Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển dài hạn tốt

Kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu tích cực nhưng mức độ bất ổn vĩ mô vẫn còn rất cao vào những tháng cuối năm; việc triển khai 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng.

Ngày 2/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn kinh tế 2008 với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô – thách thức và giải pháp”.

Theo TS Đinh Văn Ân - Viện trưởng CIEM: “Diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây gây ra nhiều tranh cãi về một bộ chính sách đúng đắn, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái và chính sách tài khoá, và về vấn đề nên hay không nên tập trung vào bình ổn kinh tế, bao gồm cả việc tiếp tục giảm lạm phát”.

TS Ân cũng cho rằng, quản lý kinh tế vĩ mô bao gồm một bộ chính sách gồm: chính sách tài khoá, tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Những chính sách này cần hài hoà, cân đối với nhau. Sự cân đối là cần thiết vì các thành phần tư nhân trong nền kinh tế thị trường cần thay đổi hành vi của mình. Lòng tin chỉ có được khi các chính sách đó minh bạch và Chính phủ và Ngân hàng trung ương không cùng lúc đưa ra những chính sách mâu thuẫn nhau.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế tại Diễn đàn, kinh tế Việt Nam hiện gặp phải những khó khăn, phức tạp, song là tạm thời. Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển dài hạn tốt. Tiềm năng dài hạn và lợi thế so sánh vẫn phần nào được thể hiện 9 tháng năm 2008, đã có 8,1 tỷ USD FDI thực hienẹ và xuất khẩu tăng 39%.

TS Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định: Khủng hoảng tài chính Mỹ trong ngắn hạn sẽ có tác động đến việc huy động các nguồn vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động và 60% doanh nghiệp ở qui mô này gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; 70% làng nghề hoạt động vất vả. Hệ quả của vấn đề này là tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng.

Trong những tháng còn lại của năm 2008, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách vi mô và vĩ mô, tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng vẫn phải đảm bảo cung ứng đủ vốn cho các công trình quan trọng và nâng cao năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng-tài chính còn nhiều yếu kém; rủi ro về thanh khoản vẫn còn vì phụ thuộc nhiều vào tiền gửi (tiền gửi lại phụ thuộc lãi suất). Trong khi đó, từ đầu năm đến nay tốc độ thu tiền gửi lại chậm hơn tốc độ cho vay; nợ quá hạn tăng do tăng trưởng kinh tế giảm; thị trường bất động sản không minh bạch; thị trường vốn còn thiếu minh bạch nên biến động như thị trường giá…

Còn theo bà Maenner (chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức) cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã “có độ mở nhất định”. Tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần cải cách hành chính mạnh hơn nữa, minh bạch về dữ liệu, có cơ chế phân tích, dự báo thường xuyên và sự phối hợp chặt chẽ về quản lý kinh tế vĩ mô giữa chính phủ và các cơ quan quản lý.

Bà Maener cũng cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam cải cách hệ thống giám sát, Ngân hàng Nhà nước, Doanh nghiệp nhà nước đồng thời xây dựng cơ chế rà soát chính sách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên