Khổ qua giúp ngừa tiểu đường

Các chất trong khổ qua có tác dụng sinh học giống như insulin và kích thích tuyến tuỵ tăng cường tiết insulin theo nhu cầu của cơ thể.

Khổ qua (mướp đắng) được cho là một dược thiện giúp ngăn ngừa và trị tiểu đường. Sở dĩ nói như vậy là vì trong khổ qua có những thành phần giúp cơ thể ức chế sự chuyển hoá và hấp thu đường, ngăn ngừa căn bệnh đái tháo đường và ổn định đường huyết ở người tiểu đường.

Khổ qua (hay còn gọi là mướp đắng)

Công năng đặc biệt: Kiện tì

Khổ qua có tác dụng thanh nhiệt tả hoả, giải độc, dùng trong các trường hợp trúng nắng, sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc cấp tính và mãn tính. Ngoài ra, khổ qua còn có tác dụng thường xuyên giúp tinh thần thư thái, an thần, giảm stress, giúp da dẻ mịn màng, ngăn ngừa và chữa các căn bệnh về da. Đặc biệt công năng kiện tì, thúc đẩy chuyển hoá của chất trong khổ qua giúp cơ thể ức chế sự chuyển hoá và hấp thu đường trong cơ thể, ngăn ngừa căn bệnh đái tháo đường và ổn định đường huyết ở người tiểu đường. 

Dược thiện từ khổ qua

Nguyên liệu gồm 150 g nấm hương, 200 g đậu ván trắng, 100 g khổ qua. Trước tiên, cho đậu ván trắng vào nấu, khi chín thì cho nấm và khổ qua vào nấu tiếp, nêm gia vị vừa ăn. Đây là bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ đường huyết. Thích dụng cho những người tiểu đường, ăn uống không ngon miệng, gầy sút, ăn uống khó hấp thu, thường xuyên đi tiêu phân sống.

Bài thuốc này có thể ăn thường xuyên hàng ngày với cơm hoặc có thể nấu cháo ăn hàng ngày thay cơm đối với bệnh nhân tiểu đường. 

Dưới nhãn quan y học hiện đại, khổ qua là thảo dược có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại gốc tự do, trẻ hoá tế bào và có tác dụng tích cực trong phòng và chống ung thư, làm hạn chế bớt tác hại của tia xạ trên bệnh nhân ung thư. Khổ qua còn góp phần to lớn trong phòng, trị các bệnh như: tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, tiểu đường, với cơ chế ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào và ức chế các men tổng hợp lên glucose. Các chất có trong khổ qua có tác dụng sinh học giống như insulin và kích thích tuyến tuỵ tăng cường tiết insulin theo nhu cầu của cơ thể…

Phụ nữ mang thai nên tránh

Theo nghiên cứu của các chuyên gia nội tiết và các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) và Viện Y dược Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy các chất charantin, polypeptid-P và vicine trong khổ qua có tác dụng tương đương insulin và có vai trò giảm đường huyết, cải thiện và ức chế dung nạp đường của tế bào, từ đó ổn định đường huyết và ngăn chặn sự phát triển, biến chứng của tiểu đường. Nghiên cứu đã được các nhà khoa học áp dụng thành công trên chuột thực nghiệm và thu được kết quả cao trong nhóm người tiểu đường tuýp 2.

Tuy khổ qua là dược thiện có nhiều công năng, tác dụng nhưng là thực phẩm có tính hàn nên những người tì, vị hư hàn (ăn uống khó tiêu, đầy bụng, ấm ách, đi tả) không nên dùng. Hơn nữa, đây là một thảo dược có tính hàn nên không dùng kết hợp với huyền sâm hoặc chế phẩm có huyền sâm. Do đặc tính hoạt huyết của khổ qua nên thầy thuốc khuyến cáo không dùng cho phụ nữ mang thai bởi khổ qua đã làm xuất huyết tử cung và làm sẩy thai ở chuột thực nghiệm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên