Đề phòng lũ lớn và sạt lở đất

Ngày 31/10 và 1/11, các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái…. cần đề phòng lũ quét xuất hiện trên các sông suối nhỏ, ngập lụt và sạt lở đất

Do ảnh hưởng của đới gió Đông Nam phát triển từ tầng thấp đến 5000m nên bắt đầu từ đêm ngày 30 và sáng sớm 31/10, các tỉnh miền Bắc có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến trận mưa kỷ lục tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đêm 30/10 và rạng sáng ngày 31/10.

Đặc biệt là ở các tỉnh khu vực Việt Bắc, Tây Bắc và vùng đồng bằng, lượng mưa trung bình từ 60 - 100mm. Nhiều nơi đã xuất hiện mưa lớn trên 150mm như tỉnh Hòa Bình có Hưng Thi là 326mm, Chi Nê là 221mm và Kim Bôi 178mm; tỉnh Phú Thọ có Thanh Sơn 147mm, Minh Đài 194mm; tỉnh Tuyên Quang có Sơn Dương là 178mm, tỉnh Hà tây có Ba Thá 269mm, Ba Vì 160mm, Hà Đông 330mm, trạm Láng tại Hà Nội là 156mm. Ngày mai (1/11) khu vực Bắc Bộ vẫn còn có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn làm mực nước các hệ thống sông Bắc Bộ sẽ lên lại. Chiều và tối nay, sông Lô, Thao, Đà và các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình như sông Cầu, sông Thương có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa và nhỏ. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu sông La tiếp tục lên. Ngày mai (1/11), lũ sông Cả tại Nam Đàn có khả năng lên gần mức báo động 3.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, trong những ngày qua, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 12 người chết và mất tích gây thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Riêng tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại nhiều nhất với 7 người chết. Ban chỉ đạo đã yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cần chủ động đề phòng với mưa lũ, nghiêm cấm người dân đi đánh cá, vớt củi khi thấy nước lên. Các tỉnh cần cử ngay các đoàn công tác đến những địa bàn trọng điểm trqực tiếp cùng người dân đối phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên