Mọi điều cần biết về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa

VOV.VN - Lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa này là gì và liệu nó có khả năng vươn tới mọi nơi trên Trái Đất?

Các chuyên gia tên lửa đã và đang kiểm tra các dữ liệu từ vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên để xác định xem liệu tuyên bố của Triều Tiên về việc tên lửa của họ có khả năng “vươn tới mọi nơi trên thế giới” là đúng hay không.

1. Triều Tiên tuyên bố gì và vì sao điều đó gây chấn động?

Ngày 4/7 CHDCND Triều Tiên tuyên bố họ đã thực hiện thành công vụ thử đầu tiên đối với một trái tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo truyền hình nhà nước Triều Tiên, tên lửa này có khả năng vươn tới mọi nơi trên thế giới.

Lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đích thân đến giám sát vụ phóng tene lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: Truyền hình nhà nước Triều Tiên.

Các quan chức Seoul và Washington cảnh giác cao trước vụ thử này. Theo họ, đây là bằng chứng của việc Triều Tiên đang tiến sát tới mục tiêu sở hữu một quả tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân có thể tấn công tới Mỹ trên đất liền (ví dụ như Alaska).

Sự kiện này đã thay đổi đáng kể các mối tương tác ngoại giao và gây thêm áp lực lên chính quyền Donald Trump buộc họ phải phản ứng. Cần lưu ý rằng Tổng thống Mỹ không loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự nếu gặp phải các khiêu khích nghiêm trọng. Vụ phóng cũng buộc Liên Hợp Quốc phải xem xét lại cách tiếp cận đối với quốc gia khép kín này.

2. Tên lửa đạn đạo liên lục địa là gì?

Tên lửa này có 5 giai đoạn hoạt động:

A. Phóng và đẩy. Các rocket đẩy sẽ đưa quả đạn vào không gian trong vòng 2-5 phút.

B. Bay trong không gian cận quỹ đạo. Quá trình này kéo dài 25 phút. Tên lửa có thể lên tới độ cao 1.200km.

C. Quay trở lại. Tại độ cao 100km, đầu đạn đang bay với tốc độ 6km/giây và sẽ quay trở lại khí quyển Trái Đất. Lớp vỏ của đầu đạn phải đủ sức bảo vệ đầu đạn trước sức nóng kinh khủng lúc quay trở lại khí quyển.

Khác biệt lớn giữa một ICBM và các tên lửa đạn đạo khác là ICBM có tầm bay và tốc độ lớn hơn, giúp ICBM đánh trúng các mục tiêu ở rất xa. Các ICBM phải có tầm bay xa tối thiểu là 5.500km.

Các giai đoạn trong hành trình bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bệ phóng tới mục tiêu. Đồ họa: BBC.

3. Các chuyên gia nhận định thế nào về tuyên bố của Triều Tiên?

Các dữ liệu do Triều Tiên công bố về tầm bay và độ bay cao của tên lửa khớp với các báo cáo do Nhật Bản và Hàn Quốc tập hợp, mặc dù trước đó quân đội Mỹ tuyên bố vụ thử này là của một tên lửa tầm xa (chưa đến ngưỡng liên lục địa).

Nói chung người ta nhất trí rằng đây là vụ thử tên lửa thành công nhất của Triều Tiên kể từ chương trình tên lửa đạn đạo của nước này tăng tốc vào cuối thập niên 1990. Người ta chỉ ít tin tuyên bố của nước này cho rằng quả tên lửa vừa rồi có khả năng bay tới mọi mục tiêu trên Trái Đất.

Các bộ phận của ICBM. Đồ họa: BBC.

John Schilling, một chuyên gia tên lửa ở tổ chức nghiên cứu “38 North” ở Washington, ước tính sẽ mất ít nhất một khoảng thời gian từ nay tới năm 2020 để Triều Tiên phát triển được một tên lửa ICBM đủ khả năng bay tới được đất Mỹ và thêm 25 năm nữa để Triều Tiên chế tạo được một tên lửa chạy bằng nhiên liệu rắn.

Viện Khoa học và An ninh Quốc tế Mỹ ước tính: cho đến tháng 6/2016, Triều Tiên sở hữu từ 13-21 vũ khí hạt nhân so với 10-16 vũ khí vào năm 2014.

Các quan chức Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể gắn một đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa tầm trung có khả năng tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Mỹ đặt bên trong các nước này.

4. Tên lửa Hwasong-14 có thể có tầm bắn là 6.700km

Vì sao Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo? Phần lớn lý do quốc gia này đưa ra do chịu mối đe dọa thường xuyên từ Mỹ và các đồng minh khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cụ thể, Triều Tiên thường nói mình trong tầm ngắm của Washington với hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ đồn trú dọc theo rìa phía nam của khu phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên cũng lo ngại đối mặt với số phận bi thảm mà một số lãnh đạo Trung Đông (như ở Iraq) và Bắc Phi (như ở Libya) gặp phải khi không có vũ khí hạt nhân.

5. Chính sách của Tổng thống Trump đối với Bình Nhưỡng là gì?

Sáu tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đang nỗ lực (một cách khó khăn) để vạch ra một chính sách nhất quán đối với Triều Tiên.

Tầm bắn của các tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Ông Trump trông đợi nhiều vào khả năng tác động ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc lên Triều Tiên để thuyết phục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, nhưng cách tiếp cận chưa đem lại kết quả như mong muốn.

Ông Trump đã đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên để đáp trả các khiêu khích nghiêm trọng nhưng cho đến nay ông vẫn chưa nói cụ thể điều gì thì tạo thành “lằn ranh giới đỏ” hay hình thức trả đũa quân sự thì như thế nào. Bất cứ dấu hiệu nào về việc Mỹ dùng tới vũ lực đều khiến Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.

6. Chính sách Hàn Quốc đối với Triều Tiên thay đổi như thế nào kể từ khi Moon Jae-in trở thành Tổng thống vào tháng 5?

Phe bảo thủ ở Hàn Quốc lo ngại Tổng thống Moon theo đường lối tự do sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng với giới chức quân sự Bình Nhưỡng.

Thế nhưng từ khi nhậm chức, ông Moon đã kết hợp giữa việc đề cập thận trọng đến hợp tác liên Triều với việc cảnh báo rằng chính quyền của ông sẽ không dung thứ các vụ thử tên lửa tiếp theo.

Hôm 4/7 ông Moon đã hối thúc Triều Tiên ngưng các vụ phóng tên lửa và cảnh báo về hậu quả không lường trước mà Triều Tiên có thể gặp phải nếu vượt qua cái mà ông gọi là “điểm không thể quay lại được”.

Hiện phương Tây không có giải pháp rõ ràng nào để kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cựu Tổng thống Obama đã rời Nhà Trắng khi tình hình bán đảo Triều Tiên còn nguy hiểm hơn cả khi ông lần đầu trở thành ông chủ Nhà Trắng vào 8 năm trước đó.

Nếu Mỹ thực hiện cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên thì điều này hầu như chắc chắn sẽ khiến Triều Tiên trả đũa tức thì và gây ra thương vong lớn ở Hàn Quốc và có thể cả Nhật Bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Liên minh Mỹ-Hàn chưa thể làm gì để ngăn chặn Triều Tiên?
Liên minh Mỹ-Hàn chưa thể làm gì để ngăn chặn Triều Tiên?

VOV.VN - Vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên chứng minh rằng cuộc gặp cấp cao Mỹ - Hàn hồi tuần trước đã không mang lại một kết quả đáng kể nào.

Liên minh Mỹ-Hàn chưa thể làm gì để ngăn chặn Triều Tiên?

Liên minh Mỹ-Hàn chưa thể làm gì để ngăn chặn Triều Tiên?

VOV.VN - Vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên chứng minh rằng cuộc gặp cấp cao Mỹ - Hàn hồi tuần trước đã không mang lại một kết quả đáng kể nào.

Triều Tiên phóng ICBM: Mỹ- Hàn cảnh báo về “giới hạn đỏ”
Triều Tiên phóng ICBM: Mỹ- Hàn cảnh báo về “giới hạn đỏ”

VOV.VN - Quân đội Mỹ và Hàn Quốc ngày 4/7 tiến hành diễn tập bắn tên lửa tại khu vực hải phận Hàn Quốc.

Triều Tiên phóng ICBM: Mỹ- Hàn cảnh báo về “giới hạn đỏ”

Triều Tiên phóng ICBM: Mỹ- Hàn cảnh báo về “giới hạn đỏ”

VOV.VN - Quân đội Mỹ và Hàn Quốc ngày 4/7 tiến hành diễn tập bắn tên lửa tại khu vực hải phận Hàn Quốc.

Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?
Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?

VOV.VN - Bỏ ngoài tai sức ép từ Mỹ, Trung Quốc, và Liên Hợp Quốc cũng như cơ hội hòa giải với Hàn Quốc, Triều Tiên lại phóng tiếp tên lửa đạn đạo vào hôm 21/5.

Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?

Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?

VOV.VN - Bỏ ngoài tai sức ép từ Mỹ, Trung Quốc, và Liên Hợp Quốc cũng như cơ hội hòa giải với Hàn Quốc, Triều Tiên lại phóng tiếp tên lửa đạn đạo vào hôm 21/5.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên

VOV.VN - Việc Triều Tiên lần đầu tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 4/7 đã giúp Triều Tiên sở hữu “quân Át chủ bài” cực kỳ đáng sợ.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên

Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên

VOV.VN - Việc Triều Tiên lần đầu tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 4/7 đã giúp Triều Tiên sở hữu “quân Át chủ bài” cực kỳ đáng sợ.

Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo
Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo

VOV.VN - Mỹ và Nhật Bản thực sự lo ngại trước việc Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pukguksong-2.

Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo

Toàn cảnh vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo

VOV.VN - Mỹ và Nhật Bản thực sự lo ngại trước việc Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pukguksong-2.