Phòng chống và điều trị bệnh đái tháo đường type 2

Các vị khách mời tham dự chương trình: BS Nguyễn Huy Cường- Phó trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương; BS Lê Thị Tâm- Bệnh viện Bạch Mai và BS Nguyễn Hồng Trường, giảng viên Bộ môn Dược lý học- Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM .

Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Bệnh tiểu đường điển hình có các triệu chứng: đái nhiều, khát nước uống nhiều, gầy sút cân...; nhưng bệnh tiểu đường thường có giai đoạn không có bất kỳ triệu chứng gì. Giai đoạn này có thể kéo dài 10 năm, do đó một nửa số bệnh nhân đái tháo đường khi được chuẩn đoán đã có biến chứng do đường máu tăng cao không biết. 
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể chuẩn đoán được gần 40% số bệnh nhân đang mắc đái tháo đường. Do vậy, lời khuyên của bác sĩ tất cả mọi người trên 40 tuổI nên thử đường máu 3 năm/lần. Đấy là cách đơn giản nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Các bạn có thể đến các bệnh viện và các trung tâm y tế để thử máu.
* Chồng tôi rất béo (phải nói là quá béo). Tôi muốn biết nếu béo quá thì có bị bệnh tiểu đường không?(Thanh Hương, 33 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Béo phì là một nguy cơ của bệnh tiểu đường, do đó những người béo phì cần đi khám định kỳ để kiểm tra bệnh tiển đường.
Tuy nhiên, còn có nhiều tình trạng hoặc bệnh lý khác cũng gây ra béo phì, như: chế độ ăn nhiều chất béo, ít vận động…. nên người béo phì chưa hẳn sẽ bị tiểu đường. Dù vậy, việc giảm cân vẫn cần thiết để nâng cao sức khoẻ và phòng tránh các bệnh lý khác. 
* Xin hỏi bác sĩ: lượng đường trong máu bao nhiêu là giới hạn bình thường?(Nguyễn Thanh Mỹ, 52 tuổi)
Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Bạn thân mến, đường máu lúc đói là dưới 5,5 mmol/lít. Nếu đường máu 2 lần thử lớn hơn và bằng 7mmol/lít hoặc đường máu bất kỳ lớn 11,1/lít là chắc chắn bị mắc đái tháo đường. Khi đường máu lúc đói từ 5,6 cho đến 6,9 mmol/lít thì gọi là giảm dung nạp đường máu lúc đói hoặc là tiền đái tháo đường. Vì những ngườI này rất dễ tiến triển đến bệnh đái tháo đường nếu không thay đổi lốI sống. Vì dụ như: ít vận động, ăn nhiều và bị nhiều stress...
* Tôi mới bị tiểu đường, nhiều người khuyên dùng thuốc nam. Có nên hay không?(Vũ Văn Bình, 50 tuổi)
BS Nguyễn Hồng Trường: Đã có nhiều nghiên cứu trong nước đã chứng minh một số dược liệu của Việt như linh chi, câu kỷ tử, dừa cạn… có tác động tốt lên nồng độ đường huyết của người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, người bệnh phải quan niệm rằng, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể điều trị khỏi bệnh tiểu đường cũng như không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Vì thế, sử dụng thuốc đông y hoặc tây cũng cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Sử dụng đúng thuốc và đúng cách sẽ giúp cải thiện bệnh tiểu đường, giúp người bệnh có cuộc sống gần như người bình thường. 
* Biểu hiện bên ngoài của bệnh? Ngay sau khi ăn 1 h đường huyết tăng lên khá cao > 180 mg/l và sau 3h xuống dưới 125mg/l có đáng ngại lắm ko?(Tho, 55 tuổi)
Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Đường huyết sau ăn 1 giờ >180MG/L là khá cao. Bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa về bệnh đái tháo đường để nghiệm pháp tăng đường máu. Nghĩa là bệnh viện sẽ cho bạn uống 75g đường glucose. Sau đó 2 tiếng đồng hồ sẽ lấy máu để thử nồng độ đường. Nếu lớn hơn hoặc bằng 200MG/L thì cũng được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường.
* Có phải nếu thường xuyên uống cà phê không đường thì sẽ tránh được bệnh tiểu đường không, thưa bác sĩ?(Duyên Phú, 57 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Bệnh tiểu đường do nhiều nguyên nhân gây ra: di truyền, dùng thuốc, độc chất, lối sống thụ động, chế độ ăn uống không điều độ… dẫn đến huỷ hoại, suy giảm chức năng tế bào nội tiết của tuỵ hoặc giảm hiệu quả của insulin nội sinh. Việc dùng cà phê không đường không thuộc vào các yếu tố kể trên và cũng không góp phần tránh được bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, uống cà phê thường xuyên và quá nhiều cũng có ảnh hưởng không tốt lên hệ thống thần kinh và tim mạch.
 
* Tiểu đường type 2 có xảy ra với người trẻ không, thưa bác sĩ? Đên bao nhiêu tuổi thì phải cảnh giác bệnh này?(Nguyen Hoa Nam, 44 tuổi)
 
Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Bệnh đái tháo đường type 2 trước đây được hiểu là bệnh đái tháo đường ở người già, nhưng ngày nay với lối sống thay đổi quá nhanh đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều bệnh nhân trẻ béo phì và đái tháo đường type 2. Ở bệnh viện chúng tôi đã có những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 mới 11 tuổi. Dự báo trong tương lai khi số học sinh béo phì tăng lên, số trẻ mắc đái tháo đường type 2 sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
 
* Tôi nghi ngờ rằng mình bị rối loạn cương dương do bị tiểu đường... Có phải điều này xảy ra là do dùng c ác thuốc trị bệnh tiểu đường? Tôi có thể dùng viagra không?(Bệnh Nhân Không Nêu Tên, 50 tuổi)
BS Nguyễn Hồng Trường: Bệnh tiểu đường gây ra các biến chứng đại mạch và vi mạch, trong đó rối loạn cương được xem là một biến chứng cụ thể của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn cương cần đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc nam học để được chẩn đoán và tư vấn đúng về tình trạng bệnh và các thuốc có thể dùng. Viagra (Sildenafil) thuốc điều trị rối loạn cương thuộc nhóm ức chế phosphodiesteras 5, hiệu quả của thuốc rất tốt nhưng cần chú ý khi dùng cho những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, có thể gây tụt huyết áp quá mức khi dùng chung với một số thuốc hạ áp khác, vì vậy người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng và có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.  
* Tôi 58 tuổi, phát hiện mắc bệnh tiểu đường type II được 2 năm nay, hiện đang điều trị bằng thuốc hạ đường huyết Diamicron (2 viên/ngày). Xin bác sĩ cho biết dùng thuốc này lâu ngày có gây tác dụng phụ không?(Hà Thị Hòa Bình, 58 tuổi)
BS Nguyễn Hồng Trường: Người bệnh tiểu đường cần phải dùng thuốc suốt đời. Tất cả các thuốc điều trị tiểu đường ít nhiều đều có tác dụng phụ, các tác dụng phụ này đều có thể tiên lượng truớc và có thể tránh được. Điều quan trọng nhất trong khi điều trị cần phải thăm khám thường xuyên và hỏi ý kiến của bác sỹ điều trị về bất kỳ triệu chứng nào nghĩ là tác dụng phụ của thuốc.

Đối với Diamicron tác dụng phụ thường gặp là hạ đường huyết. Những bệnh nhân dùng thuốc này cần chuẩn bị trước những thực phẩm có thể cung cấp đường nhanh như: sữa, kẹo, bánh ngọt... phòng khi hạ đường huyết có thể dùng ngay. Việc tiếp tục dùng thuốc hay không còn tuỳ thuộc vào diễn tiến của bệnh, mức độ nặng, các biến chứng và các bệnh lý kèm theo.
 
* Tôi bị bệnh tiểu đường type II và hiện tại đang bị bệnh gan vì men gan quá cao. Bác sĩ nói hai bệnh này điều trị đối ngược nhau, được bệnh này thì ảnh hưởng xấu đến bệnh kia. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. Nên điều trị như thế nào và khám ở đâu?(Trần Văn Minh, 54 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Đối với người bị bệnh đái tháo đường type 2 khi có bệnh gan phối hợp thì không sử dụng thuốc viên hạ đường huyết để điều trị, vì nó sẽ làm tổn thương gan nặng nề hơn. Trong trường hợp của bạn, cần phải đến khám tại chuyên khoa nội tiết như Bệnh viện Bạch Mai, Viện Nội tiết Trung ương... Tại đây các bác sỹ sẽ tiến hành khám và làm các xét nghiệm. Dựa trên kết quả thu được thì sẽ cho bạn phác đồ điều trị hợp lý.
 
* Em có thai 5 tháng, mới đây đi khám thử nước tiểu thấy có đường. BS không cho thuốc chỉ dặn kiêng ăn đường. Vậy nếu em bị tiểu đường thì có nguy cơ gì cho thai nhi?(Lê Thị Hoan, 23 tuổi)
 
BS Lê Thị Tâm: Khi người phụ nữ mang thai cùng với niềm vui được làm mẹ, bên cạnh đó xuất hiện nguy cơ mắc một số bệnh, trong đó có đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa là tình trạng rối loạn dung nạp đường được phát hiện lần đầu tiên khi mang thai còn trước đó thì chưa được xác định.

Đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của quá trình mang thai. tỷ lệ mắc phụ thuộc vào chủng tộc và một số yếu tố nguy cơ.

Việt Nam là nước thuộc chủng tộc có nguy cơ mắc bệnh này cao nên tất cả phụ nữ mang thai từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 đều được làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để phát hiện bệnh. Vói phụ nữ có nguy cơ cao như là trong gia đình có bố hoặc mẹ, hoặc anh chị em ruột có đái tháo đường thì ngay từ khi có thai đã phải được khám sàng lọc để chẩn đoán sớm. 
Trong trường hợp của bạn, khi xét nghiệm có đường trong nước tiểu, một lời khuyên dành cho bạn là đến khám tại Chuyên khoa nội tiết để xác định lại chẩn đoán.

Nếu đái tháo đường thai kỳ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những nguy cơ cho mẹ và thai nhi. Những hậu quả trước mắt như: Đối với mẹ: nhiễm độc thai nghén, thai chết lưu, sẩy thai, đa ối, thiểu ối, đẻ non. Đối với thai nhi: kích thước to sẽ gặp khó khăn khi chuyển dạ, gây vàng da sơ sinh và hạ calci máu, hạ đường huyết, hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh ...
 
* Tôi muốn hỏi tiểu đường type I và type II khác nhau thế nào?(Hà Thu, 31 tuổi)
 
Ths BS Nguyễn Huy Cường:
 
+ Bệnh đái tháo đường Type 1 theo thống kê chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh này thường mắc ở người trẻ. Lứa tuổi hay bị nhất là 7 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, cũng có người mắc bệnh ở lứa tuổi cao hơn (thậm chí đến 70 tuổi). Căn nguyên do cơ thể tạo ra tự kháng thể dẫn việc huỷ hoại tế bào bê ta của tuỵ (tế bào bê ta là nơi sản xuất ra insulin).  

+ Bệnh đái tháo đường Type II chiếm đông đảo số bệnh nhân mắc đái tháo đường. Bệnh này thường xảy ra ở người trên 40 tuổi.

|Ở Việt Nam, tuổi trung bình của người mắc bệnh đái tháo đường Type 2 là 60 tuổi. Căn nguyên của bệnh hiện nay chưa được biết một cách thấu đáo.

Người ta biết rằng, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường Type 2 có 2 rối loạn quan trọng: 
 
1- Rối loạn tiết Insulin của tuỵ 
 
2- Có sự gia tăng đề kháng insulin (insulin hoạt động kém hiệu quả).
 
* Tôi 32 tuổi, đã có 2 con, hay bị nấm sinh dục, có phải đây cũng là triệu chứng bệnh tiểu đường?(Cung Thị Bắc, 32 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Người bệnh tiểu đường rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm phổi, nhiễm trùng niệu-sinh dục, nhiễm trùng răng… Tình trạng bị nấm sinh dục thường xuyên có thể do nhiều nguyên nhân liên quan đến tiểu đường, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, dùng các thuốc rửa phụ khoa quá mức làm thay đổi môi trường tự nhiên của hệ sinh dục… Do đó người bệnh cần phải đi khám để xác định đúng nguyên nhân và loại nấm gây bệnh để được tư vấn cách phòng ngừa và điều trị thích hợp.
 
* Nguyên nhân vì đâu mà hiện nay có nhiều người bị tiểu đường loại 2 vậy? Truớc kia bệnh nay đâu có nhiều đến thế đâu?(Vũ Phúc, 29 tuổi)
 
Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Nguyên nhân bệnh đái đường Type 2 gia tăng, có thể nói một cách ngắn gọn là do lối sống của chúng ta đã thay đổi quá nhanh: Ăn nhiều hơn, uống nhiều rượu bia, giảm vận động thể lực, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống (hay còn gọi là căng thẳng). Cách đây 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở Hà Nội chỉ khoảng 1% số người trên 15 tuổi. Nhưng nay, tỷ lệ này đã tăng với 4 – 5%.
  
Dự báo trong tương lai số người mắc bệnh đái tháo đường còn tiếp tục gia tăng khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển. Ví dụ hiện nay ở Singapore, số người mắc bệnh tiểu đường đã chiếm 12% dân số.
 
* Bị tiểu đường có phải dẫn đến hỏng răng, sâu răng, rụng răng hay không?(Lý Văn Bốn, 48 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Hỏng răng, sâu răng, rụng răng cũng là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết tốt bằng chế độ ăn, sinh hoạt, dùng thuốc giúp hạn chế tối thiểu sự xuất hiện của biến chứng trên. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đi khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm tình trạng nhiễm trùng răng miệng .
 
* Mẹ tôi 60 tuổi, sức khoẻ bình thường nhưng bỗng nhiên bị giảm cân: trong 3 tháng qua giảm gần 5kg. Như vậy, có phải triệu chứng bệnh tiểu đường?(Trần Văn Bình, 35 tuổi).
 
Bác sỹ Lê Thị Tâm: Đối với trường hợp của mẹ bạn, trước đây khoẻ mạnh nhưng trong 3 tháng bác đã giảm 5kg, tình trạng sức khoẻ của bác là không bình thường. Nó cũng có thể là triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Nhưng nó có thể cũng là triệu chứng của một số bệnh lý khác. Có rất nhiều bệnh có thể gây sút cân. Vì vậy, mẹ cần phải được khám xác định bệnh tại cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây sút cân.
 
* Bệnh nhân cao huyết áp có dễ bị bệnh tiểu đường không? Nếu bị thì cách phòng tránh như thế nào? Xin cảm ơn.?(Hồng Mai, 33 tuổi)
 
Bác sỹ Lê Thị Tâm: Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh được tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường. Có rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp trong một thời gian dài, sau đó mới phát hiện được bệnh đái tháo đường (Các bệnh nhân này đều được theo dõi và kiểm tra đường máu định kỳ). Có rất nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng chỉ số huyết áp của họ là hoàn toàn bình thường tại thời điểm của chẩn đoán. Có tới 60-70% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có kèm theo tăng huyết áp và tăng huyết áp có thể phát hiện trước, cùng lúc, hoặc sau phát hiện đái tháo đường. 

Khi một bệnh nhân được phát hiện tăng huyết áp thì cần phải đến khám tại các cơ sở y tế. Tại đây, các bác sỹ sẽ cung cấp những thông tin tư vấn về chế độ điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống, chế độ ăn, chế độ luyện tập) và chế độ dùng thuốc. Đồng thời sẽ được theo dõi định kỳ để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường. Khi được chẩn đoán là bị bệnh đái tháo đường thì sẽ lựa chọn được phương thức điều trị thích hợp tuỳ vào cơ địa, điều kiện kinh tế, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt…
 
* Em chào các bác sĩ. Các anh cho em hỏi: Bố em bị bệnh tiểu đường gần 5 năm rồi. Bố em không ăn uống được nhiều và ngủ không sâu giấc. Hiện nay, bố em rất gầy. Xin bác sĩ cho biết Bố của em uống loại thuốc nào để có thể khắc phục được vấn đề trên?(Trung Tiến, 28 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Điều trị bệnh tiểu đường đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện về chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện và dùng thuốc. Ăn uống kém và ngủ kém đều có tác động không tốt đến tình trạng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống. Việc chọn lựa thuốc phụ thuộc vào diễn biến của bệnh, chức năng nội tiết của tuỵ, các đặc điểm thể chất (chiều cao, cân nặng, vòng bụng), các bệnh lý đi kèm… Do đó bạn cần đưa bố đi khám bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết để có thể ra một chiến lược điều trị thích hợp.
 
* Tôi bị tiểu đường và bị viêm bàng quang... Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của bệnh?(N.Đức, 63 tuổi)
 
BS Nguyễn Hồng Trường: Người bệnh tiểu đường rất dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Ngược lại tình trạng nhiễm trùng làm cho đường huyết khó kiểm soát hơn. Viêm bàng quang có thể có hoặc không liên quan đến bệnh tiểu đường. Kiểm soát tốt đường huyết giúp hạn chế tối thiểu tất cả các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào điều trị cả tiểu đường và viêm bàng quang đều cần thiết.
 
* Tôi vốn gầy còm từ xưa đến nay chỉ thích ăn đơn giản đạm bạc vậy mà bệnh tiểu đường đã có tự bao giờ! Cách đây 2 năm tôi đi khám bất ngờ phát hiện ra bệnh này tôi vẩn điều trị đều Diamicron (2 viên/ngày). Lượng đường trong máu vẩn duy trì từ 7 đến 8 chủ yếu ở phạm vi này. Vậy có cách nào tôi có thể cải thiện sức khỏe từ gầy còm ra béo tốt không? Phàm thì người tiểu đường béo tốt, tôi ưa như vậy mà chẳng bao giờ được. Xin cám ơn bác sĩ! (Lê Văn Thưa, 55 tuổi)
 
BS Lê Thị Tâm: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 sau khi được chẩn đoán thì sẽ được điều trị ngoại trú và theo dõi định kỳ hàng tháng tại các cơ sở chuyên khoa nội tiết tuyến tỉnh và trung ương. Trường hợp của bác không rõ trong 2 năm điều trị bệnh đái tháo đường bác được theo dõi và tư vấn điều trị thuốc như thế nào. Mặt khác, người bị bệnh đái tháo đường type 2 có thể mắc kèm theo một số bệnh lý khác. Vì vậy, bác cần có đợt kiểm tra sức khoẻ tổng thể để điều chỉnh lại chế độ điều trị và loại trừ bệnh lý khác.
LTS: Bạn đọc quan tâm đến bệnh đái tháo đường có thể tham khảo thêm thông tin trên website: www.daithaoduong.vn .
Xin cảm ơn các bác sĩ đã tham gia chương trình./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên