Phát hiện sớm ung thư

Khó như đi bắt gián điệp – đó là so sánh rất dễ hiểu của GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, nguyên Giám đốc Bệnh viện K – về công tác sàng lọc, phát hiện sớm ung thư. Cả ê kíp phải có chuyên môn tốt mới bắt trúng

Hiện nay, người có nhu cầu đi khám phát hiện sớm ung thư đang có biểu hiện sớm ung thư đang có biểu hiện gia tăng. Ngoài các bệnh viện lớn như K, Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Huyết học và Truyền máu Trung ương… dịch vụ phát hiện sớm ung thư đang phát triển nở rộ ở nhiều phòng khám, bệnh viện tư nhân. Tới phòng khám nào, người bệnh cũng dễ dàng được đáp ứng nhu cầu khám tìm ung thư, dù không biết các máy móc thiết bị, quy trình khám, chuyên môn của bác sĩ có đáp ứng đúng tiêu chuẩn hay không. Ngay ở một bệnh viện lớn, từng xảy ra chuyện có thật 100%, bệnh nhân đi khám sớm nhưng bác sĩ chuyên khoa không phát hiện được ung thư và còn đùa bệnh nhân: “Sao bây giờ mới tới khám?”. Nhiều người bệnh yên tâm cầm kết luận “sức khỏe bình thường” ra về, nhưng chưa hẳn kết quả đó đã phản ánh đúng thể trạng của họ.

Không chỉ có cá nhân, nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn đưa nội dung sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vào chương trình khám sức khỏe định kỳ, miễn phí cho cán bộ, nhân viên.

Khó như đi bắt gián điệp – đó là so sánh rất dễ hiểu của GS.TS Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, nguyên Giám đốc Bệnh viện K – về công tác sàng lọc, phát hiện sớm ung thư. Do đó, cả ê kíp gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng phải có trình độ chuyên môn tốt, ngay từ khâu lấy mẫu, nhuộm tiêu bản, làm hóa chất… đều phải chuẩn thì mới “bắt trúng”, “không bỏ lọt gián điệp”, chứ không chỉ phụ thuộc vào bác sĩ giỏi. Hơn nữa, khả năng phát hiện sớm đối với từng loại ung thư hiện nay là khác nhau. Không phải cứ làm xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ… bằng máy móc hiện đại là tìm được ung thư. Ví dụ như phát hiện sớm ung thư não hiện là một việc rất khó. Tuy nhiên, có nhiều bệnh ung thư thường gặp hiện có khả năng phát hiện sớm cao, từ đó cho kết quả điều trị khả quan và có thể khỏi hẳn.

Người bệnh có ý thức đi khám bệnh sớm, khám thường xuyên là một điều rất tốt và đáng mừng. Tuy nhiên, trước khi đi khám, người bệnh cũng cần tìm hiểu thêm về dấu hiệu lâm sàng của bản thân, nơi có đủ tiêu chuẩn khám bệnh, khả năng phát hiện sớm của loại ung thư mình nghi ngờ… để việc kiểm tra sức khỏe đạt hiệu quả hơn, tránh tốn tiền, tốn công sức mà không tìm ra kết quả chính xác. “Ung thư không có nghĩa là bản án tử hình”, điều này đã được chứng minh và phụ thuộc rất nhiều vào ý thực tự phòng bệnh và đi thăm khám sớm của người bệnh.

Loại ung thư nào dễ phát hiện sớm?

Hiện y học đã ghi nhận tới hơn 200 bệnh ung thư khác nhau và không phải tất cả đều có thể phát hiện sớm. Một số bệnh ung thư có thời gian tiềm ẩn khá dài, một số khác lại phát triển rất nhanh, khi phát hiện thì người bệnh đã ở giai đoạn muộn. Có loại ung thư xuất phát ở những vị trí dễ tiếp cận như da, đại trực tràng, cổ tử cung… thuận lợi cho việc thăm khám, trong khi có các loại ung thư khác xuất phát ở vị trí rất sâu trong cơ thể, các xét nghiệm hiện nay không đủ khả năng phát hiện khi khối u còn nhỏ.

Có thể thống kê những loại ung thư hiện có khả năng phát hiện sớm hiệu quả:

Ung thư vú: Là loại ung thư chiếm tới 35% trong các bệnh ung thư ở nữ. Nếu phát hiện ở giai đoạn 0 (lâm sàng), tỷ lệ khỏi bệnh là 100%, từ giai đoạn 1, 2, 3 và 4, tỷ lệ khỏi bệnh giảm dần còn 95%, 80%, 72% và 25%. Có ba phương pháp để phát hiện sớm ung thư vú theo các bước sau. Một là tự khám vú, nếu phát hiện một trong những bất thường thì nên đi khám ngay. Hai là đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa: Đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên khám 1 – 3 năm/lần, phụ nữ 40 tuổi trở lên khám 1 năm/lần. Ba là chụp X-quang tuyến vú đối với phụ nữ 40 tuổi trở lên, đặc biệt với phụ nữ từng xạ trị vùng ngực, gia đình hoặc bản thân từng bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, mang gen hoặc một số hội chứng di truyền.

Ung thư cổ tử cung: Mọi phụ nữ sau khi bắt đầu quan hệ tình dục 3 năm thì nên khám sàng lọc 1 năm/lần, kể cả phụ nữ đã cắt tử cung bán phần (còn cổ tử cung). Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, sau 3 lần khám âm tính liên tiếp thì có thể khám thưa hơn 2 –3 năm/lần. Các biện pháp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bao gồm: Khám phụ khoa, xét nghiệm tế bào học âm đạo, nghiệm pháp a-xit a-xê-tíc hay còn gọi tắt là VIA, nghiệm pháp Lugol và soi cổ tử cung.

Ung thư đại trực tràng: Là bệnh đang có xu hướng tăng mạnh ở nước ta trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 3 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư thứ 2 ở nhiều nước trên thế giới. Các biện pháp phát hiện sớm ung thư đại trực tràng bao gồm: soi toàn bộ đại tràng; xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (mọi người từ 50 tuổi trở lên cần làm 1 năm/lần, đặc biệt người từng bị hoặc có người thân bị u tuyến, các hội chứng đa polyp, ung thư đại trực tràng, các bệnh viêm ruột…).

Ung thư tuyến tiền liệt: Là bệnh có tỷ lệ chết giảm rõ rệt nhờ khám sàng lọc phát hiện sớm. Các biện pháp phát hiện sớm bao gồm thăm trực tràng bằng tay kết hợp với xét nghiệm PSA 1 năm/lần đối mọi nam giới từ 50 tuổi trở lên.

Ngoài ra, có thể kết hợp với siêu âm nội trực tràng và chụp cắt lớp máy tính vùng tiểu khung.

Ung thư khoang miệng: Là bệnh liên quan nhiều tới hút thuốc lá, ăn trầu, uống rượu… Để phát hiện sớm, nên quan sát khoang miệng qua gương khi đánh răng hàng ngày, nếu thấy vết thương bất thường, khó há miệng hoặc sờ thấy u, cục thì nên đi khám chuyên khoa. Người trên 20 tuổi nên đi khám nên đi kiểm tra khoang miệng 3 năm/lần, người trên 40 tuổi 1 năm/lần, đặc biệt người hút thuốc lá, thuốc lào.

Ung thư da: Là bệnh dễ chẩn đoán bằng mắt thường, có thể điều trị khỏi hẳn. Để phát hiện sớm, nên tự quan sát toàn bộ da và các nốt ruồi trên cơ thể, nhất là các vùng da hở. Ngoài 30 – 39 tuổi nên khám định kỳ 3 năm/lần, trên 40 tuổi nên khám 1 năm/lần, nhất là người từng bị hoặc có người thân bị ung thư da, bệnh về da, người thường xuyên ở dưới ánh nắng mặt trời.

Các ung thư khác như dạ dày, gan, phổi là những bệnh thường gặp nhưng khó sàng lọc, phát hiện sớm. Do đó, cách tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế hút thuốc lá, uống rượu. Người có tiền sử bệnh tiêu hóa, nghiện thuốc lá, nghiên rượu nên đi khám bệnh định kỳ.

Ai nên đi khám tìm ung thư ngay?

Các chuyên gia đã thống kê 9 dấu hiệu báo động và áp dụng chung cho các loại ung thư, bao gồm: có vết loét lâu liền; ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu; có u trên cơ thể; hạch to lên không bình thường; chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; ù tai, nhìn một thành hai; gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân. Khi có các dấu hiệu này không có nghĩa là đã mắc ung thư, nhưng mọi người nên đến ngay cơ sở chuyên khoa để được khám, có những lời khuyên thiết thực và có hướng điều trị sớm nhất./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên