Xử lý tham nhũng chưa nghiêm

Những khiếu nại tố cáo của người dân các xã Bình Kiều, Thuận Hưng, Thành Công (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) về những sai phạm của cán bộ xã tuy đã được làm rõ nhưng việc xử lý lại qua loa, chiếu lệ

Theo đơn phản ánh của nhân dân xã Thuần Hưng và các tài liệu có trong hồ sơ cũng như các kết luận của Thanh tra huyện Khoái Châu, kết luận của Thanh tra tỉnh Hưng Yên, và qua các buổi làm việc, đối thoại với những người có trách nhiệm từ huyện đến tỉnh cho thấy: Từ năm 1995 đến 2000 tại xã Thuần Hưng huyện Khoái Châu đã để xảy ra nhiều sai phạm kéo dài trên nhiều lĩnh vực mà nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai.

Từ năm 1994 đến 2000 lãnh đạo xã Thuần Hưng đã bán trái thẩm quyền hơn 25.000m2, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng quy định hơn 75.000m2 đất... Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng rõ ràng nhưng Thanh tra huyện và các ngành để kéo dài 7, 8 năm rồi chỉ đề nghị xử lý hành chính. Vì sao vậy?

Theo phản ánh của người dân và xác minh của chúng tôi thì vụ việc không xử lý nghiêm minh, đúng luật được bởi không những cán bộ xã mua đất và một số cán bộ huyện như ông Đào Đức Ngọc- cán bộ Thanh tra huyện (lấy tên mẹ là Đặng Thị Dung), bà Đào Thị Lý- cán bộ phòng nông nghiệp,(nay được đề bạt trưởng phòng và là vợ của chủ tịch UBND huyện thời kỳ đó, nay là Bí thư huyện uỷ) rồi cán bộ phòng tài nguyên môi trường, cán bộ tổ chức huyện uỷ, cán bộ Viện kiểm sát, toà án huyện đều được mua đất trái phép ở đây để làm nhà hoặc bán kiếm lời.

Tương tự như Thuần Hưng, tại xã Bình Kiều, từ năm 1993 đến năm 2003 lãnh đạo xã Bình Kiều mà đứng đầu là ông Hoàng Văn Trọng- Chủ tịch UBND xã và ông Phạm Công Gắng- Bí thư đảng uỷ xã đã tự ý cấp bán đất canh tác trái thẩm quyền cho gần 400hộ với diện tích hơn 50.000m2. Điều đáng nói là những đối tượng được mua đất trái phép hầu hết là cán bộ xã và một số cán bộ ở huyện.

Ông Nguyễn Đình Sếnh- công dân thôn Ninh Vũ vừa chỉ tay ra xa phía trước vừa nói: “Đất ven đường đường 206 và đất ở những nơi có giá nhất đều đã được bán cho cán bộ hết…” .

Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhung, công dân khu 2 thôn Ninh Vũ trình bày khá mạch lạc, rõ ràng những sai phạm của đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương: “Họ bán hết tất cả những gì có thể bán được… chiếm cả đất của thân nhân liệt sỹ để bán, thậm chí bớt xén cả tiền xây dựng nhà tình nghĩa…”

Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Việt- Lúc đó là cán bộ văn phòng nay là Chủ tịch UBND xã Bình Kiều xác nhận: “Vì là xã nghèo nên thời điểm ấy xã bán đất khá nhiều để đảm bảo hoạt động và xây dựng một số cơ sở hạ tầng… Nhân dân cũng mua được đất chứ không riêng gì cán bộ…”

Cả một thời gian dài UBND xã Bình Kiều đã không chấp hành đúng các quy định về quản lý kinh tế tài chính và Luật ngân sách. Nhiều khoản phí quỹ không được hạch toán trong sổ sách kế toán. Ngân sách kết dư của năm trước còn hàng chục triệu lại không chuyển vào theo dõi ở năm sau; không đưa vào sổ hạch toán theo dõi khoản tiền 82 triệu do khấu hao các công trình điện mà Nhà nước chuyển trả cho địa phương khi nhận bàn giao lưới điện… Liều lĩnh hơn lãnh đạo xã này con lập khống danh sách di dân đi xây dựng kinh tế mới ở Gia Lai để nhận hơn 50 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách.

Tại kết luận của Thanh tra huyện và Thanh tra tỉnh đều nhận định “lãnh đạo Xã Bình Kiều đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý sử dụng đất đai, làm trái quy định về quản lý tài chính và Luật Ngân sách gây bức xúc trong quần chúng…”. Vậy nhưng tại các văn bản này lại đưa ra kiến nghị rất chung chung như: “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, “tăng cường giám sát kiểm tra”… rồi: xử lý hành chính đối với người có sai phạm, tiến hành làm thủ tục hợp thức hoá số đất đã bán trái thẩm quyền …

Còn tại xã Thành Công từ 1989 – 2006, qua 4 đời chủ tịch xã đã tự ý bán hơn 50.000m2 đất công khi chưa có Quyết định của UBND tỉnh. Nghiêm trọng hơn họ còn bán 4 lô đất ở khu sông Cửa Đền (nằm trong quần thể di tích quốc gia đền Hương Quất). Những nội dung sai phạm đó phần nào được đã Thanh tra huyện làm rõ. Ngoài ra lãnh đạo xã này còn quyết toán khống hàng chục triệu đồng tiền xây dựng chợ Cút.

Sai phạm rõ ràng như vậy nhưng tất cả 4 vị nguyên Chủ tịch UBND xã vẫn không hề hấn gì mà được nghỉ hưu hay chuyển lên làm Bí thư đảng uỷ xã (ngoại trừ 1 vị chủ tịch bị bãi nhiệm). Người dân xã Thành Công cho rằng, việc xử lý tham nhũng như vậy của huyện Khoái Châu khác gì “ném đá ao bèo”.

Sai phạm, tham nhũng xảy ra ở một số địa phương của huyện Khoái Châu là rõ ràng nhưng các cơ quan có thẩm quyền chỉ xử lý hành chính, như vậy liệu có gì khuất tất không? Trả lời câu hỏi này ông Đào Văn Son- Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Thời kỳ ấy xử lý như vậy là được, vì không phát hiện ra tham ô!”

Vậy là những khiếu nại tố cáo của người dân các xã Bình Kiều, Thuận Hưng và Thành Công về những sai phạm của cán bộ xã qua các thời kỳ tuy đã được phát hiện làm rõ từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Những cá nhân có sai phạm nghiêm trọng thì đã “hạ cánh” an toàn, những tài sản, đất đai do sai phạm mà có thì lại được hợp thức hoá, còn người dân đấu tranh cho công bằng lẽ phải thì mang đơn chạy vòng quanh. Nếu cứ cách làm này thì bao giờ huyện Khoái Châu mới giải quyết được tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên