Tiếp tục thận trọng với lạm phát

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc NHNN ra hai quyết định quan trọng về điều hành thị trường tiền tệ cho tháng 10/2008, đó là giữ nguyên mức lãi suất cơ bản VND là 14%/năm như hiện nay và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng là hợp lý trong thời điểm nhạy cảm này.

Tiếp tục mục tiêu ổn định vĩ mô
Như vậy, dù chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) các tháng qua liên tục giảm, đặc biệt tháng 9 chỉ có 0,18%, và nhận định của nhiều chuyên gia về khả năng giảm lãi suất cơ bản thời gian tới, Chính phủ vẫn rất thận trọng với lạm phát, thể hiện bằng việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Đánh giá về quyết định này của Chính phủ, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW - cho rằng, quyết định này thể hiện rõ quyết tâm lấy ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Sự thận trọng của Chính phủ trong thời điểm này là cần thiết bởi từ nay đến cuối năm, tình hình trong nước và thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp. Giá cả theo chu kỳ hàng năm, cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian từ nay tới cuối năm.

Hơn nữa, dù CPI những tháng qua có giảm, nhưng tính chung cả năm, CPI vẫn rất cao, dự báo cả năm có thể từ 25-30%. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, tuy không trực tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng về gián tiếp, chúng ta cũng không thể tránh khỏi bị ít nhiều ảnh hưởng từ cơn địa chấn đó. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian này sẽ là rất nguy hiểm.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tiến sĩ Supachai, Tổng thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển, cho rằng, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời điểm này ở Việt Nam là cần thiết nhưng nếu thực hiện quá mức sẽ giết chết khu vực doanh nghiệp tư nhân, khiến sản xuất bị đình đốn. Còn PGS-TS Ngô Trí Long, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), từng nhận định, các doanh nghiệp hiện đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp không vay được vốn và cũng không ít doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế.  

Nhận định về lãi suất trong thời gian tới, ông Võ Trí Thành cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, vì áp lực lạm phát vẫn còn cao, cần phải rất thận trọng. Nếu phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, cụ thể là thực hiện tốt chính sách tài khóa, thì trong thời gian tới, có thể nới lỏng một phần chính sách tiền tệ.Chèn nội dung vào đây
Bởi vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tăng lãi suât tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND cho các tổ chức tín dụng lên 5%/năm, tức là tăng thêm 1,4% so với mức 3,6%/năm được áp dụng từ đầu tháng 9/2008, theo ông Thành là cách Chính phủ trong chừng mực nhất định, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Nó cũng thể hiện quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ. Dù không giảm lãi suất cơ bản, nhưng động thái này của NHNN thể hiện sự khuyến khích, mở cửa cho các ngân hàng tăng nguồn cung vốn cho thị trường.

Trước đây, NHNN cũng đã nhiều lần kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng với quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ, có thể coi đó là sự kêu gọi bằng hành động cụ thể. Và thực tế, nhiều ngân hàng đã đáp lại cũng bằng hành động cụ thể là giảm lãi suất cho vay (trước đó, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động do cho rằng đã dồi dào vốn và dự đoán lạm phát của những tháng tới và năm sau sẽ không còn quá “nóng” nữa). Theo dự đoán, sau quyết định trên của NHNN, các ngân hàng sẽ bước vào đợt giảm lãi suất cho vay mới.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thực ra cũng là cách ngân hàng tự cứu mình. Bởi rõ ràng, nếu doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài như hiện nay thì hơn ai hết, các ngân hàng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Các ngân hàng sẽ mất khách hàng trong dài hạn, nợ xấu tăng lên do các doanh nghiệp không trả được nợ, đến một mức nào đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thanh khoản của ngân hàng. Việc thị trường bất động sản “đóng băng”, khiến khoản nợ cho vay bất động sản từ năm trước của các ngân hàng trở thành nợ xấu là bài học cho các ngân hàng. Từ nay đến cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, việc các ngân hàng “bơm” vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu là động thái cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên