Mùa xuân lại về

Những tai hoạ khủng khiếp do cơn lũ dữ gây ra đã qua đi. Cuộc sống  của bà con Đồng Chùa bình yên trở lại.

Mưa. Mưa sầm sập. Mưa quất ràn rạt.

Mưa như nghiêng cả mấy tầng trời mà trút nước xuống.

Mưa ầm ầm chuyển động làm mái tôn rung lên bần bật.

Gió. Gió lồng lộn, thét gào, bờ tre vặn mình quằn quại. Cái xóm bé nhỏ của bà Thiềng như trúng giữa luồng bom B 52. Gió quật ngã cây bạch đàn trước cổng nhà bà xuống giữa đường cái. Thừa thắng xốc tới, nó xoè bàn tay lông lá vào giật cửa nhà bà. Mưa, gió cứ xoắn xít lấy ngôi nhà mà xô đẩy, cào cấu. Mưa theo các ô gió ào ạt vào nhà. Gió đã giật tung cái chốt cửa sổ ra ngoài. Hai mẹ con cô Chiêu loay hoay một lúc mới kéo được cánh cửa vào.

Nước đã lênh láng ngoài sân. Nước ngấp ngé đến bậc tam cấp nền nhà. Nước thuỷ triều cứ theo gió mà chảy ngược. Những túi ni lông, chai lọ, giày dép nhà ai trôi qua trong vườn nhà bà.

Cô Chiêu khoác cái áo mưa vào người và dặn: “Bà cứ ngồi đây coi nhà. Bọn trộm cướp nó thường lợi dụng những cơ hội như thế này để ăn trộm đấy. Mẹ con tôi tìm được đò sẽ quay lại ngay”. “Ở cái xóm giữa đồng này làm gì có đò” - Bà níu lấy áo thằng Mão: “Cõng bà đi với. Bà biết tối nay thế nào nước cũng vô nhà”. “Ơ hay. Nếu nước vô nhà tôi cho thằng Mão làm bè chuối rước bà lên nhà hai gác của ông Hoàng, lo gì. Già rồi mà còn sợ chết” - Đứa con dâu gắt.

Nước tiếp tục dâng. Qua cánh cửa kính, bà trông rõ hết. Một con lợn nái chềnh ềnh trôi theo dòng nước. Một súc gỗ, mấy bó củi khô, hai vác đòn tay của nhà ai nổi lềnh bềnh. Nước dừng lại rồi, nước không chảy ngược nữa, trời đã ngớt mưa. Bà Thiềng khấp khởi mừng thầm. Bỗng có tiếng ầm ầm nổi lên như sóng biển. Tiếng nước vỡ đường tàu. Nước của hai con sông Son và sông Nan ào ào đổ xuống. Nước lũ réo ầm ầm. Nước đục ngầu, lạnh cóng. Đã chín mươi tuổi, năm nay, bà Thiềng mới thấy cơn lũ thứ hai. Hồi mới về nhà chồng, bà cũng đã chứng kiến một cơn lũ to như thế. Thời đó, người ta sống chui rúc trong những căn nhà ổ chuột. Có một gia đình ngồi trên nóc nhà bị trôi ra biển. Họ kêu cứu nhưng không ai dám ra.

Trời về đêm. Điện cắt đã hai ngày, trong nhà tối đen, mờ mịt. Nước lắp xắp thành giường. Nước ướt cả đống chăn mền bà xếp chồng lên trên chiếu. Lạnh quá. Thôi thì chết trong nhà mình còn hơn mò ra ngoài cho trôi mất xác. Bà cầu trời khấn phật. Có ai quanh đây không nhỉ. Bà gào lên. Mặc. Chỉ có tiếng sấm rền. Sấm rạch những đường loằng ngoằng trên nền trời u ám. Ông trời lại lên cơn thịnh nộ. Lúc này bà muốn được chết trong bộ quần áo lụa hồng điều của Hội Người cao tuổi tặng. Bà đặt chân xuống nền nhà để lần lại cái sập phía bàn thờ lấy áo quần nhưng không đi nổi. Nước buốt thấu xương...

Trời chưa sáng tỏ, ông Tuấn trưởng thôn đã cùng đội cựu chiến binh chống bè chuối đi thăm lụt. Hôm qua, ông đã đến từng nhà có người già cả neo đơn. Ông dặn dò hai mẹ con thằng Mão phải đưa bà Thiềng đến những nhà có tra (chạn, gác) để tránh lụt. Ông đi vận động những nhà đưa được bếp gas lên tra nấu cơm cho bà con không có bếp.

Ông Tuấn đến nhà lão Hoàng. Bà con tập trung ở đây rất đông. Toàn  người già và trẻ con. Có cả mấy tay bợm rượu đang say sưa với món “mộc tồn”. Lão Hoàng tài thật. Lũ lụt thế này mà lão vẫn xoay đâu ra được cái món ấy. Mấy năm nay lão nhờ quán thịt chó mà giàu lên. Gian phòng khách nhà lão có mấy người phụ nữ đang cười ngặt nghẽo vì câu chuyện tiếu lâm của thằng Cương “say”.

Tiếng cô Chiêu oang oang: “Rồi sau đó thế nào nữa, anh Cương”. “Ấy chết. Sao chẳng thấy bà Thiềng đâu cả” - Ông Tuấn giật mình. “Này! Cô Chiêu! Bà Thiềng đâu”. Cô Chiêu ỏn ẻn: “Mẹ em chẳng chịu đi. Bà nói nước không vô nhà nên ở lại”. “Về mau. Nước như thế này mà cô bảo không vô nhà à. Nhà cô chắc nước đã ngập quá cửa sổ rồi. Rét mướt thế này làm sao bà cụ chịu nổi”.

Họ kéo cô Chiêu lên bè rồi chống về nhà. Chiếc giường con của bà Thiềng trôi ra sân mắc kẹt bên gốc khế nổi bập bềnh. Cô lội ào xuống nước. Nước sắp lút sập. Cửa sập vẫn còn nguyên, đồ đạc trong sập chắc đã ướt hết. Một chiếc tivi, ba cái quạt điện của cô Chiêu, một bì quần áo của bà Thiềng để trên sập lắc lư theo sóng. Mặt cô Chiêu xám ngoét. Cô vịn vào chiếc sập trước bàn thờ mà vật vã khóc than. Cô khóc mà như cố tình phân trần với mọi người: “Ôi mẹ ơi, sao mẹ vội bỏ con mà đi. Con bảo thằng Mão cõng đi mà mẹ không chịu”.

Cô khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Cô khóc như thể người ta đang hát cải lương: “Trời ơi, còn đâu nữa người mẹ thân thương để con thuốc thang, cơm cháo”. Hai bàn tay cô vỗ bồm bộp vào mặt sập làm một con chuột giật mình rơi xuống nước. Con chuột bơi lại tường nhà leo lên mái đòn tay. Thằng Mão mặt cắt không còn giọt máu. To xác nhưng nó là đứa khù khờ. Hồi còn học trung học cơ sở, nó được nhà trường xếp vào đối tượng “trẻ hoà nhập”. Hai mươi mốt tuổi, lưng dài vai rộng như thế lại đi theo mẹ lên chỗ đông vui để cho bà nội bị nước cuốn trôi.

Hai ngày sau nước rút. Đoàn chống bão lụt của Chính phủ đến thăm và tặng quà cho những gia đình có người bị nạn trong cơn lũ dữ. Theo thống kê ban đầu, toàn huyện có 8 người bị chết, 3 người bị mất tích. Lợn gà, thóc lúa trôi đi nhiều vô kể. Từ Động Lòi đến Hói Đồng, nhà nào cũng có hàng rào xây bị sập. Đã lâu rồi, Đồng Chùa chưa hề bị lụt. Xa sông suối nên người ta chủ quan.

Khi đối mặt với cái chết, có những con người bình thường đã trở thành anh hùng. Một cụ già 76 tuổi bị lật thuyền sau khi chở được 20 người lên nơi khô ráo. Một nữ sinh học lớp 12 đi đem cơm cho bà con bị lũ cuốn trôi. Cậu Mẹo ở thôn Cồn Ngư chở được 126 người đến tầng hai, hội trường Uỷ ban Nhân dân xã. Trở về nhà, thóc gạo, lợn gà nhà mình bị trôi hết. Có hai mẹ con của bà cụ ngồi trên một thân cây to đầu nguồn trôi xuống. Khi được Mẹo kéo lên bà cụ đã kiệt sức. Cô con dâu nói buộc sợi dây vào lưng như thế, có bề gì hai mẹ con cứu nhau. Anh Minh, làng bên cưỡi trâu đi tránh lụt bị trôi xuống khu nghĩa địa Đồng Chùa, bốn ngày sau mới vớt được xác. Thế mà bà cụ Thiềng đã một tháng trời không tung tích. 

Trong một tháng, miền Trung phải oằn mình chịu hai cơn lũ. Ông Chính, người con trai thứ hai của bà cụ Thiềng đi trầm bị mắc kẹt lại trong rừng. Vừa về làng, ông đã chạy thẳng đến nhà ông anh cả: “Bây giờ anh đã sướng chưa. Anh ở nhà mà để cho mẹ bị chết trôi. Nhà cửa đất đai của mẹ giờ thì vào tay anh hết đó”. Ông Mai vào nhà vác con dao hèo ra sân múa võ: “Cái thằng mất dạy. Nhà tao ngập đến nóc nên không ra được. Ai biết năm nay lụt to đến thế. Mà mày cũng lo làm giàu có nghĩ gì đến mẹ đâu? Chuyện nhà cửa đất đai mày đi mà hỏi con Chiêu. Tao đã lục tung cái sập của nó lên rồi, vẫn không tìm thấy cuốn sổ đỏ”. 

Ông Chính chạy đến nhà cô Chiêu. Nói là nhà cô Chiêu chứ thực ra đây là cái nhà của bà cụ Thiềng. Từ ngày ông Tri Hợp bỏ tiền ra xây cho bà cụ ngôi nhà cấp bốn, tình cảm anh em ông ngày càng sứt mẻ. Hai mẹ con cô Chiêu ở chung với bà mà cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Hai mẹ con cô nấu ăn riêng. Bà cụ sống nhờ vào đồng tiền trợ cấp tuổi già của Nhà nước. Cô Chiêu có tiền của mấy đứa con đi làm giày da trong Nam gửi về. Bà ăn ở nhà trong, hai mẹ con cô Chiêu ở nhà ngoài.

Từ ngày chuyển chợ về đây, nhà nước có dự án mở con đường bê tông chạy qua bề ngang bốn mét. Mảnh vườn rộng gần hai sào đất của bà Thiềng trở nên có giá. Đã có mấy người trong làng đến mua để dựng hàng quán. Hai thằng con trai của bà đòi bán sớt đi để lấy tiền chia nhau nhưng bà không chịu. Bà không thể bán đi miếng đất hương hoả của ông bà. Bà nói đứa cháu nào về ở với bà thì bà cho đất làm nhà.

Nghe ông Chính hỏi, cô Chiêu khóc bù lu bù loa: “Anh đi trầm không biết chứ ở nhà em khổ lắm. Anh cả thì lo cửa nhà anh ấy, khoán trắng tất cả cho một mình em. Hai mẹ con em đã bồng bế mẹ lên bè nhưng mẹ chẳng chịu đi. Mẹ cứ bám khư khư lấy cái nhà, giờ thì bao nhiêu điều tai tiếng đổ lên đầu em cả. Anh ấy còn nghi oan cho em là giấu cuốn sổ đỏ của mẹ. Sắp tới mở con đường. Biết đâu cuốn sổ đỏ lại nằm trong tay cha con ông Tri Hợp cũng nên. Con cái ruột rà mình không tin lại tin cái lão đi lính cho Pháp”.

Câu chuyện xảy ra cách đây gần sáu mươi năm.

Một ngày tháng 5/1951, lính trên đồn Tây đóng ở Động Lòi đi càn về bị du kích đánh cho tan tác. Một người bảo vệ quân (Việt binh Đoàn) vác khẩu Ga- răng chạy vọt vào làng. Anh Quận - chồng cô Thiềng từ bụi tre nhảy ra “cái cẳng” làm người lính nguỵ mất đà, loạng choạng mấy bước nhưng vẫn cố quay lại nhả một phát đạn về phía anh. Viên đạn sượt qua mang tai. Anh Quận đuổi theo quật ngã tên lính nguỵ, tước súng nộp cho du kích. Tên lính nguỵ ấy tên là Tri Hợp. Tri Hợp là dân công giáo làng bên. Tri Hợp quỳ xuống xin anh tha chết. Tri Hợp nói vì đói mà phải đi lính cho Pháp chứ anh ta chưa bao giờ gây tội ác. Ngày hoà bình lập lại, Tri Hợp theo cha vào Nam. 

Những năm đen tối của cách mạng miền Nam, Ngô Đình Diệm truy lùng những người tham gia kháng chiến, gia đình Tri Hợp trở thành cơ sở của ta. Hai đứa con ông đi giải phóng hy sinh. Ba đứa còn lại, đứa nào cũng là du kích, đứa nào cũng được ông cho học hành đến nơi đến chốn. Năm 2008 Công ty TNHH của con trai ông trúng thầu xây dựng ở huyện nhà. Anh dò hỏi mãi mới biết bà Thiềng vẫn còn sống. Lần này vừa đi tàu ra thì trúng ngay cơn lũ. Đoàn tàu mắc kẹt lại vì đường tàu bị lở. Rất nhiều người ở các xã dắt trâu bò lên trú lụt ở Động Lòi. Họ nằm vạ vật trong nhà ga. Anh thắc thỏm đứng trên Động Lòi nhìn xuống. Cái xóm nhỏ của bà Thiềng ngập giữa biển nước mênh mông. Có một chiếc thuyền con đang chở tiếp người đến Động Lòi...

Những tai hoạ khủng khiếp do cơn lũ dữ gây ra đã qua đi. Cuộc sống  của bà con Đồng Chùa bình yên trở lại. Bà con trong làng chung tay xây lại những ngôi nhà bị sập. Họ giúp nhau giống má cho vụ sản xuất Đông Xuân. Bãi đất Đập Ngang vàng rực màu hoa cải ngồng. Cồn Nghĩa Trũng ngô lên xanh mướt. Đàn cò đã bay về đậu trắng xoá Cồn Si. 

Ngày khởi công làm con đường liên thôn rộng 4m chạy qua trước ngõ nhà bà Thiềng, mấy đứa con bà chăng dây, đóng cọc, chia nhau mảnh vườn. Họ bán cho người ta xây quán.

Đúng giờ khắc thiêng liêng ấy - Một chiếc xe taxi chở bà cụ Thiềng trở về làng, nó đỗ xịch ngay trước cổng chợ.

Mùa lũ đi qua.

Mùa xuân lại về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên