Châu Âu lựa chọn kịch bản nào đối phó làn sóng Covid-19 thứ 2?

VOV.VN - Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo “có dấu hiệu cho thấy châu Âu đang trải qua làn sóng thứ hai của dịch Covid-19”.

Giống như một số quốc gia châu Á, châu Âu cũng đang chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 mới ở thời điểm mà dường như châu lục này đang kiềm chế tốt đại dịch. Từ Italy, Tây Ban Nha, Bỉ tới Anh, Pháp đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và nhiều ổ dịch xuất hiện sau khi tình hình tương đối ổn định trong những tuần gần đây.  Thủ tướng Anh Boris Johnson  cảnh báo “có dấu hiệu cho thấy châu Âu đang trải qua làn sóng thứ hai của dịch Covid-19”.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Lille, Pháp, ngày 11/5/2020. Ảnh: THX.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Lille, Pháp, ngày 11/5/2020. Ảnh: THX.

 

Nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19

So với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Mỹ và Nam Á, tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu hiện tại không nghiêm trọng bằng. Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu rõ rệt về việc dịch đang quay trở lại. Tại Pháp, trong ngày 29/07 ghi nhận gần 1400 ca mắc mới virus SARS-CoV-2, con số cao nhất trong ngày tại nước này từ hơn một tháng qua.

Tại Đức, rất nhiều chuyên gia y tế cũng như quan chức địa phương Đức đều nhận định rằng, làn sóng dịch thứ hai đã đến, khi nước Đức cuối tuần qua ghi nhận khoảng 500 đến 600 ca mắc/ngày, cao gấp đôi so với thời điểm khi Đức mới gỡ bỏ phong tỏa.

Tình hình nghiêm trọng hơn tại Tây Ban Nha khi từ hơn 1 tuần qua, lệnh phong tỏa đã được áp dụng trở lại ở một số vùng như Catalonia, Aragon hay Murcia, tác động trực tiếp đến vài trăm nghìn dân. Tuy lệnh phong tỏa này không khắt khe như hồi tháng 3/2020 nhưng cũng là dấu hiệu rõ rệt cho thấy dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.

Riêng cuối tuần qua, Tây Ban Nha có thêm gần 6.400 ca mắc mới. Tại Bỉ, diễn biến mới của dịch cũng rất đáng lo ngại, đặc biệt quanh thành phố Anvers. Đầu tuần này Thủ tướng Bỉ, Sophie Wilmes đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đề ra các biện pháp cấp bách ngăn chặn đà lây nhiễm.

Nhìn chung, vào thời điểm này chưa thể khẳng định là làn sóng dịch thứ hai đã ập đến châu Âu vì diễn biến ở mỗi nước có các cấp độ nặng, nhẹ khác nhau. Chính phủ các nước cũng đưa ra các đánh giá khác nhau, tại Đức, nhiều người xem là đã có làn sóng thứ hai nhưng tại Pháp, dù có số ca mắc hàng ngày cao hơn nhiều so với Đức, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran vẫn cho rằng Pháp chưa phải đối mặt với làn sóng thứ hai.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là các diễn biến hiện nay tại châu Âu là rất đáng lo ngại và số ca mắc tại tất cả các nước đều đang theo đà gia tăng trở lại. Với tốc độ này, có thể đến cuối tháng 8, khi kết thúc các kỳ nghỉ Hè, dịch Covid-19 có thể sẽ tái bùng phát tại châu Âu.

Nguyên nhân nào khiến số ca mắc gia tăng?

Nói về nguyên nhân của việc gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các nước châu Âu những ngày qua thì trước hết cần phải khẳng định rằng, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chưa có bất cứ thời điểm nào các nước châu Âu loại bỏ được virus SARS-CoV-2, tức không có ngày nào mà không có người mắc bệnh mới và tử vong mới.

 Ngay trong thời điểm các nước gỡ bỏ phong tỏa vào đầu tháng 5/2020, mỗi ngày các nước Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… đều ghi nhận vài trăm ca nhiễm mới và vài chục ca tử vong. Nước Anh thậm chí còn có hàng trăm ca tử vong mỗi ngày ở thời điểm cách đây 2 đến 3 tuần. Vì thế, virus trên thực tế vẫn luôn tồn tại và lây lan trong cộng đồng tại châu Âu.

Điều khác biệt, đó là sau gần 3 tháng phong tỏa, các nước châu Âu đã xây dựng được một chiến lược phát hiện, truy vết và bao vây các ổ dịch hiệu quả, qua đó kiểm soát tương đối tốt tình hình sau khi gỡ bỏ phong tỏa. Người dân châu Âu cũng có ý thức tốt hơn trước kia, khi chịu khó đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nơi công cộng.

Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại các ca mắc cũng đến từ chính ý thức của người dân. Từ tháng 6/2020, các nước châu Âu bước vào kỳ nghỉ Hè, là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm nên hàng triệu người ở các nước đổ đi nghỉ. Tâm lý xả hơi sau một thời gian phong tỏa căng thẳng, cộng thêm sự chủ quan khi tình hình dịch bớt nghiêm trọng hơn, khiến các biện pháp an toàn không được tôn trọng. Như tại Đức, Viện Robert Koch cho rằng rất nhiều thanh niên nước này đi nghỉ tại Tây Ban Nha, tham gia các bữa tiệc đông người mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào, rồi sau đó đem mầm bệnh quay lại Đức.

Đây là vấn đề chung của tất cả các nước châu Âu, khi người dân mất cảnh giác nên virus lại có cơ hội lây lan nhanh hơn và được coi là nguyên nhân chính. Ngoài ra cũng có thể có việc virus xâm nhập vào châu Âu từ các khu vực khác trên thế giới. Đây là khả năng không thể loại trừ bởi từ ngày 15/07 thì châu Âu đã mở cửa biên giới với 15 quốc gia và vùng lãnh thổ và các du khách từ các nơi này khi đặt chân đến châu Âu đều ít được xét nghiệm hay cách ly. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là sự buông lỏng cảnh giác của người dân.

Kịch bản đối phó đợt bùng phát mới

Các nước châu Âu đã trải qua một đợt dịch đầu tiên vô cùng dữ dội. Trong tháng 3 và tháng 4/2020, châu Âu là tâm dịch của thế giới và hệ thống y tế các nước Italia, Tây Ban Nha, Pháp hay Anh chịu sức ép khủng khiếp, một số nơi như vùng Lombardy của Italia gần như đã sụp đổ vì có quá nhiều bệnh nhân.

Hiện tại, sau khi đã gỡ bỏ phong tỏa, chính phủ các nước châu Âu đều khẳng định là hệ thống y tế của họ đã được trang bị tốt hơn rất nhiều. Số giường hồi sức cấp cứu tại các nước đều đã tăng từ 3, thậm chí đến 4 lần. Do đó, dù không loại trừ làn sóng dịch thứ hai sẽ ập đến trong 1 đến 2 tháng, thậm chí là vài tuần tới, các nước châu Âu đều nhận định là họ sẽ không rơi vào tình thế bị động như trước.

Có một điều gần như chắc chắn, đó là châu Âu sẽ không phong tỏa toàn diện như hồi tháng 3, bởi lẽ các hậu quả về kinh tế-xã hội là quá nặng nề, ví như Thủ tướng Anh Boris Johnson là “ngang với bom nguyên tử”. Hay Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng thừa nhận là nếu phong tỏa toàn quốc lần nữa thì nước Pháp sẽ không chịu nổi.

Để chuẩn bị các cho các đợt dịch tiếp theo thì châu Âu đã đề ra hàng loạt biện pháp. Tất cả các nước đều đã nâng khả năng xét nghiệm lên gấp nhiều lần, như tại Anh là đến tháng 10/2020 có thể thực hiện 3,5 triệu xét nghiệm/tuần. Tại Pháp, từ đầu tháng 7, nhiều thành phố đã mở các trung tâm xét nghiệm cộng đồng cho dân chúng đi xét nghiệm.

Các nước Pháp, Anh đều thành lập các tổ truy tiếp xúc của các ca nhiễm. Những người nhiễm bệnh, dù nhẹ, cũng bị cách ly tập trung, tránh lây nhiễm trong gia đình và người thân. Đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang, nước sát khuẩn… hiện đã được tích trữ và sản xuất dư thừa, đủ sức đứng vững trong nhiều tháng, như Pháp là thừa đến gần 40 triệu khẩu trang vải.

Quan trọng nhất, ý thức người dân châu Âu về dịch bệnh đã khác trước rất nhiều, thể hiện rõ nhất qua việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Vì thế, dù hiện tại đang có dấu hiệu dịch quay lại nhưng cả về vật chất lẫn tâm lý thì châu Âu đều đã được chuẩn bị tốt hơn.

Các nước cũng đã áp dụng rất sớm các biện pháp phòng ngừa. Trong những ngày qua, Pháp, Anh và Đức đều đã khuyến cáo công dân nước mình tránh du lịch đến các vùng dịch phức tạp ở Tây Ban Nha.

Pháp tuyên bố từ 1/8 sẽ xét nghiệm ngay tại sân bay với hành khách đến từ 16 nước. Anh tuyên bố cách ly bắt buộc 14 ngày với những ai trở về từ Tây Ban Nha và theo dự kiến thì từ tuần sau Đức cũng sẽ ra quy định xét nghiệm bắt buộc tại sân bay. Hiện chỉ có các nước Nam Âu vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch là Italy, Tây Ban Nha hay Hy Lạp là chưa đề ra các biện pháp ngăn ngừa mạnh./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bệnh dịch gia tăng tại châu Âu
Bệnh dịch gia tăng tại châu Âu

Bệnh sởi bùng phát tại Anh, Bỉ, Đan Mạch… trong khi bệnh nhiễm trùng đường ruột đang tiếp tục lan rộng ở Tây Ban Nha.

Bệnh dịch gia tăng tại châu Âu

Bệnh dịch gia tăng tại châu Âu

Bệnh sởi bùng phát tại Anh, Bỉ, Đan Mạch… trong khi bệnh nhiễm trùng đường ruột đang tiếp tục lan rộng ở Tây Ban Nha.