NSND Phan Muôn: “VOV là bệ phóng đưa tiếng hát của tôi đến công chúng“

VOV.VN - Với giọng hát đầy đặn, ấm ấp, có sức truyền cảm, hấp dẫn, Phan Muôn là một cái tên được yêu thích trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều năm qua.

Ở tuổi 64, nghệ sĩ Phan Muôn vừa đón nhận danh hiệu NSND trong đợt Phong tặng Danh hiệu NSƯT – NSND lần thứ IX. Đây là động lực để ông hiện thực hoá ước mơ ấp ủ từ lâu là tổ chức một liveshow của riêng mình. Nhân dịp này, PV VOV.VN có cuộc trò chuyện với NSND Phan Muôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Phan Muôn. 

"VOV đã giúp tên tuổi nhiều nghệ sĩ toả sáng"

PV: Hơn 40 năm say mê hoạt động nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu NSND đợt này, cảm xúc của nghệ sĩ Phan Muôn như thế nào?

NSND Phan Muôn: Trải qua hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật và rất gắn bó với làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), vinh dự nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tôi rất xúc động. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng lao động nghệ thuật miệt mài không chỉ riêng tôi mà là của tất cả các nghệ sĩ được vinh danh.

Năm 2001, tôi đã được vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho nghệ thuật, cụ thể là mang giọng hát của mình gửi gắm những giai điệu, bài ca về tình yêu, cuộc sống đến với khán thính giả qua làn sóng VOV cũng như các sân khấu ca nhạc. Từ đó đến nay cũng đã gần 20 năm, tôi lại vinh dự được nhận danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân, thực lòng tôi muốn cảm ơn VOV đã là bệ phóng, đưa tiếng hát của Phan Muôn đến với công chúng.

Tôi vẫn chưa quên những ngày đầu ở phòng thu 58 Quán Sứ, tôi đã thu thanh ca khúc “Tình em” của nhạc sĩ Huy Du vào năm 1976. Đây cũng là ca khúc ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong sự nghiệp của tôi, nó gắn liền với kỷ niệm khi tôi mới vào quân ngũ, làm lính văn công, đi biểu diễn khắp nơi cho các chiến sĩ. Sau khi bài hát được phát sóng, có rất nhiều bạn nghe đài khắp nơi gửi thư yêu cầu ban biên tập phát lại. Niềm vui thực sự lớn lao đối với tôi trong những năm tháng đó và tôi quyết định gắn bó lâu dài với Đài Tiếng nói Việt Nam, làm công việc của một ca sĩ ẩn mình sau làn sóng điện.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV trao tặng giải thưởng "Tiếng nói Việt Nam" cho NSND Phan Muôn. 

PV: Trong thời gian làm việc ở VOV, NSND Phan Muôn có những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

NSND Phan Muôn: Kỷ niệm trong đời một người nghệ sĩ thì nhiều lắm, không thể nào kể hết. VOV đã cho tôi những kỷ niệm rất trân quý. Đó là những chuyến cùng anh chị em trong Đoàn ca nhạc VOV đi biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc, phục vụ đồng bào chiến sĩ và bà con Việt kiều ở xa Tổ quốc. Đi đến đâu, dù ở biên giới, hải đảo hay nước ngoài, chúng tôi cũng nhận được tình cảm yêu mến nồng nhiệt của mọi người. Nhiều khán giả đã nói với chúng tôi rằng: quý nhất là nghệ sĩ Đài tiếng nói Việt Nam –những người đã đi vào và ở lại trong lòng công chúng từ nhiều năm qua bằng “thanh” chứ không phải bằng “sắc”.

Còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ nữa, đó là năm 1979 chúng tôi đi biểu diễn trên điểm tựa Bát Xát, mùa đông mưa rét buốt ruột gan, vượt qua những đoạn đường lầy lội bùn đất, lên được đến những điểm tựa xa xôi chỉ có 2, 3 chiến sĩ giữ chốt. Gặp chúng tôi, họ ùa vào ôm chặt như chia sẻ nỗi nhớ quê nhà. Chúng tôi cùng nhau cất lên tiếng hát mộc mạc, không cần đến trang âm, loa đài, không sân khấu biểu diễn mà vẫn say sưa giữa thiên nhiên hoang sơ nhưng ấm áp tình người.

Bên cạnh những lần đi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ thì chúng tôi cũng được tham gia nhiều chuyến lưu diễn ở nước ngoài như Pháp, Đức, Tây Ban Nha…. Năm 1994, tôi là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được cử đi tham gia Festival thế giới tại Mỹ với hơn 40 nước tham gia. Tôi gắn bó với VOV cho đến khi tôi về hưu năm 2017.

NSND Phan Muôn chia sẻ: "Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi thường lật dở lại ký ức, ngắm nhìn những tấm hình kỉ niệm các chuyến đi diễn cùng anh chị em". 

PV: Sau khi nghỉ hưu, dường như khán giả ít thấy NSND Phan Muôn tham gia tại các chương trình nghệ thuật?

NSND Phan Muôn: Trong thời gian làm ở VOV, bên cạnh công việc biểu diễn, thu thanh về mặt chuyên môn thì tôi còn viết báo, đọc thơ, sáng tác, dẫn chương trình. Tôi cũng được mời làm giám khảo cho các hội diễn văn nghệ, giảng dạy ở một số trường đại học có chuyên ngành âm nhạc.

Sau khi nghỉ hưu, tôi dành thời gian cho gia đình, bù đắp cho những năm tháng vì đam mê ca hát mà chưa vẹn toàn với những người thân yêu. Tôi thường cùng vợ sang thăm hai cô con gái hiện đang sống và làm việc ở Mỹ. Đó là lý do mà khán giả ít thấy tôi xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc.

Thực hiện đêm nhạc mang tên mình

PV: Dường như ở thời điểm này, NSND Phan Muôn rất hài lòng với cuộc sống của mình?

NSND Phan Muôn: Tôi không có gì phải phàn nàn, chỉ tiếc là trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi, VOV đã giúp cho tên tuổi nhiều nghệ sĩ được tỏa sáng, trong đó có tôi. Nhưng tôi nghĩ, mình vẫn chưa cống hiến đủ, nhẽ ra mình phải làm được nhiều hơn nữa cho Đài, nơi tôi đã gắn bó suốt 40 năm qua.

Tôi còn một điều trăn trở cần chia sẻ: đó là mặc dù đã phát hành 3 DVD, 2 CD và cũng có nhiều chương trình chân dung trên sóng phát thanh - truyền hình của các Đài nhưng vẫn chưa có được một đêm nhạc của riêng mình.

Khi còn đang công tác thì có quá nhiều việc cần ưu tiên hơn khiến tôi chưa có điều kiện thực hiện đêm nhạc của riêng mình, mặc dù tôi ấp ủ dự định này từ lâu, muốn được một lần chia sẻ, trút hết nỗi lòng, tình cảm tri ân khán giả qua những ca khúc đã gắn bó một thời.

Giờ đây, sau khi được nhận danh hiệu NSND, mong muốn đó càng cháy bỏng, càng thôi thúc tôi thực hiện. Nhưng tôi cũng cần có thời gian để bình tĩnh lựa chọn những tác phẩm hay, những ca khúc gắn bó với tôi trong những năm tháng phục vụ quân ngũ, những bài hát mang hơi thở dân gian mang đến cho công chúng những cung bậc đa dạng. Bên cạnh đó, tôi cũng ấp ủ phát hành một CD tổng hợp những ca khúc do mình sáng tác, đó là những kỉ niệm, ấn tượng, cảm xúc có được từ những chuyến đi trong cuộc đời nghệ sĩ.

NSND Phan Muôn. 

PV: Là một nghệ sĩ thành công của dòng nhạc Cách mạng, ông có kinh nghiệm gì về việc truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận?

NSND Phan Muôn: Tôi có phương pháp riêng là không dạy một cách rập khuôn, theo khuôn mẫu nhất định mà tạo cho học trò một lăng kính của thời đại, của những người trẻ nhìn về quãng thời gian kháng chiến gian khổ, từ đó mới ra được cảm xúc để thể hiện theo cách của các em, đầy mới mẻ. Học trò của tôi có nhiều người đã thành danh được công chúng biết đến như NSND Vy Hoa, Trần Lập, Quang Hà, Hoàng Hải, Quỳnh Hoa...

PV: Nhiều người cho rằng một số nghệ sĩ trẻ hiện nay đi hát để kiếm tiền, lấy danh tiếng chứ không quan tâm đến danh xưng NSND, NSƯT. Liệu những danh xưng này có còn quan trọng và là mục tiêu phấn đấu của các nghệ sĩ?

NSND Phan Muôn: Vẫn rất cần những người NSND, NSƯT để định hướng lại thẩm mỹ âm nhạc. Thực tế, mấy năm qua, quản lý văn hóa, nhất là nghệ thuật âm nhạc còn có phần lỏng lẻo, dẫn đến sự xô bồ trong âm nhạc. Hát thì ít, mà phô diễn trang phục, sử dụng chiêu trò thì nhiều. Những giá trị ảo lên ngôi, đẩy giá trị đích thực xuống, vàng thau lẫn lộn. Có những người là NSND, NSƯT mà đôi khi không được khán giả đại chúng biết đến nhiều bằng những ca sĩ thị trường, dù họ cống hiến cho nghệ thuật cả một đời, như con tằm rút ruột nhả tơ. Đây là điều đáng buồn.

Như tôi, may nhờ làn sóng VOV, thỉnh thoảng lên sóng truyền hình mới được khán giả nhớ đến. Có nhiều nghệ sĩ thầm lặng lắm, tôi mong các phương tiện truyền thông có thể vinh danh họ, để họ được khán giả biết đến nhiều hơn.

PV: Đặt ngược vấn đề, nếu muốn trở thành NSND, NSƯT cần phải tham gia vào các đoàn ca nhạc, Nhà hát rồi thi thố giành giải mới đủ tiêu chuẩn xét tặng. Nhưng việc này sẽ khó cho các nghệ sĩ tự do và các nghệ sĩ trẻ muốn phấn đấu đạt danh hiệu?

NSND Phan Muôn: Trước đây, việc căn cứ vào các giải thưởng ở các Hội diễn, các cuộc thi để xét tặng gây ra nhiều bất cập, tiêu cực, “ăn xổi” nghệ thuật. Cống hiến của một nghệ sĩ như mưa phùn thấm lâu, tạo ra một dòng chảy lớn và nên đánh giá sự cống hiến bền bỉ chứ không như mưa rào rồi xong.

Rất mừng là sau một thời gian chỉnh sửa, thay đổi thì việc xét tặng danh hiệu đã linh hoạt hơn. Tôi đơn cử trường hợp ca sĩ Thanh Lam, dù không thuộc biên chế của đoàn, nhà hát nào nhưng với những cống hiến cho nền nhạc nhẹ của nước nhà, cô vẫn được phong tặng danh hiệu NSƯT. Điều đó cho thấy, những nghệ sĩ thực sự có đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam vẫn sẽ được ghi nhận. 

PV: Xin cảm ơn NSND Phan Muôn về cuộc trò chuyện./.

NSND Phan Muôn sinh ngày 15/11/1955, quê ở Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Ông đã có quá trình tham gia hoạt động và học tập âm nhạc qua các đơn vị: Đoàn Nghệ thuật xung kích Tỉnh đội Bắc Giang (1974-1976), học Trung cấp, Đại học khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (1976-1983), tốt nghiệp về công tác ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (nay là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) với cương vị Trưởng đoàn Ca nhạc mới.

Ông đã biểu diễn thành công nhiều tác phẩm trên sân khấu ca nhạc, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, các chương trình biểu diễn, các cuộc liên hoan trong nước và ngoài nước: Nga (1988), Mỹ, Canada (1993), Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ (2000), Tây Ban Nha, Italia (1995), Đan Mạch, Đức (1998, 2000)... Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019. Ông cũng được tặng nhiều Huy chương Vàng, Bằng khen, Giấy khen của nhiều cuộc liên hoan tổ chức trong nước và ngoài nước. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Danh hiệu NSND, NSƯT là niềm tự hào trong cuộc đời nghệ sĩ“
“Danh hiệu NSND, NSƯT là niềm tự hào trong cuộc đời nghệ sĩ“

VOV.VN - "Tôi cho rằng đây là một điều đáng tự hào trong cuộc đời bất cứ nghệ sĩ nào với danh hiệu lớn này”, nghệ sĩ Công Lý chia sẻ khi nhận danh hiệu NSND.

“Danh hiệu NSND, NSƯT là niềm tự hào trong cuộc đời nghệ sĩ“

“Danh hiệu NSND, NSƯT là niềm tự hào trong cuộc đời nghệ sĩ“

VOV.VN - "Tôi cho rằng đây là một điều đáng tự hào trong cuộc đời bất cứ nghệ sĩ nào với danh hiệu lớn này”, nghệ sĩ Công Lý chia sẻ khi nhận danh hiệu NSND.

NSND Kim Đức 88 tuổi vẫn miệt mài truyền dạy ca trù
NSND Kim Đức 88 tuổi vẫn miệt mài truyền dạy ca trù

VOV.VN - Gần cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, ở tuổi 88, NSND Kim Đức vẫn đau đáu về việc giữ gìn và truyền dạy ca trù cho các thế hệ mai sau.

NSND Kim Đức 88 tuổi vẫn miệt mài truyền dạy ca trù

NSND Kim Đức 88 tuổi vẫn miệt mài truyền dạy ca trù

VOV.VN - Gần cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, ở tuổi 88, NSND Kim Đức vẫn đau đáu về việc giữ gìn và truyền dạy ca trù cho các thế hệ mai sau.

Công Lý cười rạng rỡ và hạnh phúc nhận danh hiệu NSND
Công Lý cười rạng rỡ và hạnh phúc nhận danh hiệu NSND

VOV.VN - Công Lý cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội, có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Công Lý cười rạng rỡ và hạnh phúc nhận danh hiệu NSND

Công Lý cười rạng rỡ và hạnh phúc nhận danh hiệu NSND

VOV.VN - Công Lý cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội, có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.