Thuốc kháng virus kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân AIDS

Bệnh nhân ở độ tuổi 20, với nam giới có thể kéo dài thêm 19 năm và nữ giới thì hơn 30 năm.

Một nghiên cứu mới đây được thực hiện ở châu Phi cho thấy, thuốc chống HIV/AIDS có thể giúp kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân ở mắc đại dịch thế kỷ, giúp họ có cơ hội gần đạt được tuổi thọ trung bình như những người khác sống cùng quốc gia với mình.

Kết quả nghiên cứu do tiến sĩ Jean Nachega thuộc Đại học Stellenbosch, Nam Phi cùng nhóm cộng sự của mình thực hiện cho thấy, những bệnh nhân bị AIDS ở châu Phi được điều trị bằng liệu pháp kháng virus có thể kéo dài tuổi thọ trung bình gần như 1 người bình thường khác. Nghiên cứu này vừa được công bố trong hội nghị của Hiệp hội quốc tế về AIDS (the International AIDS Society). Theo các nhà khoa học, trong hơn 30 năm qua, đại địch thế kỷ HIV/AIDS là nguyên nhân khiến giảm tuổi thọ của các bệnh nhân mắc bệnh này từ 15 tới 20 năm hoặc thậm chí là hơn nữa.

Tiến sĩ Nachega nói: “Tất cả những gì trước đây chúng ta có thể làm được như việc cung cấp nguồn nước sạch, các chương trình tiêm chủng mở rộng dường như không mang lại nhiều hiệu quả trong việc đối phó với đại dịch AIDS tại châu Phi. Hiện có thể thấy rõ một số dấu hiệu tích cực đó chính là những kết quả khả quan mà chúng ta vừa thu được từ việc đầu tư vào các chương trình kháng virus điều trị bệnh AIDS”.

Nghiên cứu được tiến hành với 22.000 đối tượng đang được điều trị HIV/AIDS tại Uganda - quốc gia mà tuổi thọ trung bình của người dân chỉ khoảng 55 tuổi. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu ở 2 nhóm đối tượng nam giới và nữ giới là hoàn toàn khác nhau. Bệnh nhân ở độ tuổi 20, nếu được điều trị đầy đủ bằng thuốc chống AIDS thì tuổi thọ của nam giới có thể kéo dài thêm 19 năm nữa trong khi ở nữ giới thì thời gian này thậm chí kéo dài thêm hơn 30 năm. Đàn ông ở độ tuổi 35 có thể sống tới 57 tuổi trong khi phụ nữ ở cùng độ tuổi có thể sống tới 67 tuổi.

Lý giải một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt này, nhóm nghiên cứu cho rằng, đó là do phái mạnh thường bắt đầu quá trình điều trị bệnh muộn hơn phái yếu, khiến cho hiệu quả điều trị bệnh thấp hơn. Nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo nên kết hợp quá trình phòng bệnh và điều trị bệnh nhằm mang lại hiệu quả tối đa.

Tiến sĩ Nachega chia sẻ: “Chúng ta không nên tiếp tục xem xét quá trình điều trị và phòng bệnh tách rời nhau. Bản thân việc điều trị cũng là 1 phần của quá trình phòng bệnh. Bởi vì tiến hành điều trị bệnh sớm thì nguy cơ lan truyền virus sang cho bạn tình là thấp hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên