Buôn bán động vật hoang dã thu lời ngang ma túy?

VOV.VN -Lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã ngang hàng với ma túy và vũ khí nhưng dự thảo Bộ luật Hình sự chưa đánh giá đúng mức độ loại tội phạm này

Ngành công nghiệp tội phạm xuyên quốc gia

Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) hiện đang là một vấn đề “nóng” được cả thế giới quan tâm.

Tại Hội nghị London về nạn buôn bán trái phép ĐVHD tổ chức cuối năm 2014, trước đại diện cấp cao từ 46 quốc gia và 11 tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ ĐVHD và sự cần thiết phải ngăn chặn nạn săn bắt buôn bán ĐVHD trên phạm vi quốc tế.

Tê Tê đang bị khai thác đến mức cạn kiệt

Vị lãnh đạo của Vương quốc Anh cho rằng, nạn buôn bán động vật hoang dã là một ngành công nghiệp tội phạm xuyên quốc gia, sánh ngang với tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD vô cùng phức tạp.

Các mạng lưới buôn bán ĐVHD lớn không chỉ hoạt động trong nước và khu vực mà còn vươn xa sang nhiều quốc gia và châu lục khác trên thế giới, điển hình là châu Phi.

Theo ENV, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “lộng hành” của các đường dây buôn bán ĐVHD lớn tại Việt Nam là do tội phạm liên quan đến ĐVHD vẫn chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng.

Bộ luật Hình sự của Việt Nam hiện nay có những chế tài xử lý rất nghiêm khắc đối với nhóm tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người nhưng ngược lại, chế tài xử lý tội phạm về ĐVHD vẫn chưa thực sự phản ánh được tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS), hình phạt cao nhất cho loại tội phạm về ĐVHD là 7 năm tù.

Tuy nhiên trên thực tế, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013, chỉ có khoảng 6% tổng số vi phạm được đưa ra xét xử  với mức phạt phổ biến là cải tạo không giam giữ và tù treo.

Mặc dù tình trạng săn bắt ĐVHD ở Việt Nam diễn ra vô cùng phức tạp và nhiều vụ án mang tính chất rất nghiêm trọng nhưng tổ chức này chỉ ghi nhận duy nhất 1 trường hợp bị cáo phải nhận mức án cao nhất 7 năm tù theo quy định của BLHS.

Nguy cơ bỏ lọt tội phạm

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đối với điều 241 quy định mức tối đa của khung hình phạt cho loại tội phạm này là 15 năm tù.

Đây là một sự thay đổi rất tích cực và nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa lớn trong việc răn đe các đối tượng vi phạm.

Theo ENV, đối tượng mua bán 10 tấn rùa biển ở Khánh Hòa vẫn chưa bị khởi tố

Tuy nhiên theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một số nội dung của Điều 241 Dự thảo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm nghiêm trọng này. Một số thay đổi còn được xem là “yếu” hơn quy định tại Điều 190 BLHS hiện nay.

Tổ chức ENV đưa ra dẫn chứng, theo Điều 190 BLHS (sửa đổi năm 2009) thì các vi phạm được liệt kê trong điều luật này đều bị xem xét xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.

Tuy nhiên, Điều 241 Dự thảo lại chỉ quy định những vụ việc “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc đối tượng tái phạm mới bị xem xét xử lý hình sự.

Việc đưa thêm khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “trường hợp tái phạm” trong cấu thành Điều 241 của Dự thảo BLHS là không cần thiết và dễ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt nhiều tội phạm.

Một số vi phạm thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho đa dạng sinh học nhưng vẫn không bị xem xét xử lý hình sự như hành vi “lưu giữ” và “chế biến”: Điều 190 BLHS hiện nay cũng như Điều 241 Dự thảo không có quy định về hành vi “lưu giữ” và “chế biến” ĐVHD. Trong chuỗi hành vi từ săn bắt các loài ĐVHD từ tự nhiên đến khi đưa các sản phẩm bất hợp pháp này đến tay người tiêu dùng tất yếu sẽ có giai đoạn “lưu giữ” và/hoặc “chế biến”.

Xét đến cùng, mức độ nghiêm trọng của những hành vi này là tương tự như nhau vì cùng “lấy đi” các cá thể ĐVHD nguy cấp ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, ảnh hưởng đến sự tồn tại của toàn bộ quần thể loài này trong tự nhiên.

Tuy nhiên, trong khi BLHS có quy định các hành vi “săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán”, các hành vi “lưu giữ” và “chế biến” lại không được ghi nhận là các hành vi nguy hiểm cho xã hội và do đó không được xử lý bằng chế tài nghiêm khắc này.

Chỉ hành vi vi phạm đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ mới bị xử lý hình sự. ENV cho rằng, đây là một lỗ hổng lớn vì vi phạm liên quan đến các loài không phải là loài “nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” thì dù số lượng vi phạm lớn đến đâu và gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào cũng chỉ bị xử lý hành chính.

Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV đã chia sẻ: “Lợi nhuận từ buôn bán ĐVHD ngang hàng với ma túy và vũ khí. Vì thế, chỉ có chế tài hình sự nghiêm khắc mới có thể làm giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD và bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam”.  

Tổ chức này mong các nhà xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách xem xét thận trọng các quy định tội phạm về ĐVHD, kế thừa những điểm tích cực trong quy định hiện hành tại Điều 190 Bộ luật Hình sự (2009) và hoàn thiện quy định này phù hợp với thực tế thực thi để chế tài hình sự trở thành một công cụ nghiêm khắc răn đe, phòng ngừa loại tội phạm nghiêm trọng này./.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 2592/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc áp dụng Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009.
Theo đó, các hành vi săn bắt, giết hại, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.
Bộ Tài nguyên – Môi trường khuyến cáo các cơ quan chức năng tại địa phương không tiến hành bán đấu giá, phát mại đối với tang vật là các loài động vật hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm bị thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật. (Theo Công an Nhân dân)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xử lý vi phạm với động vật hoang dã theo luật hình sự
Xử lý vi phạm với động vật hoang dã theo luật hình sự

VOV.VN -Đối với vi phạm về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp hiếm, thì tổ chức điều tra xử lý nghiêm theo Bộ luật Hình sự.

Xử lý vi phạm với động vật hoang dã theo luật hình sự

Xử lý vi phạm với động vật hoang dã theo luật hình sự

VOV.VN -Đối với vi phạm về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp hiếm, thì tổ chức điều tra xử lý nghiêm theo Bộ luật Hình sự.

Bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép
Bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép

VOV.VN -Lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Thảo đang vận chuyển 15 cá thể chồn và 9 cá thể don thuộc họ nhím còn sống.

Bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép

Bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép

VOV.VN -Lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Thảo đang vận chuyển 15 cá thể chồn và 9 cá thể don thuộc họ nhím còn sống.

Kiểm lâm Bắc Ninh bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng?
Kiểm lâm Bắc Ninh bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng?

VOV.VN -Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cho biết, các cá thể tê tê Java ở tình trạng sức khỏe yếu, không có khả năng cứu hộ nên phải tiến hành giải tỏa.

Kiểm lâm Bắc Ninh bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng?

Kiểm lâm Bắc Ninh bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng?

VOV.VN -Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cho biết, các cá thể tê tê Java ở tình trạng sức khỏe yếu, không có khả năng cứu hộ nên phải tiến hành giải tỏa.

Việt Nam-Hoa Kỳ mở rộng hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã
Việt Nam-Hoa Kỳ mở rộng hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã

VOV.VN -Hoa Kỳ sẵn sàng và mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam

Việt Nam-Hoa Kỳ mở rộng hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã

Việt Nam-Hoa Kỳ mở rộng hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã

VOV.VN -Hoa Kỳ sẵn sàng và mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam