Bệnh giun rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em

Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát gần đây của Viện Sốt rét-Ký sinh trung và côn trùng Trung ương, 75% người Việt Nam (tương đương 60 triệu người) mắc bệnh giun sán, có đến 70-90% trẻ em nhiễm giun.

Bệnh giun là bệnh phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ và ẩm độ cao. Theo Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) trên toàn cầu và có khoảng 1 tỉ người nhiễm giun đũa, 500 triệu người giun tóc, 900 triệu người nhiễm giun móc và khoảng 100.000 người chết hàng năm do các giun nói trên gây nên.

Theo BS Nguyễn Công Viên (Trưởng khoa Trẻ em lành mạnh-Bệnh viện Nhi Đồng 2): “Môi trường sống bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém, ăn uống không hợp vệ sinh, đặc biệt là các món tái, gói, tiết canh… chính là những nguyên nhân, do trứng giun có trong đất, thức ăn, thức uống, móng giun sán… gây bệnh. Vì thế, chúng ta nhiễm giun sán chủ yếu qua đường ăn uống”.

TS.BS ký sinh học Ngô Hùng Dũng (Trường Đại học Y Dược, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Khi giun xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ hút chất dinh dưỡng và máu, khiến cơ thể yếu dần và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn giun múc ký sinh ở ruột non và hấp thụ chất bổ dưỡng trong ruột non và cũng có thể hấp thụ các thức ăn chưa tiêu hoá hết. Ở trẻ em, nhiễm giun đũa có thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn và ảnh hưởng đến khả năng học tập. Ngoài ra, giun đũa ký sinh có số lượng nhiều trong ruột có thể là tắc ruột, thủng ruột, di chuyển lạc chỗ… gây nên những ca cấp cứu nguy hiểm. Giun tóc và giun móc hút máu để sống. Mỗi con giun tóc có thể làm mất đi khoảng 0,005ml máu, giun móc hút 0,2ml máu mỗi ngày. Trong trường hợp nhiễm giun tóc và giun móc nhiều và kéo dài, người bệnh có thể bị thiếu máu, tiêu chảy giống như bị lỵ và tình trạng tiêu chảy kéo dài sẽ đưa đến khả năng bị sa trực tràng. Giun kim thường đẻ trứng ở các nếp niêm mạc hậu môn, thường vào ban đêm. Triệu chứng lâm sàng duy nhất dễ nhận biết là ngứa hậu môn, quấy khóc, rối loạn tiêu hoá, đau bụng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy. Biểu hiện lâm sàng khác cũng có thể xảy ra như mê sảng, co giật, đái dầm, cương dương ở bé trai. Gium kim di chuyển lạc chỗ có thể gặp ở các bé gái: viêm ân đạo, viêm vòi trứng, tổ thương ở xoang bụng, niệu đạo và viêm ruột thừa”.

Để phòng bệnh, BS Viên khuyến cáo: “Rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn, đặc biệt trước và sau khi ăn và sau khi đi tiêu. Ăn chín uống sôi. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Dùng thuốc tẩy giun mỗi 3-6 tháng hay khi thấy có giun trong phân. Lưu ý, nên tẩy giun cho trẻ 2 tuổi trở lên và chưa tẩy giun lần nào trước đó. Trẻ dưới 2 tuổi cần phải có chỉ định đặc biệt của bác sĩ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên