Cách chọn mũ bảo hiểm cho xe PKL

VOV.VN - Là một trong những trang bị an toàn quan trọng nhất, việc chọn loại mũ bảo hiểm phù hợp sẽ bảo vệ đầu bạn hiệu quả khi gặp tai nạn với xe mô-tô.

Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng mũ bảo hiểm lại là một trong những trang bị an toàn có cấu tạo đơn giản nhất. Trên thực tế, mũ bảo hiểm chỉ bao gồm một lớp vỏ ngoài, độn bên trong bởi các lớp xốp và có phần trước bị cắt đi nhằm giúp bạn nhìn đường.

 
 

 Tuy nhiên, đằng sau cấu tạo đơn giản đó lại là thành quả của sự phát triển công nghệ sản xuất vật liệu. Lớp xốp lót bên trong mũ được cấu tạo chính xác từ nhiều lớp mỏng hơn với độ dày và độ đặc khác nhau, nhằm hấp thụ xung động va chạm khi tai nạn xảy ra. Vỏ mũ được làm từ loại nhựa tổng hợp đặc biệt với độ chịu lực cao nhưng vẫn rất dẻo, ngăn không cho những mảnh vỡ đâm xuyên qua. Phần kính chắn gió trên đa số các loại mũ cả đầu của các thương hiệu nổi tiếng hiện nay đã được thử nghiệm bằng cách bắn những viên bi sắt vào ở tốc độ 160 km/h!

Cách chọn mũ bảo hiểm phù hợp:

Nghe có vẻ khó tin, nhưng ngoại trừ các loại mũ bảo hiểm nhái, kém chất lượng được sản xuất bởi các cơ sở gia công ra, các loại mũ được sản xuất trên dây chuyền hiện đại bởi những công ty mũ bảo hiểm có chất lượng tương đương nhau. Điều này xảy ra do mũ bảo hiểm vốn có cấu tạo rất đơn giản, nên sự khác biệt về vật liệu cấu thành chỉ thể hiện qua những trường hợp tai nạn đặc biệt. Trên thực tế, nhiều thử nghiệm độc lập đã chứng minh rằng trong đa số trường hợp, các loại mũ bảo hiểm bình thường có thể đạt mức độ bảo vệ tương đương với mũ tới từ các thương hiệu đắt tiền nhất!


Chính vì vậy, thay vì chọn mũ bảo hiểm theo thương hiệu, hãy chọn chúng theo các tiêu chuẩn an toàn và xem chúng có kích cỡ và hình dáng phù hợp với đầu của bạn hay không. Một chiếc mũ bảo hiểm phù hợp sẽ ôm chặt lấy đầu, không tì vào một điểm nào và đem lại cảm giác thoải mái. Để kiểm tra xem mũ bảo hiểm có vừa với bạn không, hãy đội nó lên đầu và dùng tay xoay lắc nó xung quanh trong khi giữ nguyên vị trí đầu của bạn. Nếu mũ không bị xoay, chứng tỏ nó đã vừa với đầu của bạn. Khi đi mua mu bảo hiểm, có thể bạn sẽ phải thử nhiều chiếc mũ cho tới khi kiếm được một chiếc vừa ý vì hình dáng và kích cỡ mũ rất đa dạng và có thể thay đổi ngay cả khi chúng thuộc cùng dòng, được sản xuất bởi cùng một hãng.

Chọn mũ bảo hiểm theo tiêu chuẩn nào?

Khi lựa chọn các loại mũ bảo hiểm để đi xe PKL, người dùng thường hay nghe nói về tiêu chuẩn DOT. Tuy nhiên, đây chỉ là tiêu chuẩn tối thiểu để một chiếc mũ bảo hiểm có thể được sử dụng hợp pháp tại Mỹ. Hiện nay, một chiếc mũ bảo hiểm được coi là có độ an toàn cao nếu như nó đạt chuẩn ECE 22.05 của châu Âu. So với các tiêu chuẩn khác, với công thức tính toán lực va chạm chỉ bằng cách giả lập hai va chạm mạnh có lực bằng nhau, ECE 22.05 còn tính tới trường hợp một va chạm mạnh, nhưng kéo theo các va chạm liên tiếp sau đó với lực nhỏ hơn. Trường hợp tai nạn này xảy ra rất nhiều đối với xe PKL, khi người lái bị văng ra khỏi xe và liên tục bị lăn trên đường cho tới khi dừng hẳn lại.

 
 

Không chỉ an toàn hơn, những chiếc mũ theo tiêu chuẩn ECE 22.05 còn nhẹ hơn và mềm hơn ở bên trong, tạo cảm giác thoải mái cho người lái. Hiện nay, đa số các hãng mũ bảo hiểm có tên tuổi như Schuberth, Icon, AGV, Shoei, Arai... đều sản xuất những mẫu mũ đạt chuẩn ECE 22.05, và loại mũ được sử dụng tại các giải đua như Moto GP hay SBK cũng tuân theo tiêu chuẩn này. Để biết được loại mũ đang định mua sử dụng tiêu chuẩn nào, bạn có thể xem các loại tem được dán đằng sau mũ, ở phần gáy.

Nên mua mũ nửa đầu, cả đầu hay cả hàm?

Câu hỏi này rất dễ để trả lời, chỉ bằng một số liệu duy nhất đã được các nghiên cứu chứng minh: 45% những va chạm ở phần đầu trong trường hợp tai nạn xảy ra sẽ tập trung ở vùng mặt. Cảm giác bị đập mặt xuống đường đương nhiên sẽ không dễ chịu.

 
 

Nhiều người sẽ thanh minh rằng loại mũ bảo hiểm cả đầu hoặc cả hàm giới hạn tầm nhìn và gây cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn không làm cho tầm nhìn của bạn bị giảm xuống. Các loại mũ này được thiết kế với góc nhìn tối thiểu là 105 độ ở cả hai bên. Trong khi đó, gần như tất cả mọi người chỉ có thể nhìn được tối đa 90 độ. Nếu như cảm thấy khó chịu khi đội mũ cả đầu hoặc cả hàm, hãy học cách làm quen với nó - bạn sẽ thấy thoải mái sau một thời gian ngắn.


Những loại mũ bảo hiểm nửa đầu tỏ ra rất phù hợp khi lái các dòng xe scrambler hay cruiser như Harley-Davidson - ít nhất là về mặt thẩm mỹ. Đương nhiên, chúng không thể bảo vệ tốt bằng mũ bảo hiểm cả hàm. Nếu như bạn lái bất kỳ kiểu dáng xe nào khác như naked hay sportbike - tốt nhất nên sử dụng mũ cả hàm.

Khi nào cần thay thế mũ bảo hiểm?


 

Đa số các loại mũ thường có thời gian sử dụng 5 năm kể từ ngày sản xuất. Sau khoảng thời gian đó, lớp keo dính các lớp xốp với nhau và với vỏ mũ sẽ dần bị lão hoá, ảnh hưởng tới độ bảo vệ của mũ. Ngoài ra, mũ bảo hiểm cũng được thiết kế để tự hỏng sau khi bảo vệ bạn khỏi tai nạn. Chính vì vậy, hãy đổi mũ nếu như bạn đã từng gặp va chạm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên