Ngăn chặn ma tuý xâm nhập qua biên giới

Từ “tam giác vàng”, vượt qua biên giới Lào – Việt, ma túy thẩm lậu vào Việt Nam theo cửa ngõ Tây Bắc. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của bọn tội phạm, ma túy trà trộn, lén lút qua đường chính ngạch, lắt léo, âm thầm theo con đường tiểu ngạch …

Cuộc đấu tranh phòng chống ma túy ở tỉnh Điện Biên – nơi có đường biên giới kéo dài và hiểm trở đã trở nên vô cùng khó khăn, quyết liệt. Đại tá Vi Văn Long – Giám đốc Công an Tỉnh Điện Biên cho biết:Trong những năm vừa qua, nhìn chung, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Điện Biên cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do vị trí địa lý gần biên giới, mật độ dân cư thưa thớt, nhiều dân tộc sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa giáp biên giới nên cuộc đấu tranh phòng chống ma túy còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Với quyết tâm và hoạt động hiệu quả của các cơ quan chức năng, của quần chúng nhân dân, đã hạn chế rất nhiều hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy nhưng các đường dây, băng nhóm tội phạm ma túy vẫn đang tiếp tục hoạt động, câu móc với các đối tượng bên trong, bên ngoài biên giới và với cả đối tượng ở các tỉnh, thành phố khác.

Lợi dụng địa bàn biên giới rừng núi hiểm trở với hàng trăm con đường tiểu ngạch, với hệ thống sông, suối liền kề giữa biên giới hai nước Việt – Lào, các đối tượng vận chuyển ma tuý qua đường mòn bất kể ngày đêm, gây nhiều khó khăn đối với lực lượng chức năng làm công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới. Và, do tội phạm ma túy cũng nhận thức được hành vi phạm tội nên khi lực lượng công an triển khai tấn công, truy quét chúng thường manh động, liều lĩnh, hung hãn chống đối quyết liệt với đủ loại vũ khí nóng, lạnh.

Đại tá Vi Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên

PV: Thưa ông, để triệt phá những đường dây ma tuý được tổ chức ngày càng chặt chẽ, thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh, Công an tỉnh Điện Biên đã có đầu tư thích đáng cho  đơn vị chuyên trách phòng, chống ma tuý?

Đại tá Vi Văn Long: Chúng tôi đã xác định, mặt trận phòng chống tội phạm ma túy là vô cùng quyết liệt, khó khăn. Vì thế, Ban giám đốc Công an tỉnh tập trung bổ sung, tăng cường lực lượng cho đơn vị phòng chống ma tuý (PCMT) thuộc Công an tỉnh và các đội PCMT của công an các huyện, đặc biệt là huyện Điện Biên - địa bàn nóng về tội phạm ma tuý. Tham gia mặt trận nóng bỏng này là những chiến sĩ tinh nhuệ về nghiệp vụ, có sức khoẻ, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh và luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm của Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Công An), chúng tôi đã được bổ sung cán bộ, trang thiết bị và các công cụ hỗ trợ công tác truy bắt tội phạm ma túy. Không chỉ vậy, Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Công An) còn trực tiếp tham gia cùng Công an tỉnh Điện Biên trong các chuyên án phòng chống ma túy có tính chất xuyên quốc gia, với các đối tượng từ bên ngoài vào Việt Nam. Sự giúp đỡ đó đã góp phần quan trọng giúp chúng tôi hạn chế đến mức thấp nhất các đường dây mua bán vận chuyển ma tuý trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trong 10 năm qua, Công an Tỉnh Điện Biên đã lập 4.210 án đấu tranh chống tệ nạn buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, bắt giữ hơn 6.400 đối tượng, thu 105, 83 kg Heroin, trên 774 kg thuốc phiện hơn 10.000 viên ma túy tổng hợp và 34 súng quân dụng, gần 20 kg thuốc nổ, các loại phương tiện vận chuyển và hàng chục tỉ đồng.

Tội phạm ma túy không từ bất kỳ thủ đoạn nào để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Vì vậy, bên cạnh sự manh động, chống đối quyết liệt … khi bị truy bắt, chúng sẵn sàng dùng tiền (nhiều khi lên đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng) để trắng trợn hối lộ, mặc cả với cán bộ, chiến sĩ công an. Do đó,  dù luôn tin tưởng vào phẩm chất của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng chống ma túy nhưng chúng tôi cũng đã dần hoàn thiện quy trình quản lý rất chặt chẽ. Khi “đánh án” chúng  tôi bố trí, tổ chức lực lượng theo tổ, đội và khi khám xét, lập biên bản luôn có sự chứng kiến của đại diện trong và ngoài lực lượng công an.

PV: Thưa ông, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao, rất cần sự hợp tác gắn bó giữa các lực lượng phòng chống ma túy của chúng ta và các lực lượng phòng chống ma túy của nước bạn Lào. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của sự hợp tác này?

Đại tá Vi Văn Long: Đi đôi với việc kiện toàn lực lượng chiến đấu, chúng tôi nhận thức rằng, đối với địa bàn tỉnh Điện Biên, nguồn ma tuý chủ yếu từ bên ngoài vào. Cho nên cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các tỉnh Bắc Lào để làm sao tạo nên một hành lang không ma tuý. Trên quan điểm “giúp bạn là giúp mình”, thời gian vừa qua, với sự giúp đỡ của Bộ Công an, chúng tôi đã tuyển chọn xây dựng đơn vị huấn luyện, làm nhiệm vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng phòng chống ma túy của  bạn Lào. 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã mở được 3 lớp cho 6 tỉnh nước bạn. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng hướng tới chuyên sâu về các kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng trinh sát trực tiếp của nước bạn Lào. Phải nói rằng sau khi được đào tạo, kiến thức nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh phát hiện ma tuý của cán bộ, chiến sĩ bạn Lào đã được nâng lên rõ rệt. Nhờ vậy, đã hạn chế được số đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy tập trung trên các tuyến giáp ranh. Do được ngăn chặn từ phía bạn nên tại khu vực Pa Hốc và các điểm nóng ma túy giáp biên giới, lượng ma tuý từ Lào xâm nhập vào Điện Biên đã giảm hẳn.

PV: Thưa ông, nhiều năm trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý,  ông đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

Đại tá Vi Văn Long: Bên cạnh góc độ nghiệp vụ tinh nhuệ của lực lượng công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, qua việc thực hiện nhiệm vụ của mình, chúng tôi nhận thấy, các đối tượng phạm tội về ma tuý nhiều khi chưa nhận thức hết được mức độ nguy hại cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Cho nên, có những vụ án, có những gia đình từ cha, mẹ, vợ, con … cả nhà là tội phạm ma tuý. Vì vậy, cùng với việc xử lý nghiêm khắc về mặt pháp luật thì công tác tuyên truyền phải được chú trọng đúng mức. Để làm sao đối tượng nhận thức được hết những hậu quả do hành vi phạm tội do mình gây ra và từ bỏ không đi vào con đường cực kỳ nguy hiểm này. Làm sao tuyên truyền thật tốt, thật hiệu quả để những đối tượng có nhận thức còn nhiều hạn chế không đi vào con đường phạm tội.

Năm 2000 và năm 2007, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC17),  Công an tỉnh Điện Biên đã vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công Hạng III do Nhà nước trao tặng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của PC17 như Ngô Thị Thủy, Đinh Tiên Hoàng, Phan Văn Phong … đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công. Trung tá Ngô Thị Thủy còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ VN trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu năm 2006, Trung tá Ngô Minh Đức được Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tuyên dương xuất sắc trên mặt trận phòng chống ma túy

PV:

Ông có nhận định gì về cuộc chiến chống ma tuý trong tương lai?

Đại tá Vi Văn Long: Tỉnh Điện Biên là một địa bàn trọng điểm trên mặt trận phòng chống ma túy. Chúng tôi đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để có những giải pháp kiên quyết và đồng bộ, bảo đảm không để tái trồng ma tuý trên địa bàn của tỉnh Năm vừa qua, đã tích cực kiểm tra phát hiện và xoá bỏ khoảng 100 m2 trồng cây thuốc phiện. Con số này khẳng định, nguồn ma túy thẩm lậu trên thị trường đen không có xuất xứ ở Điện Biên. Tuy nhiên, công tác thống kê cho thấy, còn hơn 4.000 đối tượng nghiện hút tại chỗ. Theo tỷ lệ dân số thì tình trạng nghiện hút trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức độ cao…

Thế nhưng, có thể nói, khó khăn và quyết liệt nhất vẫn là việc ngăn chặn nguồn ma túy từ bên ngoài lén lút thẩm lậu qua biên giới. Trong thời gian qua, một mặt, chúng tôi tích cực và quyết tâm ngăn chặn, phòng chống tệ nạn buôn bán, vận chuyển ma túy ở bên trong địa bàn tỉnh, mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của nước bạn Lào, tạo nên hành lang kiểm tra, kiểm soát ngoài biên giới để ngăn chặn, bịt những “lỗ thủng” mà ma túy có thể thẩm lậu trên tuyến biên giới Việt - Lào. Đồng thời, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các lực lượng biên phòng, lực lượng chống ma túy của nước bạn … tập trung truy quét các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy ở hai bên đường biên giới và đã bóc gỡ nhiều đường dây ma túy có tổ chức chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh trên mặt trận phòng chống tệ nạn ma tuý còn nhiều gian nan, phức tạp, nhưng với phưong hướng đã đề ra, với quyết tâm lớn, chúng tôi sẽ từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi, xóa bỏ các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh Điện Biên./.

PV : Xin cảm ơn ông !

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên