Cấm sử dụng amiăng trắng dựa trên cơ sở pháp lý nào?

VOV.VN - Amiăng trắng nằm trong danh mục sản xuất kinh doanh có điều kiện. Vậy cơ sở pháp lý nào để các Bộ trình thủ tướng dừng amiăng trắng vào 2023?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về trả lời kiến nghị việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam, sáng nay (3/11), Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thống kê từ năm 2015 đến 2017, lượng nhập khẩu  amiăng trắng về Việt Nam giảm mạnh, lượng sản xuất và tiêu thụ tấm lợp chứa  amiăng trắng cũng giảm, lượng tồn kho tăng.

Lý do Bộ Xây dựng xây dựng đề án “cấm sử dụng amiăng trắng”, theo ông Sinh là do “ngày 5/8/2014, WHO và ILO đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc thúc giục Việt Nam ban hành lệnh cấm sử dụng  amiăng trắng vào năm 2020". Sau đó, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Thủ tướng nêu quan điểm và sự độc hại của amiăng trắng đối với sức khoẻ con người và một số căn cứ khác.

Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Dự thảo Đề án xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng trắng vào năm 2030. Bộ Xây dựng cho biết đã lấy ý kiến các Bộ, địa phương, các uỷ ban của Quốc hội, hội nghề nghiệp… có 39/42 đơn vị nhất trí với nội dung dự thảo đề án. Đáng chú ý, Bộ Tư pháp có ý kiến: “Theo qui định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, thì lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”.

Do cần thêm thời gian để làm rõ một số vấn đề, ngày 17/8/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời gian trình Đề án kéo dài đến hết tháng 6/2019.

Những băn khoăn đáng lưu ý

Sau khi Bộ Xây dựng và đại diện Bộ Y tế trình bày các ý kiến của mình, các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nêu ý kiến và chất vấn các nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, theo quan điểm của nhiều người thì việc chỉ căn cứ vào khuyến cáo của WHO, một số công trình nghiên cứu của nước ngoài xét về mặt lý thuyết thì có vẻ hợp lý nhưng về thực tế thì lại không thuyết phục. Bởi chính Bộ Y tế là cơ quan quản lý sức khoẻ của người dân và các ngành liên quan chưa có một nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của amiang trắng đối với sức khoẻ của người sử dụng tấm lợp, các loại đường ống dẫn nước, bể nước, mái lợp trang trại chăn nuôi… Trong khi đó, amiang nằm ở số 119 trong danh mục chất kiểm soát sử dụng, tức là trên amiang trắng còn 118 chất khác nguy hiểm, độc hại hơn.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm UBKHCN-MT của Quốc hội đưa bức ảnh nhà của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười lợp bằng tấm lợp chứa amiăng trắng.

Theo Phó Chủ nhiệm UBKHCN và MT của Quốc hội Lê Hồng Tịnh: “Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo, khách quan về vấn đề này. Chúng ta đi tới nền kinh tế thị trường thì tất cả nên để thị trường quyết định. Chúng ta cấm sản xuất hay cấm cả tiêu dùng? 10 nước ASEAN không nước nào cấm, nếu chúng ta cấm thì vô tình tạo điều kiện cho hàng từ các nước này tràn vào. Khi đã hội nhập kinh tế quốc tế, nếu chúng ta cấm mà không đưa ra được bằng chứng chứng minh thuyết phục thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác về thương mại” – ông Tịnh nói.

Là người đứng đầu đơn vị sản xuất tấm lợp chứa amiăng trắng, ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty Tấm lợp Đông Anh cho biết, đơn vị này đã sản xuất tấm lợp chứa amiăng trắng hàng chục năm, đến nay không có bất kỳ người lao động nào mắc các bệnh ung thư phổi hay ung thư trung biểu mô như WHO đã khuyến cáo.

“Chúng ta xác định loại vật liệu nào cũng có độc hại, kể cả cát, sỏi, nhưng khi đầu tư KHCN vào sản xuất thì chắc chắn sẽ giảm bớt. Để có sự khách quan, vô tư, khi xây dựng văn bản, nghiên cứu nào đó thì các cơ quan, đơn vị phải xuống cơ sở. Tôi thấy Bộ Xây dựng ít xuống lắm, Bộ Y tế càng không” – ông Nghĩa cho biết.

Nêu ý kiến tại phiên giải trình này, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân và đặc biệt phải có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng phát biểu ý kiến.

“Tôi có 3 nhiệm kỳ làm  HĐND TP Hải Phòng, 1 nhiệm kỳ làm bí thư hyện uỷ, nhưng chưa có ý kiến nào của dân kiến nghị về việc dừng sử dụng tấm lợp amiăng xi măng. Vậy tại sao chúng ta lại tự nêu vấn đề này ra?”.

Trở lại với báo cáo của Bộ Xây dựng, ông Tùng nêu băn khoăn: Có 39/42 bộ, ngành, địa phương, nhất trí với dự thảo Đề án hay nhất trí với nội dung gì? Bởi chúng ta vẫn còn tới 6 nhóm vấn đề phải làm rõ. Các vấn đề liên quan pháp lý, khoa học hôm nay đã thấy vướng rồi. Bộ Xây  dựng kiến nghị dành thời gian đến tháng 6/2019 trình thủ tướng thì có kịp không, khi đó quyết định năm 2023 dừng sử dụng amiăng trắng có phù hợp thực tiễn không?

Bộ Y tế, Xây dựng đưa ra khuyến cáo, nêu mối quan ngại, nhưng 118 chất khác cũng nằm trong danh mục khuyến cáo, quan ngại tại sao không đặt vấn đề cấm mà lại chỉ xoáy vào 1 chuyện này?

Ngoài ra, một số đại biểu yêu cầu làm rõ việc cấm sử dụng amiăng trắng căn cứ vào văn bản pháp luật nào? Bởi theo Điều 08 Luật đầu tư, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội, thì Chính phủ rà soát các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sửa và bổ sung Điều 06, 07 của Luật Đầu Tư theo thủ tục rút gọn trong đó có amiăng trắng để trình lên Quốc hội, vậy cơ sở pháp lý nào để các Bộ Xây dựng, Bộ Y tế nói là có cơ sở pháp lý để trình thủ tướng dừng amiăng trắng vào 2023. Việc thời gian qua, các bộ, ngành đưa ra các khuyến cáo ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, thiệt hại này sẽ do ai bồi thường?

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, hiện có quan điểm cho rằng, một số nước không cấm amiăng trắng vì họ xuất khẩu còn nước cấm như Nhật Bản thì lại tiếp thị các sản phẩm thay thế amiăng, còn Mỹ và Singapore thì đã bỏ lệnh cấm. “Vậy việc cấm này có xuất phát từ sức khoẻ người dân không hay chỉ vì lợi ích kinh tế?” – đại biểu Thanh Mai đặt vấn đề.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức – Thường trực UB QP-AN, cho rằng, trong sản xuất có cạnh tranh không lành mạnh có thể sử dụng những bài toán về sức khoẻ con người, an toàn an ninh, tạo sức ép xã hội. Trường hợp này có thể chuyển cơ quan chức năng để xem mục đích là như thế nào?

Tất cả mới chỉ là dự thảo!

Sau phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội và ý kiến tranh luận của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời làm rõ thêm các nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn. Theo ông Sinh, Bộ Xây dựng xây dựng đề án việc dừng sử dụng amiăng trắng. Trách nhiệm Bộ Xây dựng ngoài quản lý còn mong muốn lĩnh vực đó phát triển nên khi thực hiện đề án Bộ rất cân nhắc, thận trọng, tiến hành làm việc với WHO, Bộ Y tế. Đây là những cơ quan chyên môn được Thủ tướng giao theo dõi sức khoẻ người dân, có tiếng nói về chuyên môn đầy đủ nhất về ảnh hưởng của amiang trắng đối với sức khoẻ của con người; xác định amiang trắng có độc hại nên cần phải đưa vào sản xuất có điều kiện.

Đề án báo cáo Thủ tướng hiện đang trong quá trình xây dựng nên chưa có lệnh cấm nào. Quan điểm của chúng tôi không phải xoá ngành sản xuất này, thậm chí là phải tốt hơn sau khi xây dựng đề án.

Còn ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KHCN cũng thừa nhận thực tế, các cơ sở sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng trắng khó bán vì liên quan đến thị trường, độ bền của vật liệu. Khuyến cáo của WHO, ILO và các nước phát triển chúng ta cần tuân thủ nhưng với điều kiện của Việt Nam chúng ta phải có lộ trình.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm UBKHCN-MT của Quốc hội nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, chính công nhân đã và đang làm việc hàng ngày với amiăng trắng là một bằng chứng sống về khảo nghiệm trên bản thân họ. Do đó những kết luận phải hết sức xác đáng, đúng thực tiễn. Các cơ quan tham gia đề xuất lộ trình, cụ thể 2 bộ chính là Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đưa thông tin liên quan đến amiăng phải thực sự khách quan, khoa học vì lợi ích chung của nền kinh tế quốc gia dân tộc đặc biệt là vì sức khỏe của người dân. Khi chưa có bằng chứng khoa học thì chưa được kết luận, tuyên truyền trái pháp luật” – ông Dũng nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên