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn 300 cơ sở nấu rượu thủ công, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn hoạt động. Ông Nguyễn Văn Trừ, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng lý giải, sở dĩ các cơ sở này chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh do vướng Quyết định 39 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Một cơ sở nấu rượu thủ công ở huyện Hòa Vang.

Điều 15 của Quyết định này quy định các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư, trong đó có ngành sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết). Chiểu theo quy định này thì trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không có cơ sở nào hội đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Trừ cho biết: “Thực tế cơ sở sản xuất rượu thủ công rất nhiều nhưng vướng Quyết định 39 họ không đăng ký kinh doanh được. Bây giờ muốn quản lý được thì phải đăng ký kinh doanh, rồi mới đưa họ vào khuôn khổ để cấp giấy chúng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu sửa Quyết định 39 đó theo hướng mở các cơ sở sản xuất đáp ứng được điều kiện”.

Hàng loạt vụ ngộ độc rượu vừa mới xảy ra dẫn đến những cái chết thương tâm bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người dân. Việc buông lỏng quản lý trong sản xuất rượu thủ công cũng là nguyên nhân gây ra thực tế đau lòng này. Vì thế, thành phố Đà Nẵng tăng cường quản lý và siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn cũng chính là cách bảo vệ sức khỏe cho người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội: Thêm một bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu
Hà Nội: Thêm một bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu

VOV.VN - Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân có tổn thương chảy máu nhiều.

Hà Nội: Thêm một bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu

Hà Nội: Thêm một bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu

VOV.VN - Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân có tổn thương chảy máu nhiều.

Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết: Cần kiểm soát nguồn rượu
Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết: Cần kiểm soát nguồn rượu

VOV.VN - Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết có chiều hướng phức tạp hơn khi số người ngộ độc sau đó ngày càng tăng và xuất hiện ở nhiều xã trên địa bàn.

Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết: Cần kiểm soát nguồn rượu

Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết: Cần kiểm soát nguồn rượu

VOV.VN - Vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết có chiều hướng phức tạp hơn khi số người ngộ độc sau đó ngày càng tăng và xuất hiện ở nhiều xã trên địa bàn.