Triển lãm “Rác”

Triển lãm của 3 nghệ sĩ trẻ, với mong muốn đưa ra một lời cảnh báo, gợi lên trách nhiệm của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng về vấn đề nóng bỏng và nhức nhối: rác (ở nghĩa rộng)

Sự ngột ngạt của không gian sống do bị ô nhiễm môi trường.
Sự ngột ngạt của tri thức do bị ô nhiễm kiến thức.

Rác - hữu hình, rác– vô hình đã và đang cưỡng xâm cuộc sống của con người. Dù vô tình hay hữu ý chúng ra vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của hành vi TẠO RA RÁC và gánh chịu hậu quả từ rác mang đến.

Đó là cách đặt vấn đề và ý tưởng cho một cuộc triển lãm - trình diễn - sắp đặt của các nghệ sỹ trẻ. Ba nghệ sỹ, thư pháp gia là Trịnh Tuấn, Phạm Long Hà, Trần Thanh Bình qua nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật thư pháp đã bày tỏ một cách nhìn, cách nghĩ về RÁC cùng sự ô nhiễm; Rác vật chất là loại rác hữu hình, do con người thải ra, gây thảm họa cho môi trường và sức khoẻ. Nhưng còn một loại rác vô hình - đó là rác trí tuệ - cũng của chính con người. Những mặt tiêu cực trong một xã hội hiện đại, của khoa học công nghệ đang là một thứ rác nguy hiểm. Nó đã, đang và sẽ làm cho con người lãnh cảm, thờ ơ, thoái hoá tâm hồn và phi nhân tính. Con người đang phải trả giá ở nhiều góc độ, nhiều phương diện cho những tri thức đi ngược lại lợi ích của nhân loại; và hậu quả sẽ còn tiếp tục nặng nề trong tương lai.

Từ trái qua phải: Trần Thanh Bình, Phạm Long Hà, Trịnh Tuấn

Sắp đặt “Rác”

Cuộc triển lãm “Rác” đem tới cho người xem nhiều cảm xúc, nhiều ý niệm và suy tư về một vấn đề. Trong một không gian chật hẹp, bức bối; ánh sáng phức hợp và đa chiều; RÁC  được trưng bày và thể hiện ở nhiều góc độ: Từ nhỏ đến lớn, từ cũ đến mới, từ đơn giản đến phức tạp, từ hữu hình tới vô hình… RÁC được thể hiện bằng cả sự chuyển động trong trình diễn thư pháp, nhanh chóng xuất hiện và kết thúc - đọng lại một cách cụ thể, rồi ám ảnh cũng như sự tồn tại của rác trong cuộc sống và xã hội.

Nhà thư pháp trẻ Trịnh Tuấn, người có hai kỷ lục Việt Nam về thư pháp - là người khởi xướng ý tưởng đưa câu chuyện về rác vào nghệ thuật thư pháp hiện đại. Anh đã tiếp thu những lý thuyết thư pháp mới – thư pháp Tiền vệ có nguồn gốc từ Nhật Bản, và tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong dòng chảy của thư pháp Việt Nam. Dòng thư pháp mới này đã nới lỏng, cởi bỏ tính cưỡng ép, cứng nhắc trong lý thuyết thư pháp cổ điển; tiến gần hơn với các loại hình nghệ thuật đương đại khác.

Triển lãm “Rác” khai mạc tối 5/11/2008 và kéo dài tới 8/11/2008, tại Thiền Quán - 365 Nguyễn Khang (Cầu Giấy- Hà Nội)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên