Gậy ông đập lưng ông

Chính người của Samsung đã tự huỷ hoại uy tín của hãng. Họ đã làm những người tiêu dùng vốn yêu mến nhãn hiệu này sẽ có “gợn” khi mỗi lần định mua hay sử dụng sản phẩm.

Qua công tác điều tra nắm thông tin, ngày 20/9/2008, Phòng PC15 thuộc Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện và bắt giữ một lô hàng điện tử bắt buộc phải tiêu huỷ mang nhãn hiệu Samsung của Công ty SamsungVina nhưng lại được tuồn ra ngoài để… bán.

 Móc nối đưa hàng phải huỷ ra ngoài

Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, ngày 20/9/2008, ngay sau khi 2 chiếc ô tô chở số hàng điện tử trên rời khỏi kho của SamsungVina, các chiến sĩ PC15 đã bám sát và theo dõi hành trình di chuyển của chúng. Sau một hành trình vòng vo, đến gần 17h cùng ngày, hai chiếc ô tô này đã đậu trước ngõ 155/92 đường Trường Chinh.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ PC15 cho biết, quan sát hiện trường và động tĩnh của các đối tượng vận chuyển, các anh và cán bộ của Đội Quản lý thị trường số 2 đã phải “mật phục” rất lâu vì các đối tượng vận chuyển không chuyển hàng xuống ngay. Kinh nghiệm của các chiến sĩ điều tra cho thấy, trời vẫn sáng, lượng người qua lại đông nên rất có thể các đối tượng “nghi ngại” không dám đưa hàng xuống. Nếu trời càng tối, các đối tượng càng dễ tẩu tán hàng. Qua trao đổi và xin ý kiến lãnh đạo cấp trên, tổ công tác liên ngành công an - quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra hai ô tô mang biển kiểm soát 29U-0901 do Hà Đang Quý, nhà ở tổ 21, Giáp Bát (Hà Nội) điều khiển và ô tô 29S-9095 do Phạm Mạnh Hà điều khiển thì phát hiện một số lượng lớn hàng điện tử, gồm: Tivi thường 10 chiếc, tivi Plasma 2 chiếc, tủ lạnh 4 chiếc, cục nóng máy điều hoà 5 cục, cục lạnh điều hoà 2 cục, tivi LCD Monitor 1 chiếc, tivi LCD 41 chiếc… thuộc diện sản phẩm phải tiêu huỷ của Công ty Điện tử SamsungVina nhưng lại được tuồn ra ngoài.

Qua đấu tranh và khai thác thông tin, cơ quan điều tra phát hiện chủ lô hàng trên là Công Ngọc Phương, sinh năm 1984, trú tại 129, tổ 60, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, Phương thừa nhận có anh trai là Công Minh Tiến hiện phụ trách kế toán tài sản của Samsung. Phương, Tiến cấu kết với Phạm Duy Đông làm việc tại bộ phận vận chuyển kiểm tra chất lượng để tiến hành tuồn số hàng phải tiêu huỷ ra ngoài.

Trao đổi thêm với cán bộ PC15, chúng tôi được biết, để tạo vỏ bọc an toàn cho số hàng trên, các đối tượng Tiến, Phương, Đông đã vẽ ra “giấy thông hành” để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. “Giấy thông hành” của lô hàng phải tiêu huỷ là một biên bản bàn giao, do Công Minh Tiến và Phạm Duy Đông đứng tên, bàn giao lô hàng huỷ đập tại kho Hưng Yên cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Thanh Tùng. Thế nhưng, “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, trước các lý lẽ mà cơ quan điều tra đưa ra: Hàng tiêu huỷ phải được tiến hành ngay tại nhà máy, sao lại đưa ra ngoài; hàng đập huỷ thì phải cắt bỏ Serial No. hoặc cắt bỏ một góc của nhãn này; lấy và huỷ bỏ phiếu bảo hành; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Thanh Tùng không có thật…, Tiến, Phương, Đông đã phải cúi đầu nhận tội.

Ước tính của Đội Quản lý thị trường số 2, loại hàng cùng chủng loại hàng phải huỷ của Samsung hiện được bán trên thị trường có giá trị trên 500 triệu đồng.

 Kẽ hở trong giám sát

Qua tìm hiểu việc tiêu huỷ hàng hư hỏng (hàng loại D) của Samsung, chúng tôi được biết, tất cả các sản phẩm lỗi của Samsung đều được bộ phận kiểm tra chất lượng (QA) kiểm tra, đánh giá và quyết định xem hàng có thuộc loại D, cần được thu hồi từ khách về hay không? Sau đó, hàng này sẽ được thông báo thu hồi qua hệ thống của Samsung và bộ phận vận chuyển (Logistcs).

Trong quá trình tiêu huỷ hàng ở khu vực Hà Nội phải có sự chứng kiến của đại diện: Trưởng bộ phận vận chuyển và kho bãi, nhân viên phòng chất lượng, trưởng bộ phận kế toán bán hàng, kế toán trưởng công ty. Quá trình tiêu huỷ hàng được thực hiện bởi công ty thứ ba (công ty xử lý rác thải) trong phạm vi kho chứa hàng của Samsung và cũng chính công ty này sẽ vận chuyển tất cả rác thải ra khỏi kho Samsung. Toàn bộ quá trình đập huỷ hàng sẽ được bộ phận vận chuyển và kho bãi báo cáo bằng văn bản kèm hình ảnh về Công ty Samsung để kiểm tra, giám sát. Bộ phận vận chuyển và kho bãi của Samsung bắt đầu nhận việc huỷ hàng từ cuối tháng 5/2008 và tính đến ngày 24/9/2008, ông Phạm Duy Đông đã thực hiện tổng cộng 12 đợt.

Một điều tra viên thuộc PC15 cho hay, để che mắt cấp trên, ông Đông cũng tiến hành cho đập một số sản phẩm rồi tiến hành chụp ảnh, lập báo cáo đã… huỷ hàng loại. Điều tra viên này cũng cho hay, quy trình xử lý hàng hỏng của Samsung là chặt chẽ nhưng công tác hậu kiểm xem ra rất lỏng lẻo nên đã để ông Đông và các đối tượng khác dễ bề thực hiện hành vi tuồn hàng phải huỷ ra khỏi công ty.

Sự việc hàng chục sản phẩm buộc phải tiêu huỷ nhưng được nhân viên của Samsung móc nối để đưa ra ngoài vô hình chung đã làm ảnh hưởng tới uy tín, sự tin yêu của khách hàng đối với Samsung.

Nếu không có sự phát hiện, ngăn chặn kịp thời của các chiến sĩ PC15, Đội Quản lý thị trường số 2 thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khôn lường khi những sản phẩm này được làm mới và tung ra thị trường bán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên