Bóc tách túi thai

Khi rơi vào tình trạng này, thai phụ rất lo lắng về khả năng giữ được bào thai.

Bóc tách túi thai là một biến chứng xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tình trạng này thường được phát hiện qua siêu âm. Vào thời gian này, do thai còn quá nhỏ nên một số cơ sở siêu âm đã có kết luận không chính xác về bóc tách túi thai.

Lý giải về một trường hợp nhầm lẫn

Đầu tháng 9/2009, chị Ngô Thị Ý Lan (26 tuổi, ở Q.4, TP. HCM) mang thai được 7 tuần tuổi đến khám, siêu âm tại một phòng khám tư gần nhà. Bác sĩ siêu âm cho biết kết quả: “Bóc tách túi thai 5%. Chị về nhà nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh và tuần sau tái khám”.

Kết quả này khiến chị Lan hoang mang về khả năng giữ thai. Ngay chiều hôm đó, chị quyết định đến bệnh viện chuyên khoa phụ sản. Chị được khám và siêu âm lại. Bác sĩ cho biết bào thai vẫn bình thường nên chị Lan không có gì phải lo lắng.

Khi được hỏi vì sao có sự khác biệt trong hai kết quả siêu âm thai của chị Lan, thạc sĩ - bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ ngoại, bệnh viện Hùng Vương, cho biết: “Bóc tách túi thai là hiện tượng nhau thai hoặc túi thai bị tróc sớm trong ba tháng đầu của thai kỳ. Có nhiều trường hợp thai phụ đi siêu âm tại một số phòng khám tư và được kết luận là bóc tách túi thai nhưng thực chất không phải”.

“Thông thường, trong những tuần đầu, do thai còn quá nhỏ nên chưa lấp đầy thể tích buồng tử cung. Do đó, khoảng trống giữa túi thai và lòng tử cung bị chẩn đoán nhầm là túi thai bị bóc tách. Một số bác sĩ đã nhầm lẫn giữa hiện tượng sinh lý bình thường và một bệnh lý khi siêu âm thai. Nhầm lẫn thường xảy ra vào những tuần đầu thai kỳ, nhất là từ 7-9 tuần. Sau tuần 12, nhầm lẫn hiếm khi xảy ra do thai đã lấp đầy tử cung”. Ngoài ra, theo thạc sĩ, bác sĩ Thủy, hiện tượng bóc tách túi thai rất hiếm khi xảy ra. Thế nhưng có thể do có những chẩn đoán nhầm lẫn nên nhiều người nghĩ đó là một bệnh lý phổ biến.

Những biểu hiện của bóc tách túi thai

Dấu hiệu cơ bản của bóc tách túi thai là ra máu âm đạo. Khi có dấu hiệu này, thai phụ đi siêu âm phát hiện khối máu tụ nằm phía sau nhau thai. Đây mới thực sự là túi thai bị bóc tách và báo hiệu động thai hoặc dọa sẩy thai. Trường hợp thai phụ không ra máu âm đạo nhưng được chẩn đoán bị bóc tách túi thai là không chính xác.

Nhiều người cho rằng túi thai bị bóc tách là do thai phụ vận động mạnh. Điều này không đúng. Có những trường hợp thai đang sống, nhau phát triển tốt nhưng vẫn xảy ra hiện tượng bóc tách và dẫn đến sẩy thai. Nguyên nhân có thể do thai bất thường, thai không thể tiếp tục sống trong bụng mẹ. Theo cơ chế tự nhiên, bào thai đó sẽ chết và bị đẩy ra khỏi tử cung. Bóc tách túi thai trên 50% rất khó giữ được thai.

Do vậy, khi phát hiện có máu âm đạo dù rất ít, thai phụ nên đến khám ở chuyên khoa sản phụ. Như thế, bạn sẽ tránh được nguy cơ diện tích bị bóc tách ngày càng lớn, dẫn đến sẩy thai.

Khi rơi vào trường hợp này, nếu tỷ lệ bóc tách ít và được điều trị kịp thời, khả năng giữ được thai sẽ càng cao. Trong khi điều trị, người mẹ cần nghỉ ngơi và uống thuốc dưỡng thai theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng điều trị được. Có trường hợp bóc tách túi thai và vài ngày sau thai chết. Do đó, bạn nên đề nghị bác sĩ khám kỹ và cân nhắc xem thai có khả năng tiếp tục sống trong bụng mẹ hay không, đề phòng trường hợp thai lưu.

Sau khi điều trị, thai phụ nên nghỉ ngơi nhiều, kiêng quan hệ vợ chồng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Việc nghỉ ngơi, uống thuốc không đảm bảo 100% bóc tách túi thai không tiếp tục tiến triển. Do đó, bạn cũng cần đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi chặt chẽ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên