Tư vấn trực tuyến: Phòng chống HIV/AIDS ở nơi làm việc

Các vị khách mời đến từ Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội): Thạc sỹ Nguyễn Thái Minh và bác sỹ Phạm Bá Hiền- bác sỹ điều trị tại khoa Truyền nhiễm, nơi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

* Tôi đọc 1 số tài liệu nói về HIV thấy nói đến khái niệm "phơi nhiễm". Mong Bác sỹ giải thích về khái niệm này và cho biết trong trường hợp nào thì được coi là đã bị " phơi nhiễm " và cách xử trí. Xin cảm ơn.? (Phan Quỳnh Nga, 32 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Khái niệm phơi nhiễm là những trường hợp mà người chưa mắc bệnh không may bị tiếp xúc với máu của bệnh nhân bị nhiễm HIV và có bị tổn thương da hoặc niêm mạc nơi tiếp xúc với máu.

Cách xử trí khi trường hợp này xảy ra là: Nếu tổn thương do vật sắc nhọn đâm vào, ta phải nặn máu ở chỗ tổn thương, sau đó rửa sạch chỗ tổn thương bằng xà phòng và nước. Nếu chỗ tổn thương là niêm mạc thì ta phải rửa bằng nước sạch. Sau đó người bị phơi nhiễm nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn cách điều trị. Cụ thể là có thể đến Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa, 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. ĐT: 04.5115039.

*Cháu có người bạn bị kim tiêm trong bụi cây đâm vào khi đi đường hôm 1/5/2006 (để lại vết sẹo). Đáng nói, bạn đó không sát trùng ngay sau khi bị thương, sáng hôm sau mới nghĩ đến. Hiện giờ bạn đó rất lo lắng và không thể làm việc được. Bác sỹ cho cháu hỏi với tình trạng như bạn cháu thì khả năng bị lây nhiễm HIV có cao không. Từ trước đến giờ liệu đã có trường hợp nào tương tự chưa? Cháu xin cảm ơn bác sĩ nhiều? (Nguyễn Thị Thuý Hạnh, 19 tuổi)

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Trường hợp như bạn hỏi, từ ngày 1/5 đến nay đã quá 72 giờ đồng hồ, do vậy, theo chúng tôi, tốt nhất bạn nên đi làm xét nghiệm HIV và gặp bác sĩ để được tư vấn thêm, bởi vì tình trạng của bạn, chúng tôi không biết được mức độ tổn thương ra sao. Hiện nay, chúng tôi chưa có thống kê chính thức về tình trạng phơi nhiễm như trường hợp bạn nói, vì vậy người bạn của bạn cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm sớm nhất.

* Xin kính chào bác sĩ, chuyên gia tư vấn. Tôi có đứa con, vì xác định cháu nghiện nên mang đi cai. Trung tâm cai nghiện xét nghiệm trong máu cháu đã có HIV dương tính, ngoài ra cháu còn bị viêm gan C nữa. Thật lòng tôi rất buồn và bối rối, vì trong nhà còn có hai em của cháu, tôi không biết cách nên làm thế nào để phòng cho các cháu còn lại. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cám ơn.? (LTT, 56 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Khi con bác bị nghiện và trung tâm cai nghiện xét nghiệm có HIV trong máu của cháu như thế là đã chính xác cháu nhiễm căn bệnh này rồi. Ngoài ra cháu còn bị viêm gan C, trường hợp này là bình thường vì những người nhiễm HIV qua con đường tiêm chích thì có thể đồng nhiễm thêm cả viêm gan C và viêm gan B. Sau khi con của bác cai nghiện xong bác có thể đưa cháu đến Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa để được tư vấn thêm về góc độ điều trị HIV và viêm gan C.

Khi trong nhà có người bệnh, để phòng tránh cho những người thân của bệnh nhân (trong đó có hai em của người bệnh), tốt nhất là bác nên khuyên cho các cháu không nên dính vào ma tuý. Trong quá trình sinh hoạt chung với cháu đã bị nhiễm, trừ trường hợp tiếp xúc với máu của cháu đã bị nhiễm, còn những sinh hoạt khác đều bình thường như: ăn uống, ngủ chung, chơi đùa đều không có khả năng lây nhiễm bệnh.

Trong khi chăm sóc người bệnh, khi người bệnh có lở loét ngoài da thì nên đi găng tay để chăm sóc.

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh

*Xác suất lây nhiễm từ chồng sang vợ (từ vợ sang chồng) là bao nhiêu phần trăm? Có trường hợp nào chồng (vợ) nhiễm bệnh nhưng người còn lại may mắn không nhiễm không ạ? Rất mong câu trả lời của bác sĩ? (Quách Quỳnh, 33 tuổi)

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Xác suất lây nhiễm HIV từ chồng sang vợ hiện vẫn chưa có thống kê nào. Tuy nhiên, theo tài liệu, xác suất lây nhiễm HIV từ nam sang nữ qua sinh hoạt tình dục là 8/1 (khả năng lây từ nam sang nữ là gấp 8 lần) và xác suất lây nhiễm qua đường tình dục từ 0,1 - 0,3%. Trong câu hỏi, chồng hoặc vợ bị nhiễm bệnh nhưng người còn lại may mắn không nhiễm, xin trả lời bạn rằng chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp chồng bị nhiễm nhưng vợ thì không bị nhiễm và có một trường hợp vợ bị nhiễm nhưng chồng lại không bị nhiễm.

* Mẹ của cháu làm ở bệnh viện phòng cấp cứu. Cháu lo cho mẹ lắm. Máu của người HIV bắn vào mắt là ta có thể bị lây đúng không? Giả sử trong trường hợp này nên xử trí ra sao? (Kim Chi, 20 tuổi)

- Bác sỹ Phạm Bá Hiền: Nếu máu của một người bị nhiễm HIV bắn vào niêm mạc mắt thì đó là một nguy cơ lây nhiễm. Nhưng trong các phòng cấp cứu cũng như các phòng điều trị của các bệnh viện thì việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân, các bác sĩ và nhân viên y tế đều có phương tiện phòng hộ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV cũng như các bệnh truyền nhiễm khác lây qua đường máu.

* Cháu đang sinh sống và học tập tại nước ngoài. Mấy hôm trước có một người bạn của cháu sắp về Việt Nam. Vì vậy, trước khi về bạn cháu có mời cháu đi sauna, và chúng cháu có quan hệ với 2 cô gái làng chơi. Thật không may, khi đang "dở chừng" cháu phát hiện ra bao cao su của cháu bị thủng 1 lỗ khoảng bằng đầu tăm. Hiện cháu đang rất lo lắng và sợ sệt. Cô chú giúp cháu với ạ...?(Xyz (giấu Tên), 23 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như của bạn ở Việt Nam. Có thể coi như bạn đã bị phơi nhiễm vì vậy để yên tâm bạn nên đi làm xét nghiệm đúng định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ.

Thứ hai là trường hợp phơi nhiễm như của bạn có xác suất vô cùng thấp, theo tài liệu là từ 0,1% đến 0,3% vì vậy bạn cũng không nên lo lắng quá vì chưa chắc hai cô gái mà bạn quan hệ đã nhiễm HIV, hơn nữa chúng tôi cũng chưa biết được sau khi phát hiện ra bao cao su bị thủng thì bạn đã xử trí ra sao, vì vậy tốt nhất là bạn nên đi khám và làm xét nghiệm ở các cơ sở y tế để được tư vấn thêm.


* Em bị phơi nhiễm và đã điều trị ARV sau 24 giờ. Vậy có muộn quá không? Em điều trị 4 tuần, nay đã 6 tuần trôi qua rồi. Em lo lắng quá? (Đỗ Văn Trọng, 28 tuổi)

 - Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Để điều trị phơi nhiễm HIV, thì cần có trong thời gian 72 giờ kể từ khi có nhiễm. Vậy thường tốt nhất trong 6 giờ đầu, bạn điều trị sau 24 giờ là trong thời gian cho phép. Bạn đã điều trị trong 4 tuần và hãy nên đi xét nghiệm trong thời gian 3 tháng, là kết quả cho phép trong thời gian không bị nhiễm HIV. 

* Sữa mẹ có truyền HIV sang con không? Bao nhiêu phần trăm bé sơ sinh bị nhiễm từ người mẹ mang virus HIV ạ?(Trần Thanh Hải, 28 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Các nhà khoa học đã chứng minh rằng sữa mẹ có mang virus HIV. Tỷ lệ những cháu bé bị lây nhiễm HIV từ những bà mẹ có HIV vào khoảng 30-40%. Lây truyền từ các bà mẹ cho các cháu bé sẽ có thể ở ba giai đoạn: trong thời kỳ mang thai (25%), trong khi sinh nở (50%) và giai đoạn cho con bú (25%).

* HIV có thể lây qua bể bơi không ạ? Ví dụ những người bị lở loét mà họ lại đến bể bơi? (Trịnh Minh Huyền, 21 tuổi)

Bác sĩ Phạm Bá Hiền: HIV/AIDS không lây qua khi tắm chung cùng một bể bơi với những người bị nhiễm HIV. HIV là một bệnh lây những cũng rất khó lây nếu chúng ta biết cách phòng tránh. HIV là một virus tồn tại yếu ở môi trường ngoại cảnh. Cho nên khi tắm chung cùng bể bơi với những người bị nhiễm HIV chúng ta không sợ bị lây nhiễm.

* Cháu muốn hỏi bác sĩ, bệnh lây nhiễm HIV xuất phát từ đâu? Khi nào? Virus này khi ra môi trường ngoài có thể sống được bao lâu? Tại sao virus HIV lại không lây nhiễm khi bị muỗi hút? Cháu mong bác sĩ trả lời giúp cháu. Cháu xin cảm ơn? (Nguyễn Mạnh Thắng, 21 tuổi)

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: HIV thường bị lây nhiễm qua các con đường sau: Quan hệ tình dục không an toàn; Tiêm chích ma tuý (có sử dụng bơm kim tiêm chung); từ người mẹ bị nhiễm HIV lây sang con. Khi virus HIV ra môi trường bên ngoài, thời gian tồn tại của virus này tuỳ thuộc vào môi trường bên ngoài. Ở nhiệt độ 56 độ C, virus chỉ tồn tại được khoảng 2 phút và bị tiêu diệt nhanh bằng cồn 70 độ và các hoá chất sát khuẩn. Theo tài liệu, khi muỗi hút máu người bị nhiễm HIV, virus theo máu vào dạ dày của muỗi, do môi trường trong dạ dày của muỗi không phù hợp cho sự tồn tại của virus HIV, do đó virus HIV nhanh chóng bị tiêu diệt. Do vậy, khi bị muỗi đốt, không có khả năng bị lây nhiễm HIV.

* Tự dưng không hiểu sao em bị viêm gan B!!! Em nghĩ mãi chắc có thể em bị lây khi đi cắt tóc, mặc dù em toàn mang lưỡi dao cạo đi nhưng có thể là cái mút phủi tóc. Sợ thật đấy, em đã cẩn thận thế mà còn bị Viêm gan B thì có thể nhiễm HIV/AIDS như chơi!? (Hải Hoà, 29 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: HIV và viêm gan B đều là những bệnh do virus gây ra. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm viêm gan B cao hơn khoảng 100 lần so với nguy cơ lây nhiễm HIV. Đường lây của hai virus trên là giống nhau, đó là lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Khi chúng ta sử dụng dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng có dính máu thì có nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nguy cơ đó sẽ xảy ra dễ hơn khi lây nhiễm virus viêm gan B.

* Ngày 30/4 vừa rồi tôi bị tai nạn giao thông, bị ngã và chảy máu chân. Sau đó tôi phát hiện thấy ở gần chỗ tôi ngã có chiếc kim tiêm. Thời gian gần đây không hiểu do tôi quá lo lắng hay đã nhiễm bệnh mà bị sụt cân. Tôi muốn hỏi là làm thế nào để xác định mình có mắc bệnh hay không và đến nơi nào để xét nghiệm? (một bạn đọc gọi qua điện thoại, 34 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Bạn không nói rõ là bạn bị ngã và chảy máu chân nhưng có bị bơm kim tiêm đâm vào không. Cũng có thể bạn bị ngã và chảy máu do tai nạn giao thông chứ không phải do bị kim tiêm đâm vào. Trường hợp này bạn không nên lo lắng như vậy. Vấn đề bạn hỏi là bạn bị sụt cân và để xác định mình có bị nhiễm bệnh hay không, bạn nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm và tư vấn thêm. Bạn có thể đến Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội hoặc các Trung tâm Y tế Dự phòng của tỉnh nơi bạn sinh sống để được xét nghiệm và tư vấn. 

*Gần đây em nghe kể câu chuyện có người không bị HIV lấy người đã bị nhiễm HIV. Vậy điều này có nên không ạ? (Theo em nghĩ thì không nên khuyến khích vì quá nguy hiểm). Và nếu người vợ không nhiễm thì họ có thể có 1 đứa con chung không?(Thanh Hằng, 26 tuổi)

-Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Ở Việt Nam cho đến nay có rất nhiều người bị nhiễm HIV và cũng có rất nhiều người khi biết bạn tình của mình bị nhiễm HIV và họ vẫn quyết định chung sống cùng nhau nếu như họ không quyết định có con thì những tiếp xúc thông thường hàng ngày sẽ không có nguy cơ lây nhiễm. Nếu thực sự họ muốn có con thì họ vẫn có nguy cơ lây nhiễm từ chồng hoặc ngược lại.

* Vừa qua chúng tôi chăm sóc 1 em bé có HIV bị bỏ rơi ở bệnh viện. Bé không lở loét nhiều mà chỉ bị hăm do đóng bỉm. Khi tắm cho cháu găng tay cao su của tôi bị rách, mà tôi có mấy vết kim châm ở tay. Tôi có phải điều trị không ạ và địa chỉ điều trị ở đâu?(Khải Đính, 34 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Trong trường hợp của chị, theo tôi, đó là một trường hợp chăm sóc thông thường đối với những người nhiễm HIV nói chung và trẻ bị nhiễm HIV nói riêng. HIV không lây qua đường tiếp xúc. Khi da của trẻ lành lặn, trẻ không bị chảy máu thì chị hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc cho trẻ mà không phải đi khám và điều trị.

* Hôm trước tôi can 2 thanh niên đánh nhau, họ đều chảy máu và khi về nhà tôi phát hiện tay mình cản họ cũng bị xước. Tôi phân vân quá chẳng biết họ là ai… Chắc 3 tháng sau tôi cũng phải đi xét nghiệm thử. Tôi muốn hỏi rằng nếu chẳng may bị chảy máu và máu người HIV bắn vào thì cần xử trí ngay lập tức thế nào? (Trần Mạnh Đình, 37 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Thưa bạn Trần Mạnh Đình, khi bạn có vết thương bị chảy máu và vết thương đó có tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV thì đó được gọi là một nguy cơ lây nhiễm. Trong trường hợp đó, cần phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng có thể sử dụng cồn để sát trùng vết thương. Sau đó, bạn đến các cơ sở chăm sóc và điều trị hoặc cơ sở tư vấn về HIV để kiểm tra xem từ trước bạn đã bị nhiễm HIV hay chưa? Nếu HIV được khẳng định là dương tính, có nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV từ trước rồi. Còn nếu kết quả xét nghiệm HIV là âm tính, bạn sẽ được các bác sĩ khuyên uống thuốc (ARV) trong vòng 1 tháng. Sau đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra kết quả xét nghiệm sau 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm. Đây là các trường hợp cụ thể, còn nếu như trường hợp của bạn, bạn nên đến các cơ sở nêu trên để có câu trả lời chính xác. 

* Thưa bác sĩ, HIV cũng có nghĩa là AIDS đúng không ạ? (Caco, 16 tuổi)

- Bác sĩ: Thực ra, HIV để chỉ tình trạng bị nhiễm virus HIV. Còn AIDS là giai đoạn cuối của người bị nhiễm HIV. Khi một người bị nhiễm HIV, diễn biến lâm sàng của người nhiễm thường trải qua 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu là tình trạng nhiễm HIV cấp, thời gian thường kéo dài khoảng 2 tuần với các biểu hiện giống như bệnh cảm của nhiễm các virus thông thường, cũng bị sốt, đau đầu, đau mỏi cơ khớp toàn thân, có thể có viêm long đường hô hấp.

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn nhiễm virus HIV không triệu chứng. Nghĩa là ở giai đoạn này, người nhiễm hoàn toàn không có các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài, chỉ trừ xét nghiệm máu mới phát hiện được. Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều tháng.

Giai đoạn ba là giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện một số các bệnh nhiễm trùng cơ hội đặc trưng (là các bệnh nhiễm trùng xâm nhập vào cơ thể khi người bệnh có tình trạng suy giảm miễn dịch). Giai đoạn này thường kéo dài từ 1-2 năm và sau đó bệnh nhân chuyển sang giai đoạn cuối là giai đoạn AIDS. Thời gian diễn tiến trung bình từ lúc bị nhiễm HIV đến khi chuyển sang giai đoạn AIDS thường là từ 4-7 năm.

* Sao HIV lại lây qua kim tiêm được? Cái kim tiêm nhỏ xíu vậy có chứa bao nhiêu máu đâu? Xin bác sĩ giải thích? (Nguyễn Hồng Nhi, 15 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Như bạn biết, HIV/AIDS lây qua đường sử dụng chung bơm kim tiêm với người bị nhiễm HIV. Khi ta sử dụng chung bơm kim tiêm, máu mang virus HIV sẽ truyền cho những người sử dụng chung bơm kim tiêm đó. Thực ra, cái kim tiêm trông nhỏ vậy nhưng trong nó có nòng rỗng. Và khi trong nòng rỗng đó có chứa máu của người nhiễm HIV thì nó hoàn toàn có khả năng lây nhiễm sang người khác.

* Ở cổng xưởng may nơi tôi làm việc có một chị công nhân hình như bị nhiễm HIV do lây qua chồng. Chị là một công nhân làm việc rất năng suất và có hiệu quả, nhưng luôn bị mọi người xa lánh. Là một cán bộ đoàn trong công xưởng, tôi rất mong bác sĩ hướng dẫn cho tôi “Đường lây và không lây nhiễm HIV” để tôi giải thích với anh chị em công nhân và mong muốn họ có cách nhìn nhận tích cực hơn với chị công nhân bị lây nhiễm? (Hà Dũng, 28 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp như bạn nói là bị lây nhiễm HIV qua chồng. Những trường hợp này rất đáng thương bởi họ chỉ là nạn nhân vì vậy càng nên được giúp đỡ nhiều hơn trong xã hội. Những con đường có thể dẫn tới lây nhiễm HIV là: dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma tuý; quan hệ tình dục không an toàn và từ người mẹ bị nhiễm HIV truyền sang con. Còn những sinh hoạt thông thường như ăn uống, ngủ chung, sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt đều không có khả năng lây nhiễm HIV. Như vậy trong quá trình làm việc chung với chị công nhân kia hoàn toàn không bị lây nhiễm HIV.

* Xét nghiệm HIV như thế nào, em thấy có xét nghiệm nhanh và chậm, vậy cái nào chính xác hơn? Sau 3 tháng quan hệ mà đi xét nghiệm không thấy dương tính đã có thể yên tâm chưa? Em chỉ quan hệ 1 lần thôi liệu có khả năng lây nhiễm không? (Nguyễn Minh Hải, 26 tuổi)

- Bác sĩ  Phạm Bá Hiền: Xét nghiệm HIV là những phương pháp xét nghiệm máu để tìm kháng nguyên hoặc kháng thể, kháng virus HIV có ở trong máu. Xét nghiệm nhanh hiện nay thường sử dụng những phương pháp tìm kháng thể kháng virus HIV có ở trong máu. Xét nghiệm này mang tính chất sàng lọc có độ nhạy cao. Tuy nhiên, còn có những trường hợp âm tính giả. Vậy những xét nghiệm để khẳng định HIV người ta phải làm lại bằng phương pháp khác với những chế phẩm và nguyên lý khác nhau (3 phương pháp). Nếu kết quả đều dương tính thì mới được phép kết luận mẫu máu đó bị nhiễm HIV.

Thông thường sau khi có nguy cơ phơi nhiễm, sau thời gian từ 6 đến 8 tuần trong cơ thể sẽ sinh ra lượng kháng thể chống lại HIV với mức bằng các phương pháp xét nghiệm thông thường có thể phát hiện được (thời kỳ cửa sổ). Vậy sau khi 3 tháng, bạn xét nghiệm kết quả âm tính, bạn có thể yên tâm là không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, có một vài trường hợp hạn hữu thời kỳ cửa sổ kéo dài hơn bình thường nếu bạn cẩn thận sẽ xét nghiệm sau thời gian 6 tháng, nếu kết quả yên tâm thì bạn có thể yên tâm.

Đương nhiên, nếu bạn quan hệ không sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm an toàn thì dù chỉ quan hệ một lần cũng có nguy cơ lây nhiễm. 

* Khi nào thì biết HIV chuyển thành bệnh AIDS? Em có HIV rồi (buồn quá, em mới phát hiện ra), nhưng không muốn gia đình biết nên không thể đến bệnh viện thường xuyên được (bố mẹ em hay theo dõi em từ dạo em nghiện). Em muốn tự chăm sóc cho mình thì làm như thế nào? Dùng thuốc ra sao, có tốn kém lắm không và mua ở đâu? (xin giấu tên, 26 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV. Khi đó, sức đề kháng của cơ thể đã suy giảm trầm trọng, là thời kỳ xuất hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Bạn nên đến các trung tâm tư vấn và điều trị HIV/AIDS để được khám, tư vấn, biết được giai đoạn bệnh, từ đó sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp, mang lại sức khoẻ tốt và kéo dài cho bạn.

Bạn hãy yên tâm, cho đến nay đã có rất nhiều loại thuốc sử dụng để điều trị bệnh AIDS nhằm ngăn chặn tối đa sự phát triển của virus trong cơ thể, và đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ thuốc điều trị miễn phí cho người bệnh. Bạn sẽ không phải mất tiền mua thuốc, sẽ được cấp thuốc miễn phí, được theo dõi sức khoẻ định kỳ nếu bạn đến tiếp cận các trung tâm điều trị HIV/AIDS tại nơi bạn sinh sống. Bạn không nên tự chăm sóc mình và tự đi mua thuốc uống vì điều đó rất nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn. Bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ và điều trị theo hướng dẫn.

* Nếu phát hiện ra cơ quan mình có người bị nhiễm HIV/AIDS, nên làm cách nào để phòng tránh lây nhiễm? (Hải Hà, 30 tuổi)

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Như bạn đã biết qua các phương tiện thông tin đại chúng về các con đường lây nhiễm của HIV là qua 3 con đường, cụ thể là quan hệ tình dục không an toàn, tiêm trích ma tuý có sử dụng chung bơm kim tiêm và từ người mẹ bị nhiễm HIV lây sang con. Do vậy, nếu trong cơ quan bạn có người bị nhiễm HIV thì trong sinh hoạt hàng ngày, các tiếp xúc thông thường không có khả năng lây nhiễm HIV. Do vậy, mọi người trong cơ quan không nên có thái độ kỳ thị phân biệt đối xử với người bị nhiễm (bởi vì bản thân người nhiễm HIV họ đã được tư vấn để tránh lây nhiễm sang cộng đồng). Nếu trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, người nhiễm bị kỳ thị thì dễ dẫn đến những hành động tiêu cực, không tốt cho bản thân người nhiễm và cộng đồng xung quanh.

* Trẻ bị HIV ở Việt Nam có được chăm sóc y tế miễn phí không? Có cần yêu cầu giấy tờ gì không?(Hồng Ánh, 30 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Ở Việt Nam, trẻ bị nhiễm HIV đều được chăm sóc miễn phí. Tuy nhiên, những trẻ bị nhiễm HIV thường được chăm sóc tại các bệnh viện nhi. Quá trình chăm sóc chỉ cần có giấy tờ khẳng định là trẻ bị nhiễm HIV. Hiện nay, cái khó là thuốc điều trị kháng virus cho trẻ em còn rất hạn chế. Do đó, trẻ bị nhiễm HIV ít có cơ hội để dùng loại thuốc đó. Chăm sóc cho trẻ bị nhiễm HIV là điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

* Tôi làm nghề cắt tóc nam nữ nên khi làm việc phải tiếp xúc với rất nhiều người - đây có phải là một nguy cơ khiến tôi bị nhiễm HIV không? Trong lúc cạo râu cho các khách hàng nam thỉnh thoảng tôi hoặc khách hàng cũng bị chảy máu, vậy những người làm công việc như tôi có cách nào để phòng tránh lây nhiễm căn bệnh này? (Quỳnh Anh, 25 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Bạn làm nghề cắt tóc và phải tiếp xúc với rất nhiều người nhưng nếu bạn tuân thủ đúng các biện pháp phòng ngừa thì bạn sẽ không bị nhiễm HIV. Ví dụ như trong lúc cạo râu cho khách hàng bạn phải sử dụng lưỡi dao cạo riêng cho từng khách hàng. Trong trường hợp khách hàng bị chảy máu bạn nên hướng dẫn khách hàng cách tự xử trí cầm máu, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với máu của khách hàng. Còn nếu phải trực tiếp xử trí chỗ chảy máu cho khách hàng bạn nên đeo găng tay. Còn trong trường hợp tay bạn có đứt tay hoặc xước da trước khi cắt tóc bạn nên dùng băng dính băng kín vết thương của bạn.

* Trong nhà máy sản xuất, người công nhân bị nhiễm HIV và người công nhân có sức khỏe bình thường có thể mặc chung quần áo bảo hộ lao động? (Nguyễn Đình Toán, 24 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Trong trường hợp người công nhân bị nhiễm HIV vẫn lao động được và anh ta không bị các tổn thương lở loét ở ngoài da thì vẫn có thể mặc chung quần áo bảo hộ lao động với những công nhân khác.

* Cuộc đời em rất buồn. Em lấy người chồng tử tế thế mà không ngờ anh ta bị HIV. Mãi đến khi em đi cắt khối u phải thử máu em mới biết. Em bỏ anh ta rồi, vì căm giận, chắc anh ta phải sống thế nào mới bị HIV. Em nghĩ giá như Nhà nước yêu cầu tất cả các cặp vợ chồng khi kết hôn phải đi thử HIV thì tốt hơn, tránh được cho 1 vài cô gái gặp hoàn cảnh như em. Nay em chả thiết sống nữa, chỉ muốn xin vào trại để chăm sóc cho trẻ HIV hoặc nếu em xin vào bệnh viện làm thì có được không?(Nguyễn Phong Lan, 36 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Hiện nay, ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong cả nước có rất nhiều nhóm người bị nhiễm HIV/AIDS, ví dụ ở Hà Nội có nhóm "Hoa Sữa", "Hoa Hướng Dương", nhóm "Cho bạn và cho tôi"... là các nhóm mà các thành viên là những người nhiễm HIV. Những thành viên này tham gia vào những công việc tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cho những người nhiễm HIV tại cộng đồng. Họ được trang bị những kiến thức về HIV/AIDS, những kỹ năng tư vấn, giúp cho họ có kiến thức cơ bản nhằm hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/AIDS khác, góp phần ngăn chặn sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS. Theo tôi, bạn hãy đến các trung tâm tư vấn và điều trị HIV tại địa phương bạn sinh sống để có những lời giải đáp rõ hơn cho nguyện vọng của bạn. Đối với tất cả các cặp vợ chồng, tôi cho rằng, trước khi kết hôn cũng như trước khi quan hệ nếu đi xét nghiệm HIV để khẳng định chưa bị nhiễm HIV, điều đó cũng làm giảm đi sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS.

* Thưa Bác sĩ, có phải người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối sẽ ho rất nhiều không. Khi ho có phải là cơ hội cho virus lây truyền cho người xung quanh không? (Trần Nho, 26 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Khi người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối (đã chuyển sang AIDS), người bệnh có thể mắc rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội khác và ho chỉ là một triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng cơ hội mà người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối bị mắc. Không nhất thiết là người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối phải bị các bệnh gây ho. Tuy nhiên ở Việt Nam khi người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối rất hay bị nhiễm lao phổi do vậy có thể bạn thấy họ ho rất nhiều. Khi tiếp xúc với những trường hợp này thì chỉ có khả năng bạn sẽ bị lây nhiễm lao chứ không bị lây nhiễm virus HIV.

* Các bạn trong Công ty của tôi thường khi trúng được hợp đồng lớn có khi rủ nhau đi mát-xa và đủ cả mọi công đoạn. Họ trả tiền nhiều để chọn các cô trẻ và "quê quê" để cho an toàn. Tôi muốn hỏi để biết, có phải có những cô bị HIV mà trông vẫn béo tốt khoẻ mạnh không có biểu hiện gì cho ta biết được? (Toàn Thắng, 34 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Để khẳng định người nào bị nhiễm HIV thì chỉ khi chúng ta tiến hành xét nghiệm máu. HIV có thể lây nhiễm ở mọi người, mọi lứa tuổi, mọi đối tượng khác nhau. Nhìn bên ngoài, chúng ta rất khó phát hiện hoặc khẳng định người đó có thể bị nhiễm HIV hay không.  

* HIV và bệnh AIDS khác nhau như thế nào, xin bác sĩ giải thích? (Trần Nam Hải, 27 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: HIV là chữ viết tắt của virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Còn AIDS là chữ viết tắt của Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. HIV là muốn nói một người nào đó bị nhiễm HIV, tức là trong máu của người đó có sự tồn tại của virus HIV. Còn AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV, biểu hiện sự suy giảm miễn dịch trầm trọng trong cơ thể, là cơ hội cho sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng cơ hội, sự xuất hiện của các khối u, cũng như những biểu hiện của rối loạn tâm thần.

* Em có người em trai bị nghiện ma tuý từ 2 năm trước đây, đến nay đang cai nghiện tại gia đình. Mặt mũi và cả tay chân cậu ấy có nhiều nốt nhỏ, đỏ và sưng như mụn trứng cá. Có phải đấy là dấu hiệu của HIV/AIDS? Em muốn khuyên cậu ấy đi thử máu nhưng không biết nói thế nào, tự dưng nói ra sợ sứt mẻ tình cảm làm bố mẹ em phiền lòng. Em phải làm sao bây giờ? (Ngô Uyển Phương, 28 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Trường hợp của em bạn có biểu hiện lâm sàng như bạn nói, điều này chưa thể khẳng định đấy là dấu hiệu của HIV/AIDS. Muốn khẳng định người em trai của bạn có bị nhiễm HIV không thì buộc phải làm xét nghiệm máu. Trong trường hợp này, bạn nên khuyên người em trai đi khám chuyên khoa Da liễu và ở đó các bác sĩ sẽ tư vấn cho cậu em trai của bạn.

* Hôn nhau cũng sẽ lây HIV đúng không ạ? Nhỡ ta bị chảy máu răng hay xước lợi? Thế nếu ăn cơm hàng bình dân mà đũa không sạch, rồi nhỡ người ta bị nhiệt ở mồm thì sẽ lây lung tung cả phải không? Em muốn hỏi nếu hôn người có HIV thì có lây không? Trong nước bọt có virus không? (Nghiêm Thị Minh Hằng, 22 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Theo các tài liệu chúng tôi được nghiên cứu thì trừ trường hợp hôn sâu còn những cái hôn giao tiếp thông thường đều không có khả năng lây nhiễm HIV. Mặt khác trong nước bọt của người nhiễm HIV có nồng độ virus vô cùng thấp, ít có khả năng lây nhiễm cho người khác. Do vậy nếu hôn người có HIV thì khả năng lây nhiễm rất ít. Còn việc ăn uống chung, sử dụng chung bát đũa hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm virus HIV.

* Kinh nguyệt của phụ nữ có HIV chắc là phải mang virus. Vậy ngồi chung bồn cầu ở công ty thì chắc chắn nguy hiểm rồi. Công ty tôi có một cô lăng nhăng lắm, làm tôi thấy sợ hãi và nhiều khi không dám dùng nhà vệ sinh nữ ở sở mà cứ nhịn về đến nhà. Nỗi sợ hãi của tôi phải chăng là vô lý? (Nguyễn Thị Mơ, 24 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Bạn thân mến, việc bạn lo lắng cũng đúng thôi. Bạn nên biết, không phải những người "lăng nhăng" thì mới bị nhiễm HIV mà ngay cả những người bình thường cũng có thể bị nhiễm HIV. Cho nên, mọi lúc mọi nơi bạn nên cẩn thận đừng để máu của người khác dính vào máu của cơ thể bạn. 

* Xin bác sĩ cho biết những biện pháp cần thiết để phòng tránh lây nhiễm HIV khi chăm sóc người bệnh mang virus này? (QM, 58 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Những biện pháp phòng tránh HIV, đó là trong quá trình chăm sóc đảm bảo không để cho máu hoặc dịch của người bệnh bắn vào những vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc của người chăm sóc. Vì vậy, những chăm sóc thông thường như: thay quần áo, lau người, tắm...  cho bệnh nhân, nếu da cơ thể của bệnh nhân không có những tổn thương chảy máu thì sẽ không có nguy cơ lây  nhiễm HIV. Nếu người bệnh có những vết thương có máu thì người chăm sóc phải có các phương tiện phòng hộ, ví dụ phải đeo găng tay trong quá trình chăm sóc để đảm bảo máu của người bệnh không dính vào cơ thể mình. Trước và sau khi chăm sóc cho người bệnh, người chăm sóc phải rửa tay sát trùng.

* Trẻ nhiễm HIV từ mẹ có thể sống lâu không? Có thể nuôi các cháu trong gia đình không hay phải đưa đến bệnh viện? (Trần Thị Mai, 31 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thế Minh: Trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ vẫn có thể nuôi các cháu trong gia đình như bình thường và đi khám định kỳ theo quy định của bác sĩ. Trường hợp, các cháu bị bệnh thì nên đưa các cháu đến khám bác sĩ ngay để điều trị kịp thời các nhiễm trùng cơ hội cho các cháu.

Nếu trẻ nhiễm HIV từ mẹ không được điều trị thuốc kháng và các nhiễm trùng cơ hội kịp thời thì thông thường trẻ chỉ tồn tại không quá 6 năm. Còn những trường hợp nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus thì thời gian tồn tại của trẻ sẽ lâu hơn.

* Nhiễm HIV có ảnh hưởng đến nam và nữ khác nhau không? Phụ nữ chịu đựng tốt hơn hay nam giới? (Hải Thịnh, 34 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Theo thống kê ở Việt Nam thì tỷ lệ người nhiễm là nam giới cao hơn rất nhiều bởi vì các trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam thường là do tiêm chích ma tuý, chỉ có một số ít là lây nhiễm qua đường tình dục và từ mẹ sang con. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi trong quá trình tư vấn và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thì phụ nữ có khả năng chịu đựng tốt hơn nam giới và tuân thủ điều trị tốt hơn.  

* Thưa bác sĩ, hiện nay đang có những loại thuốc nào có thể kháng lại virus HIV? Người bệnh mang virus này cần được chăm sóc như thế nào? (Ct, 48 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền:  Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể như: lamivudin (3TC) , Zidovudin (AZT), Stavudin (D4T)… Người bệnh bị nhiễm HIV cần đến các cơ sở chăm sóc điều trị và tư vấn về HIV để được tư vấn, quản lý và điều trị một cách hợp lý. Nếu bạn ở Hà Tây thì nên đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tây, khoa Truyền nhiễm để có những tư vấn cụ thể cho bạn. 

* Tôi đã một lần quan hệ với bạn gái nhưng không đeo bao cao su, sau đó tôi biết cô này vẫn đôi khi đi khách, hiện giờ tôi rất lo lắng không biết mình có bị nhiễm HIV không, nhưng tôi không dám đi xét nghiệm, làm sao để biết mình bị nhiễm HIV? (Tuan, 29 tuổi)

- Bác sĩ Phạm Bá Hiền: Việc quan hệ không an toàn là có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu bạn tình của mình bị nhiễm HIV. Cách tốt nhất là bạn có thể mời người bạn của mình đến các cơ sở y tế để xét nghiệm HIV. Nếu kết quả xét nghiệm máu của cô ấy là âm tính, thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm không bị nhiễm HIV qua lần quan hệ đó. Còn nếu kết quả của cô ấy là dương tính thì việc quan hệ của bạn là có nguy cơ. Về phía bạn, bạn hãy mạnh dạn đến các trung tâm xét nghiệm để xác định xem mình có bị nhiễm HIV hay không. Thời gian xét nghiệm tốt nhất là sau 3 tháng kể từ lần quan hệ.

* Bạn trai em dạo này có vài biểu hiện kỳ lạ. Em cứ lo lắng ám ảnh có thể anh ấy bị HIV thì sao, vì anh ấy làm lái xe và sống cũng hơi bị thoải mái. Khi giao hợp, nếu chỉ đến khi sắp xuất tinh anh ấy mới dùng bao cao su thì em có khả năng bị lây không (nếu anh ấy đã nhiễm)? (Nguyễn Hồng Vân, 25 tuổi)

- Bác sĩ Nguyễn Thái Minh: Để chắc chắn, bạn nên khuyên anh ấy đi xét nghiệm máu ở các cơ sở y tế và để được tư vấn thêm. Ở câu hỏi sau, tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm cho bạn, bạn nên đề nghị anh ấy sử dụng bao cao su ngay từ đầu. Trường hợp như bạn nói, chỉ có thể phòng tránh có thai chứ không thể phòng tránh được việc lây nhiễm HIV.

 

VOVNews: Các câu hỏi có nội dung trùng lặp, đã được bác sĩ trả lời rồi, vì thời gian có hạn, chúng tôi rất mong bạn đọc xem kỹ ở phần nội dung cuộc tư vấn 

Nếu các bạn tiếp tục có các thắc mắc  về phòng chống HIV/AIDS muốn được giải đáp, xin mời gửi qua địa chỉ email: vovnews@hn.vnn.vn, chúng tôi sẽ chuyển tới các bác sĩ.

Xin cảm ơn các bác sĩ Phạm Bá Hiền và Nguyễn Thái Minh đã tham gia cuộc tư vấn.

Cuộc giao lưu/tư vấn này được thực hiện với sự hỗ trợ của dự án Phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc- thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên