Cái tốt nhân lên

Đi theo tiêu chí, làm nghìn việc tốt để cái tốt được nhân lên, cái xấu phải hổ mình co lại, cộng nhân yêu thương, chia niềm thông cảm

Từ đó lấy điều thứ nhất “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” làm tư tưởng, cốt lõi để thực hiện bốn điều dạy còn lại của Bác, để trở thành cháu ngoan Bác Hồ, danh hiệu mà đã hơn nửa thế kỷ qua ông tự hào mình luôn xứng đáng!

Tuổi thơ không yên ả      

Chúng tôi có mặt ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, quê hương của phong trào “Nghìn việc tốt” trong một buổi sáng đầu đông tiết trời thật đẹp, dễ đem lại cảm giác thanh bình, yên ả. Trước khi tiếp xúc với ông, thật khó có thể hình dung một thầy giáo đã gần 70 tuổi vẫn có được tác phong nhanh nhẹn và vẫn rất bận rộn với công việc đến vậy. Dù đã hẹn trước, nhưng cuộc trò chuyện với người có công khởi xướng phong trào này, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn luôn bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại hẹn làm việc, hẹn gặp gỡ. Qua câu chuyện, cuộc đời của ông hiện lên đủ màu sắc, như “một giọt nước nhỏ trong mênh mông biển đời hạnh phúc và khổ đau đan xen”, như ông từng tự bạch trong cuốn tự truyện chân chất, dung dị mà giàu chất thơ của mình.

Tuổi thơ của ông không yên ả, con đường thành người có học vấn lại càng gian nan. Đang học trường làng, thực dân Pháp chiếm làng, đóng cửa trường, cậu bé Thìn tham gia đội du kích thiếu niên anh hùng Đình Bảng cùng cha anh hoạt động bí mật chống Pháp. Không chịu thất học, các thầy giáo nơi quê hương văn vật, hết lòng với thế hệ trẻ đã mở lớp dạy tư. Về học tại nhà thầy, cậu thiếu niên Thìn lại được tận mắt chứng kiến tấm gương người thầy kiên cường khi bị Pháp bắt, tra tấn ngay trước mặt học trò mà không một lời khai về hoạt động của đội du kích thiếu niên - tổ chức chính thầy giúp đỡ. Rồi sau này lớn lên, gia đình bị qui sai là địa chủ cũng khiến ông gặp nhiều trắc trở khi đến lớp. Nhưng vượt qua tất cả, chàng thanh niên 18 tuổi đời đầy nhiệt huyết ấy vẫn tích cực tham gia mọi hoạt động đoàn thể, vươn lên tự học tự rèn để trở thành thầy giáo.

Vừa dạy vừa học, không tự hài lòng, luôn thấy mình còn dốt, người thanh niên trẻ ấy đã đi bộ hàng giờ đồng hồ trong suốt mấy năm ròng để đến lớp học thêm. Không chỉ truyền dạy kiến thức, thầy giáo Thìn cũng chính là người đưa Đội, Đoàn vào trường lớp và luôn tìm ra hình thức mới, đem lại sinh khí mới cho những hoạt động này. Ông luôn sáng tạo những đợt thi đua với những tên gọi dễ nhớ, ghi dấu ấn trong lòng học trò như phong trào thi đua “Thắp sáng ngọn đuốc Ngô Gia Tự” để học tốt dạy tốt, noi theo tấm gương Ngô Gia Tự với ý tưởng có được khi đến tham quan nhà lãnh tụ Ngô Gia Tự. Để nuôi dưỡng phong trào, ông đã tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc đời, đến những nơi Ngô Gia Tự từng đến, đọc sách, làm thơ về Ngô Gia Tự, trở thành một trong những người có hiểu biết nhiều nhất về người anh hùng này.

Phong trào mang tinh thần thời đại

Nhưng có lẽ, ông nổi tiếng hơn cả với đồng bào cả nước là vì ông đã có một ý tưởng đầy tính nhân văn, mang đậm tinh thần thời đại: Dấy lên phong trào thi đua làm “Nghìn việc tốt”. Ông có thể kể rất rõ ràng, ngày ông phát động phong trào đó trong học sinh trường Tam Sơn vào đầu năm 1963, nhân cái không khí đầy hứng khởi của một ngày lao động trồng cây trên đường vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự. Khi tập hợp lại để tổng kết, thầy giáo Thìn đã đứng lên kêu gọi “Thiếu nhi Tam Sơn làm nghìn việc tốt - Thực hiện năm điều Bác Hồ dạy - Trở thành cháu ngoan Bác Hồ”.

Thầy Thìn tâm sự: “Tôi thấm thía được rằng, sáng kiến dù nhỏ, nhưng nếu biết đề ra đúng lúc, đúng nguyện vọng của quần chúng đang khao khát hành động thì lập tức sẽ biến ngay thành một phong trào rộng rãi”. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào đã có sức lan toả mạnh mẽ không chỉ trong trường học mà đã biến thành chương trình hành động của xã hội, kéo dài trên khắp miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cũng nhân phong trào này, trường Tam Sơn đã có vinh dự được đón Bác về thăm vào dịp Tết năm 1967. Những lời căn dặn của Bác, thầy và trò nhà trường luôn ghi nhớ và có thêm khí thế để người tổng phụ trách phát động hàng loạt những phong trào thi đua được biết đến ở mọi trường, với mọi thiếu niên nhi đồng thời đó như: Công tác Trần Quốc Toản, Kế hoạch nhỏ, Giúp đỡ gia đình nghèo khó, Chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, Kết bạn cùng tiến…

Nguồn nhiệt năng vô tận

Đang trên đà phấn khởi, sáng tạo và được sự ủng hộ của đông đảo các em học sinh cũng như xã hội, thầy Thìn gặp một khó khăn lớn tưởng chừng như cắt đứt mọi ước mơ: Phát hiện mình bị bệnh phong, căn bệnh ngày đó vẫn còn bị xã hội sợ hãi, hắt hủi và là một trong tứ chứng nan y theo quan niệm dân gian. Ngày phải vào trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An) xa tít, quanh năm chỉ có sóng vỗ trong những ngày cuối tháng chạp, mưa lạnh như càng lạnh lẽo hơn với ông. Ông chững lại đau khổ khi nhớ đến nhà thơ Hàn Mặc Tử chỉ sống được có 52 ngày ở trại. Không, mình không thể khoanh tay, sau một đêm thức trắng nhìn biển xanh mênh mông, xốc lại tinh thần: Dừng chân nghỉ chút thế thôi/ Chứ đâu bệnh tật cuộc đời bỏ đi/ Biển xanh sóng vỗ rầm rì/ Yêu thương cuộc sống thầm thì gọi ta/ Bạn ơi, chiến đấu hát ca…

Vừa tuân thủ mọi phác đồ điều trị, ông vừa tiếp tục tự học, sáng tác thơ, chụp ảnh và có được những kiến thức khoa học với căn bệnh của mình. Những hiểu biết đó đã nâng đỡ tinh thần ông, được ông đem truyền đạt lại đã giúp cho các bạn đồng bệnh có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật. Không chỉ là một bệnh nhân đơn thuần, ngay ở mảnh đất dường như bị bỏ quên đó, ông cũng vẫn lao vào công tác. Thành lập và làm Hiệu trưởng Trường học tình thương Lê Văn Tám trên mảnh đất tưởng như tận cùng thế giới, đánh thức lòng yêu cuộc sống, chiến đấu với bệnh tật để có thể trở về với cuộc đời bao la bên ngoài. ở con người này luôn toả ra một nguồn nhiệt năng mạnh mẽ cho mình và giúp mọi người xung quanh cùng đứng vững. Chỉ sau bốn năm, ông trở về, tiếp tục lao động hết mình để đạt được những tấm bằng sáng tạo đáng nể và trở thành Anh hùng Lao động năm 1983, Nhà giáo Nhân dân ngay trong đợt xét tặng đầu tiên, không qua Nhà giáo Ưu tú.

Ở tuổi đáng được nghỉ hưu, di chứng bệnh khiến ông gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng con người này vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Ông hiện đang nắm giữ rất nhiều chức danh: uỷ viên các hội, các đoàn thể, là thầy giáo danh dự của nhiều trường và đặc biệt, là ông từ đầy kiến thức của ngôi đền thờ Bát Đế - Đền Đô. Khách thập phương đến dâng hương nơi đây đều rất ấn tượng với người thủ từ này vì cách nói, cách dẫn giải và kho kiến thức của ông về tám đời vua Lý…

Có thể kể thêm rất nhiều về Nhà giáo Anh hùng này qua những trang đời hào hùng có, bất hạnh có nhưng luôn ngập tràn niềm tin yêu cuộc sống, luôn có được tinh thần lạc quan đáng nể trọng để phấn đấu, vươn lên. Dường như ông luôn lấy được ở đâu đó một nguồn nhiệt năng không chỉ để cho mình hoạt động mà còn toả sáng, còn buộc những người xung quanh cùng hành động. Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Phương, bạn vong niên với ông thành thực tâm sự: “Trong cuộc đời làm nghề của mình, rất nhiều lúc đã thấy thất vọng, thấy buồn nản muốn buông xuôi song cứ nhìn thấy anh Thìn, nghĩ đến anh Thìn là mình lại phải cố, phải phấn đấu…”. Còn chúng tôi, mỗi lần được đến và làm quen với những con người có nhân cách, hành động đẹp đẽ như vậy đều thấy cuộc đời này đáng sống hơn và nhân văn hơn rất nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên