Quy hoạch giao thông phải đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong quy hoạch giao thông đường bộ, Luật chỉ nên định hướng về chiến lược, còn cụ thể nên giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tự quyết định trong những điều kiện kinh tế cụ thể

Chiều 20/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi). Tại phiên họp thứ 11, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và đã gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều tại buổi thảo luận chiều nay là về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ và tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (đoàn Đồng Tháp), Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) và một số đại biểu cho rằng, quy hoạch phát triển giao thông đường bộ phải gắn kết với quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng đô thị. Việc quy định như trong Dự án Luật rằng “quy hoạch phát triển giao thông đường bộ được lập cho 10 năm và định hướng phát triển ít nhất cho 10 năm tiếp theo” là cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. “Việc quy hoạch 10 năm hay 20 năm không thực tế và không phù hợp. Vì việc quy hoạch còn phụ thuộc vào ngân sách của Nhà nước, mật độ dân số, việc hợp tác của các Nhà đầu tư… Vì thế, Luật chỉ nên định hướng về chiến lược, còn cụ thể nên giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tự quyết định trong những điều kiện kinh tế cụ thể”.

Cũng như đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (đoàn Đồng Tháp), đại biểu Trần Việt Hưng (đoàn Hoà Bình) cũng nhất trí rằng, nên giao việc quyết định cho Chính phủ, bởi nếu quy định mang tính định lượng như trong Luật sẽ dẫn đến việc phát triển giao thông không theo kịp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng liên quan đến quy hoạch giao thông đường bộ, một số ý kiến cho rằng, cần quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đường bộ trong đô thị là từ 20-25%. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không tán đồng ý kiến này và cho rằng, việc quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải căn cứ vào tình hình thực tế và phù hợp với từng cấp, loại đô thị và quy hoạch nói chung. Nếu quy định quỹ đất quá nhiều sẽ không đủ quỹ đất để xây dựng các công trình khác, còn nếu quy định quỹ đất quá ít sẽ không đảm bảo được yêu cầu giao thông trong đô thị.

Kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước

Một vấn đề cũng được các đại biểu khá quan tâm tại buổi thảo luận chiều nay là quy định về việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô hai bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, quy định như Dự án Luật là “phải đội mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn” là không khả thi. Bởi việc kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm là thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, không thể phạt người tiêu dùng chỉ vì họ không đội mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà), đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ), Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) đều đề nghị, Dự án Luật nên bỏ quy định này, như thế rất khó kiểm soát người điều khiển có đội mũ đúng chất lượng tiêu chuẩn hay không. Điều quan trọng nhất là nên tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra chất lượng mũ, không nên để người tiêu dùng phải “gánh” trách nhiệm này.

Một số đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định việc đội mũ bảo hiểm đối với các chức sắc tôn giáo Bà La Môn, Bà Ni của dân tộc Chăm đội khăn, phụ nữ một số dân tộc thiểu số búi tóc ở đỉnh đầu khi tham gia giao thông.

Không sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông

Cũng trong buổi thảo luận, nhiều ý kiến cũng quan tâm đến các hành vi bị cấm khi điều khiển phương tiện giao thông. Các đại biểu cho rằng, việc cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng rượu, bia là cần thiết nhằm mục đích đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu cấm tất cả các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia là không khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Vì thế, quy định về nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện giao thông như quy định trong Dự thảo Luật là cần thiết. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) cho rằng, chỉ cần quy định chung là cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong máu có nồng độ rượu hoặc cồn là đủ, không cần thiết phải phân biệt loại phương tiện giao thông vì thực tế, những đối tượng này đều rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

Đại biểu Trần Vân Tấn (đoàn Tiền Giang), Huỳnh Nghĩa (đoàn thành phố Đà Nẵng) đề nghị, nên quy định thêm vào các hành vi bị cấm là cấm sử dụng điện thoại khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông. Vì theo số liệu của ngành công an, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông chiếm một tỷ lệ tương đối lớn.

Xã hội hoá công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu còn cho ý kiến về việc huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia giao thông. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc huy động lực lượng cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu  Huỳnh Nghĩa (đoàn thành phố Đà Nẵng) cho rằng, trong thời gian qua, lực lượng công an xã đã tham gia rất tốt và có hiệu quả vào công tác này. Vì thế nên tiếp tục khuyến khích sự tham gia của lực lượng này, đây cũng hợp với chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ an toàn giao thông.

Đồng quan điểm với đại biểu Huỳnh Nghĩa, các ý kiến khác cho rằng, trật tự, an toàn giao thông hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ ở các đô thị và trên quốc lộ, tỉnh lộ mà cả ở địa bàn nông thôn. Lực lượng Cảnh sát giao thông rất mỏng, chỉ đủ triển khai ở các thành phố, trục quốc lộ và cũng chỉ duy trì được ở trạng thái bình thường. Nếu duy trì được trật tự, an toàn giao thông trong mọi tình huống thì phải tăng thêm hàng vạn biên chế Cảnh sát giao thông. Trong tình hình hiện nay, việc tăng thêm hàng vạn biên chế là rất khó khăn. Vì thế, duy trì sự tham gia của lực lượng công an xã là rất cần thiết.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại bất đồng quan điểm này và cho rằng, việc Công an xã và các lực lượng cảnh sát khác tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này và không hiệu quả, dễ vi phạm. Mặt khác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng công an xã cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Cũng trong buổi thảo luận, nhiều nội dung về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ, về chính sách phát triển giao thông đường bộ, về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ... cũng được các đại biểu đóng góp ý kiến.

Sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên