Nghịch lý tiêu thụ ô tô

Cùng với sự phục hồi về kinh tế, mức tiêu thụ sản phẩm của nhiều ngành hàng cũng đang hồi phục. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tiêu thụ của một số ngành cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó có ngành sản xuất-lắp ráp ô tô.

Tháng 8/2009, tiêu thụ ô tô của nước ta có mức tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ năm 2008. Doanh số bán hàng của nhiều hãng ô tô cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như GM Daewoo tăng tới 66%, Vinastar tăng 172%, Mercedes tăng 23%, Toyota tăng 18%, Ford chỉ tăng 3%. Sự tăng trưởng bất ngờ này chỉ rơi vào phân khúc thị trường ô tô cá nhân.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nếu như trung bình 6 tháng đầu năm, mỗi tháng, các nhà sản xuất chỉ tiêu thụ được khoảng 2.200 xe du lịch 5 chỗ ngồi trở xuống thì từ tháng 7, doanh số bán ra của dòng xe này đã vượt ngưỡng 3.000 chiếc.

Tiêu thụ ô tô cá nhân tăng mạnh cũng cho thấy, sự xa xỉ, lãng phí trong thói quen tiêu dùng ở nước ta. Trong lúc người tiêu dùng ở những thị trường giàu có như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu quyết định tiết kiệm hơn trong chi tiêu, sử dụng nhiều hơn các phương tiện giao thông sạch và các phương tiện giao thông công cộng để vừa cùng với nền kinh tế nước họ vượt qua khủng hoảng, vừa bảo vệ môi trường thì một phận người tiêu dùng Việt Nam vẫn lựa chọn việc mua sắm những chiếc xe ô tô đắt tiền.

Phương thức chi tiêu này không chỉ khiến lượng ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô ngày càng tăng, lượng xăng dầu nhập khẩu cũng tăng, góp phần gây mất cân đối cán cân thương mại, mà còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông vốn chưa theo kịp với nhu cầu. Phong cách tiêu dùng ấy thực chất không đóng góp được bao nhiêu vào kích cầu tiêu dùng trong nước.

Thị trường ô tô cá nhân tăng trưởng mạnh sẽ thực sự là một tín hiệu đáng mừng, nếu như chúng ta có một nền công nghiệp ô tô đúng nghĩa. Thế nhưng, sau hơn 15 năm thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước, cho đến thời điểm này, nước ta vẫn chưa có một nền công nghiệp sản xuất ô tô, mà chỉ có công nghiệp lắp ráp ô tô với những linh kiện chính đều phải nhập khẩu.

Khi thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô, Nhà nước cũng kỳ vọng công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất ô tô sẽ tăng tốc theo đà phát triển của thị trường ô tô, nhưng thực tế kỳ vọng này sau 15 năm vẫn chưa đạt được. Công nghiệp ô tô kém phát triển cùng chính sách thuế chưa hợp lý, dẫn tới việc mặc dù nước ta có thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua ô tô với giá cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi người tiêu dùng ở nhiều nước khác.

Hiện tại, giá một chiếc ô tô Kia Morning (loại xe 5 chỗ hạng trung bình) tương đương với ít nhất là 150 tấn lúa của nhà nông, các loại xe cao cấp còn đắt hơn nữa. Nhưng trong chiếc ô tô giá xấp xỉ tiền bán 150 tấn lúa ấy, công nghiệp trong nước chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Tỷ lệ nội địa hóa 50-60% mà các nhà sản xuất thường công bố thực ra chỉ là những chi tiết đơn giản, có giá trị thấp và việc sản xuất những chi tiết này không đóng góp bao nhiêu cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa. Tương tự, ngân sách nhà nước cũng thu được rất ít từ việc kinh doanh những chiếc xe đó.

Sở hữu một chiếc ôtô là mong muốn chính đáng của rất nhiều người. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn thì con số tăng trưởng tiêu thụ ô tô gấp rưỡi trong tháng 8 vừa qua chưa phải là thông tin đáng mừng. Nhất là khi chúng ta chưa xây dựng được một nền công nghiệp ô tô đúng nghĩa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên