Người đàn ông gìn giữ tiếng khèn Mông nơi địa đầu Tổ quốc

VOV.VN - Trong xu thế hội nhập, việc gìn giữ linh hồn cho cây khèn Mông vẫn đang được các nghệ nhân và lãnh đạo địa phương tỉnh Điện Biên nỗ lực triển khai.

Đối với đồng bào Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khèn là nhạc cụ có ý nghĩa rất quan trọng, gắn bó chặt chẽ trong đời sống, văn hóa, tâm linh.

Cây khèn cũng là vật dụng thân thuộc của các chàng trai người Mông, mỗi lễ hội, hay chợ phiên đều cất âm thanh réo rắt, thay cho lời tỏ tình với người con gái mình yêu thương.

Dù tuổi cao song nghệ nhân làm khèn Giàng A Sử vẫn luôn ở bên con kèm cặp, hỗ trợ để chỉnh âm cho những chiếc khèn mới được làm ra. 

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc chế tác khèn, học thổi khèn, gìn giữ linh hồn cho cây khèn Mông vẫn đang được các nghệ nhân và chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên nỗ lực triển khai.

Từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa, lần theo những âm thanh réo rắt, da diết trong gió của tiếng khèn Mông vọng lại, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân Giàng A Sử nằm chênh vênh giữa lưng núi của bản Huổi Lếch, xã Mường Báng.

Ông Giàng A Sử là một trong số rất ít những nghệ nhân của tỉnh Điện Biên vừa biết thổi, lại vừa biết chế tác ra cây khèn Mông. Bên hiên nhà, ở độ tuổi 80, ông Sử vẫn đang miệt mài với những cây khèn đã nuôi dưỡng tâm hồn mình từ nhỏ cho đến giờ.

Học thổi khèn từ bé, nhưng đến tận năm 17 tuổi ông Sử mới tự chế tác được một chiếc khèn hoàn chỉnh, và phải mất hơn chục năm thổi hồn cho nó để có thể phát ra được âm thanh chuẩn của cây khèn. Chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân, song qua hàng chục năm tôi luyện với nghề làm khèn, đôi tay chế tác của ông đã trở nên điêu luyện.

Ông Sử chia sẻ: để làm được cây khèn Mông không khó, nhưng để khèn có âm thanh hay, đạt chuẩn thì ngoài việc tỉ mỉ khi chế tác, bản thân người tạo ra cây khèn phải đặt cả tâm hồn mình vào các công đoạn làm khèn.

"Tôi bắt đầu làm từ khi 17, 18 tuổi. Lúc đó còn trẻ không có tiền mua nên tự học tự làm. Bây giờ tuổi già, mắt kém không làm được, rất muốn giữ nghề nên truyền cho con trai làm, để con trai truyền lại cho con cháu làm cho con cháu biết không mất", ông Sử kể lại.

Cũng bởi cái khó và sự khắt khe của nghề làm khèn, mà bốn người con trai của ông Sử chỉ có duy nhất một người học và theo được nghề. Giờ đây, dù tuổi cao, song ông vẫn luôn ở bên con kèm cặp, hỗ trợ để chỉnh âm cho những chiếc khèn mới được làm ra.

Ông bảo, với gia đình ông và đồng bào người Mông, cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình, mà tiếng khèn còn được xem như sợi dây, phương thức kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Quan trọng là vậy, nên dẫu trải qua biết bao cuộc thiên di, thì các gia đình thuộc các dòng họ người Mông khác nhau vẫn phải tìm cho được một thế hệ kế nghiệp, nối truyền.

Sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn tìm hiểu và theo học văn hóa khèn Mông.

Anh Giàng A Khày, con trai nghệ nhân làm khèn Giàng A Sử nhớ lại ngày xưa còn bé không biết gì, cứ thấy bố làm xong thích thích rồi học theo làm. Vài ba năm sau dần làm được rồi anh cứ thế theo học bố làm cho đến tận bây giờ.

"Nếu ai thích mà có nhu cầu muốn học làm thì tôi cũng sẵn sàng truyền cho để giữ văn hóa của mình mãi mãi. Bởi vì đối với dân tộc Mông, cây khèn này rất quan trọng. Đi chợ tình hoặc biểu diễn văn nghệ chỉ là phụ. Quan trọng nhất là dùng trong đám tang. Đám tang mà không có cây khèn này thì không thể làm được, người sống và người chết không thể nói chuyện với nhau", anh Khày chia sẻ.

Ngoài gia đình ông Sử, hiện nay ở Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang khuyến khích và duy trì tốt hai cơ sở chế tác khèn Mông khác, phục vụ không chỉ nhu cầu trong huyện, trong tỉnh, mà còn cho các vùng lân cận có đồng bào Mông sinh sống.

Cùng với chế tác, nghệ thuật thổi khèn, múa khèn Mông cũng đang được huyện Tủa Chùa nỗ lực bảo tồn. Từ năm 2009, huyện đã xây dựng thành công dự án khôi phục những nét đặc sắc của văn hóa khèn Mông, duy trì một lớp dạy thổi và múa khèn cho lớp trẻ.

Hàng năm, địa phương vùng cao nguyên này cũng thường tổ chức các hoạt động du xuân, ngày hội văn hóa các dân tộc, tạo cho các thế hệ chơi khèn có dịp thể hiện, giao lưu, học hỏi, qua đó gìn giữ tốt nhất các làn điệu khèn còn lưu truyền trong dân gian.

Ông Vừ A Ký, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên nói, hiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã tổ chức được một lớp truyền dạy để bảo tồn văn hóa về cây khèn này.

"Đối với 2 nghệ nhân còn giữ gìn được nghề chế tác khèn, đã có nghệ nhân Giàng A Sử được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia vào năm 2014. Hiện nay, phòng văn hóa cũng như các cấp ngành trong huyện cũng đang rất nỗ lực gìn giữ bản sắc độc đáo về cây khèn này của người Mông", ông Vừ A Ký chia sẻ.

Huyện Tủa Chùa cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên 130km. Đây là vùng đất của mênh mông núi đá tai mèo, có tỷ lệ đồng bào Mông chiếm 70%. Dù cuộc sống có những biến động, song với người Mông nơi đây, chiếc khèn vẫn là loại nhạc cụ không thể thiếu, như vốn dĩ từ xa xưa nó đã có mặt trong mỗi dịp chợ phiên, du xuân, lễ hội hay lên nương rẫy.

Và, vẫn còn đó những người như ông Sử, và thế hệ đời con, đời cháu ông, vì yêu khèn mà gắn bó và chế tác ra chúng như một cách để gìn giữ giá trị cốt lõi của dân tộc mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Festival khèn Mông lần thứ I tại Hà Giang
Festival khèn Mông lần thứ I tại Hà Giang

Festival sẽ diễn ra trong hai ngày 21 - 22/8/2011 tại trung tâm huyện Đồng Văn

Festival khèn Mông lần thứ I tại Hà Giang

Festival khèn Mông lần thứ I tại Hà Giang

Festival sẽ diễn ra trong hai ngày 21 - 22/8/2011 tại trung tâm huyện Đồng Văn

Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên
Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên

Festival được kì vọng sẽ là một trong những hoạt động văn hóa để lại ấn tượng sâu sắc của văn hóa và tinh thần của người Hà Giang

Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên

Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên

Festival được kì vọng sẽ là một trong những hoạt động văn hóa để lại ấn tượng sâu sắc của văn hóa và tinh thần của người Hà Giang

Tưng bừng lễ hội khèn Mông trong ngày Tết Độc lập
Tưng bừng lễ hội khèn Mông trong ngày Tết Độc lập

VOV.VN -Các hoạt động văn hóa đặc sắc trong lễ hội khèn Mông mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số hướng về ngày Tết Độc lập.

Tưng bừng lễ hội khèn Mông trong ngày Tết Độc lập

Tưng bừng lễ hội khèn Mông trong ngày Tết Độc lập

VOV.VN -Các hoạt động văn hóa đặc sắc trong lễ hội khèn Mông mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số hướng về ngày Tết Độc lập.

Tái hiện Lễ hội khèn Mông tại thủ đô Hà Nội
Tái hiện Lễ hội khèn Mông tại thủ đô Hà Nội

VOV.VN - Hôm nay, 2/9, tại Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tái hiện Lễ hội khèn Mông, tỉnh Hà Giang.

Tái hiện Lễ hội khèn Mông tại thủ đô Hà Nội

Tái hiện Lễ hội khèn Mông tại thủ đô Hà Nội

VOV.VN - Hôm nay, 2/9, tại Làng Văn hóa- du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tái hiện Lễ hội khèn Mông, tỉnh Hà Giang.