Selangor FC là một trong những CLB nước ngoài đầu tiên góp phần hình thành làn sóng tin đồn xuất ngoại của Quang Hải từ hồi cuối năm 2018. Câu chuyện này giúp Selangor FC trở thành đội bóng hiếm hoi của Malaysia League từng “chiếm spotlight” trên mặt báo Việt Nam.

Sau 4 năm đồn đoán ly kỳ, Quang Hải đã sang Pháp khoác áo Pau FC theo dạng chuyển nhượng tự do. Lựa chọn sang châu Âu chơi bóng của Quang Hải đánh dấu một bước tiến cho bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung trên thị trường chuyển nhượng quốc tế.

Tuy nhiên, số lượng cầu thủ Đông Nam Á ra nước ngoài chơi bóng vẫn còn rất ít ỏi, dù điểm đến là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay một quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Ngay cả một giải VĐQG trong khu vực có áp dụng quota ngoại binh Đông Nam Á như Malaysia League, thì các CLB như Selangor FC cũng gặp khó trong việc theo đuổi nhưng ngôi sao AFF Cup như Quang Hải.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với ông Melvyn Lim – Cựu Giám đốc của Selangor FC để có thêm một góc nhìn về việc Quang Hải sang châu Âu chơi bóng và đặc điểm của thị trường chuyển nhượng cầu thủ Đông Nam Á.

Melvyn Lim: Đội bóng nào cũng muốn có Quang Hải (cười). Cậu ấy rất giỏi. Khi cầu thủ ở đẳng cấp như vậy xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng Đông Nam Á, thì mọi CLB đều sẵn sàng theo đuổi.

Melvyn Lim: Thực tế là những cầu thủ giỏi ở Đông Nam Á đều ưu tiên đến với những CLB ở ngoài khu vực khi quyết định xuất ngoại. Họ muốn đến Nhật Bản hoặc châu Âu để phát triển sự nghiệp. Trên quan điểm của một người yêu mến bóng đá Đông Nam Á, thì tôi đánh giá cao tinh thần đó. Bởi thực tế là các ngôi sao Đông Nam Á rất khó nhận được mức lương hậu hĩnh, nếu đến với các nền bóng đá phát triển hơn. Nhưng nếu họ đến với những sân chơi lớn, đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng giảm thu nhập để có bước tiến về mặt chuyên môn.

Tôi đồng ý rằng có những cầu thủ Đông Nam Á không muốn xuất ngoại, vì họ sẽ kiếm nhiều tiền hơn và có cuộc sống dễ chịu hơn nếu ở lại thi đấu trong nước. Lựa chọn ấy không hề sai, vì đời cầu thủ rất ngắn và không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Một cầu thủ ngôi sao có thể mất tất cả trong chớp mắt, chỉ vì một cú xoạc bóng.

Thế nhưng, nếu không có những người dám hy sinh, dám nghĩ lớn để nâng tầm chuyên môn, thì bóng đá Đông Nam Á khó lòng phát triển. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là bóng đá Đông Nam Á vẫn ở đẳng cấp thấp. Bạn thử nghĩ mà xem, ĐT Việt Nam là số 1 khu vực nhưng đang đứng thứ 97 thế giới, còn ĐT Malaysia của chúng tôi thì đang xếp hạng 147. Dù bóng đá Việt Nam và Malaysia là những thế lực ở Đông Nam Á, thì chúng ta vẫn là những đội “cửa dưới” khi bước ra thế giới.

Melvyn Lim: Quang Hải có thành công ở châu Âu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cậu ấy, nhưng tôi hy vọng cậu ấy có thể thành công. Tôi chắc chắn sẽ tự hào khi có một cầu thủ Đông Nam Á thành công ở châu Âu, điều đó có thể mang đến sự tự tin cho những cầu thủ khác trong khu vực.

Hiện tại, phần lớn các cầu thủ Đông Nam Á đang thi đấu ở châu Âu là những người sinh ra, lớn lên và chơi bóng tại nước ngoài. Số cầu thủ thành danh ở Đông Nam Á rồi xuất ngoại và gặt hái thành công vẫn còn rất ít. Thế nên, bài học và nguồn cảm hứng từ việc Quang Hải sang châu Âu không chỉ là câu chuyện riêng của bóng đá Việt Nam, mà còn là câu chuyện chung của cả khu vực Đông Nam Á.

Melvyn Lim: ĐT Malaysia đang có 2 tuyển thủ thi đấu ở Bỉ là Dion Cools (Zulte Waregem) và Hakim Luqman (Kortrijk). Hậu vệ Dion Cools sinh ra, lớn lên rồi chơi bóng tại Bỉ và từng tham dự Champions League. Tiền đạo Hakim Luqman thì từng ghi 4 bàn trong một trận đấu ở giải trẻ quốc tế và lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên châu Âu.

Trường hợp của Hakim Luqman có nhiều nét tương đồng với câu chuyện của Quang Hải. Tôi không biết quá nhiều Hakim Luqman trong thời gian ở châu Âu, nhưng anh ta đã biến từ một cậu bé gầy gò thành một cầu thủ vạm vỡ khi từ Bỉ trở về ĐT Malaysia. Chỉ riêng việc phát triển vượt bậc về thể chất thôi đã cho thấy anh ta có tinh thần cầu tiến, bỏ qua những tự ti để phát triển bản thân.

Hakim Luqman cũng ngó lơ những lời đề nghị hấp dẫn từ các đội bóng hàng đầu Malaysia để sang Bỉ thi đấu từ khi còn rất trẻ. Lựa chọn như vậy cho thấy tham vọng và ý chí quyết tâm của anh ta. Ngoài ra, Hakim Luqman đã trụ lại châu Âu vài năm rồi. Điều đó đồng nghĩa với việc anh ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Tôi đã chứng kiến một số cầu thủ rời Đông Nam Á sang châu Âu vài tháng rồi trở về, vì đủ các lý do, còn Hakim Luqman thì vẫn ở lại.

Tôi nghĩ, một cầu thủ thấp bé từ Đông Nam Á sang châu Âu sẽ “nếm mùi khổ sở” trong từng buổi tập. Mỗi ngày đều phải đối mặt và cạnh tranh với những cầu thủ cao lớn ở châu Âu là thử thách không dễ chịu chút nào, chưa kể các vấn đề khác bên ngoài sân cỏ. Những cầu thủ giống Hakim Luqman hẳn sẽ phải chiến đấu cật lực và có ý chí sắt đá nếu muốn tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như vậy.

Melvyn Lim: Thực tế, việc trả phí chuyển nhượng cầu thủ chỉ xuất hiện ở phân khúc cao cấp của thị trường. Có rất ít CLB nằm ở phân khúc này. Phần lớn các đội bóng sẽ chờ đến khi cầu thủ hết hạn hợp đồng và chiêu mộ tân binh theo dạng chuyển nhượng tự do.

Từ đó xuất hiện một thực tế khác, vì chỉ có những CLB hàng đầu mới đủ khả năng mua sắm trên thị trường chuyển nhượng, nên họ có quyền “kén cá chọn canh”. Vậy các cầu thủ Đông Nam Á có đáp ứng đủ tiêu chí để những CLB này đầu tư hay không? Đây là một thế khó mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận.

Giả sử tôi là một doanh nhân đầu tư vào bóng đá, thì cách tư duy của tôi cũng vậy. Tôi có một khoản ngân quỹ chuyển nhượng, tôi sẽ phải tìm phương án chi tiêu thích hợp và an toàn nhất. Đó phải làm một cầu thủ chắc chắn đủ năng lực để thực hiện hóa các mục tiêu mà đội bóng của tôi đề ra. Không may là các cầu thủ Đông Nam Á chưa đảm bảo yếu tố “chắc chắn” đó, nhất là ở những giải đấu lớn, nên vụ chuyển nhượng sẽ giống như một cuộc đầu tư mạo hiểm. Tôi nghĩ như vậy. Bóng đá cũng là chuyện làm ăn mà.

Melvyn Lim: Nếu tôi là ông chủ một đội bóng ở Malaysia, tôi hoàn toàn có thể cân nhắc mua những cầu thủ Việt Nam. Tôi nhìn thấy những tiềm năng cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Bởi lẽ, cộng đồng người Việt Nam ở Malaysia khá đông.

Chúng tôi từng chứng kiến thành công từ việc đưa các cầu thủ Indonesia tới Malaysia League, khi Selangor FC chiêu mộ Bambang Pamungkas và Elie Aiboy trong thập niên 2000. Họ đã thu hút một lượng lớn CĐV Indonesia đến với đội bóng cũng như giải đấu, đặc biệt là từ cộng đồng người Indonesia ở Malaysia.

Nhưng đứng trên tư cách của một người hâm mộ bóng đá đơn thuần, thì tôi mong rằng các cầu thủ Đông Nam Á sẽ đến với những nền bóng đá lớn hơn ở ngoài khu vực để học hỏi và cùng giúp cả khu vực đi lên.

Melvyn Lim: 3 cầu thủ Việt Nam có thể sang Malaysia ư? Tôi không biết chính xác nhưng nếu phải chọn tôi mong Quang Hải có thể đến với giải đấu của chúng tôi. Ngoài ra, Công Phượng và Hùng Dũng cũng rất ấn tượng. Tuy nhiên, tôi tin rằng họ sẽ không đến Malaysia đâu (cười). Nhìn chung, việc đưa cầu thủ Việt Nam tới Malaysia League là điều rất khó, việc cầu thủ Malaysia sang V-League cũng thế.

Melvyn Lim: Ưu tiên của các ngôi sao bóng đá Đông Nam Á khi xuất ngoại là đến Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Và nếu các cầu thủ “giỏi nhất” đã rời Đông Nam Á để thử sức ở những môi trường bóng đá đẳng cấp hơn, thì các CLB trong khu vực sẽ phải tìm mọi cách để giữ chân những cầu thủ “giỏi nhì”. Họ sẵn sàng trả lương cao hơn để giữ chân trụ cột và đảm bảo thành tích.

Như vậy, cầu thủ “giỏi nhì” này hẳn sẽ yêu cầu mức lương rất cao nếu như nhận được đề nghị từ một nền bóng đá khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều khả năng là con số đưa ra sẽ khiến CLB hỏi mua cảm thấy không đáng đồng tiền bát gạo.

Mặt khác, quan điểm truyền thống của bóng đá Đông Nam Á là “chúng ta có trình độ sàn sàn nhau”. Nghĩa là ngoại binh Đông Nam Á không quá vượt trội so với các nội binh. Như vậy, nếu không thể nhập khẩu cầu thủ giỏi nhất và có tiềm năng thương mại cao nhất của nước láng giềng, thì rất khó để các CLB trong khu vực đầu tư mạnh cho suất ngoại binh Đông Nam Á.

Công Phượng và Văn Hậu cũng có thời gian thi đấu tại nước ngoài

Melvyn Lim: Thú thực, tôi cũng không xem Thai League và không đọc báo Thái Lan vì rào cản ngôn ngữ nên không thể trả lời chính xác vì sao Thai League có vẻ chất lượng hơn các giải đấu khác trong khu vực. Dựa trên hiểu biết của mình, tôi chỉ có thể đánh giá rằng bóng đá Malaysia có ít lựa chọn hơn so với Thái Lan về khía cạnh quảng cáo và thu hút tài trợ.

Ví dụ, bóng đá Malaysia không thể hợp tác với các công ty Bia – Rượu - Nước giải khát vì một số lý do. Trong khi đó, bóng đá Thái Lan thì có thể và họ đã thu về những bản hợp đồng tài trợ giá trị cao. Nếu tôi không nhầm thì Thái Lan có một nhà tài trợ rất lớn đến từ ngành này, thậm chí còn vươn sang Premier League (Everton, Leicester). Nguồn tài trợ đa dạng hơn cho phép các CLB Thái Lan sở hữu sức mạnh tài chính tốt hơn. Và khi có nhiều tiền bạn mới có thể thu hút được những cầu thủ chất lượng.

Về phần bóng đá Malaysia, chúng tôi tôn trọng thực tế này. Đồng thời, chúng tôi tuân thủ quy định và tìm những đường lối kinh doanh phù hợp với định hướng của đất nước mình.

Văn Lâm (trái) và Xuân Trường (phải)

Melvyn Lim: Tôi nghĩ sự kèn cựa trong làng bóng đá Đông Nam Á hơi căng thẳng quá mức cần thiết. Người hâm mộ trong khu vực thường có suy nghĩ “đội mình mạnh nhất”. Ở Malaysia, chúng tôi nghĩ chúng tôi mạnh nhất, ở Việt Nam, các bạn nghĩ các bạn mạnh nhất, Thái Lan hay Indonesia cũng thế. Lối suy nghĩ đó không sai, nhưng nó có thể cản trở tinh thần cầu tiến.

Khi bước ra ngoài khu vực Đông Nam Á, thì chúng ta đều là những đội “cửa dưới” ở châu Á. Tôi cho rằng, bóng đá Đông Nam Á cần giảm bớt “cái tôi” để có thể tiến xa hơn.

Thay vì coi mình là nhất và tập trung đọ sức với các đối thủ trong khu vực, bóng đá Đông Nam Á nên có tinh thần “cúi đầu học hỏi” để nâng cao năng lực cạnh tranh ở đấu trường châu lục.


Thứ Sáu, 10:30, 15/07/2022