Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão

Đến 1/10, với phương châm huy động lực lượng tại chỗ, hơn 450 gia đình có nhà ở bị tốc mái, đổ nghiêng do bão số 7 gây ra tại Hà Tĩnh đã lợp lại mái ngói, sửa chữa hư hỏng, ổn định sinh hoạt trong khi vẫn còn có mưa.

* Hà Tĩnh: Đến 1/10, với phương châm huy động lực lượng tại chỗ, hơn 450 gia đình có nhà ở bị tốc mái, đổ nghiêng do bão số 7 gây ra tại Hà Tĩnh đã lợp lại mái ngói, sửa chữa hư hỏng, ổn định sinh hoạt trong khi vẫn còn có mưa. 16 phòng học bị hư hỏng cũng được xử lý ngay trong sáng 1/10.

Ngành giao thông vận tải đã huy động phương tiện, vật tư sửa chữa, san lấp các đoạn đường bị sạt lở tại Kỳ Anh và một số tuyến ven biển Cẩm Xuyên, Lộc Hà. Công ty điện lực Hà Tĩnh thay thế, dựng lại các cột điện bị đổ gãy, nối dây điện, đến chiều 1/10 một số xã ven biển đã có điện sinh hoạt. Từ sáng 1/10, những hộ có lúa hè thu bị ngập trong cơn bão đã bắt tay thu hoạch. Theo Sở nông nghiệp phát triển nông thôn, trong 3 ngày tới diện tích lúa bị ngập hơn 900 ha sẽ được thu hoạch xong.

UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định hỗ trợ một phần giá giống cây trồng cho những hộ gia đình có cây vụ đông bị hư hỏng do bão số 7 gây ra để trồng lại.

* Nghệ An: Đến 17 giờ 30 phút ngày 1/10, sau khi huy động 20 cán bộ chiến sỹ biên phòng, hải quân cùng với tàu tìm kiếm, lực lượng cứu nạn cứu hộ của tỉnh Nghệ An vẫn không tìm thấy tung tích 3 ngư dân được coi là mất tích do tàu TH 1958 TS bị chìm tại cột hải đăng Cồn Khơi, Cửa Lò; hiện chiếc tàu này cũng chưa thể trục vớt. Danh tính của 3 ngư dân đã được xác định là anh Long (21 tuổi), Mạnh (22 tuổi), Tuyến (19 tuổi) đều có địa chỉ thường trú tại thôn Bắc Châu, xã Hải Châu, huyện Tỉnh Gia (Thanh Hoá).

Tuy bão số 7 không trực tiếp đổ bộ vào, nhưng tại hầu hết các huyện trong tỉnh đều có thiệt hại về lúa, hoa màu, thuỷ sản và hư hỏng đường giao thông, đường điện và trường học... Tại huyện Nghi Lộc có 1.500 ha ngô, 1.000 ha lúa mùa sớm và lúa hè thu chưa kịp gặt bị đổ dập và ngập trong nước. Huyện Diễn Châu có 450 ha rau màu và 180 ha ngô bị đổ, dập thối trong nước, 2 cống tiêu, 1 tràn qua đường bị hỏng nặng. Huyện miền núi Quỳ Châu đã có 3 lồng nuôi trồng thuỷ sản bị trôi, 400 m kênh bê tông, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng nặng, giao thông từ trung tâm huyện đến các xã Châu Thắng, Châu Hạnh, Châu Hội đang bị ách tắc do sạt lở và ngập chìm trong nước. Hiện giao thông tại nhiều xã miền núi trong tỉnh bị ách tắc, trong đó, trên Quốc lộ 15A có 2 điểm chưa khắc phục được là tại cầu Khe Tọ và tại Km 243 + 250.

*Lạng Sơn: Hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do bão số 6 gây ra và từng bước ổn định cuộc sống, ngày 1/10, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định hỗ trợ cho gia đình có người bị chết 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với nhà ở bị sập đổ, hỏng hoàn toàn hoặc phải di dời đến nơi khác. Các hộ thiếu đói do thiếu lương thực được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/người, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày bị ảnh hưởng. Các hộ có trâu, bò bị chết do lũ được hỗ trợ 2 triệu đồng/con.

Hiện, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh nối với các tỉnh khác đã được thông xe. Ngành điện đã khôi phục cấp điện đến tất cả các huyện, thành phố. Sở Y tế đã đưa 300 kg thuốc khử trùng và cử cán bộ xuống giúp các huyện để sử lý nước sinh hoạt và xử lý môi trường sau lũ. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chuyển 220kg hóa chất để xử lý nước uống, sinh hoạt cho Lạng Sơn. Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ tỉnh 100 thùng hàng, trị giá mỗi thùng 400.000 đồng và 200 triệu đồng tiền mặt. Hội chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 2 triệu đồng. UBND Thành phố Lạng Sơn đã chuyển 200 thùng mỳ tôm hỗ trợ cho khu vực úng ngập.

* Sơn La: Giúp bà con vùng lũ Sơn La nhanh chóng ổn định cuộc sống, Hội chữ thập đỏ tỉnh tăng cường các đội công tác mang hàng hoá đến trực tiếp cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng. Đến 1/10, Hội đã chuyển 600 thùng hàng do Trung ương Hội chữ đỏ Việt Nam hỗ trợ gồm chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt gia đình và gần 300 triệu đồng. Hội chữ thập đỏ phường Phố Huế, thành phố Hà Nội ủng hộ 10 tấn gạo và 1 xe quần áo đến nhân dân vùng lũ.

Hội chữ thập đỏ Sơn La đã chuyển hàng cứu trợ xuống các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất như Bắc Yên, Mai Sơn, Yên Châu, kịp thời hỗ trợ bà con vùng lũ ổn định cuộc sống sau lũ. Nhiều đoàn công tác cứu trợ của các đơn vị trong tỉnh Sơn La đã xuống các xã bị thiệt hại nặng để hỗ trợ lương thực, thuốc men, giúp người dân di chuyển và dựng nhà, sớm ổn định cuộc sống.
Tỉnh đã huy động phương tiện máy móc, nhân lực san gạt khắc phục ngay các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Đến nay, Quốc lộ 6 và một số tuyến tỉnh lộ đã cơ bản thông xe (trừ quốc lộ 37)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên