Những tấm gương vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội

Phát huy tinh thần “tuổi cao chí càng cao”, tích cực làm kinh tế gia đình giỏi, giúp đỡ người khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của địa phương là tôn chỉ sống của nhiều người cao tuổi ở thành phố Cần Thơ.

Chúng tôi đến thăm xưởng may của chú Tư Ni ở khu vực 13, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Xưởng may rộng khoảng 500m2, có hơn 50 công nhân đang làm việc ở rất nhiều công đoạn như in lụa, chạy máy cắt, máy vắt sổ, đóng gói… Công nhân ở đây coi vợ chồng chú Tư như người trong nhà. Họ cùng ăn với gia đình, nhiều người còn ở lại trong dãy nhà chú Tư cất làm nhà tập thể.

Anh Lý, quê Bắc Giang, là công nhân chạy máy kan-sai cho xưởng may kể: “Khi vào tìm việc em được người quen giới thiệu đến đây làm. Vừa vào là chú, dì Tư dạy em tập may ăn công luôn. Bây giờ, em ăn ở với chú  dì, ở dãy nhà chú dì cất cho những người nhà xa. Thu nhập ngoài chi phí của em mỗi năm khoảng 10 triệu, cứ ba bốn tháng em lại gửi tiền về nhà 1 lần. Em dự định làm ở đây một thời gian lâu vài 3 năm nữa cho lành nghề rồi tính tiếp”.

Chú Tư Ni tên thật là Trần Thanh Xuân và vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh, cả hai đều làm nghề thợ may. Khi khởi nghiệp, vợ chồng chú Tư Ni chỉ có 2 máy may vừa nhận may đồ khách, vừa nhận gia công quần đùi xuất khẩu. Thấy công việc không ổn định, lúc có, lúc không, khó sống quá, chú Tư mua vải, tự ra mẫu sản xuất hàng đem bỏ các chợ. Chật vật hơn 15 năm, nhờ siêng năng, kiên nhẫn và làm ăn uy tín, vợ chồng chú Tư Ni cứ thành công dần từng bước một.

Bây giờ, xưởng may của chú Tư kinh doanh hàng may sẵn trẻ em phục vụ khắp địa bàn ĐBSCL và cung cấp cho một số điểm phân phối của thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở của chú Tư giải quyết việc làm quanh năm cho gần 150 lao động. Điều đặc biệt là chú Tư mua gần 100 máy may công nghiệp để các gia đình nghèo quanh xóm nhận về làm phương tiện gia công lúc rảnh rỗi. Vì vậy, nhiều gia đình nghèo ở khu vực 13, phường Châu Văn Liêm có cả 3 thế hệ cùng nhận hàng gia công từ xưởng may của chú Tư và coi đây là nguồn thu nhập chính. Mặc dù con cái đều đã lớn và ra làm ăn riêng, nhưng vợ chồng chú Tư Ni vẫn quanh năm, suốt tháng tất bật với công việc của xưởng may. Chú Tư trở thành chỗ dựa của nhiều gia đình nghèo, thiếu tiền sửa nhà, đóng tiền học cho con họ đều chạy vào nhờ chú giúp rồi nhận hàng may trả dần. Vì những đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương, chú Tư Ni vừa được công nhận là điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc.

Nếu xưởng may của vợ chồng chú Tư Ni là địa chỉ quen thuộc của người dân nghèo phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thì xưởng cơ khí Ba Thới của chú La Khuê Thới – hội viên người cao tuổi quận Ninh Kiều lại là cơ sở hợp tác tích cực của nhiều trường nghề trên địa bàn Cần Thơ. Bởi lẽ, nhiều năm qua, các trường Cao đẳng nghề, trường Đại học Cần Thơ, trường cơ khí Nông nghiệp miền Nam… đã liên tục gửi học sinh, sinh viên tới xưởng Ba Thới để thực tập nghề.

Chú Ba Thới nguyên là công nhân cơ khí của xưởng máy đóng tàu Ba Son. Công việc sản xuất phụ tùng máy móc đối với chú không chỉ đam mê mà còn là trách nhiệm truyền nghề cho thế hệ trẻ. Chú Ba có đầy đủ máy móc hiện đại, có đơn đặt hàng quanh năm, chú chỉ nghề tận tình, giúp đỡ học viên, thợ làm công hết khả năng, nên nhiều bạn trẻ sau khóa thực tập lại xin học tiếp cho tới rành nghề.

Anh Dương Văn Tươi, nhà ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vừa tốt nghiệp trường Công nhân kỹ thuật Cần Thơ vào ngày 30/7 vừa qua. Trong thời gian học tại trường, Tươi đã cùng nhóm đến thực tập tại xưởng cơ khí của chú Ba Thới. Thấy chú Ba có nhiều kinh nghiệm, máy móc kỹ thuật lại đủ loại, hàng thực tập vừa phong phú chủng loại, vừa lúc nào cũng có việc nên Tươi trở lại xin bái thầy học thêm cho cứng tay nghề. Bây giờ, tuy vẫn học nghề nhưng Tươi được nuôi cơm và nhận lương đủ sống. Chỉ một thời gian ngắn nữa, Tươi có thể đủ tự tin và kinh nghiệm để khởi nghiệp tự lập xưởng riêng.

Thành phố Cần Thơ hiện có gần 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh  do người cao tuổi trực tiếp quản lý. Trong số này có 174 trang trại lớn, thu lợi hàng năm hơn 400 triệu đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương. Ngay từ cuối năm 2006, đã có 450 người cao tuổi được công nhận là nòng cốt của phong trào nông dân sản xuất giỏi thành phố. Những năm gần đây, các cấp chính quyền càng chú trọng đến vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế nghề, tạo nhiều điều kiện để họ cống hiến kinh nghiệm bản thân cho sự tiến bộ xã hội và giúp người nghèo trên địa bàn có công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Xưởng may của vợ chồng chú Trần Thanh Xuân và xưởng cơ khí của chú La Khuê Thới chỉ là hai trong số 10 điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi của toàn thành phố. Và phong trào này vẫn đang tiếp tục được nhân lên, hứa hẹn những mô hình mới và những tấm gương phấn đấu hết mình vì hạnh phúc gia đình, vì sự nghiệp tiến bộ xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên