Nuôi dê vùng đất ngập mặn cho hiệu quả bất ngờ

VOV.VN - Dê nuôi không tốn thức ăn lại tận dụng được nguồn thực vật tại địa phương nên đã giúp nhiều gia đình khó khăn thoát khỏi hộ nghèo.

Trước tình hình mặn xâm nhập ngày càng nặng gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp tại địa phương, anh Nguyễn Văn Đình (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã quyết định chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vươn lên làm giàu bằng nghề chăn nuôi.

Trong lần tình cờ biết đến mô hình nuôi dê, anh Định đã đầu tư và mô hình này đã giúp gia đình anh khá giả. Hiện anh Đình còn hỗ trợ người dân địa phương nhân rộng mô hình nuôi dê để cùng vươn lên làm giàu.

Sau khi lập gia đình, anh Đình được cha mẹ cho vài công đất ruộng. Vùng canh tác lúa nơi đây gần biển, mặn xâm nhập ngày càng nhiều nên năng suất lúa không cao. Làm quần quật quanh năm chỉ đủ ăn nên anh quyết định tìm hướng đi mới.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của hợp tác xã nuôi dê ấp Rạch Thọ.
(Ảnh: Báo Đất Mũi)

Anh Đình đã từng nếm trải nhiều cay đắng, ngọt bùi từ các mô hình nuôi gà sao, nuôi trăn, rắn. Đã có những lúc phải chịu thua lỗ nặng từ việc thực hiện các mô hình chăn nuôi mới nhưng anh vẫn không từ bỏ ý định.

Vào năm 2016, trong một lần lên thăm người thân ở Bình Dương, anh biết đến mô hình nuôi dê. Với sự nhạy bén có sẵn cùng sự cần cù, ham học hỏi anh Đình đã thử nghiệm nuôi dê.

“Đặc thù của địa phương có sẵn nhiều cây cối nên mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả cao hơn so với ở Bình Dương. Đây sẽ là hướng làm kinh tế lâu dài cho gia đình”, anh Đình chia sẻ.

Do chưa có kinh nghiệm, lúc đầu anh Đình gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc đàn dê. Qua tìm hiểu sách báo, tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước, anh dần hiểu rõ kỹ thuật và chỉ mất 1 năm, anh đã nhân rộng đàn dê của gia đình lên số lượng gần 100 con. Đến hiện tại, mỗi năm mô hình nuôi dê giúp gia đình anh có nguồn thu hơn 200 triệu đồng.

Từ thành công đó, cùng với nhu cầu của người dân nuôi dê tại địa phương, anh Đình tiếp tục nhân rộng đàn dê và xin thành lập Hợp tác xã nuôi dê Đê Biển Tây. Hợp tác xã ban đầu chỉ có 3 thành viên. Các thành viên được anh Đình cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc nên đều đạt hiệu quả. Trong năm 2018, mỗi thành viên của hợp tác xã có mức thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán dê thịt và giống.

Bà Nguyễn Thị Tập, một thành viên của Hợp tác xã cho biết, tình trạng sạt lở ven biển ở địa phương ngày càng nghiêm trọng, biển tiến gần đê phòng hộ. Vấn đề xâm nhập mặn, ảnh hưởng sản xuất ngày càng nghiêm trọng nên bà quyết định tìm hướng sản xuất mới.

Do kỹ thuật nuôi dê không khó nên gia đình đã tiến hành đầu tư. Từ trước đến nay, cây đước, cây mắm mọc tự nhiên tại địa phương rất tươi tốt nhưng không được tận dụng, đây lại là nguồn thức ăn dê ưa thích nên việc nuôi dê rất thuận lợi. Hằng ngày, gia đình bà chỉ cần bỏ công chăm sóc mà mỗi năm vẫn có nguồn thu cao nên bà rất phấn khởi.

“Nuôi dê hiệu quả hơn, lời nhiều hơn so với nuôi heo, gà vịt. Dê không tốn thức ăn, chủ yếu chỉ mất công đi chăn”, bà Tập cho biết.

Từ hiệu quả của mô hình, đến hiện tại Hợp tác xã nuôi dê Đê Biển Tây đã có thêm 4 hộ dân tham gia. Anh Đình hỗ trợ toàn bộ con giống, kỹ thuật nuôi cho các hộ này. Từ đầu năm đến nay, trung bình số lượng đàn dê của hợp tác xã được khoảng 300 - 500 con, tùy thời điểm.

Anh Nguyễn Văn Đình cho biết, thời gian tới anh sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại và tăng thêm số lượng đàn dê của gia đình. Cùng với đó, anh sẽ hỗ trợ những hộ dân muốn thực hiện mô hình nuôi dê để cùng nhau vươn lên.

“Khi thành lập hợp tác xã chăn nuôi, bản thân có mong muốn làm sao cho các hộ nghèo ở địa phương từng bước khá lên. Thấy bà con khó khăn, hợp tác xã đưa dê giống cho bà con nuôi, khi bán hợp tác xã sẽ bao tiêu và chia lợi nhuận. Nếu hộ nào muốn nhân giống sẽ được ưu tiên nuôi dê nái, sau khi dê đẻ con hai bên sẽ chia dê con và được hợp tác xã hỗ trợ hết về kỹ thuật”, anh Đình cho biết.

Với bản tính cần cù, ham học hỏi, dám nói dám làm anh Nguyễn Văn Đình đã có được thành công với mô hình nuôi dê trên vùng đất phèn mặn. Đáng khen hơn, anh còn vận động người dân địa phương liên kết cùng thực hiện, cùng vươn lên làm giàu. Trước thực trạng vùng đất ven biển xã Khánh Hải ngày càng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới sản xuất, mô hình nuôi dê đang là một hướng đi mới giúp người dân tăng thu nhập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sản xuất lúa giống theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế cao
Sản xuất lúa giống theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Mô hình Hợp tác xã ở Quảng Nam liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm, bà con không phải lo đầu ra, lợi nhuận tăng gần gấp đôi.

Sản xuất lúa giống theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế cao

Sản xuất lúa giống theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Mô hình Hợp tác xã ở Quảng Nam liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm, bà con không phải lo đầu ra, lợi nhuận tăng gần gấp đôi.

Nuôi cá lồng kết hợp du lịch cho hiệu quả kinh tế cao
Nuôi cá lồng kết hợp du lịch cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Mô hình nuôi cá tập trung ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch, dịch vụ giúp người dân có thu gấp đôi, gấp 3 so với trước kia.

Nuôi cá lồng kết hợp du lịch cho hiệu quả kinh tế cao

Nuôi cá lồng kết hợp du lịch cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Mô hình nuôi cá tập trung ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch, dịch vụ giúp người dân có thu gấp đôi, gấp 3 so với trước kia.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc tại Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao
Trồng cây ăn quả trên đất dốc tại Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Tỉnh Sơn La đã chuyển đổi gần 4.500 ha đất trồng ngô, lúa nương, sắn sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc tại Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao

Trồng cây ăn quả trên đất dốc tại Sơn La cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Tỉnh Sơn La đã chuyển đổi gần 4.500 ha đất trồng ngô, lúa nương, sắn sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.