Thanh niên lập nghiệp xa quê: Nỗi lo nhà ở?

Hằng năm có rất nhiều sinh viên ra trường lập nghiệp ở thành phố. Bên cạnh đó, còn có một dòng chảy lao động trẻ di cư từ nông thôn đến thành thị tìm việc làm. Tất cả họ đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng phần lớn đang gặp khó khăn về nhà ở.  

Theo điều tra mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức thì có đến 1/3 chưa có chỗ ở ổn định, phải ở ghép hộ với bố mẹ, người thân, ở nhờ, hay thuê nhà. Đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tập trung vào các hộ gia đình trẻ ở khu vực đô thị, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đây là lực lượng lao động chủ lực giữ vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Bên cạnh nhóm cán bộ, công chức, viên chức, hiện nay cả nước có khoảng 1 triệu lao động đang làm việc tại KCN, khu kinh tế và chế xuất. Trong đó có khoảng 700 nghìn lao động là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu về nhà ở nhưng chỉ có 7-10% số lao động này được ở trong các khu nhà xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc từ doanh nghiệp. Còn lại trên 90% lao động có nhu cầu thuê nhà ở phải tự thu xếp thuê nhà trọ từ các hộ dân xây dựng lân cận KCN. Nhà dân cho công nhân thuê thường được xây thành dãy, tường gạch, lợp mái tôn và phibrôximăng, thậm chí cả mái và tường đều ngăn bằng phên lá; hầu như không có khu vệ sinh riêng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, đường cấp điện không an toàn. Diện tích mỗi phòng chỉ rộng 12-14m2 cho từ 3-4 công nhân trọ...

Tỉnh Đồng Nai có hơn 20 KCN, với số lao động lên tới hơn 260.000 người, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh. Dự kiến tới năm 2010, số lao động tại các KCN của tỉnh lên tới 350.000 người. Từ nay tới năm 2010, Đồng Nai cần khoảng 520.000m2 nhà ở cho công nhân.

Hiện tỉnh Đồng Nai đã triển khai chương trình xã hội hóa xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN. Hiện đã có 7 DN bỏ tiền xây nhà ở cho công nhân với diện tích 45.000-50.000m2, giải quyết chỗ ở cho 6.000-6.500 lao động. Giá tiền công nhân phải chi trả hàng tháng thấp hơn thị trường rất nhiều, từ 70.000-80.000đồng/người/tháng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quyền có chỗ ở và quyền sở hữu đối với nhà ở là một quyền cơ bản của con người. Nhà ở là điều kiện đầu tiên để phát triển nguồn lực con người, một yếu tố hết sức quan trọng để phát triển sản xuất. Việc chăm lo, cải thiện chỗ ở cho công nhân viên chức - lao động thu nhập thấp, nhất là công nhân lao động trong các KCN, trách nhiệm trước hết là của Nhà nước, chủ doanh nghiệp.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân viên chức, lao động trẻ ở các vùng quê lên thành phố lập nghiệp, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ. Với các đơn vị sử dụng lao động, Nhà nước nên giao đất để doanh nghiệp xây nhà cho công nhân ở những vị trí thuận lợi và cho doanh nghiệp được hạch toán chi phí này vào chi phí sản xuất. Với những doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, Nhà nước cần giảm tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Tạo quỹ nhà ở cho công nhân, viên chức lao động trẻ chính là tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội./.

Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng Hà Nội Phạm Xuân Đức: Cần có chính sách xây dựng nhà ở xã hội

 ** Thưa ông, hầu hết các bạn trẻ ở các miền quê lên thành phố lập nghiệp đều khó khăn về nhà ở. Vậy họ có thể tiếp cận chương trình nhà ở xã hội như thế nào?

- Hầu hết các bạn trẻ ở quê, đặc biệt là công nhân, lập nghiệp ở thành phố hiện đang phải thuê nhà. Với đồng lương ít ỏi nhiều khi họ phải chấp nhận thuê nhà ở những khu chật chội, bẩn thỉu, mất an ninh để theo đuổi công việc dù thu nhập thấp vẫn khá hơn ở quê nhà. Trong khi đó, quỹ nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân, viên chức, còn khá eo hẹp. Hiện nay, nhà ở xã hội bán trả góp hay cho những đối tượng thu nhập thấp thuê chưa nhiều, rất ít người có thể tiếp cận được. Với giá nhà đất đắt như hiện nay, để sở hữu được một căn hộ nhỏ cũng đòi hỏi phải tích lũy tài chính trong vài chục năm mới có thể mua được. Do đó cần có chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng thu nhập thấp.

** Thưa ông, tại sao DN không mặn mà với những dự án nhà ở xã hội?

- Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn hoạt động là vốn vay ngân hàng, trong điều kiện lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp không muốn gặp rủi ro trong kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp thường đầu tư tập trung đầu tư vào những khu chung cư bán thu tiền ngay.

** Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội đang có những dự án xây dựng nhà ở xã hội nào, thưa ông?

- Công ty chúng tôi được thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN bắc Thăng Long từ năm 2006, hiện đã và đang bàn giao nhà cho công nhân thuê. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã kiểm tra và đánh giá khu nhà ở này chất lượng đảm bảo, thoáng mát, đảm bảo an ninh. Có chỗ an cư, công nhân cũng yên tâm lao động sản xuất.

** Thưa ông, đối tượng nào được tiếp cận với chương trình nhà ở xã hội của công ty?

- Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng quy chế cho thuê và quy chế này đã được thông báo rộng rãi đến công nhân ở KCN bắc Thăng Long.

** Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên