Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM) do lỗi đăng kiểm?

VOV.VN - Để làm rõ vấn đề đăng kiểm ca nô bị nạn, cơ quan tố tụng quân sự đã có công văn trả lời cơ quan cảnh sát điều tra TP HCM.

Vụ tai nạn chìm ca nô BP 12-04-02 làm 9 người thiệt mạng vào ngày 2/8/2013 tại vùng biển huyện Cần Giờ - TP HCM tính đến nay đã gần 2 năm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã kết luận và Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM đã ra cáo trạng truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết đều về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

Sau khi tai nạn xảy ra, kết quả điều tra giám định đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn do ca nô BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp.

Công văn trả lời của cơ quan tố tụng quận sự cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM
Kết quả giám định này đã khẳng định ca nô BP 12-04-02 bị tai nạn không phải do chất lượng không bảo đảm hay bị trục trặc kỹ thuật.

Trong bản kết luận điều tra vụ án ngày 12/9/2014, cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, bị can Vũ Văn Đảo là người sản xuất ca nô BP 12-04-01 và BP 12-04-02 biết rõ về tình trạng kỹ thuật của các tàu trên và biết rõ cơ quan đăng kiểm chưa cho phép sử dụng nhưng vẫn tìm cách đưa ca nô BP 12-04-02 vào sử dụng.

Hành vi của bị can Vũ Văn Đảo đã cấu thành tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, quy định tại điều 214 Bộ luật hình sự.

Ngay sau đó, bản cáo trạng 474/CT-VKS-P1A của Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM lại cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra chưa làm rõ được cơ quan nào trực tiếp đăng kiểm, do không xác minh, thu thập được tài liệu tại Phòng đăng kiểm Hải quân – không thuộc thẩm quyền điều tra.

Liên quan đến vấn đề đăng kiểm của tàu 12-04-02 bị tai nạn, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM cũng đã có Công văn số 903/CV-CQCSĐT-PC44 gửi Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân và Cơ quan Điều tra hình sự Quân chủng Hải quân.

Theo nội dung công văn: “Tàu BP12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ghi sai vật liệu kết cấu thân tàu. Hành vi sai phạm trong việc đăng kiểm ca nô BP 12-04-02 không thể tách rời khi xử lý hành vi phạm tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” nhưng cơ quan CSĐT không có chức năng điều tra xác minh. Đồng thời phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong vụ tai nạn, nhất là trong lĩnh vực đăng kiểm”.

 

Ngay sau đó, Công văn số 06/CV/VKS-ĐTHS của Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân, Cơ quan Điều tra hình sự Quân chủng Hải quân ngày 16/1/2015 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM.

Theo nội dung công văn trả lời, cán bộ sĩ quan Phòng Đăng kiểm Hải quân và đăng kiểm viên do đơn giản, chủ quan và cả nể nên đã không làm hết trách nhiệm, không kiên quyết yêu cầu đơn vị chủ phương tiện (Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) thực hiện đúng thủ tục: ban hành công văn đề nghị đăng kiểm phương tiện, cung cấp tài liệu phục vụ đăng kiểm phản ánh đúng tên vật liệu thân vỏ thực tế của phương tiện, song vẫn chuẩn bị văn bản (phôi Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy) ghi không đúng tên vật liệu thân vỏ phương tiện từ PPC thành COMPOSITE trình để Thủ trưởng Phòng đăng kiểm Hải Quân ký ban hành.

Trưởng phòng Đăng kiểm Hải quân, do chủ quan quá tin tưởng cấp dưới đã không kiểm tra lại hồ sơ đăng kiểm trước khi ký ban hành các Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy cho 2 phương tiện (ca nô BP 12-04-01 và BP 12-04-02).

Sau khi phát hiện sai sót đã không kịp thời thu hồi 2 Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy đã ban hành ghi không đúng tên vật liệu chế tạo thân vỏ phương tiện.

Ngoài 2 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy nêu trên các Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy Đăng kiểm hải quân cấp cho các phương tiện do Công ty Việt Séc sản xuất bán cho một số đơn vị Quân đội như: Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng, đều ghi đúng tên vật liệu chế tạo thân vỏ thực tế của phương tiện là PPC.

Tuy nhiên, xét thấy những sai phạm nêu trên của tập thể, cá nhân không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả trong vụ tai nạn chìm ca nô BP 12-04-02 vào ngày 2/8/2013 tại vùng biển huyện Cần Giờ - TP HCM nên chỉ đề nghị Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh đối với các cá nhân liên quan và công tác Đăng kiểm Hải Quân trong thời gian tới, mà không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi vi phạm của cán bộ, sĩ quan Phòng Đăng kiểm Hải quân (bộ phận phía Nam) và Đăng kiểm viên.

Theo ông Đinh Văn Quế - cựu Chánh tòa Hình sự - TAND Tối cao, đối với công văn trả lời của Viện kiểm sát quân sự Quân chủng Hải quân và Cơ quan Điều tra hình sự Quân chủng Hải quân càng khẳng định: “Nguyên nhân dẫn đến tai nạn do tàu BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp”, chứ không phải do chất lượng không bảo đảm hay bị trục trặc kỹ thuật”.

Ông Quế cho rằng, kết luận của cơ quan tố tụng quân sự không chỉ đúng quy định của pháp luật mà còn phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Phương tiện giao thông đường thủy an toàn thì không có tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”. Nhưng không hiểu sao Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM và Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM vẫn cho rằng ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết phạm tội này.

“Phải chăng, vì đã “trót” khởi tố, bắt giam 2 ông Đảo và Quyết mà cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM và Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM phải cố giữ quan điểm của mình?”, ông Quế đặt vấn đề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên