Phòng tránh một số bệnh theo mùa

Năm nay điều khác thường là sự gia tăng bệnh nhân nhiễm rubella

Trong những ngày gần đây, dịch bệnh theo mùa đang bùng phát… Riêng Rubella đã bùng phát thành dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Trả lời phóng viên VOVNews, PGS.TS ông Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mùa đông và mùa xuân là mùa thường xảy ra các bệnh sởi, rubella, quai bị... Hiện nay, các loại vaccine phòng bệnh đều phòng được các bệnh này. Nhưng trong năm nay, diễn biến các dịch bệnh có nhiều thay đổi. Những năm trước bệnh sởi xảy ra rất phổ biến, nhưng năm nay do nỗ lực của chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đã triển khai nhiều chiến dịch tiêm phòng sởi và chương trình tiêm 2 mũi cho trẻ em, nên lượng bệnh nhân mắc sởi đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, điều khác thường của năm nay đó là sự gia tăng bệnh nhân nhiễm rubella.

Bệnh Rubella

Bệnh Rubella là một bệnh truyền nhiễm lành tính do virut Rubella gây nên, có thể xảy ra thành dịch. Tuy tỷ lệ tử vong và biến chứng rất thấp nhưng bệnh Rubella lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, nhất là trong 12 tuần đầu thai kỳ vì có thể gây xảy thai, dị tật thai nhi và nguy cơ đẻ ra những trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với các biến chứng như bại não, tổn thương tim, mù mắt...

Bệnh hay xảy ra vào mùa đông và mùa xuân.  Khi người bệnh ho, hắt hơi và khạc nhổ có thể làm bắn các virus ra ngoài môi trường, nếu những người xung quanh hít phải virus có thể bị lây bệnh. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ đào thải nhiều virus trong dịch tiết hầu họng, trong nước tiểu và đó là nguồn truyền nhiễm cho người tiếp xúc. Tất cả mọi người chưa miễn dịch với virus Rubella đều có thể bị mắc bệnh.

12 tuần đầu thai kỳ là thời gian nguy hiểm nhất khi nhiễm Rubella ở người mẹ. Virus Rubella từ máu của mẹ chuyển qua rau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. Virus này có khả năng phá hủy hay làm chậm sự phát triển của phôi thai và đây là nguyên nhân gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tùy vào thời điểm nhiễm bệnh, tỷ lệ con bị hội chứng Rubella bẩm sinh rất thay đổi, càng những giai đoạn đầu mang thai tỉ lệ dị tật càng cao.

Thời kỳ khởi phát: Trước khi phát ban 1-7 ngày, mệt mỏi, đau đầu, sốt, viêm kết mạc nhẹ và sưng hạch, triệu chứng về hô hấp rất nhẹ hoặc không có. Ở trẻ em, phát ban có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh.

Thời kỳ toàn phát, nổi ban, ban bắt đầu mọc ở trán, mặt và lan xuống lưng và các chi.

Các triệu chứng bệnh kéo dài 3-4 ngày rồi tự hết.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là nghỉ ngơi, uống nhiều nước và đảm bảo dinh dưỡng, hạ sốt, giảm đau điều trị các triệu chứng khác (nếu cần thiết).

Đối với trẻ em: Tiêm phòng vaccine một mũi sau 15 tháng tuổi, tiêm mũi 2 cách mũi một khoảng 6-10 tháng hoặc tiêm vào lúc trẻ được 4-6 tuổi.

Đối với người lớn: Có thể làm xét nghiệm huyết thanh, nếu đã có miễm dịch thì không cần tiêm vaccine. Nếu chưa có miễn dịch thì nên tiêm vaccine, nhất là phụ nữ trong lứa tuổi mang thai.

Ông Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời phỏng vấn phóng viên VOVnews

Bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa và phát ban đặc hiệu ngoài da.

Tác nhân gây bệnh là virus sởi xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, sinh sản ở hệ lưới mô bào. Virus có mặt ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến sau khi ban mọc một thời gian và có thể tồn tại trong không khí ít nhất 34 giờ, nhưng không chịu được khô hanh.

Mọi trẻ chưa có miễn dịch với sởi đều có thể nhiễm virus sởi, song lứa tuổi mắc nhiều nhất là 2-6 tuổi. Bệnh sởi là thủ phạm gây suy dinh dưỡng hoặc làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng thêm.

Bệnh sởi lây rất nhanh, 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Virus sởi có thể theo nước bọt người bệnh bắn ra ngoài truyền trực tiếp cho người khác trong phạm vi bán kính 1-2m mỗi khi ho, hắt hơi, nói chuyện sau đó xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trẻ khác.

Ở thể thường, bệnh lành tính. Thời kỳ ủ bệnh chừng 10-12 ngày, có khi ngắn hơn (7 ngày), có khi dài hơn (20 ngày), thường không có biểu hiện gì. Trong một số trường hợp sau khi tiếp xúc với trẻ ốm, trẻ sốt nhẹ trong 5-6 ngày rồi khỏi, và 3-4 ngày sau mới sốt cao và chảy nước mắt nước mũi, hoặc đi tướt, trớ.

Tiếp đến là thời kỳ khởi phát, dài 4-5 ngày. Hai triệu chứng nổi bật là sốt và viêm long. Trẻ đột ngột sốt cao 39-39,5 độ C, vẻ mệt mỏi, kèm theo nhức đầu, đau cơ, khớp, chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, ho nhiều, ho khan, có khi bị tiêu chảy.

Các triệu chứng nặng hẳn lên, thân nhiệt tăng vọt, trẻ có thể sốt tới 40 độ C, ho liên tục, co giật, mê sảng... rồi đến đêm thì mọc sởi. Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan dần theo trình tự: mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay.

Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc.

Trong thực tế đôi khi gặp sởi ác tính: ban mọc ít, trẻ sốt cao, mê sảng, xuất huyết, đi tiểu ít... có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn gây viêm tai giữa, viêm phế quản- phổi, viêm thanh quản, viêm não... Điều đáng quan tâm là sau sởi trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nặng.

Về điều trị, hiện chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng. Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm long; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Hằng ngày vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh.

Cho ăn nhẹ, đủ chất, uống nhiều nước (dung dịch Oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy. Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ. Cho uống thuốc giảm ho. Trẻ sốt cao lau khăn ấm, cho uống paracetamol, thuốc an thần.

Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh-khí-phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh; và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.

Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Bệnh quai bị

Bệnh thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ...

Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19. Quai bị gây miễn dịch bền vững dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.

Quai bị lây theo đường hô hấp qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Thời gian lây là từ  6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.

Biểu hiện của bệnh quai bị sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng.

Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý.

Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể có các biến chứng sau: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn; nhồi máu phổi; viêm buồng trứng; viêm tụy; các tổn thương thần kinh; những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng. Bị quai bị trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu. Một số biến chứng khác: viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác, rối loạn chức năng gan…
Ðiều trị cho mọi bệnh nhân: Cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ nuốt, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn: Mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau; Dùng corticoid đúng liều. Phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị chèn ép nhiều.

Phòng bệnh quai bị chủ động với vaccine, thường kết hợp với phòng sởi và rubella (Trimovax, MMR). Không nên tiêm vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi (tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường tập thể, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên