Các luật sư bào chữa 4 tội danh bảo vệ bầu Kiên

VOV.VN -Viện Kiểm sát cho rằng cần cách ly các bị cáo một thời gian dài; đề nghị mức án từ 3 năm án treo đến 30 năm tù giam.


17h30: Tòa tạm nghỉ, phiên xét xử tiếp tục diễn ra vào ngày mai (28/5). Trước đó, Luật sư Vũ Xuân Nam tiếp tục bổ sung phần bào chữa cho bị cáo Kiên về tội kinh doanh trái phép.

17h20: Bào chữa cho bị cáo Kiên về hành vi trốn thuế, ông Nghiêm nói rằng, bị cáo Kiên không phạm tội Trốn thuế.

Đưa ra những lập luận của mình, luật sư Nghiêm nói rằng, tại thời điểm thực hiện ủy thác giữa em gái Kiên là Nguyễn Thúy Hương với Công ty B&B và ủy thác với Ngân hàng ACB, pháp luật không cấm các doanh nghiệp, cá nhân ủy thác kinh doanh. “Doanh nghiệp, cá nhân được làm những điều pháp luật không cấm”, ông Nghiêm nói.

17h10: Luật sư Nghiêm nói rằng, việc kết tội Kiên liên quan đến kinh doanh trái phép không những những trái pháp luật mà còn đe dọa tính an toàn pháp lý của những người đang ra lệnh mua bán cổ phần, cổ phiếu. Hiện không doanh nghiệp nào tại Việt Nam đăng ký kinh doanh với chứng năng đầu tư tài chính góp vốn mua cổ phần.

Ngoài ra, từ nội dung trả lời của cơ quan chức năng, cho thấy không có doanh nghiệp nào được cấp đăng ký kinh doanh với nội dung đầu tư tài chính, góp vốn vốn mua cổ phần, cổ phiếu…

"Nếu truy tố ông Kiên về kinh doanh trái phép thì cơ quan điều tra có thể khởi tố bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào đã mua cổ phiếu, góp vốn đầu tư", luật sư Nghiêm nói.

17h00: 
Luật sư Bùi Quang Nghiêm bào chữa trước tòa cho bầu Kiên về tội Kinh doanh trái phép.

Luật sư Nghiêm cho rằng, Kiên không phạm tội kinh doanh trái phép như truy tố. Theo ông Nghiêm, việc kinh doanh, góp vốn đối với 5 doanh nghiệp đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Theo đó, 5 doanh nghiệp này đều có thể góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác…

Dẫn Luật, ông Nghiêm nói rằng 5 doanh nghiệp của Kiên có quyền mua bán các cổ phiếu đã iêm yết. Họ có quyền mua bán chuyển nhượng. Với cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết được quyền mua bán thỏa thuận giữa các bên

16h48: 
Luật sự Hoàng Đôn Hùng – bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Bầu Kiên tiếp tục đưa ra luận điểm bảo vệ thân chủ trước tòa.

Theo luật sư Hùng, việc thế chấp là hoàn toàn công khai, phía Hòa Phát biết rất rõ vấn đề này vì Hòa Phát là đơn vị phát hành cổ phiếu. VKS cáo buộc Hòa Phát không biết bị cáo Kiên đã thế chấp số cổ phiếu này tại Ngân hàng ACB là hoàn toàn không có sơ sở.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, Kiên không có hành vi gian dối, hành vi chiếm đoạt, hậu quả cũng không có. Những thông tin này cũng được đưa ra tại tòa. Do đó, Kiên không phạm tội lừa đảo. Nếu có chăng ở đây chỉ là sơ suất trong làm thủ tục, và sự việc này đã được khắc phục ngay sau đó.

16h45: 

Bổ sung quan điểm của luật sư Ngọc, luật sư Vũ Xuân Nam đề nghị HĐXX làm rõ đối tượng dùng để đảm bảo là cổ phần hay cổ phiếu. Đồng thời đề nghị làm rõ số cổ phiếu, cổ phần này đang bị thế chấp hay bị cầm cố - vì trong cáo trạng lúc nói cầm cố, lúc thì nói là thế chấp.



16h40: Theo luật sư, việc đánh giá nhận thức trong hành vi của bị cáo Kiên cũng không đúng. Việc cổ phiếu ACBI đang thế chấp ở Ngân hàng ACB, cáo trạng cho rằng Kiên đã cố tình che dấu để thực hiện hợp đồng bán cổ phiếu, theo luật sư Ngọc, bị cáo Kiên không che dấu, vì Hòa Phát biết cổ phiếu này đang bị phong tỏa.

Đại diện của Hòa Phát cũng đã ký vào giấy phong tỏa cổ phiếu nhưng vẫn nói không biết là sao? luật sư Ngọc nói. Theo ông Ngọc, trách nhiệm này thuộc về Hòa Phát chứ không phải là của bị cáo Kiên. Trong quá trình luận tội của mình, VKS không thừa nhận hành vi chịu trách nhiệm này là vô lý.

Theo ông Ngọc, quy kết Kiên phạm tội lừa đảo là không có căn cứ. Ông Ngọc đề nghị tuyên Kiên không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

16h30: HĐXX tiếp tục làm việc. Trước giờ nghỉ, đánh giá và sử dụng chứng cứ, luật sư Ngọc đặt vấn đề: Tại sao với một hợp đồng kinh tế đang hoạt động bình thường là chứng cứ quy kết ông Nguyễn Đức Kiên phạm tội lừa đảo? Vấn đề này theo quan điểm của cơ quan điều tra có “sai lầm” ngay từ thời gian khởi tố vụ án.


16h15: Tòa nghỉ giải lao

16h05: Đối với cáo buộc “Do tin tưởng ACBI sở hữu 20 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, nên Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua cổ phiếu và chuyển số tiền 264 tỷ đồng”, luật sư Ngọc nói, không phải chuyển tiền ngay mà sau 18 ngày việc giao dịch tiền mới thực hiện. Theo ông Ngọc do liên quan đến việc hoán đổi cổ phần cổ phiếu giữa Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và Nguyễn Đức Kiên. 

Hai mặt hàng này có giá trị ngang nhau, bằng giá trị 264 tỷ đồng. Việc hoán đổi này không trái pháp luật, ông Long nói.

Ông Long tiếp tục nhấn mạnh rằng, đây là giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế và nó chịu sự tác động điều chỉnh của luật thương mại, luật dân sự.

15h55: Theo luật sư Ngọc, quy kết bị cáo Kiên tội lừa đảo không có cơ sở. luật sư Ngọc đưa ra dẫn chứng, việc ký Nghị quyết và văn bản cuộc họp HĐQT không phải là cuộc họp “khống”. 

Theo luật sư Ngọc, cuộc họp này là có thật, công ty ACBI sở hữu 20 triệu cổ phiếu của Công ty TNHH Một Thành viên Thép Hòa Phát là có thật. Cho nên việc cáo buộc bầu Kiên họp “khống”, lập “khống” văn bản… là suy diễn.

15h45: Luật sư Ngô Huy Ngọc bắt đầu bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Luật sư Ngọc không nhất trí với cáo buộc của VKS vì cho đây là giao dịch dân sự đang còn “sống”. Bầu Kiên bị bắt một thời gian thì hợp đồng này mới được thanh lý.

Luật sư Ngô Huy Ngọc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên

15h40: Nêu ý kiến, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến nói chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi trong  việc giải chấp cổ phiếu.
 
15h30: 

Đến lượt luật sư Phạm Thanh Phong bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Luật sư Phong, Yến chỉ làm theo chỉ đạo, lập biên bản họp HĐQT, lập thủ tục giải chấp 20 triệu cổ phiếu đang thế chấp ở Ngân hàng ACB.

Dẫn một số định nghĩa trong văn bản pháp luật, luật sư Phong cho rằng, Yến không thể làm đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên trong hành vi Lừa đảo.

Bị cáo Yến chỉ là người làm công ăn lương, không có hành vi gian dối, không có hành vi chiếm đoạt. Yến buộc phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty.

Luật sư Phong cũng cho rằng, xem xét hành vi này với tư cách là vụ lừa đảo là không thỏa đáng vì thực chất đây là vụ trao đổi cổ phần cổ phiếu, mang tính dân sự. 

15h25: 

Bổ sung quan điểm của hai luật sư, bị cáo Trần Ngọc Thanh nói: “Bản thân tôi có sai phạm trong ký hợp đồng, nhưng tôi không có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Bị cáo tin tưởng sự công minh của HĐXX để có một bản án đúng người, đúng tội".



15h10: 

Luật sư Trần Bình Tuấn – cùng bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trần Ngọc Thanh tại tòa cũng đồng tình với quan điểm với luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh.

Theo luật sư Tuấn, bị cáo Thanh là người làm thuê (lương 5 triệu đồng/tháng), làm theo chỉ đạo của người có quyền quyết định cao nhất ở ACBI là bầu Kiên.Luật sư Tuấn cho rằng, bị cáo Thanh có nhân thân tốt, được nhiều khen thưởng, bằng khen, huy chương…  và mong HĐXX xem xét khi lượng hình để có một bản án đúng người, đúng tội.

14h58: Từ những lập luận của mình, như: ý thức bàn bạc, quyền sử dụng số tiền 264 tỷ đồng… Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng: Không đủ căn cứ để kết tội Trần Ngọc Thanh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Thanh cũng không thể là đồng phạm của bị cáo Kiên.


Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh


14h50: 

Luận sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng truy tố Trần Ngọc Thanh tội lừa đảo là chưa đúng. Hành vi của bị cáo Thanh chưa cấu thành tội lừa đảo, vì Thanh không lừa dối, không được ăn chia.

Mặt khác ông Thanh cũng không được bàn bạc mà chỉ tuân lệnh lãnh đạo với tư cách là người làm công ăn lương.

Ông Thanh là Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) nhưng làm theo điều lệ của công ty, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Bản thân tại xét hỏi, bị cáo Kiên cũng thừa nhận bị cáo Thanh làm theo chỉ đạo của Kiên – với tư cách là Chủ tịch HĐQT.

Bị cáo Thanh chỉ là do chủ quan trong việc điều hành. Thanh không được bàn bạc, không được thống nhất ý chí với Kiên.

Luật sư Thanh dẫn bút lục của bị cáo tại cơ quan điều tra, biên bản HĐQT cũng đã thể hiện rất rõ trong hồ sơ. Các bút lục, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa thống nhất với nhau.

Quy trình ra Nghị quyết của HĐQT của Công ty ACBI cho thấy, bị cáo Thanh không tham gia họp bàn việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.

Luật sư Thanh đánh giá, hợp đồng 0105 là hợp đồng dân sự. Nhưng trong hợp đồng này giữa Thanh và bên ký hợp đồng không hề biết nhau. Thỏa thuận này do người của Kiên thỏa thuận. Và bị cáo Thanh chỉ việc ký.

Theo lập luận của Luật sư Thanh, việc chuyển nhượng theo chủ trương của Kiên. Việc ban hành Nghị quyết là ý chí của HĐQT. Bị cáo Thanh không thỏa thuận giá bán mà do Kiên thỏa thuận. Thanh chỉ ký vào hợp đồng khi có chữ ký nháy của Kiên….

14h30: Phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của luật sư. Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Thanh cho rằng, cáo buộc và mức án đề nghị của VKS đối với bị cáo thanh quá nặng. Chưa tương xứng với hành vi của bị cáo. “Bị cáo Thanh không phạm tội lừa đảo”, luật sư Thanh nói.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa ngày 27/5


11h15: Tòa nghỉ. Chiều nay phiên xét xử tiếp tục với phần tranh luận

11h10:
VKS đề nghị: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Kinh doanh trái phép: 18-24 tháng tù; phạt tiền 25-30 triệu, tịch thu tiền kinh doanh trái phép. Trốn thuế: 4-5 năm tù giam: tuy thu số tiền gần 25 tỷ đồng, tuyên phạt 2-3 lần số tiền trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 16-18 năm tù giam; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 14-15 năm tù.

Viện Kiểm sát đề nghị mức án chung cho các tội đối với Kiên là 30 năm tù giam.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái:
 
Bị cáo Lê Vũ Kỳ: 7-8 năm tù giam

Bị cáo Trịnh Kim Quang: 6-7 năm tù

Bị cáo Phạm Trung Cang: 3 năm tù cho hưởng án treo

Bị cáo Lý Xuân Hải: 12-14 năm tù
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn: 3 năm tù cho hưởng án treo

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bị cáo Trần Ngọc Thanh: 9-10 năm tù

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến: 7-8 năm tù

11h05: 

VKS cũng kết luận, trong vụ án này, Kiên giữ vai trò chính, đối với tội Cố ý làm trái, Kiên giữ vai trò chủ mưu.


Nắm cổ phần lớn tại Ngân hàng ACB, nên Kiên giữ vai trò tiên quyết trong các quyết định của ACB. “Các Nghị quyết của HĐQT thực chất là chỉ đạo của bầu Kiên”, VKS nói.

Với vai trò, tội danh truy tố, VKS đề nghị cần cách ly bị cáo một thời gian dài.

Đối với một số bị cáo thuộc nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái… VKS đề nghị cần có mức án thích hợp, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài mới đủ điều kiện cải tạo giáo dục bị cáo.

11h00: Đối với hành vi cố ý làm trái, thông qua cuộc họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010, các bị cáo đã có hành vi ủy thác tiền gửi số tiền 718 tỷ đồng.

Việc các bị cáo thực hiện thông qua Nghị quyết ủy thác trái với quy định của NNHH về ủy thác tiền gửi và trái với luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực ngày 1/1/2011 và các văn bản liên quan.

Đối với số tiền 718 tỷ đồng, sau khi đưa ra những lập luận về sự việc, VKS cho rằng, ACB phải chịu trách nhiệm về số tiền này. Số tiền này bị thất thoát là do các bị cáo đã cố ý làm trái…

Đối với việc hợp tác đầu tư mua cổ phiếu, các bị cáo đã thông qua Nghị quyết để đồng ý cho Kiên chỉ đạo việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB thông qua việc hợp tác đầu tư giữa ACBS – Công ty Chứng khoán thuộc Ngân hàng ACB với Công ty ACI.

Ngân hàng ACB đã thông qua việc giao dịch liên ngân hàng để chuyển tiền cho ACI và ACI- HN để thực hiện việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB.

Việc mua cổ phiếu ACB bằng chính nguồn tiền của ACB của các bị cáo là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 687 tỷ đồng.

Do đó, VKS cho rằng với hai hành vi ủy thác tiền gửi và kinh doanh cố phiếu có đủ có sở để quy kết các bị cáo về tội Cố ý làm trái…

10h40: 

Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Ngọc Thanh, Trần Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên đã có chủ trương bán 20 triệu cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.


Số cổ phần, cổ phiếu này đang bị phong tỏa nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện chuyển nhượng để thu về số tiền 264 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được  cơ quan điều tra thu hồi và trả lại cho Tập đoàn Hòa Phát.

Tại tòa và tại cơ quan điều tra, Kiên không nhận tội và cho rằng, việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần là hợp với quy định pháp luật.

Căn cứ vào tài liệu điều tra và tại phần xét hỏi tại tòa, VKS khẳng định, Thanh và Yến chỉ làm theo chỉ đạo của Kiên, không được hưởng lợi. Tuy nhiên, Thanh và Yến biết cổ phần, cổ phiếu bị phong tỏa nhưng vẫn thực hiện hành vi. “Bị cáo Thanh và Yến bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức”.

Theo VKS, hành vi của các bị cáo đủ truy tố theo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

10h30: 

Đối với tội trốn thuế: Viện kiểm sát cho rằng, nhằm lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Công ty B&B đã thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) với công ty B&B để chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho cá nhân, nhằm trốn thuế hơn 25 tỷ đồng. Hành vi này của Kiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội trốn thuế.



10h20:
 Theo đại diện VKS, hành vi của Nguyễn Đức Kiên đối với các công ty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức không đúng với quy định đăng ký kinh doanh, lợi dụng kinh doanh vàng, cổ phần, cổ phiếu.

Đối với việc kinh doanh trái phép thông qua Công ty Thiên Nam. Công ty này không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện kinh doanh vàng.

Mặc dù tại phiên tòa cũng như tại cơ quan điều tra, Kiên phủ nhận việc kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng… Tuy nhiên chiếu theo quy định, văn bản pháp luật, việc kinh doanh giá vàng cũng chính là kinh doanh vàng.

VKS kết luận: Hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, cổ phần cổ phiếu,.. tại 6 công ty của Kiên đủ bị quy kết tội kinh doanh trái phép.

10h10: HĐXX tiếp tục làm việc. Mở đầu phần tranh luận, Đại diện VKS đưa ra kết luận truy tố đối với các bị cáo

Đại diện VKS đưa ra kết luận truy tố



9h55: Tòa tạm nghỉ. Sau khi thẩm vấn bị cáo Trần Ngọc Thanh về việc ủy thác tiền gửi, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và chuyển sang phần tranh luận.

9h50: Thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như và Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó Phòng kho quỹ Ngân hàng ACB) về số tiền hoa hồng trong việc thực hiện ủy thác tiền gửi từ ACB sang Vietinbank, bà Ngọc cho biết, việc thực hiện ủy thác tiền gửi được thỏa thuận với Huyền Như theo lãi suất 14%. Theo thỏa thuận này, số tiền hoa hồng của việc ký gửi 718 tỷ đồng là hơn 10 tỷ đồng.

“Số tiền hoa hồng này, Ngân hàng ACB được hưởng. Khoản tiền này được chuyển cho các cá nhân. Các cá nhân vẫn chưa chuyển lại cho Ngân hàng ACB”, bà Ngọc nói.

9h45: HĐXX đặt câu hỏi với đại diện ngành thuế để làm rõ tội trốn thuế của bị cáo theo cáo trạng.

Theo Tổng cục thuế, trong hai năm 2009-2010, có đoàn thanh tra toàn diện đối với Công ty B&B. Thời điểm đó người ký biên bản thanh tra thuế là Nguyễn Đức Kiên.

Nội dung thanh tra về việc chấp hành pháp luật thuế. Trong năm 2009-2010, khẳng định doanh nghiệp B&B đều làm ăn có lãi. Nguyên tắc là phải nộp thuế doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, đoàn thanh tra dựa trên hồ sơ khai thuế của các đơn vị. Nếu có một khoản không khai thuế thì thanh tra không thể phát hiện được.

Như vậy, khoản thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa B&B, em gái bầu Kiên và Ngân hàng ACB được cơ quan điều tra phát hiện, Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính nói.

9h30: HĐXX đặt câu hỏi với đại diện NHNN về việc ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB. Theo đại diện NHNN, thời điểm Ngân hàng ACB ủy thác 19 nhân viên đi gửi tiền thì chưa có bất kỳ giấy phép nào về ủy thác tiền gửi đối với Ngân hàng này. 

Theo đại diện NHNN, theo luật tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng không được kinh doanh ngoài các hoạt động của ngân hàng và giấy phép kinh doanh. Chiếu theo các quy định này, cùng với Quyết định 742 của NHNN đối với ACB về ủy thác cho vay, đại diện này khẳng định, thời điểm này chưa có văn bản nào cho phép ACB thực hiện ủy thác tiền gửi căn cứ trên: giấy phép,điều lệ, quy định…

9h20: 

Luật sư thẩm vấn bầu Kiên để làm rõ hơn hành vi trốn thuế. Luật sư đặt vấn đề: Trong năm 2009, ngoài việc ủy thác đầu tư giữa B&B và Ngân hàng ACB và Ngân hàng ACB với em gái bầu Kiên thì có phát sinh các khoản phát sinh thuế nào nữa không?




Bị cáo Nguyễn Đức Kiên


“Bầu” Kiên: Ý kiến của Tổng cục thuế không phù hợp với chức năng của Tổng cục thuế theo Nghị định của Chính phủ. Thanh tra viên giám định không đầy đủ, không chính xác, không định quy định.

Cho đến trước khi bị bắt, Cục thuế, chi cục thuế chưa có ý kiến nào về việc B&B trốn thuế.

Luật sư: Các nghiệp vụ phát sinh năm 2009, B&B đã kê khai đầy đủ theo thuế doanh nghiệp hay chưa?

Bị cáo Kiên: B&B thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật.

Kiên đồng thời đề nghị HĐXX bổ sung văn bản trả lời của Tổng Cục thuế đối với Chi cục thuế Đống Đa về vấn đề thuế của B&B còn thiếu trong hồ sơ vụ án.

Tiếp tục đặt câu hỏi với Tổng Giám đốc B&B về nghĩa vụ kinh tế khác không trong năm 2009, bà Đặng Ngọc Lan (vợ “bầu” Kiên) cho biết:  Không phát sinh trong năm 2009.

Trong ngày xét xử trước đó, trả lời thẩm vấn của luật sư Hoàng Đôn Hùng (luật sư của bị cáo Kiên), ông Nguyễn Quang Hưng, giám định viên Bộ Tài chính cho biết: Căn cứ vào 5 hồ sơ được cơ quan điều tra cung cấp, không thể xác định chính xác số thuế thu nhập DN của một DN nếu có thêm dòng kinh doanh khác.

Về việc này, bị cáo Kiên cho rằng: Giám định viên có một số nội dung sai cơ bản. Giám định thuế thu nhập doanh nghiệp là phải giám định trên các hợp đồng của doanh nghiệp trong năm đó. Thời điểm đó, Bộ Tài chính có văn bản miễn giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

"Đại diện cục thuế và giám định viên nói, căn cứ vào 5 tài liệu, tôi nhận ra có những văn bản quan trọng đã không có trong hồ sơ giám định. Hai tài liệu này thể hiện toàn bộ bản chất, thiếu 2 tài liệu này coi như bản giám định không còn chính xác”
, lời bị cáo Kiên.



9h10 Luật sư đặt câu hỏi về tội danh Trốn Thuế. Đại diện Chi cục Thuế Đống Đa trả lời của luật sư vấn đề thuế của công ty B&B có vi phạm gì không trong năm 2009. Đại diện này cho biết B&B không có vấn đề gì về thuế trong năm 2009. Tội trốn thuế của bị cáo Kiên theo cáo trạng do Cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện.

Trả lời câu hỏi của luật sư về hành vi trốn thuế của bị cáo theo cáo trạng, đại diện Tổng cục thuế nói, số tiền 25 tỷ đồng trốn thuế tại Công ty B&B là kết quả giám định viên từ các hợp đồng ủy thác.

8h52: Phiên tòa tiếp tục khi luật sư đặt ra hàng loạt câu hỏi với Công ty ACBS, ACI, Ngân hàng ACB về vấn đề cổ phần, cổ phiếu.

>> "Bầu” Kiên: ”tôi không chiếm đoạt tài sản, không lừa đảo”

“Tôi không chiếm đoạt tiền của Hòa Phát (264 tỷ đồng), đạo đức không cho phép làm điều này. Gần 30 năm, tôi không có bất kỳ khoản vay cá nhân nào. Tài sản của tôi là nhiều ngàn tỷ nếu không xảy ra vụ án này, nên tôi không có bất kỳ khó khăn về tài chính. Nếu anh Long không phải là bạn, tôi có thể xác định ngay mình là bị hại trong vụ này..."

8h48: Luật sư đặt câu hỏi với đại diện NHNN.

Trả lời câu hỏi của luật sư về quy định trong cấp thẻ tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết: Việc cấp tín dụng cũ và mới không có thay đổi nhiều.

Còn đối với trái phiếu doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết, chưa rõ ràng lắm là đã cấp tín dụng hay không. Đại diện NHNN cho biết, thông tin ông đưa ra dựa vào luật tổ chức tín dụng. 

Đại diện NNHH cũng cho biết, việc kinh doanh trái phiếu có cấp giấy phép, trong đó có nghiệp vụ cấp phiếu: Tất cả các tổ chức tín dụng thực hiện nội dung ghi trong giây phép, không được thực hiện ngoài giấy phép. “Cho nên việc mua trái phiếu doanh nghiệp phải được ghi trong giấy phép”, đại diện ngày giải thích.

8h40: Luật sư Uyên tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Phạm Trung Cang.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Cang cho biết: Sau ngày 31/12/2010, bị cáo chuyển từ ACB sang ngân hàng khác. Bị cáo Cang cho biết không còn nhận được thông tin nào về việc ủy thác tiền gửi. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền, bị cáo Cang cho biết cũng không có thông tin.

8h35: Luật sư Uyên đặt câu hỏi đầu tiên với bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB)
.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn

Đối với câu hỏi về suy nghĩ của bị cáo gì về hành vi ủy thác tiền gửi, Tuấn nói: Nghĩ đơn giản về việc ủy thác gửi tiền, tôi biết được một số thông tin về ủy thác gửi tiền sau cuộc làm việc của HĐQT với cơ quan giám sát ngân hàng.

Theo Tuấn, việc ủy thác chưa chắc đã sai theo một số văn bản pháp luật. Đồng thời, theo điều lệ của Ngân hàng ACB, đơn vị này có chức năng ủy thác gửi tiền.

Đồng thời điều 106, Luật các tổ chức tín dụng 2010, được ủy thác nhưng với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước.  Đến năm 2011, NHNN vẫn chưa có quy định nào về ủy thác. Cho nên việc ủy thác theo một số văn bản cũ là không sai.

Đối với trách nhiệm trong việc ủy thác, bị cáo Tuấn từ chối trách nhiệm vì cho rằng mảng này không phải do mình quản lý.

8h30: Tòa bắt đầu làm việc. Theo đơn đề nghị của luật sư, xét thấy một số kiến nghị của luật sư và một số câu hỏi chưa được trình bày, nên tòa tiếp tục quay lại phần xét hỏi.

8h00: Các bị cáo có mặt tại Tòa. Phiên xét xử hôm nay vẫn chưa bắt đầu.

Ngày hôm qua (26/5), HĐXX và các luật sư tham gia tố tụng tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về các hành vi truy tố như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Kinh doanh trái phép, Trốn thuế…

Khẳng định trước toà, "bầu" Kiên nói: "Tôi không phạm tội như cáo trạng ghi. Tôi không làm điều gì ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của đất nước”.

Sáng nay (27/5), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Các bị cáo tại phiên tòa:

1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB).

2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)

6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

Đối với ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) được tòa quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi nào lý do đình chỉ không còn sẽ khôi phục vụ án.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên