Quản người học trên mạng xã hội: Sao cho ổn!

VOV.VN -Một trường đại học đã đưa ra những quy định nghiêm cấm sinh viên sử dụng mạng xã hội đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng

Mới đây, một nhóm học sinh lớp 10 tại Thanh Hóa phải nhận hình thức kỷ luật do có hành vi xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội. Trước đó, nhiều vụ việc đáng buồn, thậm chí đau lòng đã xảy ra cũng vì tình trạng “ném đá” trên mạng của không ít bạn trẻ.

Mặc dù việc sử dụng mạng xã hội là quyền riêng tư của mỗi người, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn mong có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất nhằm định hướng, hỗ trợ học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện này có chừng mực, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nhiều ý kiến khác nhau về quy định sinh viên sử dụng mạng xã hội. (ảnh minh họa).

Nhằm giúp sinh viên xác định điểm dừng trong việc phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội, tránh gây những tác động tiêu cực không đáng có, mới đây, Trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM đã đưa ra những quy định về việc sử dụng mạng xã hội của người học.

Theo đó, điều 6 trong bộ quy tắc ứng xử của trường nghiêm cấm sinh viên sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng về nhà trường cũng như phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM cho rằng, việc đưa nội dung này vào bộ quy tắc ứng xử trong giai đoạn hiện nay rất cần vì nhà trường có trách nhiệm định hướng giúp người học biết được điểm dừng trong cách trình bày quan điểm, phát ngôn. Yêu cầu này không quá khắt khe, không xâm phạm quyền cá nhân nhưng đòi hỏi sự chín chắn trong suy nghĩ của từng sinh viên:

“Thứ nhất, nhà trường xây dựng hình mẫu rồi tiếp theo sẽ định hướng cho sinh viên những việc nên và không nên làm. Rồi thông qua đoàn hội, cố vấn học tập, đội ngũ thầy cô giáo và các nội quy, quy định của nhà trường, chúng tôi dần xây dựng và hình thành nên ý thức trong sinh viên. Còn chính các bạn mới là người xây dựng hình tượng và giá trị của bản thân sau này.”.

Cũng như nhiều sinh viên khác, lần đầu nghe về quy tắc sử dụng mạng xã hội, Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM tỏ ra hoang mang vì không biết từ đây phải sử dụng mạng xã hội như thế nào cho thật thoải mái và an toàn.

Thế nhưng, sau khi nghe các giảng viên trong trường tư vấn, Trang và nhiều bạn khác đã thấy an tâm hơn vì biết rằng đó là cách nhà trường dặn dò, định hướng chứ không phải cấm đoán hay xâm phạm quyền cá nhân của người học.

Nguyễn Thị Thùy Trang cho rằng, thay vì cái gì cũng đăng lên mạng, các bạn sinh viên có thể thẳng thắn trao đổi để nhà trường kịp thời xử lý. Như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Thùy Trang nói: “Trường em định kỳ mỗi học kỳ đều tổ chức giao ban. Các bạn sinh viên có thể chia sẻ vấn đề mình quan tâm ở những buổi giao ban đó để được thầy cô giải đáp trực tiếp. Nhiều khi em thấy các bạn chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội thì không ai giải đáp cho các bạn hết rồi qua một thời gian cũng bị lãng quên. Theo em cách đó không hay.”.

Nóng vội phát ngôn, nhanh chóng đưa ra nhận định, đánh giá, thậm chí là chỉ trích, miệt thị, “ném đá hội đồng” là thực trạng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Đáng buồn hơn là không ít bạn trẻ vì thiếu kiểm soát mà sẵn sàng nói xấu, xúc phạm người khác trên mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Xác định không thể quản lý sinh viên trên mạng xã hội một cách cứng nhắc vì dễ phát sinh suy nghĩ tiêu cực, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM chọn cách lồng ghép nội dung hướng dẫn phát ngôn, bình luận trên mạng trong các hoạt động rèn kỹ năng mềm.

Theo đó, sinh viên được hướng dẫn cách nhận diện trào lưu xấu trên mạng, từng bước hình thành thói quen chịu trách nhiệm và chừng mực trong bình luận trên facebook hay bất cứ trang mạng nào.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho rằng cách làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” này sẽ giúp sinh viên cảm thấy dễ chịu hơn. Vấn đề quan trọng các trường cần hướng tới là làm sao giúp người học định hình cách nghĩ tích cực về các vấn đề trong cuộc sống.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói: “Các trường cần phải xây dựng, tuyên truyền và tổ chức những hoạt động để giúp cho học sinh, sinh viên của mình nhìn nhận và xây dựng được giá trị sống tốt. Vấn đề tiếp đến là các trường phải rèn cho các em kỹ năng mềm, đặc biệt là những vấn đề về kỹ năng tư duy, phản biện. Yếu tố này sẽ giúp cho các em học sinh, sinh viên có được góc nhìn và cách phân tích sâu sắc hơn. Các em có tìm hiểu thông tin, đánh giá thông tin và nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau trước khi thực hiện việc nêu ra ý kiến cá nhân.”.

Bên cạnh việc định hình tư duy tích cực cho học sinh, sinh viên, theo bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TPHCM, các trường học và những đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền dựa trên “người thật, việc thật” để tăng mức độ thuyết phục và tính hiệu quả của công tác định hướng.

Khi hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của việc phát ngôn thiếu trách nhiệm hoặc “ném đá hội đồng” trên mạng xã hội, tự khắc người trẻ sẽ có sự điều chỉnh hợp lý. Cách chọn vấn đề để phân tích cho người học hiểu cũng rất quan trọng vì nếu đề cập tràn lan sẽ gây nên sự nhàm chán.

Bà Trần Việt Thái lý giải: “Phân tích ra cho rõ hậu quả của vấn đề ở đâu và tác động tích cực của nó ở chỗ nào khi mọi người lên tiếng phản đối một vụ việc. Nếu bây giờ tất cả im lặng, vô cảm cũng không được nhưng tiêu cực của việc này là gì, mình nói quá thì tác động như thế nào… Cần làm sao tuyên truyền để mọi người có thái độ bình tĩnh hơn trước khi nhận định bất cứ sự việc gì và hãy đặt mình, chính mình là người trong cuộc.”.

Theo các chuyên gia, dù rất cố gắng nhưng nhà trường chỉ có thể đóng vai trò tuyên truyền, định hướng chứ không thể quản lý hay thay học sinh, sinh viên phát ngôn trên mạng xã hội. Thế nên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người trẻ trong mỗi hành vi của mình, tránh tình trạng chạy theo số đông mà quên mất hậu quả của sự việc. Việc cẩn trọng trong phát ngôn, chừng mực trong sử dụng mạng xã hội sẽ giúp bạn trẻ tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới từ cộng đồng mà không gây ra những cảm xúc tiêu cực cho người khác và chính mình./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mạng xã hội đang tha hoá hành vi sống của chúng ta
Mạng xã hội đang tha hoá hành vi sống của chúng ta

Sự tiện ích của mạng xã hội đang làm tha hoá hành vi sống của nhiều người. Hãy biết cảnh giác trước những tác động tiêu cực từ thế giới ảo. 

Mạng xã hội đang tha hoá hành vi sống của chúng ta

Mạng xã hội đang tha hoá hành vi sống của chúng ta

Sự tiện ích của mạng xã hội đang làm tha hoá hành vi sống của nhiều người. Hãy biết cảnh giác trước những tác động tiêu cực từ thế giới ảo. 

Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội
Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội

VOV.VN -Kết quả khảo sát của ngành giáo dục cho thấy, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh từ 15 đến 18 tuổi đang sử dụng mạng xã hội.

Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội

Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội

VOV.VN -Kết quả khảo sát của ngành giáo dục cho thấy, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh từ 15 đến 18 tuổi đang sử dụng mạng xã hội.