Các vấn đề về da của bé

Trẻ nhỏ có thể gặp một số vấn đề về da  khiến các bé rất khó chịu và quấy khóc. Trong trường hợp đó, bạn phải làm gì?

Vết xước và vết cắt

Nếu vết cắt không nặng và không chảy nhiều máu, hãy làm sạch vết thương và lau khô, sau đó bôi thuốc sát khuẩn rồi dùng gạc y tế để băng lại. Nếu bạn thấy có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng đỏ, có mủ…) thì cần đưa bé đi khám.

Làn da em bé rất nhạy cảm , dễ bị tổn thương

Bỏng nhẹ

Hãy làm dịu vết thương bằng nước mát (đừng đắp đá, vì như vậy có thể phá huỷ mô da). Nếu xuất hiện vết phồng rộp, cứ để cho vết thương xẹp đi chứ đừng can thiệp vào vì vết thương mở có thể gây nhiễm trùng. Hãy bôi thuốc trị bỏng theo lời khuyên của bác sĩ.

Cháy nắng

Ở những vùng nắng ấm quanh năm, chuyện trẻ nhỏ bị cháy nắng không còn là chuyện hiếm, đặc biệt trong các chuyến đi chơi xa. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý trang bị kem chống nắng dành riêng cho trẻ với độ SPF ít nhất là 30. Trẻ dưới 6 tuổi không nên dùng kem chống nắng, trong trường hợp đó hãy tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, nên cho trẻ đội mũ và bảo vệ trẻ bằng quần áo dài.

Khi trẻ bị cháy nắng, hãy làm dịu làn da bỏng rát bằng kem chiết xuất từ cây lô hội (aloe vera). Nếu cháy nắng kèm theo nôn mửa hoặc sốt thì đó là trường hợp bị nặng, trẻ cần được điều trị y tế.

Côn trùng cắn

Phần lớn khi trẻ bị côn trùng cắn và bị ong đốt sẽ làm cho vết thương bị sưng hoặc nổi cục. Hãy nhẹ nhàng lấy vòi ong ra khỏi vết thương bằng cách nặn ra hoặc dùng nhíp gắp. Đắp gạc lạnh lên vết thương để làm dịu cơn đau. Cần lưu ý một số trẻ bị dị ứng ong đốt, nếu vết đốt nhanh chóng sưng hay phồng to lên bất thường thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Muỗi đốt là tình trạng hay xảy đến với trẻ nhỏ, nhiều trường hợp để lại vết sưng trên da. Hãy làm sạch và khô vết muỗi chích, sau đó bôi thuốc mỡ giảm ngứa, chẳng hạn như thuốc mỡ calamine. Đừng để trẻ gãi, hãy cắt móng tay cho trẻ. Có trường hợp trẻ gãi vết muỗi cắn đến mức chảy máu, tạo thành một vết thương trên da.

Chàm bội nhiễm

Chàm bội nhiễm (hay còn gọi là eczema) là một dạng dị ứng đôi khi xuất hiện ở trẻ giai đoạn bé chuyển từ bú mẹ sang uống sữa công thức hoặc ăn dặm. Các vết mẩn ngứa nổi ở má, lan rộng ra sau tai, cổ, hai cánh tay và hai cẳng chân. Trẻ rất ngứa ngáy, gãi liên tục và quấy khóc. Trong trường hợp này, trẻ cần được khám bệnh cẩn thận để có phương thức điều trị thích hợp.

Lưu ý rằng một loại thực phẩm nào đó có thể làm cho chứng chàm bội nhiễm nặng hơn, cần theo dõi để loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn của trẻ. Nên cắt ngắn móng tay cho trẻ, đeo găng hở ngón hoặc bao tay để trẻ không gãi. Không nên tắm nhiều cho trẻ vào thời điểm này, chỉ nên tắm 3 lần mỗi tuần vì nước có thể làm da của trẻ bị khô hơn. Dùng trang phục rộng và thấm hút mồ hôi. Giặt đồ cho trẻ bằng bột giặt dành riêng cho quần áo của trẻ là tốt nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên