Kỹ thuật mới điều trị phình khổng lồ động mạnh não

VOV.VN - BV Đại học Y Dược TP HCM điều trị cho 2 trường hợp bị túi phình khổng lồ động mạch não bằng phương pháp mới là đặt stent chuyển dòng.

Bệnh nhân có thể điều trị tại Việt Nam mà không cần ra nước ngoài

Một trong 2 trường hợp vừa được điều trị là bệnh nhân Tăng Diễm T. (nữ, 31 tuổi, ngụ tại TP HCM) bị đau đầu liên tục trong 3 ngày, không đáp ứng thuốc giảm đau.

Khi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp MRI và phát hiện túi phình khổng lồ hình thoi trong động mạch não chiều dài 40mm, đường kính 20mm.

Sau hội chẩn giữa các bác sĩ bệnh viện cùng các chuyên gia Nhật và Úc, bệnh nhân đã được ekip của khoa Ngoại thần kinh điều trị đặt 2 stent chuyển dòng lồng vào nhau để che phủ đoạn mạch máu phình.

BS CKI Trần Quốc Tuấn thăm khám cho bệnh nhân
BS CKI Trần Quốc Tuấn – Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết: các túi phình khổng lồ động mạch não có kích thước rất lớn, hơn 25mm.

Trước đây, điều trị bằng nhiều cách như: mổ hở kẹp túi phình, mổ hở nối mạch máu trong ngoài sọ và cắt bỏ động mạch phình, can thiệp trong lòng mạch máu (can thiệp nội mạch) tắc đoạn động mạch phình và can thiệp nội mạch bít túi phình một phần bằng coils. Các phương pháp này có nguy cơ tử vong/tàn tật sau điều trị rất cao (từ 20-30%) hoặc nguy cơ tái phát lại cao (trên 20% sau 5 năm).

Stent chuyển dòng ra đời tạo ra một cách mạng lớn trong điều trị túi phình khổng lồ động mạch não, giúp tăng cao khả năng điều trị và hạ thấp nguy cơ tử vong, tái phát, tàn tật sau điều trị.

Trên thế giới, từ năm 2007 sau các cuộc thử nghiệm trên mô hình và trên động vật, phương pháp stent chuyển dòng bắt đầu được áp dụng điều trị thử các túi phình khổng lồ trên người (nghiên cứu thực hiện trên 53 bệnh nhân ở Buenos Aires, Argentina). Năm 2009, kết quả công bố của nghiên cứu được đánh giá là một cuộc cách mạng khi hơn 90% các túi phình được chữa khỏi hoàn toàn sau 1 năm với tỷ lệ tử vong/tàn tật sau điều trị thấp, chỉ dưới 5%.

Vào năm 2011, sau nhiều nghiên cứu chứng minh được hiệu quả của stent chuyển dòng, phương pháp này được công nhận chính thức ở Hoa Kỳ bởi FDA (là cơ quan xét duyệt các phương pháp điều trị ứng dụng ở Hoa Kỳ) và từ đó nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, stent chuyển dòng băt đầu được áp dụng vào các năm 2012-2013 tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội.

Từ 2015 - 2016, phương pháp này bắt đầu được ứng dụng tại các bệnh viện tại miền Nam và Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM là một trong các bệnh viện tiên phong trong việc triển khai phương pháp này.

Túi phình khổng lồ động mạch não.
Túi phình động mạch não xuất hiện ở mọi lứa tuổi

TS. BS Nguyễn Minh Anh – Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết: túi phình khổng lồ trong mạch máu não là chỗ dãn lớn mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường, có thể do thoái hóa thành mạch ở người già hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở người trẻ tuổi. Túi phình khổng lồ động mạch não có nguy cơ tai biến xuất huyết hoặc nhồi máu não về sau rất cao. Khoảng 60-70% người bệnh có túi phình khổng lồ động mạch não sẽ trở nặng sau 5 năm và nguy cơ tử vong lên đến 70-90%. Loại bệnh này luôn được xếp vào một trong các nhóm bệnh lý khó nhất trong chuyên ngành ngoại thần kinh.

“Túi phình động mạch não nói chung có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp hơn ở nữ giới, tỷ lệ xuất hiện tăng theo tuổi, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi già và trung niên. Bên cạnh đó, các nguy cơ tim mạch nói chung như tăng huyết áp, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Phần lớn các túi phình chưa vỡ không gây triệu chứng. Khi kích thước túi phình đủ lớn, có thể gây đau đầu kéo dài, liệt các dây thần kinh đầu mặt cổ (biểu hiện bằng nhìn đôi, lé mắt mới xuất hiện, mờ mắt, méo mặt…), hoặc yếu liệt tay chân diễn tiến nặng dần. Nếu túi phình động mạch não vỡ, thì sẽ biểu hiện như đột quỵ với đau đầu dữ dội đột ngột, cứng cổ, lơ mơ, tê yếu tay chân, thậm chí tử vong ngay sau vỡ”, BS Anh nhấn mạnh.

Các bác sĩ, nhóm bệnh lý mạch máu não nói chung và túi phình động mạch não nói riêng thường yên lặng, biểu hiện không điển hình, và nếu trở nặng có thể nguy hiểm tính mạng trực tiếp. Do vậy, cộng đồng cần lưu ý đến nhóm bệnh lý này và tầm soát loại trừ bằng hình ảnh học tại các trung tâm uy tín khi người bệnh có biểu hiện đau đầu dữ dội đột ngột hoặc đau đầu kéo dài đáp ứng kém với điều trị nội khoa, tê yếu nửa người, nhìn đôi, méo miệng, mờ mắt đột ngột, hoặc rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê.

Hiện tại, nếu phát hiện sớm khi tình trạng người bệnh còn tốt, đa số nhóm bệnh lý mạch máu não trong đó có túi phình động mạch não có thể được điều trị khá triệt để với nguy cơ điều trị tương đối thấp bằng can thiệp nội mạch hoặc mổ hở, tùy tình trạng người bệnh và đặc điểm thương tổn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ
Can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ

VOV.VN -Bệnh nhân được phẫu thuật giải áp bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể tự thở và tự ăn uống.

Can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ

Can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ

VOV.VN -Bệnh nhân được phẫu thuật giải áp bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể tự thở và tự ăn uống.

8 bước đơn giản để tránh đau tim và đột quỵ
8 bước đơn giản để tránh đau tim và đột quỵ

Đau tim và đột quy là các chứng gây nguy hiểm tính mạng, nguyên nhân chủ yếu là do động mạch bị tắc nghẽn.

8 bước đơn giản để tránh đau tim và đột quỵ

8 bước đơn giản để tránh đau tim và đột quỵ

Đau tim và đột quy là các chứng gây nguy hiểm tính mạng, nguyên nhân chủ yếu là do động mạch bị tắc nghẽn.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

VOV.VN -Hiện nay, 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

VOV.VN -Hiện nay, 80% bệnh nhân đột quỵ phải chịu những di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân.